Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Trục lợi từ chính sách đất đai

Trục lợi từ chính sách đất đai

bauxitevnMon 7:21 AM

Viết Đoàn, Chí Kiên, Thanh Bút
Báo Công an nhân dân cho biết 6 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 1.539 lượt đơn khiếu nại, trong đó lĩnh vực đất đai chiếm 95,26% số đơn. Tờ Thời Nay, ấn phẩm của báo Nhân Dân thì đăng bài này. Chắc số "đương kim" nạn dân như các ông Tăng Tài, Nguyễn Văn Phát, Trần Văn Trăm lên tới hàng chục vạn. Kêu "trục lợi từ chính sách đất đai" nghe nhẹ hều, kêu "ăn cướp" mới đúng! 
Bauxite Việt Nam
Kì 1: Bất cập ở một dự án tái định cư
Đang sống ổn định từ nhiều đời nhưng khi khu đất được quy hoạch đầu tư khu đô thị, khu dân cư mới… thì đời sống của hàng trăm hộ dân, thậm chí hàng nghìn hộ dân bỗng dưng trở nên bất ổn. Trong đó, có không ít dấu hiệu chủ đầu tư móc ngoặc với chính quyền địa phương để kinh doanh kiếm lời. Đó là thực trạng diễn ra tại một số dự án (DA) dân cư tại tỉnh Đồng Nai.

Từ bất cập về giá đền bù…
TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vào thời điểm cuối tháng 7-2017, những con mưa đổ xuống như trút nước vẫn không dịu bớt sự bức xúc của người dân thuộc diện bị thu hồi, giải tỏa đất tại DA khu dân cư Bình Dương - phường Long Bình Tân. 
Ông Tăng Quốc Hòa (con trai - đại diện ủy quyền của ông Tăng Tài), hộ gia đình đã bị cơ quan chức năng TP Biên Hòa tổ chức cưỡng chế ngày 26-5-2017, tỏ vẻ khá bức xúc: "Gia đình tôi sử dụng mảnh đất này từ đầu năm 1971, nay cuộc sống bỗng dưng bị đảo lộn bởi DA này".
Theo giấy chứng nhận việc sang nhượng đất ngày 28-8-1991 của UBND phường Long Bình Tân thì gia đình ông Tăng Tài sử dụng đất này từ năm 1971 và liên tục sử dụng cho đến khi bị thu hồi. Tại bảng chiết tính giá trị bồi thường của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Biên Hòa, ngày 25-3-2011, hộ gia đình ông Tăng Tài có tổng diện tích đất bị thu hồi là 2.362 m2, với đơn giá được duyệt hỗ trợ, đền bù (cộng cả kinh phí hỗ trợ phần đất nông nghiệp), gia đình ông Tăng Tài nhận được hơn 2,1 tỉ đồng. Trên thực tế, với số tiền này thì hộ gia đình ông Tăng Tài chưa đủ để mua một nền đất có diện tích khoảng 100 m2 ngay trên đất vừa bị thu hồi bởi theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản và của ngay chủ đầu tư DA đưa ra, giá đất tại thời điểm này ở vị trí đất của gia đình ông Tăng Tài khoảng… hơn 20 triệu đồng/m2.
Theo ông Tăng Quốc Hòa, chính từ những bất cập về giá đền bù, chính sách hỗ trợ cho những gia đình trong diện di dời, giải tỏa đã gây ra nhiều bức xúc. Do đó, gia đình ông đã không đồng ý bàn giao mặt bằng, không đồng ý với việc cưỡng chế vì chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng các nội dung khiếu nại của gia đình.
