Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

An toàn của con người và toàn vẹn môi trường

An toàn của con người và toàn vẹn môi trường

bauxitevnMon 6:50 AM

Đặng Đình Cung (kĩ sư tư vấn)
Tai nạn cá chết hàng loạt ở Vũng Áng là một thảm họa vượt hẳn những gì có thể tưởng tượng được1. Nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng môi trường bị xúc phạm ở nước ta. Bất cứ lúc nào, một tai nạn môi trường trầm trọng tương tự có thể xảy ra ở một nơi như là Núi Pháo, Dak Nông - Tân Rai, Việt Trì, Dung Quất, Chu Lai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay Hải Phòng... Đó là chưa kể đến những nơi có những dự án khổng lồ như là khu gang thép và điện nguyên tử ở Ninh Thuận. Nguyên do là bất cứ tác động nào của con người đều xúc phạm môi trường mà mỗi khi môi trường bị xúc phạm là an toàn của con người bị đe dọa.
Trong bài này, chúng tôi xin trình bày những gì cần làm để giảm thiểu độ nguy kịch của rủi ro xúc phạm an toàn của con người và toàn vẹn môi trường2. Chúng tôi xin dành những vấn đề thời sự như là Formosa hay nhà máy thép Cà Ná cho một bài khác.

Phần 1 - Vì sao môi trường bị xúc phạm

Có nhiều trường hợp xúc phạm môi trường tự nhiên xảy ra ngoài vòng kiềm chế của con người. Nhưng con người đã và đang xúc phạm môi trường trầm trọng hơn.

1. Tác động của thiên nhiên

Từ khi quả đất sinh ra thì đã có động đất và núi lửa phun ra dung nham (lava) từ lòng đất. Phong cảnh có thể bị thay đổi đáng kể, nhiều khi trên diện rộng, khi động đất làm trượt đất, núi lửa phun dung nham. Đất có dung nham của núi lửa thường là những nơi màu mỡ thuận tiện cho canh nông. Dân chúng ở đó sống trong sợ hãi một tai nạn môi trường xảy ra. Núi lửa phun ra sulfua, một khí có hiệu ứng nhà kính và gây ra mưa axít.
Cách đây 100 triệu năm, khí hậu biến đổi một cách đáng kể (hình như là do một thiên thạch va chạm quả đất) làm biến đổi môi trường. Những khủng long sống vào thời đó đã bị tiêu diệt vì không thích nghi với môi trường mới.
Cuốn Exodus của Thánh Kinh có ghi trong số 10 tai ương của Ai Cập thì có sông biến thành máu và ếch chết từ trên trời rơi xuống. Chính Moise cũng đã chứng kiến một vụ thủy triều đỏ. Khi có các hiện tượng này thì người dị đoan tưởng rằng mình đã phạm tội gì đó để cho Trời phạt. Dã sử thời Trung cổ có ghi nhiều lần giáo dân Âu châu làm lễ rước để xin Đức Chúa dung tha sau khi có hiện tượng sinh vật chết hàng loạt. Cả ở thời đại chúng ta, thỉnh thoảng cũng có hiện tượng sinh vật từ trên trời rơi xuống mà không nhà khoa học nào có thể giải thích được3.
Năm nay, trên thế giới có nhiều vụ xúc phạm môi trường trầm trọng hơn thường lệ. Các nhà khoa học liên kết sự gia tăng này với sự gia tăng nhiệt độ của nước và không khí do biến đổi khí hậu cộng hưởng của hiện tượng El Nino, môt nguồn nước cứ vào mùa Giáng sinh là nổi lên từ đáy phía nam Thái Bình Dương. Người ta chưa hiểu rõ tại sao có hiện tượng này nhưng người ta nhận thấy nó làm tăng nhiệt độ mặt nước biển và do đó, ảnh hưởng mạnh đến thời tiết toàn cầu.
Khi nhiệt độ nước gia tăng thì những chất hữu cơ tiêu thụ sinh khí pha trong nước và phân hóa thành khí methan. Các sinh vật trong nước chết vì thiếu sinh khí và các rong phù du tăng sinh bất chợt. Những rong này thường có màu đỏ hay màu nâu làm cho mặt biển cũng mang màu đó. Trong số 300 loài rong gây ra thủy triều đỏ thì có chừng ba chục loài độc hại. Nếu năm nay có nhiều đợt cá chết hàng loạt trên toàn cầu là tại vì cường độ hiện tượng này năm nay đặc biệt mạnh4. Từ nay cho tới khi El Nino đổi chiều, rất có thể sẽ có những đợt sinh vật chết hàng loạt khác và rất có thể trong những các năm tới, các đợt này sẽ tái diễn với chu kì và cường độ chưa ai dự báo được.

2. Tác động của con người

Cách mạng công nghiệp khởi đầu từ thế kỉ XVIII và từ đó, con người xúc phạm môi trường mỗi ngày mỗi trầm trọng hơn. Mọi người đều biết năng lượng hạt nhân có thể gây ra những tai nạn môi trường nặng như ở Tchernobyl và Fukushima và có tiềm năng xúc phạm môi trường trong cả vạn, cả triệu năm. Nhưng ít người ý thức rằng những ngành kinh tế khác đang xúc phạm môi trường với độ nguy kịch cao hơn nhiều. Không như phế liệu hạt nhân, đây là nguy cơ đang diễn ra trước mắt chúng ta. Chúng tôi xin nêu vài thí dụ ấn tượng. Danh sách còn thiếu sót rất nhiều.

(a) Xây đắp hạ tầng và khai thác khoáng sản

Để cải thiện đời sống của con người và phát triển kinh tế, người ta phải xây hạ tầng và chỉnh trang lãnh thổ. Cánh đồng, rừng núi bị thay thế bằng những kiến trúc do con người xây, tính đa dạng sinh thái biến đổi.
Đập thủy lợi xây một cách vô ý thức xúc phạm môi trường nặng nề. Đập ngăn cản thủy vật lên xuống dòng sông như xưa. Phú sa lắng xuống đáy hồ, không chảy xuống hạ lưu để dùng làm thức ăn cho cá và phân bón cho đồng ruộng ở dưới xuôi. Nếu một đập ở thượng lưu vỡ thì nước trong hồ chứa và vật liệu đã dùng để xây nó sẽ tuột xuống, phá vỡ liên hoàn các đập xây ở hạ lưu, gây ra lũ lụt ở quy mô gấp bội một tai nạn vỡ đập thường. Chu kì trữ và tháo nước các hồ ở thượng lưu không nhất thiết hòa hợp với chu kì nhu cầu nước của con người ở hạ lưu.

(b) Tăng hiệu suất canh nông

Để tăng hiệu suất thì nông dân dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học quá mức cần thiết. Những chất phụ gia dùng thừa đó chảy ra sông biển. Để tránh cho thủy sản và gia súc lớn nhỏ khỏi mắc bệnh thì nông dân dùng thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh dùng thừa hòa tan với nước sông nước biển. Với phương pháp chăn nuôi công nghiệp thì gia súc phóng uế tập trung trên một địa bàn hẹp. Nước mưa pha loãng phân của chúng và chảy ra sông ra biển.
Để lấy gỗ quý, để có đất làm rẫy, để trồng cây công nghiệp, cây trong rừng bị đốn và rừng bị đốt. Rễ những cây bị đốn hay bị đốt đó không còn nữa để giữ nước mưa điều tiết sông ngòi, tránh cho đất đá ở sườn núi sạt lở. Lá cây bụi rậm không còn để là chốn nương náu của động vật nữa.

