Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

Nỗi tủi hổ

Nỗi tủi hổ

bauxitevn8:52 AM

LS Lê Văn Luân
Điều tôi thấy xấu hổ và tủi thẹn là khi đọc những dòng viết, sự lên tiếng phân tích và phản đối của một người Nhật Bản về vấn đề buộc Luật sư tố giác thân chủ của mình tại Điều 19 khoản 3 Dự thảo BLHS 2015 mà nó đang gây choáng váng không chỉ cho những người hành nghề yêu nghề trong nước mà còn gây ra sự bàng hoàng cho cả những chuyên gia quốc tế nữa.
Tôi thấy tủi hổ vì một người của quốc gia khác đã lên tiếng liên tiếp trước sự phi lý của một điều luật của một đất nước khác. Và anh ấy cho rằng, đừng phân biệt anh ấy là người Nhật Bản hay người Việt Nam, mà là vì anh ấy chỉ lên tiếng bởi đó là quyền con người cần được bảo vệ. Đó là những lời nói càng khiến tôi thấy xấu hổ vô vàn, và tôi hiểu vì sao đất nước họ trở thành cường quốc thế giới, tại sao đất nước Nhật mỗi người dân Nhật lại là một "quốc dân Nhật". Vì đi đâu, ở đâu và với ai, họ cũng biết hành động để bảo vệ những giá trị của và thuộc về con người.

Tôi tủi thẹn vì ngay cả những người Việt Nam, những người hành nghề luật là người Việt Nam, cũng tỏ ra thờ ơ và không mấy mảy may hay băn khoăn gì đối với điều khoản này trong BLHS mà sắp được bấm bút thông qua vào 20/06/2017 tới đây.
Tôi tủi thẹn vì thấy một người Nhật lại lên tiếng và bằng sự hiểu biết, bằng tấm lòng của mình, không chỉ với điều luật nhỏ mọn đó, mà là lên tiếng bảo vệ công lý, lẽ quân bình và quyền con người khi thấy một điều luật xâm phạm vào mà có xu thế tước bỏ nó đi. Anh ấy là người Nhật, và đương nhiên chẳng quan trọng đối với anh ấy nếu điều luật này được thông qua [ở Việt Nam]. Nhưng anh ấy lên tiếng với nghĩa vụ của lương tri và lòng trung thành với luật pháp văn minh, với việc bảo vệ quyền con người mang tính phổ quát. Đó là điều làm nên Nhật Bản như bây giờ.
Ông Fukuzawa và nhóm trí thức cách nay gần 150 năm đã có công lớn khiến cho quốc gia mặt trời mọc này trở thành một cường quốc mà thế giới luôn phải trầm trồ học hỏi như ngày nay. Họ xây dựng nền tảng văn minh đó từ thời Minh Trị, vào cuối những năm 1870s của thế kỷ 19. Và thành quả bây giờ đã hiện hữu, không gì có thể quý giá và đáng nói hơn những lời thán phục.
Hirota Fushihara, tôi xin mạn phép được tag tên anh vào trong bài viết này để tỏ lòng quý trọng với anh. Mặc dù anh không có nghĩa vụ phải lên tiếng đối với luật pháp nước tôi, nhưng anh đã làm ngược lại, anh đã khiến tôi hổ thẹn vô cùng khi đứng trên đất nước mình trong sự chứng kiến những tiếng kêu yếu ớt và thưa thớt, gần như chẳng có chút trách nhiệm nào từ phía người dân, từ phía những người hành nghề mang danh Luật sư, luật gia hay những người nghiên cứu, giảng dạy luật.
Xin hãy nhận của tôi một lời trân kính và cả nỗi tủi hổ riêng của tôi dành cho Ông. Xin cảm ơn ông đã luôn đồng hành và lên tiếng cùng chúng tôi trong vấn đề quan trọng này.
Nguồn: FB Luân Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.