Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

BOT: Ý kiến người dân

BOT: Ý kiến người dân

bauxitevn2:01 AM

Xoay quanh chủ đề BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải, báo điện tử Người đưa tin, cơ quan của Hội Luật gia Việt Nam vừa đăng tải một số ý kiến người dân trong mục "Đa chiều". BVN trân trọng truyền tải tới bạn đọc. Đầu đề chung do BVN tự đặt.

Bauxite Việt Nam

Thu phí BOT: Nghe ai và ai nghe?

PGS.TS Phạm Quang Long
Mấy hôm nay trên mạng đang rất nóng nhiều chuyện. Không dám lạm bàn những chuyện to tát, chỉ nói mỗi chuyện thiết yếu là đi trên các con đường của nhà nước nhưng đã bị các nhà đầu tư và các ông giao thông tính sai thế nào, trả tiền thế có hợp lí không và tiền sẽ vào túi ai xung quanh mấy phát ngôn của mấy ông lãnh đạo Bộ GTVT.
1. Đi lại trên đường là quyền của mỗi người. Đường sá nói chung là tài sản quốc gia, nhà nước giao cho ông GTVT quản. Ông quyết định đầu tư đường nào, chọn hình thức nào, đặt trạm thu phí ở đâu, thu bao nhiêu năm... đều được dân giao cho ông quyết cả. Thế mà ông phụ lòng tin của dân, ông chọn đường sai (làm BOT ở những đường cũ), đặt trạm thu phí sai quy định, kéo dài thời gian, chọn nhà đầu tư không đủ năng lực (tất cả lỗi này Thanh tra đã kết luận, báo chí đã đưa tin, tôi chỉ nói lại) rồi lại bênh vực họ. Vậy là về pháp lí ông sai, về đạo lí ông ăn lương từ tiền thuế của dân, ông lại phản bội dân để làm lợi cho người khác, đồng tình với họ bòn mót của dân. Nói thô thiển là ông phản bội lòng tin của dân. Nếu ông thừa nhận ông quá kém, không đủ năng lực nhận biết phải trái, đúng sai thì là chuyện khác. Đằng này ông vẫn bảo ông đúng thì chắc lợi ích có được qua các vụ làm ăn này đã làm ông loá mắt. Vậy phải đề nghị cơ quan pháp luật xem xét lại các dự án BOT để xử lí thôi.

2. Đã nhiều lần các ông nói là sẽ xem xét lại địa điểm đặt trạm thu phí, giá phí, thời gian thu phí nhưng cho đến nay, xin hỏi các ông đã sửa được mấy điều? Biết là sai mà không sửa, vậy ông quản lí thế nào? Còn bao nhiêu đường đầu tư bằng ngân sách, nhà đầu tư BOT nhảy vào thảm lại mặt đường rồi thu phí như đường mới (đơn cử Pháp Vân - Cầu Giẽ, Nam Định - Hải Phòng) mà ông vẫn nhắm mắt duyệt, lại còn kéo dài thời gian hơn thực tế thì lẽ ra phải xem xét động cơ đồng loã của ông móc thêm tiền túi của dân bỏ vào túi nhà đầu tư? Sao ông ủng hộ họ làm thế? Liệu có tư túi gì không? Ông đã làm trái lời dạy của cụ Hồ "Cái gì làm lợi cho dân thì cố mà làm. Cái gì gây thiệt hại cho dân thì cố mà tránh" rồi đấy. Thế mà ông vẫn tự nhận học tập và làm theo cụ. Ông học gì và làm theo được gì?
3. Nghe các ông Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Nhật, Nguyễn Ngọc Đông... nói trên đài, báo tôi ngán lắm vì trước sau chỉ thấy các ông khăng khăng mình đúng, nhà đầu tư đúng. Mãi đến khi bị chỉ tận tay, day tận mặt là các ông sai (tính chi phí sai, đặt trạm thu phí sai, thời gian thu phí sai, giá thu phí sai) các ông lại quanh co bao biện là "cần hài hoà lợi ích nhà nước và nhà đầu tư". Thế nào là hài hoà? Hài hoà là đúng pháp luật, đúng thực chi, đúng mức thu để trả phần kinh phí đã đầu tư. Đằng này các ông sai đến thế mà vẫn còn nguỵ biện được à? Lẽ ra các ông nên từ chức vì những sai lầm cả về mặt chuyên môn không đáp ứng được lẫn khía cạnh đạo lí chứ không phải ngồi đó mà nói những điều không ai nghe được. 
Dân chúng tôi không phân biệt được đúng sai, phải trái sao, thưa mấy ông? Đừng xem thường chúng tôi quá thế. Không phải cứ có quyền là muốn làm gì, nói gì cũng được cả đâu. Dân không đưa các ông lên ghế ấy nhưng có nhiều cách để đưa các ông rời ghế ấy. Võ Kim Cự, Hồ Thị Kim Thoa... là những ví dụ còn mới lắm, các ông ạ. Các ông từ lâu đã không nghe dân và chúng tôi không muốn nghe các ông nói nữa.
Liệu sau những ồn ào vừa rồi, các ông sẽ nghe ai? Nhà đầu tư hay dân? Chắc các ông sẽ có lựa chọn đúng vì lửa rát lắm rồi.