Tại biên bản về việc cưỡng chế đất gia đình ông Tăng Tài ngày 26-5-2017, ông Tăng Quốc Hòa cho rằng: "Thực tế, đây là việc làm chống chế hợp thức hóa việc làm sai trái của cơ quan nhà nước liên quan đến gia đình chúng tôi. Chính quyền đã cố tình làm sai nhưng hậu quả thì chúng tôi phải gánh chịu". Cũng theo ông Hòa: "Cơ quan nhà nước đã thu hồi đất của gia đình chúng tôi và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng đã giao cho Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát (Công ty An Hưng Phát) theo giấy chứng nhận BV 047.981 do ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở TN&MT kí ngày 21-12-2014, đồng thời Công ty An Hưng Phát đã bán lại cho ông Đoàn Tiến Thịnh theo văn bản bàn giao mặt bằng đất nền, nền đất số 27 thuộc lô L1 giữa ông Nguyễn Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty An Hưng Phát và người mua là ông Đoàn Tiến Thịnh thì nay cơ quan nhà nước còn tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của gia đình chúng tôi làm gì nữa?".
Từ đó, có thể hiểu được rằng việc thu hồi và bàn giao mặt bằng tại diện tích đất của ông Tăng Tài được diễn ra vào ngày 26-5-2017 nhưng trước đó ngay từ năm 2014, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Công ty An Hưng Phát. Một câu hỏi đặt ra là: Liệu có sự thiếu minh bạch trong DA này khi chưa thu hồi đất song Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai lại cấp GCNQSDĐ cho Công ty An Hưng Phát?
Đến nghi ngờ "móc ngoặc" kiếm lời!
DA khu dân cư Bình Dương tiền thân là ấp Bình Dương được lập nên từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp thuộc xã Long Bình - TP Biên Hòa trước đây, đồng thời là cửa ngõ chiến lược nối TP Hồ Chí Minh qua cầu Đồng Nai, QL 1A với tỉnh Đồng Nai. Ông Nguyễn Văn Phát, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Long Bình Tân thời kì 1980 - 1989 cho biết: "Kể từ sau ngày giải phóng, người dân nơi đây có cuộc sống khá ổn định nhưng tất cả dường như bị đảo lộn kể từ khi tỉnh Đồng Nai có quyết định quy hoạch, thu hồi đất làm khu dân cư mới Bình Dương".
Theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai kí ngày 4-6-2009 về Duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 DA khu dân cư Bình Dương tại phường Long Bình Tân - TP Biên Hòa, diện tích khu đất quy hoạch là khoảng 15,95 ha, quy mô dân số khoảng 6.248 người, do Công ty CP Miền Đông - Đầu tư hạ tầng làm chủ đầu tư (nay DA được chuyển cho Công ty An Hưng Phát). Tính chất của DA là xây dựng khu dân cư kết hợp tái định cư, hệ thống hạ tầng kĩ thuật hoàn chỉnh, theo tiêu chuẩn đô thị loại II, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế về nhà ở cho những nhà dân thuộc diện "giải tỏa trắng" khi thực hiện DA xây dựng cầu Đồng Nai mới. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đô thị hóa và phát triển quỹ đất ở của cư dân TP Biên Hòa và khu vực lân cận. Quy hoạch sử dụng đất với diện tích đất ở là 101.408 m2, chiếm tỉ lệ 63,6% (bao gồm chung cư cao tầng, biệt thự, nhà liên kế, nhà liên kế bố trí tái định cư); đất công viên cây xanh là 3.566 m2, chiếm tỉ lệ 2,2%; đất giao thông 54.526 m2, chiếm tỉ lệ 34,2%. Trong đó diện tích đất bố trí tái định cư là 28.735 m2, chiếm tỷ lệ 28,3%.
Ông Phát cho rằng: "Đây là quy hoạch của Nhà nước nên đành chịu. Trước đây, mỗi người dân có 200 m2 đất ở đô thị (theo định mức được UBND tỉnh Đồng Nai quy định) và hàng nghìn m2đất để trồng cấy, thế nhưng sau khi có quyết định của tỉnh, người dân bị thu hồi đất phải vào khu tái định cư để sống và đất canh tác đã bị thu hồi rồi thì còn nói làm gì nữa? Vấn đề nằm ở chỗ lập lờ trong việc thu hồi đất để định cư cho dân và tái định cư cho người dân bị giải tỏa thuộc DA cầu Đồng Nai, nếu lấy đất của dân để phục vụ tái định cư thật sự và mở trường học, công viên công cộng thì chẳng nói làm gì, nhưng thực tế lại chủ yếu là… nhằm mục đích kinh doanh. Ở đây, đã có sự móc ngoặc của chính quyền với chủ đầu tư để kinh doanh kiếm lời".
