SỰ TRÁO TRỞ CỦA CHÍNH QUYỀN HÀ NỘI
Cái gì thế này? Một sự tráo trở vỗ mặt, y như một cái tát trời giáng đánh thẳng vào dân chúng Đồng Tâm nhưng lại làm sưng má không chỉ dân Đồng Tâm mà hết thảy nhân sĩ trí thức và nhân dân cả nước - những người trong gần hai tháng nay vẫn chưa thôi hoan hỷ về nghĩa cử đàng hoàng, đứng đắn của chính quyền Hà Nội trước nỗi oan bị chiếm đất bất minh của nông dân Đồng Tâm và rộng ra là nông dân Việt Nam thời hiện đại. Rõ ràng là người dân tin vào lời hứa của chính quyền nay đã hoàn toàn trắng tay. Nhưng cũng rõ ràng sau cú lừa trắng trợn và trơ tráo hết mực thế này, chính quyền đã thua sát ván. Bộ mặt một nhà nước "vì dân do dân" chẳng còn lại gì nữa ngoài một con số không. Từ nay, người ta sẽ càng hiểu rõ lời thề cá trê chui ống của người cộng sản. Những bảo chứng tưởng là hết sức thiêng liêng - bảo chứng bằng chữ viết và dấu tay lăn mực của người đứng đầu quyền lực - hóa ra cũng chỉ giá trị bằng một tờ giấy lộn vứt vào sọt rác, vì đúng như bản chất, với người cộng sản thì để đạt mục tiêu "bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình" (Quốc tế ca), dẫu có phải phản bội nét mực, chữ ký chính mình đã viết đã ký cũng là chuyện rất nhỏ. Hãy nhớ lại câu "dù có đốt hết dãy Trường Sơn" là gia sản muôn đời của cả nước người cộng sản cũng sẵn sàng làm, nói chi một lời cam kết với dân.
Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại, ở tư cách một con người mà nói, chẳng lẽ đường đường một ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung mà lại tuyệt không ẩn náu trong mình một chút gì gọi là lương tri sao? Một người đóng vai đại diện cho một thành phố trung tâm cả nước, có truyền thống văn hóa lâu đời, mà lại trình ra trước bàn dân thiên hạ, trong nước cũng như thế giới, một phương châm xử thế theo kiểu tráo trở bài bây vậy sao? Thế thì đáng sợ quá, không một ai hiểu được, không một lý lẽ nào chấp nhận được. Chỉ có thể nói là nguy to rồi.
Trước những câu hỏi như trên, cân nhắc mọi lẽ, chúng tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng, có một sự lắt léo gì đây ở bên trong sự vụ, một sự lắt léo báo hiệu một tình thế vô cùng phức tạp không gỡ nổi, cuối cùng phải đưa đến "giải pháp tình thế" sau hơn 45 ngày, chệch hoàn toàn với lời hứa hẹn tốt đẹp của ông Chung.
Nhưng điều này lại cũng chứng tỏ một sự thật ghê gớm phía sau: hiện tượng xung đột ngấm ngầm giữa các phe nhóm lợi ích, lâu nay vẫn diễn ra trong nội bộ thế lực cầm quyền ở Hà Nội cũng như khắp nước, là một thực tế đang ngày một trầm trọng hơn. Mọi hòa giải chỉ là tạm thời, trước sau thế nào cũng bộc phát. Và đó là cái kết thúc tất yếu cho một thể chế đã băng hoại đến mức không còn cần gì đến chút liêm sỉ, cũng không cần đến sự tín nhiệm của dân chúng.
Chúng ta hãy chờ xem.
Bauxite Việt Nam
CHÍNH QUYỀN BỘI TÍN: KHỦNG HOẢNG ĐỒNG TÂM SẼ TIẾP BIẾN?
Phạm Chí Dũng
(VNTB) - Nếu lần này Công an Hà Nội quyết tâm trả đũa bằng vụ khởi tố người dân Đồng Tâm, dù chỉ khởi tố một người, cuộc khủng hoảng tại đây nhưng mang tính chất quốc gia không còn cách nào khác sẽ bùng nổ trở lại và lan rộng khó lường.
Tưởng mình hoa mắt!
Chiều muộn ngày 13/6/2017, BBC Việt ngữ đưa tin với tựa đề: “Hà Nội khởi tố vụ án bắt 38 cán bộ ở Đồng Tâm”.
Ngay cả những nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền nhiều kinh nghiệm đối phó với chính quyền cũng tưởng mình hoa mắt khi đọc tin này. Nhưng sự thật đã lộ ra trần trụi và khốc liệt hơn bao giờ hết: Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội vào hôm 13/6 đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4, để điều tra về 2 tội danh: “Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 BLHS) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo điều 143 BLHS).
Khó có thể hiểu khác hơn là quyết định khởi tố trên để nhắm vào đối tượng dân chúng chứ không phải những công an viên đã bắt giữ trái phép và vật gãy xương cụ Lê Đình Kình của thôn Hoành - một trong những nguồn cơn chính yếu mà đã thổi bùng cơn phẫn uất không thể kềm giữ của người dân Đồng Tâm.
Vậy còn bản cam kết viết tay của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại thôn Hoành, trước sự chứng kiến của bao nhiêu người dân, thì sao? Chẳng lẽ đã phải cúi đầu cam kết đến thế mà ông Chung còn trở mặt với những người dân đã đối xử cực kỳ văn hóa và chu đáo đối với các cảnh sát cơ động bị bắt giữ?
Hãy nhìn lại bản cam kết của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung gồm 3 điều với người dân xã Đồng Tâm:
Thứ nhất, ông cam kết trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra về đất đai.
Thứ hai, cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.
Thứ ba, ông cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm).