BOT tước quyền lựa chọn của dân

Trần Quang Vũ
Chuyện BOT giao thông đang nóng rẫy: điểm tránh Cai Lậy thuộc thị xã Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang mấy chục anh lái xe dùng tiền lẻ trả phí đường BOT gây tắc nghẽn giao thông; phía đầu tư và quản lí BOT có văn bản đề nghị không cho dùng tiền lẻ mua phí đường BOT; vài cơ quan ngôn luận lên tiếng xử lí hình sự mấy anh lái xe; đại biểu Quốc hội bảo mấy anh lái xe dùng tiền lẻ mua phí là "có vấn đề về văn hoá ứng xử"; Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT về BOT...
Ông Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát ngôn: "Dân không thích thì không đi đường BOT". Ông này đại diện cho dân có khác, bảo vệ quyền lựa chọn của dân. Nhưng thưa ông, nhiều BOT đã tước quyền lựa chọn này. Sâu xa hơn nữa, BOT đã chia các vùng miền ra nhiều đoạn. Xin dẫn ra một số thí dụ: trạm BOT đặt giữa thị trấn Lương Sơn - huyện Lương Sơn - tỉnh Hòa Bình, người nửa thị trấn này sang nửa thị trấn kia phải trả phí BOT; trạm BOT Cai Lậy đang nóng vì chặn cả quốc lộ 1 cũ để thu tiền; hành trình tuyến đường Hà Nội - Hưng Yên 65 km thu phí BOT 4 lần ở 3 trạm là Pháp Vân - Cầu Giẽ (nhà nước đầu tư, cho tư nhân sửa chữa, tráng nhựa để thu phí BOT như đường mới làm), Cầu Giẽ - Đồng Văn (tráng nhựa trên quốc lộ 1 có từ thời Pháp để thu phí BOT cũng như đường mới), cầu Yên Lệnh (thu gộp cả BOT cầu và đường Vực Vòng - cầu Yên Lệnh), người chỉ sử dụng cầu vẫn phải nộp phí cả hai…
Tóm lại thế này: BOT là cần thiết khi nhà nước thiếu vốn nhưng một số BOT đã xây dựng xong mô hình BOT là cái rọ, Bộ GTVT, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương có BOT kết lại thành bờ, xua dân vào rọ.
Nhóm lợi ích bao gồm nhà đầu tư BOT, một số quan chức Bộ GTVT, Bộ Tài chính và chính quyền nơi có BOT đã ăn cắp của nhà nước và tước đoạt quyền lựa chọn của dân!

BOT Cai Lậy: Đau ruột thừa, sao mổ buồng trứng?