Thực tế, tại Văn bản số 10173/UBND-CNN ngày 2-12-2008 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc thỏa thuận cho Công ty CP Miền Đông- Đầu tư hạ tầng lập thủ tục đầu tư khu dân cư theo quy hoạch tại phường Long Bình Tân - TP Biên Hòa thì có thể thấy được việc đầu tư DA là do Công ty CP Miền Đông - Đầu tư hạ tầng lập thủ tục đầu tư DA khu dân cư theo quy hoạch. Sau khi xây dựng xong hạ tầng của DA, bàn giao cho UBND TP Biên Hòa 250 lô đất (tương đương khoảng 4 ha) để TP Biên Hòa bố trí tái định cư cho các hộ phải giải tỏa trắng thuộc DA xây dựng cầu Đồng Nai và các DA khác trên địa bàn theo thỏa thuận với UBND TP Biên Hòa. Như vậy, có thể được hiểu rằng đây là DA khu dân cư thương mại và chỉ một phần phục vụ tái định cư?
Trong khi đó, ngày 12-5-2009, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 1329/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và TĐC cho DA đầu tư xây dựng khu dân cư theo quy hoạch tại phường Long Bình Tân - TP Biên Hòa với số hộ bị giải tỏa, thu hồi khoảng 127. Mức giá được áp dụng đồng loạt theo bảng định giá đất của UBND tỉnh Đồng Nai năm 2009 và hỗ trợ một phần cho các hộ được giải tỏa. Như vậy, có thể hiểu rằng chính quyền đã áp đặt giá đền bù, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện DA?
Kì 2: Chính sách đất đai liệu là "bầu sữa"?
Với những gì đang diễn ra tại dự án (DA) khu dân cư Bình Dương (TP Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai), chỉ cần đặt những bài toán đơn giản cũng có thể thấy được một sự chênh lệch quá lớn về giá đất khi chính quyền đã áp mức đền bù, hỗ trợ với một mức cố định. Thiệt thòi được đẩy về phía người dân phải di dời còn đối tượng được hưởng lợi là chủ đầu tư (CĐT) DA.
Lợi dụng chính sách tái định cư?
Theo Quyết định số 1329/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai, giá bồi thường hỗ trợ đất cho người dân bị giải tỏa để thực hiện DA khu dân cư Bình Dương có 5 mức khác nhau, tùy theo vị trí, loại đất. Giá đền bù cao nhất thuộc đất thổ cư ở vị trí hai là 5,25 triệu đồng/m2, vị trí ba là 3 triệu đồng/m2, vị trí bốn là 1,5 triệu đồng/m2, đất nuôi trồng thủy sản là 187.000 đồng/m2 và đất nông nghiệp là 316.000 đồng/m2. Do quy định trước đây của UBND tỉnh Đồng Nai chỉ cho chuyển đổi mỗi hộ gia đình 200 m2 đất ở nên có đến hơn 10,3 ha trong tổng số gần 16 ha thu hồi thực hiện DA được bồi thường theo giá đất nông nghiệp. Phương án tái định cư (TĐC) cho các hộ thuộc diện "giải tỏa trắng" được TĐC tại chỗ tập trung giao nền đất, mỗi lô đất khoảng 60 đến 80 m2.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân tại khu phố Bình Dương, ban đầu do tuyên truyền là thu hồi đất để thực hiện làm TĐC cho việc xây dựng cầu Đồng Nai nên nhiều người dân đã nghiêm túc thực hiện. Đến khi phát hiện ra là DA chỉ một phần làm TĐC, không ít người dân đã không chấp nhận giá đền bù nêu trên mà đòi hỏi chủ đầu tư phải đứng ra thỏa thuận với dân. Nhưng với "mác" là DA gắn với TĐC nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đều do chính quyền địa phương đứng ra thực hiện (?).