Dư luận viên chuẩn bị dư luận như thế nào?
Cũng vào chiều muộn ngày 13/6/2017, hầu như ngay sau khi báo chí nhà nước chính thức đưa tin về quyết định khởi tố trên của Công an Hà Nội, những dư luận viên lập tức khai hỏa. Một trong những viên đạn ấy, như thể được chuẩn bị từ trước, mang những luận điệu rất đáng mổ xẻ như sau:
“Sẽ không sai nếu chúng ta nói rằng, chính sức ép đặt lên vai khiến ông Chung đứng trước những sự lựa chọn có tính tình thế? Hoặc là ông sẽ từ chối dân Đồng Tâm để rồi 19 cán bộ chiến sỹ Công an tiếp tục bị giam giữ trong vô vọng, hoặc là ông chấp nhận "yêu sách" của dân Đồng Tâm để rồi hóa giải tình hình bằng những phương cách khác nhau. Và trong tình thế đó, kinh nghiệm và yêu cầu khách quan buộc ông lựa chọn phương án khả dĩ và đúng đắn hơn. Vì vậy, nếu có trách thì có lẽ chúng ta nên trách và đặt câu hỏi tại sao dân Đồng Tâm lại ngang ngược đến độ thế mà thôi???
Thứ hai, đồng ý, với chức danh hành chính ông Chung là người đứng đầu UBND TP Hà Nội. Nhưng với chức danh tư pháp thì ông chỉ đứng ngang hàng với người dân. Nếu ông có phạm tội thì ông đương nhiên bị xét xử như thứ dân. Điều này cho thấy, lời hứa của ông Chung có thể dưới khía cạnh quyền lực nhà nước thì có trọng lượng nhưng dưới khía cạnh tư pháp, định đoạt số phận, tương lai của người khác lại vô hiệu. Rất có thể khi đặt bút viết những dòng trong bản cam kết nói trên, vì đại cuộc ông Chung đã chấp nhận "thất hứa", thậm chí là "lừa" dân Đồng Tâm để cứu vãn sự việc và chấm dứt tình trạng "rào làng chiến đấu" diễn ra nhiều ngày tại đây.
Chi tiết thứ 3 được chỉ ra, ông Chung có hứa "sẽ không truy cứu trách nhiệm đối với toàn thể dân Đồng Tâm". Và xem chừng 02 tội danh (“Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” (theo điều 123 BLHS) và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (theo điều 143 BLHS) được cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội thực hiện sẽ không bao hàm tất cả người dân Đồng Tâm mà nó đã được cá thể hóa. Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tính toán khởi tố bị can, tập trung điều tra làm rõ đối với một số cá nhân đóng vai trò cầm đầu, tổ chức và có hành vi quá khích... Vì thế, xét dưới khía cạnh logic hình thức thì lời hứa của ông Chung hoàn toàn không dẫm đạp lên động thái mới này!”.
Hãy đọc kỹ để thấy giới dư luận viên đã ngụy biện bất chấp giới hạn đạo lý cho cách hành xử quay ngoắt của giới chủ chính trị.
Cái giá cuối cùng của “niềm tin”
Có lẽ đã rõ, quá rõ cho một vụ “hồi tố” được chính quyền và công an tính toán dành cho người dân Đồng Tâm. Cũng đã rõ cho những ai đã quá tin hoặc vẫn cố dành niềm tin cuối cùng vào chính quyền và công an, hoặc những ai đã hết lời ca ngợi ông Nguyễn Đức Chung sau cái bản cam kết mà rất có thể ông ta viết một đằng nghĩ một nẻo.
Hãy đừng bao giờ quên những bài học đau đớn trong lịch sử. Thọ Ngọc, Thanh Hóa năm 1989 và Quỳnh Phụ, Thái Bình năm 1997 - những cuộc “khởi nghĩa” của người nông dân cũng bước đầu giành thắng lợi, nhưng sau đó không lâu đã bị những đòn chơi bẩn của chính quyền và công an nhấn chìm trong lao tù.
Thông thường, công an sẽ chờ vài ba tháng sau vụ việc để xoa dịu sự phẫn nộ dân chúng và khiến bầu không khí lắng lại, rồi tổ chức khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kể cả “bắt nguội”. Kinh nghiệm xương máu đã là quá nhiều ở Dương Nội, Văn Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Bình Thuận... và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Một bài học cận kề vào năm 2011 là làng Ô Khảm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Cũng từ cuộc đấu tranh chống tham nhũng và trưng thu đất đai vô lối mà 13 ngàn người dân làng này đã giành thắng lợi trong một cuộc đấu tranh “rào làng kháng chiến”, bắt buộc chính quyền Bắc Kinh thời Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải đàm phán và để cho Ô Khảm trở thành làng đầu tiên trong cả Trung Quốc được bầu cử tự do, với kết quả trưởng làng là một người được dân làng bầu lên chứ không phải là quan chức được chính quyền ấn xuống.
Nhưng chỉ sau vài năm, chính người trưởng làng đó đã bị chính quyền trả thù bằng việc vu tội và bắt giam ông.
Đồng Tâm lại là một hình ảnh của Ô Khảm, ở Việt Nam.
Nếu lần này Công an Hà Nội quyết tâm trả đũa bằng vụ khởi tố người dân Đồng Tâm, dù chỉ khởi tố một người, cuộc khủng hoảng tại đây nhưng mang tính chất quốc gia không còn cách nào khác sẽ bùng nổ trở lại và lan rộng khó lường.
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm gặp dân hôm 22/4. Ảnh: AFP
Một người dân chào nhóm cảnh sát cơ động khi họ được thả tự do hôm 22/4. Ảnh: REUERS/KHAM
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Đồng Tâm đối thoại với người dân. ẢNH NAM ANH
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.