Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Thủ tướng Phúc ở Washington - phỏng vấn Giáo sư Đoàn Viết Hoạt

Thủ tướng Phúc ở Washington - phỏng vấn Giáo sư Đoàn Viết Hoạt

bauxitevnThu 5:24 AM

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đến sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York, Hoa Kỳ, ngày 29/5/2017. (Ảnh chụp từ Zing.vn)
Việt Nam trong thời gian qua đã tích cực vận động để ngày hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt ở thủ đô Washington và sắp sửa được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đón tiếp tại Toà Bạch Ốc. Liệu hai bên có đáp ứng được những kỳ vọng của nhau về các vấn đề chiến lược, thương mại & kinh tế, và liệu vấn đề nhân quyền có được đề cập đến theo yêu cầu của một số dân biểu nghị sĩ Mỹ? Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhà đấu tranh để dân chủ hóa đất nước đang cư ngụ tại bang Virginia, Hoa Kỳ, trao đổi với VOA về ý nghĩa và trọng tâm chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Việt Nam.

VOA: Thưa Giáo sư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày mai (31/5/2017) sẽ trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Toà Bạch Ốc. Có thể coi đây là một thành quả ngoại giao lớn của Việt Nam?
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt(ĐVH): “Tôi nghĩ rằng đó là một thành quả, rất là đặc biệt vì ông Phúc cũng như Việt Nam đã quyết định đi thăm rất là sớm, trước tất cả các lãnh đạo của Đông Nam Á khác, thành tôi nghĩ đây là một sự kiện đáng chú ý”.
VOA: Dạ thưa Việt Nam trông đợi gì ở Hoa Kỳ trong chuyến công du này?
Giáo sư ĐVH: “Tất nhiên là Việt Nam trông đợi Hoa Kỳ tỏ rõ thái độ của mình đối với vấn đề Biển Đông, và Việt Nam trông đợi xem quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc có tác hại đến nền an ninh cũng như sự ổn định của Việt Nam hay không? Việt Nam có lẽ cũng trông đợi ở sự hỗ trợ của Mỹ về vấn đề kinh tế, vấn đề quân sự… Đó là những gì mà tôi nghĩ Việt Nam rất là trông đợi, bởi vì chính sách của ông Trump đối với Biển Đông cũng như đối với Đông Nam Á cũng chưa có gì rõ ràng cả”.
clip_image004
Tàu hải quân Hoa Kỳ tuần tra Biển Đông
VOA: Thưa Giáo sư, trong các quan hệ Mỹ - Việt thì nhân quyền vẫn là một cái gai trong mối quan hệ song phương. Sau đợt đàn áp, bắt bớ các blogger, các nhà tranh đấu cho môi trường cũng như dân oan bị mất đất, v.v… Và trong khi Tổng thống Trump không được biết tiếng là người thiết tha cho lắm về vấn đề nhân quyền thì thưa Giáo sư, ông có tiên liệu vấn đề này sẽ được nêu lên hay đặt làm điều kiện thương thuyết như một số các dân biểu và nghị sĩ đòi hỏi hay không?
Giáo sư DVH: “Chúng ta nhìn một cách khách quan thì nhiều người đánh giá ông Trump là một người thực tế hơn, ông quan tâm đến quyền lợi của nước Mỹ và tới thương mại, kinh tế nhiều hơn các vấn đề chính trị hay nhân quyền. Đấy là cái nhìn của rất nhiều nhà quan sát trên thế giới và có thể, của Việt Nam nữa, còn có thực sự ông Trump hay là chính sách của chính quyền mới có ủng hộ những tiếng nói đối lập hay những quyền tự do căn bản của người dân ở Việt Nam hay không thì có lẽ chúng ta phải chờ qua cái cuộc đối thoại giữa ông Phúc với ông Trump”.
VOA: Vâng như vậy, Việt Nam hy vọng là với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump, ông sẽ không đặt quá nặng vấn đề nhân quyền, có phải không ạ?
Giáo sư ĐVH: “Tôi nghĩ có lẽ không hẳn như vậy. Có thể ông Phúc cũng hiểu rằng ông Trump chỉ là ông Tổng thống trong khi nước Mỹ còn có Quốc hội, còn có các tổ chức dân sự và còn có cộng đồng người Việt hải ngoại, là những tiếng nói luôn luôn đòi hỏi Bộ Ngoại giao tức là bên hành pháp và Tổng thống Mỹ phải đặt các vấn đề nhân quyền, gắn liền nó với các quan hệ với Việt Nam, thì tôi nghĩ đấy là cái điểm mà ông Phúc cũng phải biết”.
