Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

Lãnh đạo Phật giáo tỉnh Lâm Đồng mong muốn gì trong chuyến trở về của thiền sư Thích Nhất Hạnh?

Lãnh đạo Phật giáo tỉnh Lâm Đồng mong muốn gì trong chuyến trở về của thiền sư Thích Nhất Hạnh? 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong lần về Việt Nam trước đây (ảnh minh họa).
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong lần về Việt Nam trước đây (ảnh minh họa).
AFP
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người đứng đầu trung tâm tu học Làng Mai nổi tiếng ở Pháp, người vốn có những bất đồng với chính phủ Việt Nam về vụ đàn áp các tăng sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng hồi năm 2009, mới trở về nước vào hôm 29 tháng 8.
Bất ngờ về chuyến thăm
Chuyến thăm Việt Nam mới đây của thiền sư Thích Nhất Hạnh hôm 29 tháng 8 lập tức được báo chí trong nước loan tải rộng khắp nhưng những lãnh đao thuộc Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, những người đã từng biết thiền sư Thích Nhất Hạnh và cũng từng lên tiếng về vụ đàn áp tăng sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã hồi năm 2009 lại chưa biết gì về sự trở về này.
Thượng tọa Thích Viên Như, Phó Ban trường trự Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng nói với đài Á Châu Tự Do rằng ông không hề biết về thông tin chuyến thăm.
Cũng không thấy nói gì cả. Chuyện đó đã xảy ra lâu rồi. Những người quan tâm thì có thể họ có thông tin gì đó nhưng chúng tôi ở đây không có thông tin gì hết. Chúng tôi ở đây chỉ quan tâm một điều được biết Hòa thượng sau cơn bạo bệnh thì đã hồi tỉnh và sức khỏe đã tạm ổn tuy không nói được, tôi nghe nói thế, tôi cũng mừng. Ngoài ra thì tôi cũng không quan tâm một cái gì khác.
Chúng tôi ở đây chỉ quan tâm một điều được biết Hòa thượng sau cơn bạo bệnh thì đã hồi tỉnh và sức khỏe đã tạm ổn. - Thượng tọa Thích Viên Như
Thượng tọa Thích Thanh Tâm, Phó Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng cũng nói với đài Á châu Tự do là ông không biết gì về tin này
Không có đâu, chưa nghe tin đó. Lâu quá ngài cũng chưa về mà khó về lắm vì ngài cũng bệnh tật về gì được. 
Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa trải qua một cơn bạo bệnh hồi năm 2014 và mới vừa bình phục. Sau khi bình phục, ông đã đến thăm trung tâm tu học Làng Mai ở Thái Lan từ tháng 12 năm ngoái.
Đến sân bay quốc tế Đà Nẵng vào trưa ngày 29 tháng 8, các hình ảnh được báo chí trong nước loan tải cho thấy thiền sư vẫn phải ngồi xe lăn. Theo báo Giác Ngộ của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, chuyến về thăm lần này của thiền sư Thích Nhất Hạnh là thực hiện tâm nguyện được về thăm quê hương của ông. Theo báo Giác Ngộ, ông sẽ lưu lại tại Đà Nẵng tĩnh dưỡng vài hôm trước khi đến thăm cố đô Huế.
Sự kiện Bát Nhã 
Chuyến về thăm Việt Nam lần này của thiền sư Thích Nhất Hạnh là chuyến về thứ ba kể từ khi ông rời Việt nam từ hồi năm 1966. Chuyến thăm đầu tiên của ông là vào năm 2005 và được báo chí Việt Nam loan tin rộng rãi. Đó cũng là giai đoạn Việt Nam đang bị Mỹ đưa vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Đây cũng là thời gian Việt Nam đang có mong muốn được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Nhân chuyến trở về vào năm 2005, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được phía chính phủ Việt Nam cho phép xây dựng một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai ở tu viện Bát Nhã, tỉnh Lâm Đồng.
Vào năm 2006, Hoa Kỳ quyết định bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo. Đến năm 2007, Việt nam gia nhập WTO.
Năm 2007, nhân chuyến thăm Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã lập trai đàn cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế.
Cũng trong năm 2007, nhân chuyến thăm thứ hai về Việt Nam, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nên chấm dứt sự kiểm soát của chính phủ đối với tôn giáo. Lời khuyên này của ông bị chính phủ coi là vi phạm luật pháp Việt Nam.
