Mượn đất của dân, 17 năm sau tuyên bố không trả: Dân mòn mỏi chờ đợi!
bauxitevnMon 7:19 AM
Huỳnh Hải
Mới đây, tại cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo - Tỉnh ủy Bạc Liêu chủ trì, liên quan vụ "Chính quyền lập biên bản mượn đất của dân, 17 năm sau tuyên bố không trả", PV Dân trí đã đặt vấn đề: Nhiều tháng trôi qua, vụ việc này đã được các ngành chức năng kiểm tra, xem xét đến đâu? Tỉnh và huyện xử lí như thế nào đối với khiếu nại của người dân? Trách nhiệm của địa phương ra sao trong vụ này?
Tuy nhiên, những câu hỏi trên của PV Dân trí đã không nhận được câu trả lời thỏa đáng khi người phát ngôn của UBND tỉnh Bạc Liêu "hồi đáp" khá ngắn gọn.
Trả lời PV Dân trí, ông Nguyễn Tấn Khương - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết huyện Đông Hải đã xin đăng kí làm việc với tỉnh để giải quyết khiếu nại của ông Lê Hưởng. "Chúng tôi đang tham mưu giao cho Thanh tra Nhà nước tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành để bàn giải pháp giải quyết vụ việc này" - ông Khương nói.
Như vậy, từ khi báo Dân trí phản ánh bài viết đầu tiên vào ngày 24-2-2016, đến nay đã hơn 1,5 năm và khi có thông tin Thanh tra Nhà nước huyện Đông Hải vào cuộc xử lí (tháng 5-2017) đến nay cũng đã 3 tháng, vụ việc này các ngành năng của huyện Đông Hải và tỉnh Bạc Liêu vẫn đang loay hoay giải quyết, khiến người dân phải tiếp tục chờ khi đã mòn mỏi chờ đợi hơn 17 năm qua.
Liên quan vụ việc, luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP HCM) nêu quan điểm: Hơn 17 năm qua, ông Lê Hưởng không thụ hưởng đầy đủ quyền lợi của người sử dụng đất vì đã cho chính quyền địa phương mượn đất. Tuy nhiên, nay chính quyền địa phương không trả lại cho dân mà còn nại ra lí do "phần đất thuộc Nhà nước quản lí chưa xác định kĩ nên làm biên bản nhầm" là không thỏa đáng, là nói ngược với những gì đã hứa với dân khi mượn đất.
Theo luật sư Lễ, UBND huyện Đông Hải ban hành các văn bản ngày 26-1-2016 và 16-3-2017) trả lời đơn yêu cầu của ông Lê Hưởng, với nội dung: "Không thừa nhận biên bản lập ngày 27-4-1999 về việc mượn đất của UBND thị trấn Gành Hào; không thừa nhận yêu cầu bồi thường 480 m2 đất của ông Lê Hưởng" là không phù hợp quy định pháp luật. "Mặt khác, đó là hành vi không tôn trọng những việc làm trước đây của lãnh đạo chính quyền địa phương khi có hành động hợp pháp với dân khi cùng dân thỏa thuận việc mượn đất là đúng quy định pháp luật. Ông Lê Hưởng không phải là đối tượng phải bị quản lí và cải tạo trưng dụng, tịch thu đất nên việc ông Hưởng yêu cầu được trả lại đất hoặc bồi thường thiệt hại giá trị quyền sử dụng đất trong 17 năm qua là hợp tình, hợp lí" - luật sư Hồ Nguyên Lễ nhấn mạnh.