(c) Phát triển công nghiệp

Các nhà máy, đặc biệt các nhà máy đốt năng lượng hóa thạch, phun ra khói chứa bụi tro và nhiều chất ốc-xýt, clorua và sulfua. Con người hít khí đó và mắc bệnh bộ máy hô hấp.
Những khí đó gây ra hiệu ứng nhà kính: địa cầu không thể tỏa hơi nóng ra vũ trụ làm cho nhiệt độ khí quyển tăng dần. Do đó, băng đá ở hai địa cực chảy tan, nước biển tăng nhiệt độ và giãn nở. Hai hiện tượng này làm cho mức nước biển dâng cao. Hậu quả là các hải đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và các vùng ven biển chìm dần dưới mặt nước. Trước mắt là châu thổ các sông trong đất liền bị nước mặn tràn vào, làm xáo trộn kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp và đa dạng sinh thái. Những chất đó phản ứng với nước mưa để thành a-xít và làm cho cây cỏ rừng núi úa khô.
Hậu quả thứ hai của nhiệt độ khí quyển và đại dương gia tăng là thời tiết trở nên bất thường. Từ 10-20 năm trở lại đây, mỗi năm lại có giông bão, lũ lụt nhiều hơn và mạnh hơn trung bình các năm trước. Có thể nói rằng vì đó mà từ hai thập kỉ nay, đời sống kinh tế - xã hội của thế giới không thể dự báo được và lâm vào cảnh khủng hoảng.

(d) Đô thị hóa

Xu hướng là con người sống càng ngày càng đông ở đô thị, thải ra một lượng phế liệu mỗi ngày mỗi lớn mà thiên nhiên không thể hủy hoại hết được.
Âm thanh inh ỏi tập trung ở một diện hẹp. Rác rưởi thì chất đống, lên men và tỏa ra những mùi hôi thối. Nước sinh hoạt đã qua sử dụng thì tháo ra sông ra biển mà không được làm sạch trước. Các nhà máy xử lí phế liệu, các cơ sở sản xuất thủ công hay công nghiệp và các phương tiện giao thông đô thị thải ra môi trường nước, khí và bụi chứa những chất sinh học và hóa chất. Nếu không ô nhiễm trực tiếp sông biển thì khói bụi cũng lắng xuống mặt đất và các nơi trũng để khi có mưa thì chảy ra sông ra biển. Sông ngòi được dùng làm cống vệ sinh cho dân cư đô thị. Rác rưởi vứt xuống sông để trôi dạt xuống hạ lưu hay đổ ra biển. Mọi người coi đại dương như là nơi đổ rác tự nhiên.

(e) Giao thông - Vận tải

Đại dương là nơi thuyên chuyển 90% hàng mậu dịch của thế giới. Khi có bão thì tàu bị đắm mang theo hàng chở trên tàu, còn nếu tàu không đắm thì một phần hàng cũng có thể rơi khỏi tàu. Các hàng hóa đó độc hại ít nhiều. Thường xuyên thủy thủ quẳng ra khỏi tàu phế liệu do sinh hoạt hàng ngày của họ. Sơn vỏ tàu bị tróc, dầu nhớt rò rỉ mà không kiểm soát. Ngoài những hành động vô ý thức đó, họ còn nhân tiện rửa khoang thùng chứa nhiên liệu hay hóa phẩm và xả nước bẩn ra biển.
Ngoài những đường sắt đã được điện hóa, xe hơi chạy bằng điện ở đô thị, tàu buồm và vài thí nghiệm tàu biển chạy bằng năng lượng hạt nhân, ngành giao thông - vận tải trông cậy vào năng lượng hóa thạch. Khói từ động cơ của các phương tiện giao thông - vận tải tham gia vào xúc phạm môi trường với hậu quả mô tả ở trên. Với kinh tế toàn cầu hóa, con người đi lại nhiều hơn xưa, hàng hóa cũng được vận chuyển nhiều và xa hơn xưa và tình trạng này càng ngày càng tồi tệ hơn.

(f) Chiến tranh

Dù thời bình hay thời chiến thì hải quân xúc phạm môi trường như ngành hàng hải dân sự. Khi có hải chiến thì các tàu bị trúng đạn thả ra dầu bao phủ mặt nước, vỏ tàu và tất cả thiết bị, đạn dược rơi chìm dưới đáy biển. Trên đất liền thì bom mìn nổ đào xới đất, biến mặt đất thành nơi hoang dã.
Sau chiến tranh thì bom mìn chưa nổ vẫn có thể nổ bất chợt, đe dọa sinh mạng con người và các sinh vật khác. Nếu không nổ thì chất nổ rò rỉ ra ngoài làm ô nhiễm nước ngầm, xâm nhập chuỗi thực phẩm, sinh ra đủ thứ bệnh cho sinh vật. Một thế kỉ sau trận Verdun bên Pháp, thỉnh thoảng vẫn có một vụ đạn nổ khi cày bừa. Ngoài khơi bờ biển Âu châu, người ta vẫn còn phải quét thủy lôi của hai Thế chiến. Tổ chức phi chính phủ Handicap Internationnal ước tính phải 3 thế kỉ nữa mới dọn được hết bom mìn chưa nổ ở bên Lào. Quân đội Hoa Kỳ đã thải chất độc Da Cam trên 2/3 lãnh thổ miền Nam nước ta. Bốn chục năm sau vẫn còn có người bị nhiễm và sinh ra trẻ con có khuyết tật nặng.

Phần II - Tác động của ô nhiễm

Nếu xúc phạm môi trường mà không có ô nhiễm thì chuyên gia cũng như người phàm tranh cãi với nhau. Cảnh quan mới đẹp hơn hay xấu hơn cảnh quan cũ? Một số loài thú ra đi và được thay thế bằng các loài thú khác thì tốt hay không tốt? Trồng một loại thảo vật thay thế các loại thảo vật cũ thì ảnh hưởng thế nào? Thường thì các phe không nhất trí trên cơ sở khoa học - kỹ thuật nào và tranh cãi mau chóng chuyển sang đấu tranh chính trị5. Nhưng nếu môi trường bị xúc phạm bởi ô nhiễm thì hậu quả bao giờ cũng tiêu cực.

