Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Cục trưởng Thống kê: Báo cáo số liệu thật có khi phải trả giá

Cục trưởng Thống kê: Báo cáo số liệu thật có khi phải trả giá

bauxitevnSat 11:23 AM

Nguyễn Hoài

Ngày 4-3-2016, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trong Đạt nói: "Tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn… Chúng tôi chống lại có khi chết trước". Giờ Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Lương lại "bổ sung" thế này. Những ai còn tin tưởng vào Đảng cộng sản, nên gọi là gì?
Bauxite Việt Nam

Cán bộ ngành thống kê cho rằng do áp lực thành tích của địa phương, họ thường phải chịu rất nhiều sức ép khi báo cáo các số liệu thật, thậm chí bị cô lập, phân biệt đối xử...
Những khó khăn của cán bộ thống kê địa phương được ông Nguyễn Huy Lương - Cục trưởng Thống kê tỉnh Phú Thọ, đại diện cho nhiều đơn vị khác nêu lên tại buổi làm việc giữa Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Tổng cục Thống kê sáng 16-8-2017.
Theo lãnh đạo Cục Thống kê Phú Thọ, cán bộ thống kê địa phương phải chịu rất nhiều áp lực, bị phân biệt đối xử, rồi cô lập, nhất là khi nói những số liệu thật.
"Chúng tôi phải chịu rất nhiều áp lực, thậm chí phải trả giá. Mà cái giá này thì nhiều khi không thể đo đếm được khi phải nói những con số thống kê thực cho các cấp lãnh đạo địa phương. Dù mình là thủ trưởng cơ quan chuyên môn thống kê thật đấy, nhưng nhiều lúc cảm thấy bị cô lập, rất cô đơn" - vị Cục trưởng trầm tư.
Do phân cấp, các cơ quan thống kê địa phương không có đủ năng lực, thẩm quyền để có thông tin tính toán đầy đủ, chính xác ở nhiều lĩnh vực. Ông Lương dẫn dụ, con đường cao tốc chạy qua nhiều tỉnh nên rất khó bóc tách số liệu đóng góp cho Phú Thọ bao nhiêu, Vĩnh Phúc bao nhiêu… Việc thu thập số liệu đầy đủ là khá khó khăn đối với cán bộ thống kê. Từ thực tế này, Cục trưởng Thống kê tỉnh Phú Thọ cho rằng đề án đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) thực hiện từ năm 2017, chuyển thống kê địa phương về trung ương tính toán, quản lí dữ liệu là hoàn toàn phù hợp.
Chia sẻ với những tâm tư này, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho biết ngay cả cơ quan thống kê trung ương cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận, chia sẻ và cung cấp thông tin, số liệu thống kê từ các bộ, ngành. Ông Lâm đơn cử Bộ Tài nguyên & Môi trường đến nay vẫn "bất hợp tác" với Tổng cục Thống kê trong cung cấp số liệu quản lí. "Có những cuộc họp liên quan, chúng tôi mời đích danh hoặc đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường tới nhưng chưa bao giờ họ có mặt" - ông nói. Đây cũng là nguyên do khiến số liệu thống kê trung ương nhiều lúc bị công bố chậm.
Thậm chí, bà Lê Minh Thuỳ - Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại & dịch vụ (Tổng cục Thống kê) còn cho hay có hiện tượng che giấu, không muốn khai thật thông tin, số liệu… nên cán bộ thống kê khá vất vả nếu muốn có con số thống kê chính xác. 
Vì thế, lãnh đạo Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành "nói không" với bệnh thành tích và không gây áp lực cho ngành kế hoạch đầu tư và thống kê; sử dụng, công bố số liệu thống kê theo quy định tại Luật Thống kê sửa đổi.
Lắng nghe tâm tư của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận vẫn còn tình trạng cát cứ trong sử dụng, cung cấp thông tin, số liệu thống kê. Phó thủ tướng dẫn chứng, trong khi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo lên Chính phủ là xuất được 200.000 tấn thịt thì con số mà Bộ Công Thương báo cáo là 300.000 tấn. "Cùng một mặt hàng mà có tới 2 số liệu thì Chính phủ biết tin bộ nào, dựa vào con số nào mà điều hành. Số liệu thống kê thiếu đồng nhất khiến Chính phủ không biết thế nào mà lần" - Phó thủ tướng nói và quả quyết các bộ, ngành, địa phương phải thay đổi tư duy, cởi mở trong trao đổi và cung cấp số liệu thống kê. "Con đường dài nhất là từ phòng nọ sang phòng kia, từ bộ nọ sang bộ kia. Có khi chỉ cần một cuộc điện thoại là giải quyết xong nhưng vẫn phải chờ thảo công văn, rồi gửi mất vài ngày… Giá trị gia tăng của số liệu thống kê thấp như vậy thì hiệu quả sử dụng hạn chế là phải" - Phó thủ tướng nói.
Riêng với đề án triển khai tính toán và công bố chỉ số GRDP từ năm 2017, lãnh đạo Chính phủ đặt vấn đề về vai trò của Cục Thống kê địa phương cũng như chất lượng, giá trị của số liệu này khi thực hiện. Nếu lấy lí do cán bộ thống kê địa phương chịu quá nhiều áp lực nên "đẩy" tính GRDP địa phương lên trung ương, Phó thủ tướng nhấn mạnh, lí giải như thế là thiếu thuyết phục. Ông yêu cầu Tổng cục Thống kê, với tư cách cơ quan thống kê quốc gia phải "đưa ra thực đơn đủ hấp dẫn" để "chế biến" những sản phẩm thống kê ngày càng đa dạng; tránh đưa ra những sản phẩm chỉ có ý nghĩa nghiên cứu chứ không có ý nghĩa trong chỉ đạo, điều hành. Cơ quan thống kê quốc gia là người chịu trách nhiệm cuối cùng về số liệu công bố này.
"Phân tích thống kê, dự báo thống kê là quan trọng nhưng phải bắt số liệu biết nói" - Phó thủ tướng dứt khoát. Vì thế, ông đề nghị ngành thống kê phải rốt ráo thực hiện 4 chuẩn hoá (đồng bộ hoá, chuẩn mực hoá, quy trình hoá và tin học hoá) trong hoạt động thu thập, xử lí, tổng hợp, phân tích dự báo, truyền dẫn thông tin thống kê... theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, nhưng phải hợp với thực tiễn Việt Nam. 
N.H

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.