Thứ Năm, 24 tháng 8, 2017

Tân "Xích Bích đại chiến"

Tân "Xích Bích đại chiến"

bauxitevn1:30 AM

FB Hienmq Aq 
Trường Giang cuồn cuộn chảy về đâu? - Bạc tiền dậy sóng rối tung đầu…
Giang Nam, một dải đất nằm phía nam sông Trường Giang, non nước hữu tình, bốn mùa hoa nở. Xưa nay khách giang hồ đã từng lưu gót, không một ai không nhớ đến trận chiến Xích Bích (hãn hữu lắm mới có người nhầm lẫn Giang Nam với bút danh của một đại thi nhân có bài thơ kinh điển Quê hương mà nếu ai không nhớ thì sẽ... nói lộn).
Nói về trận chiến Xích Bích khi xưa. Năm Kiến An thứ 13, Tào Tháo đem 80 vạn quân đi thôn tính Giang Đông và Giang Nam (khi ấy chưa có Giang Mai). Hai nhà Tôn - Lưu lập liên minh kháng Tào. Phương án dùng hỏa công được chốt hạ. Chu Du dùng khổ nhục kế để Hoàng Cái trá hàng hòng thừa cơ đốt thuyền quân Tào. Mặt khác, Du sai Bàng Thống sang bày "kế liên hoàn" lừa Tào Tháo xích các thuyền lại với nhau để đốt cho dễ cháy. Thế trận bày xong nhưng hướng gió không thuận, khiến Chu Du sinh tâm bệnh mà thổ huyết. Gia Cát Lượng thấu cảm nên lập đàn cầu gió giúp Chu Du đại phá quân Tào. Tào Tháo đại bại, dù chạy thoát thân về Lạc Dương nhưng không quên mối hận trong lòng. Trước mặt bá quan văn võ, Tháo tuốt gươm trỏ lên trời mà thề rằng nếu đời này ta không lấy được Giang Nam thì đời con, đời cháu ta sẽ lấy cho bằng được. Thế là từ đó về sau, cứ thỉnh thoảng lại nổ ra một trận chiến Xích Bích.