1. Thí dụ khói thuốc lá

Hút thuốc lá một hành động xúc phạm môi trường. Mùi thuốc lá dễ chịu. Thuốc lá cũng là một chất kích thích trí tuệ rất tốt. Như vậy khói thuốc lá đem lại cho bạn một thích thú mà không làm hại bạn gì mấy. Nhưng:
(i) nếu trong một thời hạn ngắn, tỉ dụ trong một buổi họp, bạn đã hít quá nhiều khói thuốc lá thì bạn có thể bị say và phải nhập viện để chạy chữa;
(ii) nếu trong đời bạn mà bạn đã tích tụ quá nhiều khói thuốc lá thì bạn bắt đầu sẽ bị ho, sau đó bị ung thư họng cổ dù bạn nghiện thuốc lá hay chỉ sống gần một người nghiện;
(iii) nếu ở một nơi kín mà có nhiều người hút thuốc lá cùng một lúc thì bạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng đó;
(iv) khi mọi người ngưng hút thuốc lá ở một nơi thì các vật liệu cấu thành khói tự phân rã rồi sau một thời gian, lượng khói trong phòng giảm đến độ không đáng kể;
(v) bạn sẽ bị phiền phức nếu nhiều người hút thuốc lá cùng một lúc ở cùng một nơi thay vì thay phiên nhau hút và phân tán trên một diện tích rộng.
Kết luận thực tiễn của các nhận xét trên là một người không nghiện thuốc lá chắc cũng vẫn ngửi thấy mùi thuốc lá nhưng không phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của nó nếu chờ khá lâu sau khi không còn người hút thuốc nữa hay là nếu tránh xa nơi có người hút thuốc.

2. Tác động giảm theo thời gian

Theo định luật của vật lí học, trong một khoảng khắc thời gian nào đó thì có một tỉ lệ cố định chất ô nhiễm sẽ bị hủy hay tự hủy. Suy từ định luật đó thì một nửa chất ô nhiễm biến mất trong một khoảng khắc cố định gọi là nửa đời hay là chu kì và lượng chất ô nhiễm giảm theo hàm số mũ của thời gian. Tất cả các chất sinh vật hay hóa học đều theo định luật này. Theo định luật này thì số lượng và hàm lượng một chất ô nhiễm giảm theo một hàm số mũ. Sau 10 chu kì thì có thể coi chất ô nhiễm đó như là không còn nữa. Độc giả chuyên về ngành hạt nhân biết rõ định luật này. Nếu người phàm không nhận thấy là tại vì có nhiều chất có chu kì rất lâu hay tại vì thông số đó thay đổi tùy nơi và thời tiết. Tỉ dụ đồng vị plutonium Pu-239 có chu kì 25.000 năm. Chu kì phân tử dioxin ngắn hơn nhưng không ai biết được là bao lâu vì thời gian phân tử đó bị phân hủy mau hay chóng tùy nó ở nơi nóng hay lạnh, bị mặt trời chiếu xạ nhiều hay ít.
Nếu biết rõ chu kì của chất ô nhiễm thì có thể tuyên bố khi nào một vùng đã trở lại an toàn sau khi xúc phạm môi trường. Thổ dân đảo Bikini, nơi Mỹ đã thử bom khinh khí, bây giờ được phép trở lại sinh sống ở đảo với điều kiện chấp nhận kiểm tra sức khỏe định kì. Ba chục năm sau tai nạn, có vài người đã trở lại sống ở Pripyat, thành phố kế bên nhà máy Tchernobyl. Nhưng vì không biết chu kì của dioxin mà đồng bào bị nhiễm chất độc Da cam vẫn sống trong sợ hãi sinh con khuyết tật. Không ai dám tuyên bố vùng họ đang ở không còn độc nữa và trong thân thể hậu duệ của họ không còn dioxin nữa.

3. Tác động giảm theo khoảng cách với nơi sinh ra ô nhiễm

Hàm lượng theo thể tích là số lượng chia cho thể tích. Vậy hàm lượng một chất ô nhiễm giảm theo lũy thừa 3 của khoảng cách từ nơi chất đó phát sinh ra. Một cách tương tự, số lượng một chất ô nhiễm trên một diện tích giảm theo lũy thừa 2 của khoảng cách từ nơi chất đó phát sinh ra.
Lí luận này giả tỉ chất ô nhiễm phân tán tức khắc trong không gian hay diện tích bao quanh. Thực ra thì nó phân tán theo một định luật vật lí gọi là định luật Fick. Theo định luật đó thì ở một thời điểm nào đó, hàm lượng chất ô nhiễm giảm theo hàm số Gauss của khoảng cách từ nơi chất đó phát sinh ra. Thông số của hàm số Gauss này khó có thể xác định vì tùy ở nhiều nhân tố cục bộ.
Nếu phối hợp hai định luật vật lí này thì có thể nói rằng nguy cơ của ô nhiễm giảm rất mau nếu ở xa nơi ô nhiễm phát sinh.
Nhưng thực tế suy ra từ nhận xét này tùy nhiều ở thời tiết. Đáng lí ra thì chất độc do Formosa thải ở Hà Tĩnh chỉ xúc phạm môi trường và làm cá chết trong vòng bán kính 20 đến 30 cây số xung quanh Vũng Áng nhưng vì gió và nguồn nước trên mặt biển hướng về phía nam nên ô nhiễm tràn dọc bờ biển, tới gần Đà Nẵng. Đám mây phóng xạ Tchernobyl bay sang Âu châu vì có gió thổi về hướng tây. Nhưng đám mây Fukushima bay ra Thái Bình Dương vì gió thổi về hướng đó nên chỉ tác động đến một vùng gần bán kính 30-50 cây số xung quanh nhà máy.
Mặc dù sống ở một nơi an toàn, con người cũng vẫn có thể bị nhiễm độc qua dây chuyền thực phẩm. Súc vật sống và rau trồng ở những nơi bị ô nhiễm tích tụ các chất hóa học hay vi khuẩn hiện diện trong môi trường. Con người ăn các thứ ấy và bị nhiễm, chết ngay hoặc sức khỏe giảm, phải chạy chữa hay không.