Vấn đề nằm ở chỗ: chủ trương thực hiện DA với mục tiêu chính là dùng làm đất dành cho TĐC các hộ dân thuộc diện "giải tỏa trắng" khi xây dựng cầu Đồng Nai hay chỉ là bình phong để doanh nghiệp thực hiện một DA với những mục đích khác. Bởi theo Báo cáo số 1074/TTPTQĐ-CNBH ngày 14-4-2017 của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, Chi nhánh Biên Hòa, trong số 320 lô đất TĐC của DA khu dân cư Bình Dương có 319/320 lô đã tiếp nhận thì chỉ có 4 lô thuộc diện giải tỏa xây dựng cầu Đồng Nai, còn lại chủ yếu dành cho các hộ dân TĐC của DA hệ thống cấp nước Nhơn Trạch, DA mở rộng Cảng Đồng Nai… và hầu hết những người nhận nền TĐC đều phải nộp tiền cơ sở hạ tầng. Việc áp đặt giá đền bù với người dân trong DA khu dân cư Bình Dương liệu có phù hợp hay những chính sách TĐC đã bị lợi dụng?
Lí giải về những chính sách tái định cư tại DA khu dân cư Bình Dương, ông Lê Trực, Phó giám đốc Trung tâm quỹ đất chi nhánh TP Biên Hòa cho biết: "Việc thực hiện khu TĐC giao cho chủ đầu tư nhưng sử dụng bao nhiêu, thành phố sẽ tính toán rồi trả lại chi phí bồi thường, hạ tầng và sau đó thu lại của các chủ đầu tư DA khác đã mua lại suất TĐC được UBND tỉnh phê duyệt".
Như vậy, có thể hiểu được rằng chi phí cơ bản Công ty An Hưng Phát bỏ ra để thực hiện gần 4 ha tại DA khu dân cư Bình Dương sẽ được bù lại từ việc điều chỉnh của chính quyền địa phương?
Thực tế, sau giai đoạn đầu thực hiện đền bù GPMB đến năm 2010, để đạt mục tiêu thu hồi đất của dân, Công ty An Hưng Phát kết hợp chính quyền địa phương đã áp dụng phương án đổi đất lấy đất. Cụ thể, người dân có diện tích đất nằm trong diện giải tỏa sẽ được đổi với tỉ lệ "10 ăn 1", có nghĩa cứ 1.000 m2 đất nông nghiệp sẽ được nhận một nền TĐC. Ngay như hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phát có hơn 5.000 m2 đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã phải chấp nhận đổi lấy 5 lô đất TĐC ngay trên đất của mình. Thời điểm ông Phát chấp nhận chuyển đổi nền đất thì có giá khoảng 5 triệu đồng/m2. Ở đây, chỉ cần đặt một phép tính đơn giản với hơn 5.000 m2 đất của ông Phát, sau khi được chuyển đổi thì giá trị của lô đất có thể lên đến… 25 tỉ đồng. Vậy nếu trừ các khoản chi phí đầu tư hạ tầng, phí chuyển đổi đất thì Công ty An Hưng Phát sẽ "bỏ túi" được bao nhiêu và ngược lại, gia đình ông Phát đã bị "móc" mất hàng tỉ đồng chênh lệch từ giá trị của lô đất?
Quyết định làm khổ dân?
Phân tích những vấn đề liên quan đến quyết định, chính sách để thực hiện DA khu dân cư Bình Dương, ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Đây là một trong những dạng lợi dụng kẽ hở của Luật Đất đai và nếu không có sự "tiếp tay" của các cấp chính quyền địa phương thì chủ đầu tư khó có thể trục lợi được và những thiệt hại, khó khăn thuộc về người dân trong diện giải tỏa của DA". Theo ông Đực, vấn đề nằm ở chỗ thời điểm đó do Luật Đất đai còn khá mới nên chưa phân biệt rõ đâu là DA khu dân cư thương mại và đâu là DA khu dân cư với mục đích phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khi Nghị định 69/NĐ-CP ra đời vào tháng 8-2009 về bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư mới được chặt chẽ hơn và tiếp tục được điều chỉnh tại Luật Đất đai 2013.