VOA: Thưa Giáo sư, hồi nãy chúng ta hỏi Việt Nam trông đợi gì ở Hoa Kỳ, thì bây giờ đặt lại câu hỏi, Việt Nam sẽ mang lại gì cho Hoa Kỳ, nhất là mang lại cho Tổng thống Trump món quà nào để gọi là ‘bôi trơn’ cho mọi việc được suôn sẻ?
Giáo sư ĐVH: “Điều đầu tiên mà tôi nghĩ ông Trump trông đợi là vấn đề thương mại, tức là quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cho tới nay thì chúng ta biết rằng nó vẫn nghiêng về phía Việt Nam. Theo cái quan điểm “Nước Mỹ trên hết” thì Hoa Kỳ vẫn muốn là Hoa Kỳ được thêm những cái lợi hơn trong thương thuyết về thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Điểm thứ 2 là về đầu tư cũng như mở cửa thị trường vốn cho Hoa Kỳ vào Việt Nam. Thứ 3 là quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, thì thực sự Việt Nam vẫn chưa thực sự hướng về phía Mỹ như Mỹ mong đợi, thì tôi nghĩ đấy là những điểm mà ông Trump muốn được biết trong chuyến đi của ông Phúc”.
VOA: Vâng, với chính sách ngoại giao đa phương của Việt Nam, tức là ai cũng làm bạn, thì Việt Nam thường bị chỉ trích là đi hàng hai, hay là bắt cá hai tay, thưa Giáo sư đánh giá như thế nào nỗ lực gọi là tìm cách “cân bằng quan hệ” của Hà nội?
Giáo sư ĐVH: “Thực ra thì cho tới nay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam vẫn thiên về Trung Quốc nhiều hơn, về cả thương mại lẫn quan hệ về chính trị. Hoa Kỳ không thể giúp Việt Nam một cách tích cực nếu Việt Nam không dứt khoát về chính trị theo nghĩa ‘cân bằng’ chứ chưa phải là bỏ Trung Quốc. Chẳng hạn chúng ta thấy như dự luật về lập hội cũng như dự luật biểu tình, đã được đưa ra không biết bao nhiêu lần rồi, mà cho tới nay vẫn chưa được thảo luận nữa, chứ chưa nói gì tới thông qua Quốc hội. Đó là những cái rất tối thiểu mà chúng ta vẫn chưa thấy có, thì tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ vẫn còn trông đợi là Việt Nam phải cân bằng thật sự, hay nói cách khác, phải thay đổi để có thể tiến về phía Mỹ nhiều hơn nữa”.
Hoa Kỳ không thể giúp Việt Nam một cách tích cực nếu Việt Nam không dứt khoát về chính trị theo nghĩa ‘cân bằng’ chứ chưa phải là bỏ Trung Quốc. Chẳng hạn chúng ta thấy như dự luật về lập hội cũng như dự luật biểu tình, đã được đưa ra không biết bao nhiêu lần rồi, mà cho tới nay vẫn chưa được thảo luận nữa - Giáo sư Đoàn Viết Hoạt
VOA: Thưa Giáo sư, trở về vấn đề Biển Đông, từ quan điểm của Hà nội thì lo sợ lớn nhất là gì? Ngoài nguy cơ chiến tranh toàn diện bùng nổ?
Giáo sư ĐVH: “Cái mà Hà nội lo sợ không phải là chiến tranh trong lúc này mà cái lo sợ là không đủ sức để cản Trung Quốc trong chiến dịch hiện nay mà chúng ta có thể tạm gọi là giống như “tằm ăn dâu” vậy, tức là họ cứ từ từ họ tiến tới, và Việt Nam không thể ngăn cản được, mà Mỹ cũng không ngăn cản cái chuyện đó, mặc dù Mỹ phản đối. Thành ra tôi nghĩ đó là điều mà Việt Nam lo sợ nhất. Gần đây nhất chúng ta thấy là ngay sau chuyến đi của ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, thì có vẻ rất là hòa dịu, hai bên đồng ý giải quyết các tranh chấp và không gây thêm căng thẳng, thì chúng ta lại thấy Trung Quốc đã sử dụng những vũ khí ở ngay tại Trường Sa để ngăn cản hay tấn công những người nhái của Việt Nam đang hoạt động trong vùng mà Việt Nam cho là chủ quyền của mình. Thành ra những hành động như vậy của Trung Quốc là những điều khó cho Việt Nam để mà ngăn cản và cũng khó để mà chống đối, ngoài việc lên tiếng phản đối mà thôi, hay là việc tăng cường vũ khí để có đủ tiềm lực để có thể cản trở… Nếu không khéo thì có thể gây ra đụng độ, mà đụng độ thì có thể là một dịp để Trung Quốc đánh chiếm thêm những phần còn lại của Trường Sa. Trong khi đó thì cho tới nay chúng ta vẫn chưa thấy rõ là nếu có xảy ra một chuyện như vậy, thì Hoa Kỳ có can thiệp hay không? Ngay cả đối với Philippines là một nước đã có hiệp ước an ninh rồi mà Hoa Kỳ cũng không can thiệp được thì đối với Việt Nam như thế nào? Tôi nghĩ đó là điều mà Việt Nam lo sợ nhất”.