4. Tác động đến sinh vật

Tạo hóa và chúng sinh sinh ra rất nhiều chất ô nhiễm và tác động tiêu cực của những chất này rất phức tạp, từ không đáng kể đến chết người. Chúng tôi chịu không thể kể hết được.
Tác động trên con người và các sinh vật khác của các chất ô nhiễm tùy ở hàm lượng trong nước và không khí và ảnh hưởng của nó tùy ở số lượng tích tụ trong thân thể. Một người sống liên tục ở một nơi ô nhiễm nhẹ sẽ tích tụ nhiều chất ô nhiễm và sẽ mắc bệnh, thời gian sống thêm (residual living time) bị rút ngắn. Một người chỉ đi qua một nơi nhiễm xạ rất mạnh có thể chết ngay tại chỗ. Ô nhiễm tác động với nhiều bậc trầm trọng:
(i) trong đại đa số tình huống thì hàm lượng một chất ô nhiễm mặc dù độc hại nhưng không thể hiện tác hại cuả nó và chỉ có máy dò mới có thể phát hiện ra nó.
(ii) sinh vật bị nhiễm độc mà không biết, tích tụ chất độc trong thân thể và chết trước thời hạn sống trung bình khi hàm lượng chất độc đã vượt ngưỡng chết (lethal level);
(iii) con người cảm thấy khó chịu, giá trị của đời sống giảm và thời gian sống thêm bị rút ngắn; một số loài sinh vật dọn đi trú ngụ ở nơi khác mà không được thay thế bằng những loài sinh vật khác;
(iv) con người và các sinh vật khác mắc bệnh và phải chạy chữa.
Ở nhiều nơi bên Tàu, người ta phải mang khẩu trang khi ra phố và trẻ em bị cấm ra chơi ở ngoài trời. Tình hình này cũng đang lan tràn ở nước ta.
Theo thống kê thì tử vong trực tiếp của một tai nạn môi trường rất ít so với những người bị thương hay mang bệnh sống sót6. Tai nạn Bhopal gây ra 20.000 nạn nhân, trong đó khoảng 3.500 tử vong trực tiếp. Trong tai nạn Tchernobyl thì các tổ chức chống năng lượng nguyên tử ước tính có 2 đến 3 triệu nạn nhân tiềm tàng trong khi UNSCEAR (United Nations Scientific Committee on the Effects of Atomic Radiation, Ủy ban Khoa học của Liên hiệp quốc về hiệu ứng phóng xạ nguyên tử) xác nhận 15 người tử vong trực tiếp và 6.000 người tử nạn. Theo hồi kí của các nhân chứng thì có những trường hợp khó chịu hô hấp và ngứa ngáy da chứ không có kể về tử vong trong những ngày ngay sau khi máy bay Mỹ thải chất độc Da cam7. Nhưng có tới cả triệu người bị nhiễm và mang đủ loại bệnh nhẹ hay nặng và nửa thế kỉ sau tiếp tục sinh ra con cái mang dị tật từ nhẹ đến rất trầm trọng.
Các chuyên gia về y tế - vệ sinh nghiên cứu để lập ra danh sách các chất ô nhiễm và mức tối đa về hàm lượng trong môi trường và lượng con người có thể hấp thụ, từ nhẹ đến nặng:
(i) không đặt vấn đề gì cả;
(ii) giá trị đời sống (quality of living) và đời sống còn lại (residual lifetime) có thể giảm;
(iii) sức khỏe bị tổn hại và phải được chữa trị;
(iv) gây tử vong.
Sau khi nhất trí thì họ kiến nghị những hàm lượng và số lượng tới hạn không nên vượt để giữ an toàn. Vì các chuyên gia liên tục nghiên cứu thêm và họ liên tục khám phá ra những tình huống mới, danh sách các chất ô nhiễm với những sô liệu tới hạn liên tục được cập nhật. Tỉ dụ ICRP (International Commission on Radiological Protection - Ủy ban Quốc tế bảo vệ phóng xạ) đã thay đổi những lượng phóng xạ tới hạn (tính bằng mili Sivert) một người được phép hấp thụ mỗi năm như sau theo thời gian:
Nhân viên cơ sở hạt nhân
Năm
1927
1934
1949
1956
1990
mSv/năm
550
440
150
50
20
Quần chúng
Năm
1959
1990
mSv/năm
5
1
Các tổ chức quốc tế và các tổ chức chuyên ngành khuyến nghị các hàm lượng và khối lượng tới hạn không nên vượt để bảo toàn sức khỏe và môi trường. Dựa trên các khuyến nghị đó thì các xí nghiệp tự nguyện làm theo hay là chính phủ ban hành và áp đặt tuân theo các khuyến nghị đó.

Phần III - Các phương pháp khắc phục

Cả thiên nhiên lẫn con người đều đe dọa an toàn của con người và toàn vẹn môi trường. Chúng ta không thể bảo đảm sẽ an toàn và toàn vẹn tuyệt đối được. Chúng ta chỉ có thể hạn chế xúc phạm môi trường dưới một mức tới hạn do các nhà khoa học khuyến nghị và đối phó khắc phục hậu quả nếu tai nạn xảy ra. Đây là trách nhiệm của mỗi người, của các xí nghiệp, của nhà nước cũng như của các tổ chức quốc tế.

1. Khả năng đối phó của chúng ta

Lãnh thổ chúng ta chỉ là một phần nhỏ của các địa lục và diện tích địa cầu. Do đó chúng ta chịu ảnh hưởng những xúc phạm môi trường của các nước khác nhiều hơn là chúng ta xúc phạm.

(a) Biến đổi khí hậu

IPCC (The Intergovernmental Panel on Climate Change - Ban hội thẩm liên chính phủ về biến đổi khí hậu) đã cảnh báo nhiều lần tình trạng này sẽ liên tục tồi tệ hơn. Nhiều hội nghị thượng đỉnh đã đề ra một số giải pháp như là những đề nghị của Thỏa thuận chung Paris (Paris Agreement) sau hội nghị COP-21 (2015 United Nations Climate Change Conference - Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc 2015). Xin nói ngay rằng những lời hứa chứa trong các thỏa thuận quốc tế sẽ không làm thay đổi gì từ nay cho tới cuối thế kỉ XXI. Thực vậy, cách mạng công nghiệp đã khởi đầu từ 3 thế kỉ nay, nếu có tác động hữu hiệu nào thì cũng phải cần đến 3 thế kỉ mới có thể trở lại tình trạng tiền cách mạng. Vậy chúng ta nên coi nước biển dâng cao đe dọa lãnh thổ nước ta là một thiên tai và phải có biện pháp ứng phó thích nghi.
Tuy nhiên, để thể hiện liên đới với 175 nước đã kí Thỏa thuận chung Paris, Quốc hội cũng nên mau chóng thông qua thỏa thuận này và Chính phủ cũng nên loại các công nghiệp phát sinh quá nhiều khí có hiệu ứng nhà kính.

(c) Ô nhiễm biển Đông

Nước ta vừa dài vừa hẹp, lại có tới 3.400 km bờ biển. Bụi nước có thể mang những chất sinh ra mưa a-xít rất sâu vào đất liền. Bờ biển của ta thường xuyên phải hứng chịu những chất ô nhiễm trôi dạt vào bờ.
Theo Công ước biển UNCLOS (United Nations Convention on Law of the Sea - Công ước Liên hiệp quốc về luật biển) thì chúng ta chỉ có thể bảo vệ quyền lợi kinh tế ở vùng kinh tế đặc quyền của chúng ta nhưng chỉ có thể áp đặt luật lệ của ta trong vùng tiếp giáp lãnh hải mà thôi (24 hải lí tính từ bờ đất liền). Nói một cách khác, chúng ta không thể làm được gì để ngăn cản ô nhiễm ngoài khơi ập vào bờ biển nước ta.
Ngoài ra thì chỉ có thể:
(i) áp đặt thực thi điều 194 và chương 5 của UNCLOS và công ước MARPOL (Marine Pollution - Ô nhiễm biển) mà chúng ta đã kí cho các phương tiện hàng hải Việt Nam và ngoại quốc khi có mặt trên vùng tiếp giáp lãnh hải của ta;
(ii) bố trí những phương tiện dọn sạch bờ biển và phao chắn rác rưởi và dầu mỡ (thủy triều đen) trôi dạt vào bờ.

