Thứ Năm, 8 tháng 6, 2017

Vụ bắt người chống Formosa đến tai quan chức Mỹ

Vụ bắt người chống Formosa đến tai quan chức Mỹ

bauxitevn2:32 AM

clip_image002
Bà Virginia Bennett.
Quan chức cấp cao về nhân quyền của Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động xã hội chống Formosa, đồng thời cho biết đã nêu với Hà Nội tên cụ thể của hơn 10 người đang bị tống giam.

Bà Virginia Bennett, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, nói với VOA Việt Ngữ hôm 6/6, ít ngày sau khi dẫn đầu một phái đoàn của Hoa Kỳ tham dự một cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền ở Hà Nội.
Bà nói tiếp: “Mỹ quan ngại về thông tin bắt giữ ông Hoàng Đức Bình và tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép mọi cá nhân quyền được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng hay trong đời thường mà không sợ bị trừng phạt”.
Bà Bennett nói tiếp rằng bà đã thúc giục Hà Nội bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, như đã được ghi trong hiến pháp cũng như trong các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam.
clip_image004
Nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền vẫn đang bị truy nã.
Ông Hoàng Đức Bình bị bắt giữa tháng trước vì bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, ít ngày sau khi Việt Nam phát lệnh truy nã đối với ông Bạch Hồng Quyền “vì tội gây rối trật tự công cộng”.
Cả hai nhà hoạt động xã hội này từng xuất hiện tại nhiều cuộc biểu tình vì môi trường và chống sự hiện diện của nhà máy thép của Đài Loan đã gây ra vụ ô nhiễm biển gây thiệt hại lớn ở miền Trung. Dù bị chính quyền buộc tội, người dân cho biết ông Bình và ông Quyền đã hỗ trợ họ công tác tuyên truyền.
clip_image006
Việt Nam lâu nay vẫn phản bác các cáo buộc của nhiều tổ chức quốc tế về việc “bịt miệng tiếng nói đối lập”.
Việt Nam lâu nay vẫn phản bác các cáo buộc của nhiều tổ chức quốc tế về việc “bịt miệng tiếng nói đối lập”, và nhiều lần nhấn mạnh rằng Hà Nội không bắt người bất đồng chính kiến mà chỉ tống giam ai vi phạm pháp luật.
Trao đổi với VOA tiếng Việt, nữ quan chức ngoại giao Mỹ cho biết rằng Hà Nội và Washington vẫn còn khác biệt quan điểm về việc bày tỏ quan điểm bất đồng một cách ôn hòa.
Bà Bennett cũng cho biết rằng bà “thất vọng” vì chuyện, theo lời bà, “chính quyền chặn một số cá nhân gặp gỡ chúng tôi”, đồng thời cho biết đã yêu cầu phía Hà Nội “dỡ bỏ việc hạn chế đi lại của các nhà hoạt động”.
clip_image008
Bà Virginia Bennett (thứ ba, bên phải) gặp gỡ các nhà hoạt động tại Sài Gòn, ngày 24/5.(Facebook Huỳnh Thục Vy)
Tháng trước, một số nhà hoạt động xã hội như tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đăng ảnh và video trên mạng xã hội, cho biết rằng họ đã bị “cản trở” trong thời điểm diễn ra cuộc đối thoại. Chính quyền trong nước không công khai thừa nhận hay bác bỏ các thông tin này.
Dù không cho VOA Việt ngữ biết cụ thể tên họ vì lý do ngoại giao, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho hay đã nêu hơn 12 trường hợp cụ thể những người đang bị giam giữ ở Việt Nam.
Một thông cáo của các thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Christopher Coons và John Barrasso cho biết rằng khi thăm Việt Nam đầu tháng này, họ đã kêu gọi Việt Nam thả một số tù nhân chính trị như luật sư Nguyễn Văn Đài.
Cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 21 ở Hà Nội diễn ra ít ngày trước khi Thủ tướng Việt Nam trở thành lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên diện kiến Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.
clip_image010
Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng hôm 31/5.
Khi được hỏi về những chỉ trích của các nhà hoạt động ở Việt Nam về việc Hoa Kỳ đặt những lợi ích về thương mại lên trên vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội, bà Bennett dẫn một tuyên bố chung sau cuộc gặp ở Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng trước.
Bà nói: “Tôi muốn nói thêm rằng thường thì các cuộc trao đổi, cả bất đồng lẫn mang tính xây dựng, diễn ra riêng tư và không phải cái gì cũng công khai. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cam kết của chúng tôi về các quyền cơ bản như nêu trong tu chính án đầu tiên của hiến pháp mang tính bền vững và mạnh mẽ”.
Khi được hỏi lại rằng vậy người Việt Nam nên an tâm về chuyện Mỹ sẽ “thúc” Hà Nội về nhân quyền, bà Bennett nói ngắn gọn rằng “đúng”, đồng thời nói thêm rằng “tiến bộ về nhân quyền nói chung là điều sống còn để đưa quan hệ song phương đạt tới tiềm năng tối đa”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản bác báo cáo nhân quyền của Mỹ mà mới nhất, hồi tháng Ba năm nay, người phát ngôn Lê Hải Bình nói rằng Washington “vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”, dù “đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam”.
V.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.