Những đoá hoa hồng của ngành lập pháp
bauxitevn2:30 AM
Đến cục cứt cũng là cứt rởm - Trần Ái Dân
Tui sợ học, và lười đọc nên rất ngại chuyện sách đèn. Má tui hay ghẹo:
U ơi học để làm chi?
Thưở thơ ấu thì buồn ngủ, đến già thì buồn phiền và (lắm khi) phiền muốn chết luôn. Tuần rồi, rượu hết, xe hư, bấm điện thoại rủ rê bạn bè tới đón (ra quán uống sương sương vài ly chơi) nhưng ai cũng từ chối thẳng thừng: “Bận quá, sorry, để bữa khác đi”.
Đa bệnh cố nhân sơ!
Loay hoay không biết làm chi cho hết ngày nên tôi đành lôi cuốn hồi ký của luật sư Nguyễn Mạnh Tường (xuất bản đã lâu) ra coi qua vài đoạn, rồi ngồi thừ ra cả buổi:
“Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu: đó là cái đói...
Vợ tôi đã nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống, nhưng làm sao có được mớ vốn ban đầu và có chút tiền để bôi trơn móng vuốt làm khó của những tên công an hay cán bộ thuế, để chúng để yên cho chúng tôi khó khăn kiếm sống?” (Un Excommunié - Hanoi 1954-1991: Procès d’un intellectual - Kẻ Bị Mất Phép Thông Công, Hà Nội 1954-1991: Bản Án Cho Một Trí Thức, bản dịch Nguyễn Quốc Vĩ).
Ủa! Sao phu nhân của một vị luật sư mà phải “nghĩ đến chuyện bán thuốc lá bên lề đường để kiếm sống,” kỳ cục vậy cà? Lại phải loay hoay lục tìm, và xem thêm mấy đoạn nữa - từ một cuốn sách khác - mới tìm được nguyên do:
“Ngày 17-11-1950, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 158-SL, quyết định việc bổ sung cán bộ công nông vào ngạch thẩm phán và thăng bổ các thẩm phán toà án nhân dân huyện lên toà án nhân dân tỉnh…Từ đây, theo ông Vũ Đình Hòe: ‘các thẩm phán huyện, đa số là đảng viên cộng sản, chỉ qua lớp chính trị và nghiệp vụ’. Quan điểm lựa chọn thẩm phán chủ yếu ‘đứng trên lập trường nhân dân’ của Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lâu dài đến nền tư pháp Việt Nam”. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, USA: 2012).
Sợ là ông bạn Huy Đức diễu chơi (và diễu dở) chớ ai dè là Bác Hồ làm thiệt. Thật cứ như đùa: CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 158/SL NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1950
Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ, sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận;
RA SẮC LỆNH:
Điều 1: Những cán bộ công nông có thành tích kinh nghiệm có thể được bổ vào một ngạch thẩm phán thích đáng theo đề nghị của một Hội đồng tuyển trách.
Điều 2: Các thẩm phán toà án nhân dân huyện nếu có năng lực và tinh thần phục vụ có thể được thăng bổ lên ngạch thẩm phán toà án nhân dân tỉnh, theo đề nghị của Hội đồng tuyển trách...
Hồ Chí Minh (Đã ký)
Luật sư Nguyễn Mạnh Tường, rõ ràng, đã hành nghề không đúng lúc và không đúng chỗ (wrong time and wrong place). Giữa lòng một xứ sở cách mạng mà vị Chủ tịch Nước đang quyết tâm “công nông hoá tư pháp” thì một ông tiến sĩ luật khoa (tốt nghiệp ở tận trời Tây) bị... rút phép thông công là phải!
Chỉ có điều không phải (lắm) là qúi ông/qúi bà cán của Đảng và Nhà nước đã biến pháp đình thành một sân khấu, chỉ dành riêng cho đám phường chèo cách mạng. Nhạc sĩ Tô Hải - người có mặt trong phiên toà xử Phan Thắng Toán và những người đồng vụ, hồi năm 1971 - đã ghi lại (vài câu đối thoại) như sau:
Chánh án: - Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi truỵ không?
Toán xồm: - Dạ! Thưa quý toà, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng hoà Dân chủ Đức thôi ạ!
Chánh án: - Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
Toán Xồm: - Dạ! Paloma là của nước bạn Cu Ba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất bản của Nhà nước đã in và sân khấu Nhà nước đã có nhiều ca sỹ biểu diễn ạ!
Chánh án: - Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?
Toán Xồm: - Dạ! Có ạ!! Đây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cu Ba ạ!
Chánh án: - Thế còn Tango bleu chắc anh cũng đổ cho Cu Ba hết hả?