(d) Các nước láng giềng xúc phạm môi trường

Nước ta rộng 331.000 km2 với 4.600 km biên giới đất liền. Vậy cứ 71 km2 lãnh thổ của chúng ta là có một ki-lô-mét giáp giới với một nước láng giềng Trung Quốc, Lào hay Kampuchea.
Các nhà máy và công trình thủy lợi Trung Quốc là những đe dọa ở biên giới phía bắc nước ta. Trung Quốc đang xây và sắp đưa vào hoạt động 2 tổ phát điện nguyên tử 1.080 MW ở Phòng Thành Cảng (防城港) - tỉnh Quảng Tây và 2 tổ phát điện nguyên tử 650 MW ở Xương Giang (昌江) - đảo Hải Nam. Những nhà máy điện nguyên tử này không phát ra khí có hiệu ứng nhà kính nhưng đe dọa an toàn dân ta nếu xảy ra một tai nạn hạt nhân ở bậc 5 trở lên của thang INES (International Nuclear Event Scale - Thang quốc tế đánh giá một sự cố hạt nhân)8.
Các sông lớn và đa số các sông nhỏ của nước ta lấy nguồn ở các nước lân cận. Chỉ có một phần nhỏ chiều dài và lưu vực là ở nước ta. Thí dụ hai sông Mekong và sông Hồng là như sau:
Sông Mekong
Sông Hồng
Tổng cộng
Ở Việt Nam
Tổng cộng
Ở Việt Nam
Chiều dài (km)
4.350
220/250
1.149
510
Lưu vực (km2)
795.000
35.000
156.000
80.000
Nhận xét tối thiểu là chúng ta chịu hậu quả của tất cả chính sách quản lí môi trường của các nước lân bang. Với các công trình thủy lợi của họ trên sông Mekong và sông Hồng, Trung Quốc có thể tùy ý lũng đoạn chế độ thủy văn của ta và gây khủng hoảng kinh tế xã hội ở nước ta.
Người Indonesia có tập quán đốt rừng để làm rẫy hay trồng cây công nghiệp. Khói và tro bay sang các nước khác9. Thỉnh thoảng nước ta cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta cũng chịu ảnh hưởng do nông dân Lào và Kampuchea làm ô nhiễm sông Mekong và những đập thủy điện lớn hai nước này xây ở lưu vực sông này.
Chúng ta có thể giúp các nước láng giềng cải tổ chính sách quản lí môi trường của họ và thương lượng với họ quyền của chúng ta được sống an toàn trong một môi trường toàn vẹn. Nhưng cũng phải biết rằng đàm phán để phối hợp làm giảm ô nhiễm với nước khác thì rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Mỗi nước đều có quyền lợi mâu thuẫn với quyền lợi của tất cả các nước khác. Hà Lan đã bỏ ra tới 40 năm mới đạt được thỏa thuận về tôn trọng môi trường với các nước ở thượng lưu châu thổ sông Rhin của họ.

(e) Xúc phạm môi trường ở chính nước ta

Ngược lại thì chúng ta có thể chủ động giảm xúc phạm môi trường trên lãnh thổ và lãnh hải của ta. Chúng ta phải
(i) thực thi nghiêm chỉnh Luật Bảo vệ môi trường và Luật an toàn thực phẩm;
(ii) tránh không có những tác động xúc phạm môi trường;
(iii) thành lập, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng cứu trợ và bố trí những phương tiện để đối phó với một tai nạn tiềm tàng.
Như viết ở trên, ảnh hưởng của ô nhiễm giảm mạnh với thời gian và khoảng cách với nơi sinh ra nó. Một tác động chống xúc phạm môi trường ở nước ta đều có ngay kết quả tích cực rõ rệt. Ở bên Tàu, chỉ một tuần sau khi chính quyền cấm các nhà máy hoạt động xung quanh một thành phố là không khí ở đó trở nên dễ thở hơn.

2. Trách nhiệm của các xí nghiệp

Ở mỗi giai đoạn sản xuất hay xây dựng một xí nghiệp phải có thể bảo đảm cơ sở sản xuất hay công trường xây dựng của mình sẽ:
- không sinh ra lỗ (vấn đề này sẽ là đề tài của một bài khác);
- không xúc phạm an toàn của con người và toàn vẹn môi trường.
Để thỏa mãn hai điều kiện ắt có đó thì xí nghiệp liệt kê tất cả các rủi ro đến an toàn của con người và toàn vẹn môi trường có thể bị xúc phạm ở tất cả các công đoạn sản xuất một sản phẩm hay tất cả 6 giai đoạn xây dựng của một dự án10. Vấn đề là làm thế nào để có một danh sách bao gồm tất cả các rủi ro đáng phải nghiên cứu và loại bỏ những rủi ro không đáng kể. Các văn phòng thiết kế dùng nhiều công cụ tin học để làm việc này. Một công cụ giản tiện là FMECA (Failure Modes Effects and Criticality Analysis - Phân tích cách thức sinh ra sai sót, hậu quả và độ nguy kịch)11:
(i) lập đồ thị công đoạn sản xuất (flow chart) hay đồ thị xây dựng Gantt (Gantt chart);
(ii) ở mỗi gút của đồ thị, ước tính xác suất và hậu quả của một tai nạn có thể xảy ra ở gút đó và nhân hai ước tính đó với nhau để có độ nguy kịch;
(iii) giữ lại trong danh sách những rủi ro có độ nguy kịch lớn hơn một độ nguy kịch tới hạn.
Để giảm bớt tính chủ quan của công cụ này, văn phòng tư vấn phải định độ nguy kịch tới hạn để chọn những rủi ro phải nghiên cứu và lập một thang định nghĩa một bậc hậu quả của một tai nạn tiềm tàng trước khi tiến hành nghiên cứu FMECA rồi không đổi nữa.
Cho mỗi rủi ro liệt kê như vậy thì xí nghiệp phải chứng minh thỏa mãn tất cả 7 đòi hỏi sau đây:
(i) đã có biện pháp ngăn ngừa các rủi ro thành hiện thực;
(ii) đã có biện pháp đối phó nếu các rủi ro thành hiện thực;
(iii) có quy trình kiểm tra định kì các biện pháp ngăn ngừa liên tục hữu hiệu;
(iv) có quy trình kiểm tra định kì các biện pháp đối phó liên tục sẵn sàng can thiệp nếu tai nạn tiềm tàng xảy ra;
(v) nhân viên có trách nhiệm ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra được đào tạo thích nghi và có kĩ năng nghiệp vụ được bảo dưỡng bằng thao luyện định kì;
(vi) các thiết bị ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra có chức năng thích nghi, được kiểm tra định kì hãy còn tốt và liên tục sẵn sàng dùng được khi cần đến;
(vii) các quy trình ngăn ngừa, đối phó và kiểm tra được xét lại định kì và sửa đổi để thích hợp với biến đổi của cơ sở sản xuất hay công trường xây dựng và tiến bộ của công nghệ.
Những chứng minh đó phải được viết trong một văn bản gọi là "Báo cáo bảo đảm an toàn của con người và toàn vẹn môi trường" (Report on Safety for People and Integrity of Environment Assurance) mà sau đây chúng tôi gọi tắt là Báo cáo bảo đảm an toàn và toàn vẹn (Report on Safety and Integrity Assurance).
Văn bản này có tính cách cam đoan, được đính kèm với đơn đăng kí hay đơn xin thực hiện dự án. Sau này nhà cầm quyền sẽ dùng làm cơ sở để kiểm tra các cam kết đã được thực thi hay không. Thông thường thì các xí nghiệp có một tài liệu gọi là "Sổ tay chất lượng, an toàn và môi trường" (QSE Manual, Quality, Safety and Environment Manual) bao gồm những quy định về bảo đảm chất lượng, an toàn của con người (trong đó có an toàn lao động) và toàn vẹn môi trường. Tài liệu này được công bố rộng rãi để thi hành cho tất cả nhân viên cơ hữu của xí nghiệp cũng như nhân viên các xí nghiệp phụ trợ.
Về nội dung thì Báo cáo bảo đảm an toàn và toàn vẹn phải thích nghi với các tiêu chuẩn đã được Chính phủ Việt Nam ban hành hay nếu không có thì lấy tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của chính phủ các cường quốc công nghiệp. Vì trên nguyên tắc, không phải là chuyên gia về vệ sinh - y tế nhưng có trách nhiệm về an toàn của con người, các xí nghiệp có bổn phận tuân theo các tiêu chuẩn đó và báo cáo lên các nhà khoa học chuyên môn những gì thấy không chuẩn (report of surprise) để họ hiệu chỉnh. Vì các tiêu chuẩn thay đổi liên tục, các xí nghiệp cũng phải thuê bao những bản thông tin kĩ thuật chuyên môn và đăng kí sản phẩm và hoạt động của mình ở Bộ Công nghiệp để liên tục được thông báo những thay đổi mới nhất liên quan ngành của mình.
Chúng tôi xin giới thiệu ở phần phụ lục một số tiêu chuẩn ISO giúp các xí nghiệp thiết lập một chính sách quản lí rủi ro, quản lí chất lượng và quản lí môi trường12.