Năm Kiến Tha thứ 14, hậu duệ của Tào Tháo là Tào Lao tiếp tục đem quân thôn tính Giang Nam. Thời thế đã đổi thay, quân đội lao vào làm kinh tế, chiến tranh thì không còn là những cảnh binh đao máu lửa như xưa mà đôi khi chỉ đơn giản là mặt trận kinh tế. Bởi thế mà trận chiến Xích Bích lần này cũng đơn giản chỉ là sự cạnh tranh của các đội tàu cá trên ngư trường Giang Nam.
Lại nói về Đông Ngô. Sau khi giành chiến thắng lừng lẫy năm châu trước quân Tào, Đông Ngô sinh tự mãn mà sao nhãng quân cơ. Bởi vậy, mặc dù có ưu thế ở vùng sông nước mênh mông nhưng thủy quân Đông Ngô ngày càng suy yếu, chỉ quanh quẩn ven bờ với thuyền thúng và tàu gỗ. So với các nước lân bang, khác nào một vực một trời. 
Nghe tin Tào Lao kéo quân tới Giang Nam đòi tỉ thí, hai bên Tôn - Lưu lại tiếp tục liên minh chống Tào. Chi Dư, hậu duệ của Chu Du, triệu tập các tướng dưới trướng rồi sai quân thỉnh Gia Cát Lượm đến bàn việc.
Khi mọi người yên vị, Chi Dư liền hỏi Gia Cát Lượm: 
- Nay đã gần ngày giao tranh với binh Tào, vậy trên ngư trường cần lấy loại tàu nào làm trọng?
Gia Cát Lượm đáp: 
- Ðánh bắt trên sông lớn, cần lấy tàu thép làm chính.
Chi Dư nói: 
- Lời tiên sinh rất hợp ý ta. Ngặt vì hiện nay trong quân thiếu thốn ngân lượng. Vậy phiền tiên sinh đứng ra thu xếp ngân khố để đóng 100 chiếc thuyền lớn trong vòng 10 tháng. Đây cũng là việc công, xin tiên sinh chớ chối từ.
Gia Cát Lượm nói: 
- Không cần đến 10 tháng. Chỉ cần 1 tháng là có đủ ngân lượng.
Chi Dư nghiêm trang nói: 
- Giữa chốn ba quân, xin tiên sinh chẳng nên nói chơi.
Lượm nói: 
- Tôi đâu dám nói chơi với Ðô đốc. Nếu không tin xin cứ lập quân lệnh trạng. Nếu sai hẹn, tôi xin chịu hình phạt kiểm điểm nghiêm túc.
Chi Dư vốn có ý hại Lượm nên cả mừng, cho lập quân lệnh trạng ngay tức khắc.
Hôm sau Lỗ Vốn (dòng dõi nhiều đời của Lỗ Túc) đến gặp Gia Cát Lượm với tâm trạng vô cùng thấu cảm: 
- Sao ông không khuyên Đô đốc bán biệt phủ đi mà lấy tiền đóng tàu? Ông tự chuốc họa vào mình, giờ có giời cứu.
Gia Cát Lượm cả cười: 
- Lỗ tiên sinh quên rằng xưa kia tiên nhân nhà tôi là Gia Cát Lượng đã dùng kế "thuyền cỏ mượn tên". Bây giờ Lượm tôi nâng cấp thành diệu kế "thuyền thép mượn tiền".
Nói rồi Lượm đi liên hệ với các nhà băng kí hợp đồng vay vốn tóe loe. Quả nhiên, chỉ sau một tháng Lượm đã thu xếp xong vốn cho dự án đóng tàu cá vỏ thép. Dẫu biết nợ công đã cao nhưng vì việc cấp bách, Chi Dư bấm bụng mà làm.
Nghe tin Đông Ngô làm tàu cá vỏ thép, Tào Lao vội cho gọi hậu duệ của Trương Liêu là Quan Liêu vào hội ý. Quan Liêu đánh giá: 
- Cho ngư dân mượn tiền đóng tàu thép là một chủ trương rất đúng đắn của Đông Ngô.
Tào Lao cả giận, mắng: 
- Ngươi đúng là Quan Liêu! Ngày xưa quân ta năm lần bẩy lượt mắc mưu của hai tên Du, Lượng, nay ý ta muốn tương kế tựu kế, dùng ngay kế sách đó để phá họ từ bên trong.
Nói đoạn Tào Lao cho gọi hai anh thợ đóng tàu đến, bảo: 
- Xưa Chu Du cho Bàng Thống sang bày kế "liên hoàn" để lừa quân ta. Nay hai ngươi hãy sang bên họ bày kế "liên kết" để rửa mối thâm thù.
Hai gã thợ đóng tàu sang gặp Chi Dư, đề nghị được liên kết thực hiện dự án. Chi Dư đưa họ đi tham quan thủy trại rồi hỏi kế sách. Thợ đóng tàu thưa: 
- Xem ra quân sĩ phần lớn thiếu năng lực nên cần phải đóng tàu chất lượng tốt thì mới vươn khơi hiệu quả. Đô đốc nên đặt loại thép tốt của xứ Cao Ly và máy tốt từ xứ Phù Tang thì mười phần bảo đảm.
Chi Dư thừa biết hai tên đóng tàu là quân Tào Lao nhưng do được chi đậm nên làm ngơ, chấp thuận kí hợp đồng thực hiện dự án đóng tàu.
Lại nói về chuyện Tào Lao. Sau khi điều hai thợ đóng tàu sang Đông Ngô bày "liên kết kế", Tào Lao tiếp tục dùng khổ nhục kế, đưa Cáp Quang sang trá hàng hòng làm nội ứng khi khởi sự. Cáp Quang tự là Đăng Kiểm, thuộc dòng dõi Trương Cáp - một trong ngũ hổ tướng của Tào Tháo khi xưa.
Mùa xuân năm Kiến Tha thứ 17, sau khi đóng xong loạt tàu thép hiện đại, chiếc nào chiếc nấy đẹp lung linh, Chi Dư phát lệnh xuất binh đánh chiếm ngư trường quân Tào. Khi tàu rời bến chẳng bao xa thì bỗng dưng bị hư hỏng, vỏ thép hoen rỉ, máy móc trục trặc không thể khai hỏa. Thỉnh thoảng cũng có lúc máy phát nổ nhưng chỉ chạy ỳ ạch như rùa đau đẻ. Lạ lùng hơn nữa là cứ thả lưới xuống là bị cuốn vào chân vịt chết ngắc, như bị ma nhập.
Chi Dư gọi Cáp Quang ra hỏi: 
- Ta giao ngươi kiểm tra tàu thuyền trước khi xuất kích, sao ra cớ sự này?
Cáp Quang đáp: 
- Thưa Đô đốc, hai gã đóng tàu trà trộn thép Tào, máy Tào vào nhưng không báo cáo nên tôi không tài nào biết được.
Chi Dư tức giận, rút thẻ bài ra, chửi: 
- ĐM, làm ăn như con cò, sếp mày tao còn cách chức được nữa là mày.
Ngờ Cáp Quang có chuyện khuất tất, Chi Dư dùng chưởng pháp "lăng không kình", hất bay Cáp Quang xuống biển làm mồi cho cá mập. Bởi thế mà sau này người Giang Nam thường nói "cá mập cắn Cáp" mỗi khi có chuyện nhạy cảm.
Đông Ngô thất bại nặng nề, tàu thuyền lũ lượt đắp chiếu, ngư dân lầm than, dư luận sôi sục. Sợ bị kỉ luật, Chi Dư hét lên một tiếng, máu miệng trào ra.
Nghe tin Chi Dư lâm trọng bệnh, Gia Cát Lượm đến thăm, khuyên: 
- Phải làm cho thuận khí trước rồi mới chữa bệnh sau.
Chi Dư hỏi: 
- Muốn khí thuận thì phải làm sao?
Lượm đáp: 
- Tôi có cách.
Nói đoạn truyền cho tả hữu lui ra hết rồi viết trên giấy bốn câu thơ: "Cái vụ tàu cá - Đổ thừa như sau - Vỏ thép hoen rỉ - Tại muối chứ đâu".
Chi Dư đọc rồi thất kinh, thú thực: 
- Quả tình tôi cũng tính đổ thừa cho nước biển mặn nhưng lại sợ bọn tiểu đồng nó cười vì xưa nay tàu thép vẫn chạy nước mặn chẳng hề hấn gì. Tiên sinh có cách nào giúp cho biển mặn hơn để thuyết phục dân chúng?
Lượm đáp: 
- Ngày trước, có bậc dị nhân dạy tôi cách gọi muối đuổi cá. Vậy Ðô đốc hãy truyền xây ngay một đài thất tinh ở chân nhà máy thép, cao bảy trượng, tôi sẽ cầu muối về cho Đô đốc.
Lo bị Chi Dư hãm hại nên sau khi đăng đàn cầu muối xong, Gia Cát Lượm thừa cơ trốn mất. Từ đó, vùng Giang Nam thường xuyên bị xâm nhập mặn, cá thì chết hàng loạt và những con tàu cứ tiếp tục bị rỉ sét.
Chưa biết có ai chịu trách nhiệm hay không, xem hồi sau cũng không rõ.
H.A.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.