Toán xồm: - Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ác-giăng-tin nhưng đã được quốc tế hoá. Vừa giờ Đoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều sử dụng cả ạ!
Chánh án: - Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Đừng có ngụy biện!
Toán Xồm: - Dạ! Đánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn... chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
Chánh án: - Anh hãy im miệng! Đồ ngoan cố!
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa Chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Đồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.
Cuối cùng, Toà luận án và tuyên án:
Việc làm của bọn này đã gây ảnh hưởng xấu cho phong trào trật tư trị an, phá hoại việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách lao động sản xuất, chính sách nghĩa vụ quân sự... xâm phạm nghiêm trọng đến hạnh phúc, phẩm giá của phụ nữ, đến đạo đức và đời sống của nhiều người, và tuyên truyền xuyên tạc lại chế độ xã hội chủ nghĩa trong lúc cả nước đang chiến đấu chống Mỹ xâm lược.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nói trên, Toà quyết định xử phạt Phan Thắng Toán 15 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Đắc, 12 năm tù giam và sau đó 5 năm bị tước quyền công dân; Nguyễn Văn Lộc 10 năm tù giam và 4 năm bị tước quyền công dân.” (“Phan Thắng Toán và Đồng Bọn Đã Bị Xét Xử” - báo Hà Nội Mới, 12-01-1971)
Sau đó, sau khi “Đảng hoá” tư pháp, bước kế tiếp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là công nông hoá luôn ngành lập pháp:
“Có đại biểu Quốc hội là thợ rèn, thợ tiện. Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh còn có đại biểu là một nữ công nhân quét rác. Ông Hồ Giáo, một người chăn bò nổi tiếng, được đưa vào ngồi trong Quốc hội tới ba khoá liền (IV, V, VI). Ông Giáo thừa nhận, vốn ít học và những năm ấy vẫn độc thân, nên ông dồn tất cả tình cảm, tâm trí và sức lực cho những con bò mà ông yêu quý. Những lần đi dự họp Quốc hội, theo ông Hồ Giáo, ông phải rất gắng gượng, mỗi khi Quốc hội cần ông lên diễn đàn phát biểu để chụp hình, có người sẽ viết sẵn cho ông bài phát biểu”. (H. Đức, sđd, tr. 229).
Lại sợ tác giả Huy Đức đùa (dai) nên gu gồ chút xíu, cho nó chắc ăn, và quả nhiên là có hình ảnh và tiểu sử của vị đại biểu là nữ công nhân quét rác (thật) chứ không phải bỡn:
Ảnh: nnsvn.quochoi.vn
Lê Thị Thêu (sinh năm 1937) là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI(1976-1981), là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
Không hiểu trong thời gian (1976-1981) có bao giờ bà Thêu đăng đàn phát biểu gì không, và nếu có thì bà ấy ăn nói ra sao nhưng cách ăn mặc thì rõ ràng là bình dị quá. Chỉ chiếc áo bà ba lấm tấm điểm hoa, chớ không thấy lụa là, gấm vóc gì ráo trọi.
Qúi vị nữ đại biểu quốc hội hiện nay thì ăn mặc xem bắt mắt hơn nhiều nhưng ăn nói thì nghe hơi chối tai chết mẹ:
- ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”.
- ĐBQH Nguyễn Thị Thủy: “Xâm phạm an ninh quốc gia là tội bất trung, đại nghịch”.
- ĐBQH Nguyễn Thị Xuân: “Đề nghị xử hình sự hành vi bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
- PCTQH Tòng Thị Phóng: “Không được lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước”.
- CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân: “Luật sư biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà làm ngơ là không được”.
Blogger Song Chi kết luận rằng: “Chỉ qua một vài ví dụ như vậy để thấy Quốc hội là một cơ quan ‘bù nhìn’ ra sao và bà Chủ tịch Quốc hội có tầm nhìn, lối suy nghĩ cho tới trình độ, sự hiểu biết ở mức nào”.
Tôi sợ rằng đây là một kết luận hơi khắt khe, và cách diễn đạt cũng có phần khe khắt. Thay vì gọi họ là những con bù nhìn, chúng ta nên dùng loại từ ngữ nhẹ nhàng hơn: “những đoá hoa hồng để trang điểm cho chế độ hiện hành”, chả hạn. Với ngành lập pháp công nông của nước nhà mà có những vị nữ dân biểu biết ăn mặc, trang điểm (mầu mè) và thỉnh thoảng cũng đăng đàn phát biểu - linh tinh, đôi câu - như thế là đã quý hóa lắm rồi. Đặt vấn đề “tầm nhìn, trình độ…” nữa thì e là xa xỉ quá!
T.N.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.