Một thực tế là trong khi người dân rất bức xúc bởi những quyết định của các cấp chính quyền về việc phê duyệt DA, giá bồi thường, hỗ trợ cho dân, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND TP Biên Hòa bỏ qua những kiến nghị của dân và đã đứng ra thương lượng, tổ chức cưỡng chế, GPMB tại DA khu dân cư Bình Dương. Đến nay, hầu hết các hộ dân thuộc DA khu dân cư Bình Dương đã phải chấp nhận giá đền bù theo quyết định của tỉnh Đồng Nai và di dời về khu TĐC để ở. Nhưng có lẽ đây là những người thiệt thòi nhất từ quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai.
Liên quan việc đền bù của một số hộ dân còn lại, ngày 7-6-2017, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã chủ trì cuộc họp trao đổi, thống nhất ý kiến của bà Trương Thị Vàng và các sở, ngành, TP Biên Hòa đối với ý kiến đề xuất của Công ty An Hưng Phát kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xử lí dứt điểm vụ việc thu hồi đất của bà Trương Thị Vàng để thực hiện DA theo quy hoạch. Theo đó, trong số 2.005 m2 đất của gia đình bà Trương Thị Vàng trong diện giải tỏa thì Công ty An Hưng Phát đã thỏa thuận và sẽ giao cho bà 900 m2 đất ở, và bà Trương Thị Vàng phải đóng tiền sử dụng đất và tiền xây dựng cơ sở hạ tầng cho công ty. Số tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định bà Trương Thị Vàng được hưởng, nếu chấp thuận theo phương án này, tính cộng các khoản thu được từ giá trị đất ở thời điểm hiện tại hơn 20 triệu đồng/m2 cộng với số tiền bồi thường hơn 2 tỉ đồng và trừ đi tiền sử dụng đất, tiền xây dựng cơ sở hạ tầng thì bà Trương Thị Vàng nhận về được 14,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo bà Vàng, toàn bộ số đất 2.005 m2 đó nếu được nhân với giá thị trường thì có thể lên đến 40,1 tỉ đồng. Trong khi đó, trường hợp đất của gia đình ông Tăng Tài (liền kề đất bà Vàng) với hơn 2.300 m2 giá đất ở thời điểm hiện tại có thể được tính với giá lên đến hơn 46 tỉ đồng, nhưng đến khi chính quyền cưỡng chế ngày 26-5-2017 thì gia đình ông chỉ nhận được 2,1 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ và nhận được một nền đất TĐC với giá khoảng 2 tỉ đồng; một nền đất TĐC phụ (phải đóng tiền sử dụng đất và chi phí cơ sở hạ tầng). Cộng tất cả các khoản lại, gia đình ông Tài được hưởng chỉ bằng… 1/10 so giá trị thực của khu đất 
Câu hỏi đặt ra là: Với những quyết định của mình, chính quyền tỉnh Đồng Nai có vì dân hay bảo vệ lợi ích của CĐT?
Kì 3: Chính quyền sai, ai chịu trách nhiệm?
Trong khi những bức xúc của người dân tại dự án (DA) khu dân cư Bình Dương chưa được giải quyết thì UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục cho phép Công ty An Hưng Phát lập quy hoạch, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 DA ku dân cư và tái định cư (TĐC) tại xã Phước Tân (TP Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai). Đây là DA thể hiện rõ hơn những dấu hiệu bất chấp quy định pháp quy hiện hành của các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai.