Luật tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam quy định các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với nhà nước để được hoạt động. Những quy định chặt chẽ của luật này đã bị các giới chức tôn giáo trong và ngoài nước chỉ trích là vi phạm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam.
Theo pháp luật hiện thời, chúng ta có quyền sống và tu tập bất cứ ở nơi nào trên quê hương mình, nhưng không biết vì sao chúng ta lại không được hưởng cái quyền ấy khi mà chúng ta không vi phạm bất cứ một pháp luật nào. - Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Không lâu sau đó, vào tháng 8 năm 2008, công an tỉnh Lâm Đồng ra công văn trục xuất khoảng 400 tu sinh Làng Mai khỏi tu viện Bát Nhã. Từ khoảng giữa năm 2009 đến cuối năm 2009, các tu sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã liên tục bị những nhóm người lạ mặt đến tấn công. Chính quyền thì nói rằng vụ việc xảy ra là do những bất đồng giữa các nhà sư trong tu viện Bát Nhã với các tu sinh Làng Mai cư trú ở đây. Những tu sinh này sau đó phải đến cu ngụ tại chùa Phước Huệ, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Nhưng họ vẫn bị truy đuổi khỏi chùa này.
Đến cuối năm 2009, khoảng gần 200 tu sĩ Làng Mai cư ngụ tại chùa Phước Huệ bị yêu cầu phải rời khỏi chùa này chậm nhất là vào ngày 31 tháng 12. Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào lúc đó đã phải nộp đơn lên Tổng thống Pháp Sarkozy xin cho 400 tu sĩ Làng Mai ở Bát Nhã được tị nạn ở Pháp.
Trong một bức thư gửi các tu sinh Làng Mai ở Việt Nam vào tháng 12 năm 2009, thiền sư Thích Nhất Hạnh viết rằng:
“Theo pháp luật hiện thời, chúng ta có quyền sống và tu tập bất cứ ở nơi nào trên quê hương mình, nhưng không biết vì sao chúng ta lại không được hưởng cái quyền ấy khi mà chúng ta không vi phạm bất cứ một pháp luật nào, khi mà chúng ta chỉ muốn tu tập và hướng dẫn tu tập trong khuôn khổ của pháp luật và của truyền thống Phật giáo”
Ông cũng cáo buộc các viên chức chính quyền đã đối xử thô bạo với các tu sinh, thuê côn đồ tấn công tu viện. Ông viết:
“Tiền đâu để họ thuê côn đồ? Đó có phải là tiền thuế mà dân nạp cho họ để họ có lương bỗng để sống và để làm những việc thất đức như vậy? Tại sao lại giả danh Phật tử để đánh phá Phật tử, giả danh nhân dân để dối gạt và đàn áp nhân dân?”
Những gì xảy ra đối với các tu sinh Làng Mai ở tu viện Bát Nhã cũng khiến các lãnh đạo Phật giáo ở tỉnh Lâm Đồng lúc đó phải lên tiếng kêu gọi chính quyền cho phép những tu sinh được tiếp tục tu tập, ổn định cuộc sống. Nhớ lại câu chuyện tu viện Bát Nhã, Thượng tọa Thích Viên Như nói:
Nhưng về nguyên tắc mà nói thì lúc thiền sư Nhất Hạnh về thì ngài chỉ làm việc với Giáo hội và trung ương chính phủ thôi còn chúng tôi là địa phương thì cũng không nắm rõ vấn đề, giấy tờ, hợp pháp hay không hơp pháp, chúng tôi không biết gì hết. Tôi cũng là một trong những người tham gia họp hành sau khi sự việc xảy ra thì tôi cũng có hỏi là cái này trách nhiệm như thế nào, giấy tờ có không, mình có tham gia ký kết gì không thì giáo hội địa phương không có một giấy gì ký kết với ngài cả, thì đến lúc biểu can thiệp thì mình không có giấy nên mình đâu có quyền. Tất cả chỉ có trung ương giáo hội mới có quyền.
Đã gần 9 năm trôi qua kể từ vụ đàn áp tu viện Bát Nhã. Những lãnh đạo Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, những người đã biết thiền sư Thích Nhất Hạnh, đã từng lên tiếng về vụ việc Bát Nhã, giờ đây nói rằng họ rất vui mừng khi nghe tin thiền sư trở về nhưng khi nói về Bát Nhã họ đều nói đó là chuyện quá khứ nên cho qua. Nói như Thượng tọa Thích Tâm vị, Phó Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng thì người tu hành, cái gì qua thì cứ cho qua để cho nhẹ cái tâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.