Như Dân trí đã phản ánh, trước năm 1977, gia đình ông Bùi Văn Rẹt có khai phá sử dụng một diện tích đất khoảng 1.170 m2 để làm muối. Đến năm 1979, tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) động viên các hộ dân "hiến" phần đất để thành lập Xí nghiệp Liên hiệp thủy sản Gành Hào (trong đó có đất của ông Rẹt). Vào năm 1989, do cơ chế không phù hợp tình hình thực tế nên Xí nghiệp Liên hiệp thủy sản Gành Hào bị giải thể. Trong đó có diện tích đất được xây dựng một số hạng mục phục vụ cho hoạt động xí nghiệp, một số diện tích đất trong quy hoạch vẫn còn để trống không sử dụng (trong đó có phần đất của ông Rẹt). Sau khi xí nghiệp bị giải thể, một số hộ dân là chủ cũ tận dụng đất còn trống để ở. Phần đất khoảng 480 m2 của ông Bùi Văn Rẹt được ông Lê Hưởng sử dụng. Đến năm 1993, ông Rẹt làm giấy ủy quyền chính thức để lại phần đất này cho ông Hưởng. Đến năm 1999, do cần đất để xây dựng trường học và bố trí chỗ ở cho một số hộ dân nên UBND thị trấn Gành Hào lấy phần đất 480 m2 của ông Lê Hưởng. Ngày 27-4-1999, UBND thị trấn Gành Hào lập biên bản "về việc mượn đất tư nhân làm quỹ đất UBND thị trấn Gành Hào để di dời 6 hộ dân trong khu vực trường cấp IB để xây dựng phòng học". Trong biên bản nêu rõ: "Căn cứ cuộc họp Ban chấp hành ngày 27-3-1999 bàn và thống nhất: Do nhu cầu xây dựng 6 phòng học trường cấp IB, hiện nay phải di dời 6 hộ đang ở trong khu vực chuẩn bị xây dựng phải giải tỏa. Để ổn định cho tiến độ thi công công trình được tốt, nay UBND thị trấn Gành Hào tạm mượn thửa đất của ông Lê Hưởng tọa lạc tại khu vực IV, diện tích ngang 20 m, dài 24 m (tổng 480 m2) nằm ở phía đông nam khu vực trường cấp IB. Sau này UBND thị trấn Gành Hào sẽ tạo điều kiện đền bù hoặc hoán đổi trả lại mặt bằng hoặc giá trị tương đương cho ông Lê Hưởng". Biên bản trên do ông Phạm Văn Minh (Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào), ông Lê Sỹ Trọng Bằng (Chánh văn phòng Đảng ủy), ông Nguyễn Ngọc Thuận (cán bộ địa chính) và ông Lê Hưởng cùng kí tên xác nhận.
Tuy nhiên, kể từ khi mượn đất cho đến nay đã hơn 17 năm, nhưng ông Lê Hưởng chưa nhận được bất cứ sự đền bù hay hoán đổi mặt bằng nào như trong biên bản đã được lập. Trước thiệt thòi của mình, ông Lê Hưởng có đơn yêu cầu gửi đến UBND thị trấn Gành Hào, UBND huyện Đông Hải đề nghị xem xét giải quyết bồi thường phần đất 480 m2 mà UBND thị trấn Gành Hào đã mượn của ông từ năm 1999.
Biên bản mượn đất ông Lê Hưởng của UBND thị trấn Gành Hào vào năm 1999. Trong biên bản có nêu rõ: Sau này UBND thị trấn Gành Hào sẽ tạo điều kiện đền bù hoặc hoán đổi trả lại mặt bằng hoặc giá trị tương đương cho ông Lê Hưởng.
Ngày 26-1-2016, ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hải mới kí văn bản trả lời đơn yêu cầu của ông Lê Hưởng, với nội dung: "Không thừa nhận biên bản lập ngày 27-4-1999 về việc mượn đất của UBND thị trấn Gành Hào; không thừa nhận yêu cầu bồi thường 480 m2 đất của ông Lê Hưởng".