VOA: Thưa Giáo sư có nghĩ là Việt Nam cũng lo sợ là Mỹ có thể đổi những lợi ích ở Biển Đông, như tự do hàng hải, v.v... để đánh đổi sự hỗ trợ của Trung Quốc hầu có thể kìm hãm Bắc Hàn không ạ?
Giáo sư ĐVH: “Chắc chắn là phải có điều đó, và Hà nội cũng phải tìm cách để thăm dò xem cái đó có thể xảy ra không, nhưng thực ra thì điều đó cũng rất là trừu tượng, bởi vì khi mà nó xảy ra rồi thì không còn cách gì để mà gỡ nữa. Cái mà nó đang xảy ra hàng ngày mà Hoa Kỳ cũng không có hành động nào quyết liệt mặc dù hồi gần đây thì ông Trump có cho phép hải quân Hoa Kỳ đi vào vùng 12 hải lý và cả 6 hải lý nữa. Đó cũng là một tín hiệu tốt trước chuyến đi của ông Phúc. Nhưng mà tôi nghĩ còn có nhiều khúc mắc hơn nữa và do đó thì nó có thể đặt ra vấn đề như là trao đổi về thông tin tình báo chẳng hạn, nhưng mà Hoa Kỳ cũng không thể nào thực hiện điều đó trừ phi Việt Nam có một cam kết, có hướng thay đổi về mặt chính trị, tức là tự do hóa hơn, chấp nhận tiếng nói đối lập hơn, không đàn áp những người có tiếng nói độc lập và có những hoạt động bất bạo động. Tôi nghĩ đấy là những điều mà Hoa Kỳ trông đợi ở Việt Nam, và có lẽ cũng là điều chúng ta trông đợi”.
VOA: Thưa câu hỏi cuối, những tiêu chí nào sẽ được dùng để đánh giá sự thành công, hay không thành công của chuyến công du Mỹ quốc lần này của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc?
clip_image006
Mỹ giao tàu tuần duyên trọng tải cao cho Việt Nam
Giáo sư ĐVH: “Thật ra nếu mà nói về tiêu chí thì tùy theo mình đứng ở phía nào. Đứng phía Mỹ thì chắc chắn tiêu chí của ông Trump là tăng cường được sự hiện diện của Mỹ trong thị trường Việt Nam về vấn đề thương mại, vấn đề đầu tư, và liệu các công ty của Mỹ có thể sang Việt Nam hoạt động. Đó là tiêu chí thứ nhất, tiêu chí thứ hai là sự cởi mở của chế độ và khuynh hướng thiên Mỹ về mặt chính trị và các quyền tự do của xã hội dân sự. Về phía Việt Nam thì tiêu chí có thể là Mỹ sẽ đồng ý coi Việt Nam là một đối tác quan trọng về mặt chiến lược và sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam khi xảy ra những vấn đề ở Biển Đông. Tiêu chí thứ hai là Hoa Kỳ sẽ tỏ ra thân thiện mặc dầu rằng Đảng Cộng sản vẫn là cái đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam, và Hoa Kỳ sẽ không quá cứng rắn đối với những đòi hỏi về cải thiện nhân quyền và các quyền tự do của xã hội dân sự. Tôi nghĩ đó là một số tiêu chí về hai phía, Mỹ và Việt Nam”.
Thưa quý vị, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là một nhà hoạt động để dân chủ hóa Việt Nam, ông còn là một nhà báo quan tâm theo dõi tình hình trong nước, từng được trao Giải Bút vàng Tự do (1998) và Giải Nhân quyền Robert F. Kennedy (1995). Ông đang sống ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
H.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.