3. Trách nhiệm của Nhà nước

Nhà nước có 4 trách nhiệm: quốc phòng, công lí, an sinh và an ninh13. An toàn của con người và, suy ra, toàn vẹn môi trường là một khía cạnh của an ninh. Như các trách nhiệm khác của Nhà nước, nó bao gồm 3 việc: quy định bằng luật pháp và kiểm tra thi hành, thông tin người dân và giáo dục người dân.

(a) Quy định và áp đặt

Lẽ cố nhiên người ta không thiết lập Báo cáo bảo đảm an toàn và toàn vẹn cho tất cả các dự án và tất cả dự án nào cũng phải xin phép trước mới được thực hiện. Người ta cũng không kiểm tra tất cả các cơ sở và công trường sản xuất. Chính phủ thiết lập danh sách các ngành kinh tế và tầm vóc các công trình xây dựng để tùy trường hợp, được miễn phải có Báo cáo bảo đảm an toàn và toàn vẹn hay:
(i) phải có sẵn để trình kiểm soát viên khi hỏi đến;
(ii) kèm theo hồ sơ đăng kí dự án;
(iii) kèm theo hồ sơ xin phép thực hiện dự án.
Khi xét hồ sơ xin phép thực hiện dự án thì bộ hay sở địa phương làm việc với xí nghiệp xin phép để làm rõ tất cả các chi tiết của báo cáo. Chính phủ cũng phải thiết lập danh sách các ngành kinh tế và tầm vóc các công trình xây dựng để tùy trường hợp, kiểm tra mỗi năm một lần, hai năm một lần hay không kiểm tra. Tần số kiểm tra bất chợt theo rút thăm và danh sách những sự cố phát động kiểm tra ngoài kế hoạch.
Chúng ta có Luật An toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ môi trường đầy đủ và chi tiết. Chúng ta là thành viên các tổ chức quốc tế liệt kê ở phần phụ lục. Trước khi thảo những tiêu chuẩn theo ý ta thì chúng ta nên áp dụng nguyên văn tiêu chuẩn của các tổ chức đó mặc dù chúng chỉ có tính cách khuyến nghị. Nếu thiếu thì chúng ta có thể áp dụng tiêu chuẩn của một cường quốc công nghiệp như là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên hiệp Âu châu,… Khi cần thì có thể hỏi tham tán thương mại hay tham tán công nghiệp các tòa đại sứ ở Hà Nội. Thông thường, họ hãnh diện được dịp giúp đỡ ta và giới thiệu công nghệ của quốc gia họ. Việc làm này không phải là chỉ có các nước chậm tiến mới làm. Các cường quốc họ cũng làm như vậy. Tỉ dụ, ngoài các tiêu chuẩn ISO mà họ áp dụng triệt để, đa số tiêu chuẩn của Nhật Bản là tiêu chuẩn Hoa Kỳ, ban đầu là nguyên văn, sau đó thì họ thay đổi chút ít để cho thích hợp với công nghệ Nhật.

(b) Thông tin

Những điều trên phải được công bố minh bạch để người dân không có cảm tưởng bị công chức tham nhũng sách nhiễu hay muốn tống tiền.
Vì chúng ta không thể ngăn cản ô nhiễm từ biển Đông và các nước láng giềng và chúng ta cũng không thể bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân và toàn vẹn môi trường, chúng ta phải:
(i) có một hệ thống liên tục quan trắc không khí, nước sông và nước biển;
(ii) kiểm tra vệ sinh thực phẩm trên tất cả chuỗi cung cấp từ nơi sản xuất, đánh bắt cho tới chợ xuất khẩu và chợ bán lẻ.
Những số liệu quan trắc môi trường và kết quả kiểm tra các xí nghiệp nhạy cảm cần được đăng trực tuyến trên mạng Internet để trấn an người dân14.
Chính phủ cũng thiết lập và công bố minh bạch những ngưỡng về tỉ số hay hàm lượng một số chất ô nhiễm tiêu biểu để tuyên bố tình trạng:
(i) cần phải cảnh giác, đồng bào được biết để cầm chừng;
(ii) báo động, lực lượng cấp cứu sẵn sàng can thiệp nếu có sự cố;
(iii) hiểm nghèo, lực lượng cấp cứu địa phương di tản cư dân và cấp cứu nạn nhân;
(iv) khủng hoảng, quân đội tăng cường lực lượng cấp cứu địa phương, chính phủ có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Một điều rất quan trọng là chúng ta phải bỏ tư duy "kiểm tra để phát hiện sai phạm" để thay thế bằng "kiểm tra để chứng minh rằng mọi việc đều suôn sẻ". Báo cáo kiểm tra được công bố là để trấn an người dân rằng môi trường toàn vẹn. Tuy nhiên, nếu sau khi thanh tra mà thấy rằng xí nghiệp này sai phạm thì:
(i) bắt ngưng hoạt động ngay nếu có đe dọa đến an toàn của con người hay toàn vẹn môi trường, cơ sở hay công trường phải sửa sai cho tới khi không còn đe dọa nữa thì mới cho phép hoạt động lại;
(ii) phải trừng trị theo pháp luật;
(iii) nếu cơ sở hay công trường đã trực tiếp gây hại thì xí nghiệp phải đòi bồi thường đầy đủ.

(c) Khai trí quốc dân

Như ở bên Nhật, chính phủ phải phổ biến rộng rãi giữa công chúng và đưa vào chương trình tiểu học những tập quán không xúc phạm môi trường, những tín hiệu cơ bản các chất ô nhiễm và tình trạng môi trường bị xúc phạm và những việc phải làm khi xảy ra tai nạn công nghiệp.
Các sở canh nông địa phương cũng phải phổ biến những phương pháp nuôi trồng, ăn bắt tôn trọng môi trường, những chỉ tiêu dùng tối ưu phân bón, thuốc trừ sâu và thuốc kháng sinh.