UBND huyện Đông Hải cho rằng phần đất 480 m2 là quỹ đất do Nhà nước quản lí, trong quá trình ông Lê Hưởng sử dụng đất chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và Nhà nước không thừa nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Hưởng trên phần đất này nên UBND thị trấn Gành Hào tự ý lập biên ngày 24-7-1999 mượn đất của ông Lê Hưởng là trái quy định pháp luật, và yêu cầu bồi thường của ông Lê Hưởng là không đủ điều kiện giải quyết. UBND huyện chỉ chấp thuận hỗ trợ công thành quả lao động phần đất cho ông Lê Hưởng 62,4 triệu đồng.
Đến ngày 16-3-2017, UBND huyện Đông Hải tiếp tục có Quyết định số 1037 (do ông Nguyễn Xuân Thủy- Phó chủ tịch UBND huyện kí) về việc giải quyết đơn yêu cầu bồi thường phần đất mà UBND thị trấn Gành Hào đã mượn của ông Lê Hưởng. Trong quyết định này, UBND huyện Đông Hải xác định việc UBND thị trấn Gành Hào lập biên bản ngày 27-4-1999 mượn đất của ông Lê Hưởng là trái quy định pháp luật về đất đai, nên biên bản không có giá trị pháp lí.
Mặc dù xác định hành vi nêu trên của UBND thị trấn Gành Hào là sai nhưng UBND huyện Đông Hải vẫn "quyết tâm" bác đơn khiếu nại với lí do yêu cầu của ông Lê Hưởng là không đủ cơ sở để giải quyết.
UBND huyện Đông Hải xác định: "Việc UBND thị trấn Gành Hào tự ý lập biên bản mượn đất của ông Lê Hưởng là trái quy định pháp luật". Tuy nhiên, huyện vẫn bác đơn khiếu nại của ông Hưởng.
Trong khi đó, ông Lê Hưởng cho biết, việc UBND huyện Đông Hải cho rằng ông tự chiếm đất nên không bồi thường là không thỏa đáng. Ông Hưởng khẳng định, phần đất 480 m2 là đất gốc của ông Bùi Văn Rẹt đã ủy quyền cho lại ông. Từ cơ sở đó nên UBND thị trấn Gành Hào mới lập biên bản mượn phần đất này của ông. "Hộ gia đình tôi và các hộ lân cận cũng giống nhau về hình thức thì tại sao tôi không được giải quyết. Các hộ lân cận thì được giải quyết bồi thường thỏa đáng, thậm chí còn được cấp quyền sử dụng đất không thu tiền" - ông Hưởng bức xúc.
Qua sự việc, nhiều vấn đề "tréo ngoe" ở đây là trong khi biên bản mượn đất của UBND thị trấn Gành Hào có nêu rõ căn cứ cuộc họp Ban chấp hành ngày 27-3-1999 còn UBND huyện Đông Hải lại cho rằng trong cuộc họp tháng 3-1999 của UBND thị trấn Gành Hào không bàn gì việc đổi đất với ông Lê Hưởng và trong các kì họp của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Gành Hào chưa lần nào chỉ đạo mượn đất hoặc thỏa thuận với ông Hưởng để đổi đất (?!).
Một vấn đề đặt ra nữa là ông Phạm Văn Minh (Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào thời điểm kí biên bản năm 1999) khi làm việc với UBND huyện Đông Hải thì lí giải "do phần đất thuộc Nhà nước quản lí chưa xác định kĩ nên làm biên bản nhầm" và biên bản được lập do chính ông kí là không phù hợp. Trong khi đó, UBND huyện Đông Hải cho rằng biên bản ngày 24-7-1999 của UBND thị trấn Gành Hào là trái quy định pháp luật nên biên bản không có giá trị pháp lí. Vậy nhưng trách nhiệm của những cán bộ đã kí biên bản thì vẫn chưa thấy nói đến.
Người kí biên bản mượn đất thì nói nhầm còn cơ quan quản lí cấp trên thì cho rằng biên bản trái pháp luật nên không giải quyết, chỉ có người dân là chịu thiệt.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.
H.H
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.