Hoa Liên
Hơn nửa tháng kể từ ngày trạm thu phí BOT Cai Lậy đi vào hoạt động, những diễn biến được báo chí và dư luận cập nhật theo từng phút. Căng thẳng ngày càng leo thang khi các phương tiện vận tải, các chủ xe đồng tâm đồng lực phản đối bằng nhiều hình thức khác nhau. 
Thủ đô Hà Nội mấy ngày qua đều mưa, nếu đi theo quốc lộ 14 và quốc lộ 1A phải gần 1.700 km mới tới "điểm nóng" Cai Lậy - Tiền Giang. Thế nhưng dư luận vẫn đang nóng hơn bao giờ hết, đỉnh điểm là những phát ngôn của Thứ trưởng Bộ GTVT cùng chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy trong buổi họp báo chiều qua như đổ thêm dầu vào lửa.
Trước hết phải xác định rõ những bức xúc của người dân và dư luận là vị trí đặt trạm thu phí hiện nay - ngay trên quốc lộ 1 - chứ không phải mức phí 35.000 đồng mỗi lượt. Chính vì lẽ đó, ngay cả khi Bộ GTVT có đồng ý giảm phí cho mọi phương tiện, miễn phí cho người dân 4 xã địa phương thì vẫn chỉ giống "đau ruột thừa nhưng lại mổ buồng trứng" mà thôi!
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông có nói việc đặt trạm thu phí như thế có cả quá trình chuẩn bị rất lâu và không quên khẳng định: "Trạm thu phí Cai Lậy nằm trong phạm vi dự án, căn cứ vào phạm vi tài chính để hoàn vốn". 
Về phía chủ đầu tư, ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 tỉnh Tiền Giang (BOT Tiền Giang) cho biết: "Trên phương án tài chính thì cả tuyến đường tránh và tuyến đường tăng cường nâng cấp đều nằm trên phạm vi dự án, trạm thu phí được đặt ở đó thì mới khả thi về phương án tài chính. Vị trí đặt trạm thu phí cũng đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang đồng thuận".
Như vậy, việc xác định vị trí đặt trạm theo cả hai bên đều "đúng quy trình", thế nhưng từ trước đến nay, chúng ta đã bỏ qua bên liên quan nhiều nhất, đó chính là người dân. Không chỉ có BOT Cai Lậy, việc xây cầu Hạc Trì - Phú Thọ, việc đặt trạm ngay giữa thị trấn Lương Sơn - Hòa Bình, trạm BOT Bến Thủy - Nghệ An… liệu đã có phương án tài chính nào có ý kiến của người dân?
Dân là người đóng phí để hoàn vốn cho dự án BOT, dân là người lưu thông qua trạm mỗi ngày, mỗi giờ. Nếu dân không đồng thuận, dân không lưu thông, dân không trả phí thì kể cả Bộ GTVT, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang có "đúng quy trình" thế nào đi chăng nữa, phương án tài chính có hoàn hảo ra sao thì cũng sẽ phá sản!

Phá chiến lược giao thông tạo nhóm lợi ích vĩ mô

Trần Quang Vũ
Nhiệm kì của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, giao thông Việt Nam vẫn có chiến lược tăng năng lực hạ tầng phù hợp một đất nước trải dài 1.648 km, chiều ngang hẹp và bờ biển 3.260 km bằng 4 phương thức: sửa chữa nâng cấp QL1; gia cố và rút ngắn thời gian chạy tàu hoả Bắc - Nam; xây dựng cảng biển khu vực và tăng cường tàu vận tải ven biển; sửa chữa nâng cấp sân bay và tăng số lượng tàu bay cả thuê và sở hữu. Cuối nhiệm kì, ông Võ Văn Kiệt còn đầu tư nối các đoạn có sẵn thành đường Hồ Chí Minh để đất nước có hai đường bộ song hành.
Tuy nhiên sau đó, đặc biệt 10 năm gần đây, chiến lược giao thông bị phá nát. Đường sắt và đường biển, về lí thuyết là giá vận tải rẻ không có lấy một chính sách khuyến khích mà chỉ đầu tư cảng tràn lan. Đường Hồ Chí Minh trở thành hoang hoá. Sức ép vận tải giao thông cả xe con, xe khách, xe vận tải, đầu kéo container đè lên duy nhất quốc lộ 1 nên tai nạn tăng, ách tắc thường xuyên.
Sức ép trên đường được đặt vào nghị trường, vào các cơ quan cấp cao và những người liên quan quản lí giao thông đã đạt được cả ba dụng ý: thu phí giao thông vào nhiều chương mục; ngân sách tăng đầu tư cho giao thông; mở chính sách BT, BOT.
BOT tràn lan, bất chấp nguyên lí quyền lựa chọn của dân, bất chấp pháp luật về đấu thầu, bất chấp nguyên tắc dự toán, quyết toán để nâng giá... có nguồn gốc từ sự phá nát chiến lược giao thông. Nhóm lợi ích giao thông hành động như ở chỗ không người.
Thanh tra Chính phủ vừa kết luận, tuy chưa phải bức tranh tổng thể nhưng cũng đủ để khởi tố vụ án mà không có vụ án nào lớn hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.