Trích dẫn sai luật, đánh lận con đen
Với cái tên DA khu dân cư và TĐC tại xã Phước Tân - TP Biên Hòa đã có thể thấy được sự lập lờ trong việc xác định DA thương mại và TĐC. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là có bao nhiêu phần trăm diện tích trong DA dành cho công tác TĐC? Trong khi đó, với loại hình DA khu dân cư và TĐC không hề có trong hệ thống văn bản từ Luật Đất đai, nghị định của Chính phủ hay thông tư hướng dẫn của bộ, ngành để thực hiện các DA đô thị, khu dân cư (?). Ngay việc phương án đền bù, thu hồi đất của DA khu dân cư và TĐC trong Luật Đất đai hay nghị định hướng dẫn luôn độc lập với nhau.
Trên thực tế, hàng loạt văn bản pháp lí của UBND tỉnh Đồng Nai để Công ty An Hưng Phát thực hiện lập thủ tục đầu tư, thu hồi đất có nội dung mập mờ và thậm chí còn viện dẫn nội dung văn bản không có trong Luật Đất đai. Liên quan việc lập quy hoạch giai đoạn I của DA khu dân cư Phước Tân, ngày 18-9-2013, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh (hiện là Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, người vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỉ luật đảng về hàng loạt sai phạm trong quá trình công tác tại tỉnh Đồng Nai) kí văn bản số 7655/UBND-ĐT với nội dung là sau khi xem xét văn bản số 81/VB-AHP của Công ty An Hưng Phát, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến như sau: "Mục tiêu đầu tư DA phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đồng thời một phần mục tiêu DA nhằm đáp ứng nhu cầu TĐC cho các DA trên địa bàn TP Biên Hòa. Tuy nhiên, do DA có ảnh hưởng đến đất lúa, hiện nay Sở TN&MT đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh báo cáo Bộ TN&MT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép trước khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do đó, trong thời gian chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tiết kiệm thời gian và đẩy nhanh tiến độ triển khai khu TĐC cho các DA trên địa bàn TP Biên Hòa, UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho Công ty An Hưng Phát lập quy hoạch giai đoạn I với diện tích 49,7 ha, trình duyệt theo đúng quy định".
Vấn đề đặt ra là: căn cứ vào đâu để bà Phan Thị Mỹ Thanh kí văn bản này? Ở đây có thể hiểu việc quy hoạch, triển khai thực hiện DA này là theo đề nghị từ phía doanh nghiệp và trên thực tế, chưa được HĐND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (?). Tuy nhiên, hơn 6 tháng sau, ngày 19-3-2014, bà Phan Thị Mỹ Thanh mới kí cấp Giấy phép quy hoạch (thời hạn 12 tháng) cho Công ty An Hưng Phát, với tính chất là DA khu dân cư thương mại đồng thời một phần đáp ứng mục tiêu TĐC trên địa bàn TP Biên Hòa, được quy hoạch và đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu cuộc sống của người dân tại DA và khu vực, phù hợp định hướng quy hoạch chung của TP Biên Hòa.
Sự vội vàng của các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai còn thể hiện tại văn bản số 8131/UBND-ĐT vẫn do bà Phan Thị Mỹ Thanh kí về việc thỏa thuận địa điểm của DA tại ấp Miễu - xã Phước Tân. Nhưng thực tế, DA nằm tại ấp Đồng. Đặc biệt, ngay văn bản của Sở TN&MT gửi Công ty An Hưng Phát số 425/STNMT-QH do Giám đốc sở Lê Viết Hưng kí ngày 3-2-2015 về việc hướng dẫn thủ tục thu hồi đất DA khu dân cư và TĐC tại xã Phước Tân - TP Biên Hòa đã ghi rõ: "Theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013 quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì DA khu dân cư và TĐC thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất". Nhưng nội dung này đã khác hoàn toàn với nội dung trong Luật Đất đai 2013, trong đó khoản 3 của Luật này là: "Thực hiện các DA do HĐND cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất" và nội dung của điểm d là "DA xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung, DA phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng".
Dân là người chịu thiệt?
