Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Chính khách

Chính khách

bauxitevn1:34 AM

FB Le Dung
"Mất mùa là bởi thiên tai - Được mùa là bởi thiên tài đảng ta", tranh công đổ lỗi từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của đảng rồi, FB Le Dung à. Nhưng quả thật thiên tai, địch họa, các thế lực thù địch, Việt Tân… nghe còn quen tai, chứ "lời đồn" mà cũng làm mất trắng 2 tỉ đô-la Mỹ thì đúng là… đít ngỗng.
Bauxite Việt Nam
Cách đây độ hơn mươi hôm, trước các thông tin bình luận hết sức khả quan của các facebooker và các diễn đàn về chứng khoán, rằng nó sẽ lên thế này thế nọ, bạn tôi có hỏi tôi trước khi quyết định mua.
Tôi không biết gì về chứng khoán nhưng tôi biết nguyên lí của nó. Chứng khoán Việt Nam vốn dĩ sống tầm gửi vào sự ổn định chính trị. Thời điểm này là thời điểm có quá nhiều biến động. Bắt ông A sẽ dẫn đến ông B, ông B sẽ dẫn đến ông C. Và những ngành, mã ngành vệ tinh trong lĩnh vực đó hoặc bị chi phối bởi các lĩnh vực đó thì không nên dính vào, trừ sữa thì ai cũng uống, điện ai cũng thắp, nắng nóng điều hòa ai cũng dùng, còn lại thôi. Mà khổ, mấy cái đó thì nó lại ít biến động, mua không thắng.