Phần IV - Lợi ích của một môi trường toàn vẹn

Có người nói rằng loài người có thể biến mất trên địa cầu. Đây là một lo ngại quá đáng. Quả thật tình hình nguy kịch, có thể nói là rất nguy kịch, nhưng vẫn còn có thể cứu vãn được. Nếu mỗi công dân chúng ta, mỗi xí nghiệp ở nước ta tránh không xúc phạm môi trường thì đất nước ta sẽ an toàn. Mấy chuyện ở các nước khác và trên toàn cầu thì chúng ta khó có thể tránh được mà cũng chẳng làm được gì để thay đổi.
Người ta không thể bảo đảm an toàn của con người và toàn vẹn môi trường một cách tuyệt đối15. Nếu ngăn ngừa và phòng ngừa chặt chẽ thì tai nạn "khó có thể xảy ra" chứ không thể nói rằng tai nạn "không thể xảy ra". Vấn đề là rủi ro đó có thể chấp nhận được hay không. Do đó mà Báo cáo bảo đảm an toàn và toàn vẹn cần có phần đối phó một tai nạn tiềm tàng.
Những thủ tục và quy định kể ở các phần trên có vẻ rườm rà. Thực ra thì chúng chỉ rườm rà đối với một số nhỏ khu công nghiệp hay công trường đặc biệt nhạy cảm. Còn không thì đại đa số chỉ cần tự nguyện thực thi nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn tôn trọng môi trường là đủ. 
Kiềm chế ô nhiễm ở nơi phát sinh thì đỡ tốn công tốn của hơn là xử lí hậu quả khi ô nhiễm đã tràn lan ra ngoài. Sai đâu sửa đó là một chính sách vô hiệu. Khi có tai nạn thì đã tổn hại rồi mà lại phải bỏ thêm công của để khắc phục hậu quả. Không cần phải tính toán nhiều, thiệt hại kinh tế của đợt cá chết hàng loạt ở miền Trung đã vượt xa tất cả các chi phí kiểm tra toàn vẹn môi trường mà đáng lí ra Chính phủ đã phải tiến hành từ khi chúng ta bắt đầu công nghiệp hóa cách đây ba chục năm.
Có quan điểm nước ta nghèo, chịu khổ một chút thì có sao đâu. Nhưng an toàn thực phẩm và môi trường không phải là một xa xỉ dành cho các nước giàu. Thực phẩm an toàn và môi trường trong sạch là những thành phần của hạnh phúc, quý hơn là gia tăng tổng sản lượng quốc nội (GNP - Gross National Product). Chúng cũng là nhân tố phát triển kinh tế. Thực phẩm xuất khẩu có chứng chỉ bảo đảm an toàn thì sẽ qua hải quan nhưng người tiêu dùng ngoại quốc sẽ không mua nếu có tin ở nước ta có thực phẩm không an toàn. Du khách sẵn sàng trả giá cao để đến thăm và ưu tiên trở lại thăm một nước có thực phẩm và môi trường sạch. Họ sẽ không đến nếu họ có cơ sở hay không để nghĩ rằng ở nước ta có nguy cơ bị trộm cướp, tai nạn, ngộ độc hay cảm thấy khó chịu vì môi trường không trong sạch. Chi phí để liên tục kiểm tra an toàn thực phẩm và môi trường không đáng kể so với doanh số của ngành du lịch và các ngành xuất khẩu. Chính phủ cũng phải quảng bá thường xuyên trên quy mô quốc tế rằng an toàn thực phẩm và môi trường được quản lí khắt khe ở nước ta.
Cũng như bảo đảm chất lượng, bảo đảm an toàn của con người và bảo đảm toàn vẹn môi trường là những động cơ tiến bộ công nghệ của một quốc gia. Thực vậy, nếu muốn bảo đảm hai việc này cùng với mục tiêu giảm giá thành thì các xí nghiệp phải nghiên cứu lại thiết kế phương cách sản xuất hay cấu trúc sản phẩm hay công trình. Kinh nghiệm cho thấy sau khi thiết kế lại cho thích ứng hơn với luật lệ và đòi hỏi của người tiêu dùng thì giá thành giảm một cách đột phá. Vì luật lệ mỗi ngày mỗi khắt khe, cạnh tranh trên thị trường mỗi ngày mỗi khó khăn mà các xí nghiệp phải liên tục nghiên cứu lại thiết kế, thay đổi công nghệ và sáng chế những sản phẩm hay phương thức sản xuất và xây dựng mới, tốt hơn rẻ hơn. Các cụ thường nói "từ cái khó ló ra cái khôn".

Phụ lục

(a) Một số tổ chức quốc tế khuyến nghị tiêu chuẩn về an toàn của con người và toàn vẹn môi trường

ISO: International Standardization Organization (Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế)
ILO: International Labour Organization (Tổ chức Lao động quốc tế)
UNEP: United Nations Environment Programme (Chương trình Môi trường Liên hợp quốc)
FAO: Food and Agriculture Organization of the United Nations (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc)
WHO: World Health Organization (Tổ chức Y tế thế giới)

(b) Một số tiêu chuẩn và hướng dẫn thực thi tiêu chuẩn

Quản lí rủi ro

ISO 31000 - Risk management - Principles and guidelines on Implementation
ISO/IEC 31010 - Risk Management - Risk Assessment Techniques
ISO Guide 73 - Risk Management - Vocabulary
ISO 21500 - Guidance on Project Management standard to align with ISO 31000:2009

Quản lí môi trường

ISO 14001 - Environmental management systems - Requirements with guidance for use
ISO 14006 - Environmental management systems - Guidelines for incorporating ecodesign
ISO/TS 14072 - Environmental management - Life cycle assessment - Requirements and guidelines for organizational life cycle assessment
ISO 14004 - Environmental management systems - General guidelines on implementation

Quản lí an toàn thực phẩm

Xin chú ý HACCP là một quy trình nghiên cứu an toàn thực phẩm chứ không phải là một tiêu chuẩn.
ISO 22000 - Food safety management systems - Requirements for any organization in the food chain
ISO 22005 - Traceability in the feed and food chain - General principles and basic requirements for system design and implementation
ISO/TS 22002 1 - Prerequisite programmes on food safety - Part 1: Food manufacturing
ISO/TS 22002 2 - Prerequisite programmes on food safety - Part 2: Catering
ISO/TS 22002 3 - Prerequisite programmes on food safety - Part 3: Farming
ISO/TS 22002 4 - Prerequisite programmes on food safety - Part 4: Food packaging manufacturing
ISO/TS 22003 - Food safety management systems - Requirements for bodies providing audit and certification of food safety management systems
Risk based food inspection manual 
ftp://ftp.fao.org/docrep/fao/010/i0096e/i0096e00.pdf
Risk Based Imported Food Control
http://www.fao.org/3/a-i5381e.pdf
CODEX ALIMENTARIUS
Food Import and Export Inspection and Certification Systems
http://www.fao.org/docrep/009/y6396e/Y6396E00.htm#TOC
Codex Standards
http://www.fao.org/fao-who-codexalimentarius/standards/en/
DS 3027 - Management of Food Safety based on HACCP (tiêu chuẩn Đan Mạch)
NM 08.0.002 - Système de management HACCP - exigences (tiêu chuẩn Maroc)
FD V01-006 - Système HACCP: principes, notions de base et commentaires (tài liệu hướng dẫn của cơ quan tiêu chuẩn Pháp)