Dù dựa trên hàng loạt văn bản được đánh giá là thiếu tính pháp lí, đến ngày 13-2-2015, UBND tỉnh Đồng Nai vẫn có Quyết định số 458/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 DA khu dân cư và TĐC tại xã Phước Tân - TP Biên Hòa do Công ty An Hưng Phát làm chủ đầu tư, trong đó phần diện tích dành cho nhà ở xã hội và TĐC (gồm nhà ở liền kề và chung cư) có diện tích quy hoạch là 47.894 m2 (hơn 4,7 ha đất), chiếm chưa đến 10% diện tích DA. Nhìn vào đây có thể thấy, phần lớn diện tích này bảo đảm TĐC tại chỗ cho người dân thuộc diện bị "giải tỏa trắng" tại DA và nếu có, chỉ một phần rất ít để TĐC cho các DA khác. Như vậy, toàn bộ diện tích khoảng 45,2 ha đất còn lại của DA sẽ được đầu tư nhằm kinh doanh thương mại?
Trong khi đó, theo bảng tổng hợp số liệu bồi thường, hỗ trợ về đất của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai Chi nhánh TP Biên Hòa, DA khu dân cư và TĐC tại xã Phước Tân (đợt 2), tháng 5-2017, thì hầu hết diện tích đất được tính đền bù là đất nông nghiệp với mức giá từ 110.000 đồng đến 260.000 đồng/m2. Đối với diện tích đất ở mỗi hộ chỉ từ 60 đến 260 m2được bồi thường với giá cao nhất là 1,8 triệu đồng và thấp nhất là 643.200 đồng/m2.
Diện tích đất nằm trong diện bị thu hồi, giải tỏa lớn nhất thuộc về ông Trần Văn Trăm, với hơn 9.647 m2, nhưng toàn bộ được tính là đất trồng cây lâu năm, giá bồi thường là 110.000 đồng/m2. Với diện tích đất này, gia đình ông Trần Văn Trăm nhận được hơn một tỉ đồng. Thực tế, tại khu vực này, theo khảo sát của phóng viên báo Thời Nay, đất nền đang được các DA bất động sản bán ra từ 12 đến 15 triệu đồng/m2, riêng vị trí gần quốc lộ 51 lên đến hơn 20 triệu đồng/m2.
Với những bất cập về cách giải quyết của UBND tỉnh Đồng Nai, người dân tại xã Phước Tân đã có nhiều đơn khiếu nại, tố cáo gửi cơ quan chức năng và cũng đã có hàng chục cuộc gặp gỡ, trao đổi và giải quyết của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai với dân nhưng dường như mọi thắc mắc của người dân ngày càng trở nên vô vọng. Thậm chí, đã có trường hợp người dân do quá bức xúc, gửi đơn theo kiện đến khắp các cơ quan trung ương và Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình gửi UBND tỉnh Đồng Nai xem xét và có biện pháp giải quyết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì những bức xúc của người dân vẫn còn nguyên đó!
Vấn đề đặt ra là liệu chính quyền tỉnh Đồng Nai đang có dấu hiệu cố tình hiểu sai Luật Đất đai? Trong các văn bản thông báo trả lời khiếu nại của người dân TP Biên Hòa đã cho rằng: "DA khu dân cư và TĐC do Công ty An Hưng Phát làm chủ đầu tư thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất", được viện dẫn căn cứ quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 lại nêu rất rõ: "Thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng" và nội dung tại điểm d, khoản 3 cũng không hề có cụm từ nào dành cho "DA khu dân cư và TĐC". Trong khi đó, theo văn bản ra ngày 9-12-2011 của UBND tỉnh Đồng Nai thì sau khi quy hoạch sử dụng đất đai giai đoạn 2011 - 2020 được phê duyệt, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xử lí việc thỏa thuận cho doanh nghiệp theo đúng trình tự pháp luật đối với "DA khu dân cư và TĐC" tại xã Phước Tân do Công ty An Hưng Phát đề nghị đầu tư. 
V.Đ - C.K - T.B
Nguồn: 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.