Tôi nói xong thì mấy hôm sau bắt Trầm Bê, mấy hôm nữa rộ lên "tin đồn", và may cho tôi, nó xuống thật.
Đó là lời nói chốn vỉa hè, quán nước, forum nào đó, chúng ta chấp nhận. Nhưng một chính khách như anh Huệ thì không, nhất là khi anh xuất thân không phải khối C, có hiểu biết kế toán, có thành tích nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế tài chính, được phong giáo sư và nhận học vị tiến sĩ, đặc biệt là anh từng làm tổng kiểm toán và bộ trưởng tài chính.
Anh là người thay mặt chính phủ, tham mưu cho thủ tướng trong lĩnh vực quản lí kinh tế, không thể nói hàm hồ như thế được. Ít nhất, anh có hiểu biết về toán kinh tế. Ít nhất, anh hiểu được khái niệm lượng hóa các thông tin xác thực và có căn cứ để quy đổi nó ra giá trị so sánh và phân tích. Khái niệm lượng hóa có thể khó khăn cho một số bạn chưa tiếp xúc đến nó nên tôi nói qua một tí.
Trong nghề bọn tôi, khái niệm lượng hóa thường dùng để thống nhất các đại lượng tham gia vào một bài toán thực nghiệm nhằm đồng nhất đơn vị đo để đơn giản hóa hơn việc tính toán mà vẫn bảo đảm tính chính xác. Trong các mô hình toán kinh tế, như mô hình hóa, lí thuyết trò chơi, lí thuyết phục vụ đám đông, lí thuyết quản lí dự trữ, một số nội dung tác động đến thay vì để nó ở dạng ẩn số, người ta thường giả định và lượng hóa nó, để nó tham gia vào quá trình hình thành và xây dựng mô hình toán. Trong phân tích hiệu quả xã hội của một dự án đầu tư, trong quản lí rủi ro tín dụng, người ta thường dùng đến nó để quy đổi các tác động tốt hoặc xấu đến thị trường hay một đối tượng, một khu vực thành một giá trị hiện hữu để dễ hình dung và so sánh đối chiếu.
Theo vnexpress.netngày 10-8-2017, anh Huệ bảo "chỉ vì tin đồn thất thiệt mà thị trường chứng khoán đã mất 2 tỉ USD". Đây là một khẳng định chỉ nên dùng ở quán nước, "đầu đường xó chợ" chứ không nên là của một chính khách và đưa nó ra công luận một cách rộng rãi. Bởi lẽ:
Về mặt pháp lí, nếu anh khẳng định đó là tin đồn, anh nên báo cáo thủ tướng, chỉ đạo công an làm án, điều tra và bắt giam luôn thằng đồn. Một trăm người dưới anh đều biết rõ "thằng đồn" đó là ai.
Là một người có hiểu biết về kinh tế, anh ít nhất phải hiểu nguyên lí lượng hóa một thông tin. Nghĩa là anh phải phân tích lời đồn. Nếu cho nó đúng là lời đồn, anh phải khoanh vùng dữ liệu, khoanh vùng phạm vi ảnh hưởng, đối tượng bị nó tác động, mức độ và tỉ lệ tác động. Sau khi lượng hóa một số thông tin thành đại lượng đo đếm được, anh phải xây dựng cho nó một mô hình toán phù hợp, từ đó anh cho ra con số, rồi đối chiếu với con số sụt giảm trên thị trường chứng khoán, xem nó có đúng hay không, thiếu đủ bao nhiêu, có những nguyên nhân nào, rồi anh mới khẳng định.
Nếu là một chính khách, anh cần biết rằng anh thay mặt chính phủ, cho dù có tác động của lời đồn đi chăng nữa, anh cũng nên dùng cách khác để nói, tầm vóc hơn, chín chắn hơn, chứ không thể nông nổi và hàm hồ thế được. 
Để tôi nói anh nghe vì sao nông nổi và hàm hồ nhé. Một chính thể được quản lí nghiêm ngặt, chuẩn mực và hướng đến lợi ích của số đông nhà đầu tư, với hằng hà sa số cơ quan chức năng tham gia mà theo như anh nói thì nó quá dễ tổn thương và quá dễ thao túng. Một lời đồn bằng 2 tỉ đô ư? Nghe ngu ngơ hết sức. Bọn phản động mà nắm được cái nguyên lí này, nó đồn 100 lời thì nhà anh, đất nước anh, chính phủ anh sạt nghiệp à? Nhưng vì sao phản động nó không đồn? Vì nó không đúng, anh ạ.
Anh có ăn có học, tôi mong anh nên chừng mực và chín chắn hơn về phát ngôn trong lĩnh vực mà mình "hiểu biết". Thị trường có nguyên lí của thị trường, lên xuống là việc hết sức bình thường. Nếu nó không bình thường thì ở trước công luận, anh cũng nên coi nó là bình thường để dân chúng và nhà đầu tư không dao động. Đây anh không làm thế thì chớ, đi đổ dầu vào lửa, tiếp tay cho kẻ xấu, bằng cách mặc nhiên công nhận nó là vì lời đồn, tôi thực hết cái để nói với anh.
Thôi để kết luận, tôi nói thế này cho anh dễ hình dung. Nhà anh đang ở ấy mà, nó có giá 10 cây vàng/1 m2, ví dụ thế. Khi đất nó xuống 8 cây vàng, không lẽ anh loa lên với cả làng là anh mất 2 cây vàng rồi? Không đâu anh ạ, anh không mất đâu, vì anh không định bán, và khi anh định bán, nó sẽ có một bài toán khác, anh ạ. Đó là người ta bán đất, bán nhà vì một mục đích khác cần đầu tư. Khi anh có mục đích khác, anh lại phải so sánh giữa thiệt hại bán nhà và lợi nhuận của mục đích đầu tư mới. Trong kinh tế học, nó gọi là chi phí cơ hội đó anh. Khi nhẩm ra mà mục đích mới lãi hơn, nhiều hơn con số lỗ bởi bán nhà thì không còn cái lỗ của bán nhà nữa mà chỉ còn cái lãi thu được sau khi đối trừ đi.
Cuối cùng, tôi mong anh sức khỏe (thời buổi này ấy mà, sức khỏe quan trọng lắm anh), lần sau những việc như thế này, nếu không biết thì nên giao cho chủ nhiệm Ủy ban Chứng khoán nhà nước phát biểu là được rồi, ba việc sự vụ lẻ tẻ này anh phát biểu làm gì, nó mất tầm anh đi, nhất là khi mình không biết mà thích thể hiện cái gì mình cũng biết, cứ nói như đúng rồi. Dân người ta cười cho, anh ạ.
Kính anh.
L.D.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.