Quản lí an toàn lao động

ILO Encyclopaedia of Occupational Health and Safety
http://www.ilocis.org/en/contilo.html

Chú thích:

1- Trong bài này, chúng tôi dùng từ "tai nạn" để tránh dùng từ "thảm họa", quá nặng, hay "sự cố", quá nhẹ. Chúng tôi cũng tránh không dùng từ "tội ác" vì đại đa số là sơ sót do thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm chứ không phải do cố ý. Chất độc Da cam là một tội ác của quân đội Mỹ và cũng là một thảm họa. Formosa cũng là một thảm họa nhưng phải điều tra thêm thì mới có thể kết luận xí nghiệp này cố tình hay sơ ý thải chất độc ra ngoài khơi Hà Tĩnh.
Trừ khi cần phân biệt rõ, chúng tôi cũng dùng từ "sinh vật" để chỉ cả động vật lẫn thảo vật và từ "thủy sản" để chỉ các sinh vật sống ở đất liền cũng như ngoài khơi.
Chúng tôi dùng từ "ô nhiễm" để nói về tác dộng sinh ra những vật liệu làm suy thoái các hệ sinh thái và gọi những vật liệu đó là "chất ô nhiễm".
2- Độ nguy kịch của một rủi ro là tích số hậu quả của tai nạn tiềm tàng nhân với xác suất tai nạn có thể xảy ra.
3- Xin nêu một số thí dụ từ năm 2000:
- Tháng 12-2002: mưa cá ở làng Korona bên Hy Lạp;
- Tháng 6-2009: mưa nòng nọc ở nhiều nơi của hạt Ishikawa bên Nhật;
- Đêm giao thừa 2010 - 2011: khoảng 5000 con chim rơi ở tỉnh Beebe, tiểu bang Arkansas bên Mỹ,
- Đầu tháng 1-2011: hàng trăm chim các loài rơi ở tiểu bang Louisiana bên Mỹ, ở tỉnh Falköping bên Thụy Điển, ở tỉnh Saint-Augustin-de-Desmaures - tiểu-bang Québec bên Canada và ở gần tỉnh Ravenne bên Ý.
- Tháng 8-2012: mưa cá ở tỉnh Lorrain trên đảo La Martinique của Pháp.
4- Xin nêu một số thí dụ từ năm ngoái và trước khi phát hiện thảm họa Formosa –Vũng Áng 
(i) Ở Việt-Nam
Cá đồng loạt chết sạch, không chỉ thiếu ôxy http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160302/ca-dong-loat-chet-sach-khong-chi-thieu-oxy/1060150.html
Cá chết trắng bè, dân khóc điếng http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160105/ca-chet-trang-be-dan-khoc-dieng/1032616.html
Cả tấn cá chết phủ kín mặt sông sau cơn mưa http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ca-tan-ca-chet-phu-kin-mat-song-sau-con-mua-3239294.html
Đồng bằng sông Cửu Long: Nghêu chết trắng bãi http://danviet.vn/nha-nong/dong-bang-song-cuu-long-ngheu-chet-trang-bai-63871.html
(ii) Ở nước khác
Chili: Après des centaines de baleines échouées, c’est au tour des calmars de mourir en masse! http://www.actulatino.com/2016/01/20/chili-apres-des-centaines-de-baleines-echouees-c-est-au-tour-des-calmars-de-mourir-en-masse/
Les baleines d'Alaska décimées par un mal inconnu 
http://www.lefigaro.fr/sciences/2015/08/24/01008-20150824ARTFIG00142-les-baleines-d-alaska-decimees-par-un-mal-inconnu.php
Explosion à Tianjin: des milliers de poissons morts à la surface du fleuve qui traverse la ville http://www.huffingtonpost.fr/2015/08/20/explosion-tianjin-pollution-milliers-poissons-morts_n_8013602.html
5- Điển hình là một cao ốc xây quá cao ở đằng sau Lăng Hồ Chí Minh thì bị bắt dỡ còn nhà chọc trời ở đằng sau tòa thị chính Sài Gòn thì để nguyên (bưu thiệp bán cho du khách dùng hình chụp trước 1975).
6- Người ta định nghĩa tử vong trực tiếp của một tai nạn khi nạn nhân chết trong vòng 2 hay 3 ngày (tùy định nghĩa của mỗi nước) sau khi lâm nạn. Nếu chết sau thời hạn đó thì gọi là tử nạn. Định nghĩa như vậy thì thiếu tình người nhưng rất cần thiết để có thể thiết kế một chính sách ngăn ngừa và đối phó.
7- Thí dụ:
Đồng Sĩ Nguyên: "Đường xuyên Trường Sơn" (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)
Trần Tố Nga: "Ma Terre Empoisonnee - Vietnam, France, mes combats" (Seuil)
8- Về mô tả thang INES và định nghĩa của mỗi bậc thang thì bạn đọc có thể tham khảo trạm thông tin của IAEA (International Atomic Energy Agency - Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế) http://www-ns.iaea.org/tech-areas/emergency/ines.asp
Tô Lệ Hằng: "Sự cố hay thảm hoạ hạt nhân: Thang INES
http://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/su-co-hay-tham-hoa-hat-nhan-thang-ines
9- Nhiều nước Đông Nam Á khốn khổ vì khói mù 
http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nhieu-nuoc-dong-nam-a-khon-kho-vi-khoi-mu-20160826221226737.htm
10- Một dự án gồm 6 giai đoạn: động thổ, xây dựng, vận hành thử, vận hành hàng ngày, tháo dỡ và hoàn thổ.
11- Đặng Đình Cung: FMEA, Phân tích cách thức sinh ra sai sót, hậu quả và độ nguy kịch http://vietsciences.free.fr/timhieu/khoahoc/kinhte/fmea.htm
12- Bạn đọc hiểu Pháp ngữ thì có thể tham khảo thêm trạm của Bộ Môi trường, năng lượng và biển của Chính phủ Pháp ở địa chỉ http://www.developpement-durable.gouv.fr/L-etude-d-impact-projets.html
13- Người Pháp gọi là uy quyền của nhà vua (pouvoir souverain) là đủ biết họ coi đó trọng đại đến đâu.
14- Từ khi một bộ quan trắc gửi trực tuyến lên mạng Internet kết quả đo lường ở đầu ống nước thải thì không còn tin đồn và khiếu nại nhà máy xử lí vật liệu hạt nhân La Hague bên Pháp đổ nước độc ra biển nữa.
15- Một vị trách nhiệm nọ nói ngông khi tuyên bố rằng chỉ cho xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận nếu an toàn tuyệt đối.
Đ.Đ.C

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.