Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Hà Nội tính thay 4.000 cây xà cừ: Mất phố lá vàng?

Hà Nội tính thay 4.000 cây xà cừ: Mất phố lá vàng?


Nhiều người dân bày tỏ tiếc nuối khi biết thông tin Hà Nội tính thay thế hơn 4.000 cây xà cừ trong nội thành bằng các cây phù hợp với đô thị.


Tính thay thế hơn 4.000 cây xà cừ già cỗi


Ngày 2/6, nhiều tờ báo dẫn nguồn tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố đang có kế hoạch thay thế toàn bộ cây xà cừ trên các tuyến phố trong khu vực nội đô bằng các cây phù hợp với đô thị.

Trước mắt, với những cây xà cừ sâu mục, cong nghiêng... có nguy cơ gây mất an toàn, Sở Xây dựng đề nghị chặt hạ, trồng thay thế bằng các loại cây phù hợp với đô thị.

Về lâu dài, toàn bộ xà cừ sẽ được thay thế bằng hệ thống cây xanh có nhiều tính năng, tạo môi trường xanh, không gian sạch cho thành phố. Tuy nhiên, Sở Xây dựng Hà Nôi cho biết, việc này sẽ có phương án, lộ trình hợp lý, rõ ràng làm cơ sở thực hiện.

Hà Nội đang tính thay thế hơn 4.000 cây xà cừ tại các phố bằng cây đô thị.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay thành phố có hơn 4.000 cây xà cừ già cỗi (ngoại trừ các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa có thống kê cụ thể). Các cây được trồng ở đường phố Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, đường Láng, Trần Thánh Tông, Yên Phụ... 

Đặc biệt, số liệu từ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho thấy, từ năm 2014 đến 2016, có 132 cây xà cừ bị đổ trong mùa mưa bão, chiếm tỷ trọng lớn lượng cây gãy đổ, gây thiệt hại với người và tài sản.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bộ rễ của cây xà cừ phát triển cần không gian lớn mới đủ đáp ứng điều kiện bám giữ chống chịu gió bão. Tuy nhiên, đối với cây xà cừ phát triển trên đường phố Hà Nội không có không gian đất cho bộ rễ phát triển.

Để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, đơn vị liên quan đã phải cắt các cành to, tán xòa rộng, mất cân đối, gây nguy hiểm. Vì vậy nhiều cây xà cừ không còn tán che mát, không đảm bảo cảnh quan.

Dân tiếc nuối

Đón nhận thông tin trên, chia sẻ với Đất Việt, nhiều người dân thủ đô không chỉ bất ngờ mà còn bày tỏ sự tiếc nuối.

Bạn Hoàng Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, những hàng cây xà cừ đã tồn tại hàng chục năm nay trên các tuyến phố của Hà Nội. Thậm chí có những cây cổ thụ tuổi cũng đến trăm năm.

“Hơn 4.000 cây xà cừ mà chỉ có hơn 130 cây bị đổ gãy trong vòng 3 năm là rất ít. Tôi nghĩ nếu chúng ta có biện pháp phòng chống thì sẽ không gặp phải những khó khăn, thiệt hại như thời gian trước.

Tôi thật sự không đồng tình với ý kiến cho rằng cây xà cừ dễ gãy đổ. Các bạn cứ dạo các phố Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu... thì thấy rõ nhất. Cây rất đẹp, tỏa bóng mát và trở thành dấu ấn của các tuyến đường này”, Hoàng Anh chia sẻ.

Trên phố Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng…, xà cừ cùng sấu đua nhau thay lá, tạo nên vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội. Ảnh: Infornet
Trong khi đó, chị Thu Hương (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ tiếc nuối nếu như hàng ngày không còn được nhìn những hàng cây xà cừ dài trên các tuyến phố.

“Cây trồng cũng lâu rồi nên thân vươn cao, tỏa bóng mát dọc 2 bên đường. Người dân đi lại qua đó vào buổi trưa thì có thể tránh nắng nóng. Buổi tối mát mẻ hoàn toàn có thể đi dạo, ngắm cảnh. Nhất là vào thời điểm xà cừ cùng với sấu đua nhau thay lá, tạo nên vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội.

Giờ nếu đồng loạt chặt hết hơn 4.000 cây xà cừ đi và thay thế bằng những cây tán lá thấp thì thành phố sẽ như thế nào? Hà Nội mấy ngày nay thời tiết gần 40 độ C người dân có cây cối đã thấy ngột ngạt rồi”, chị Hương nêu quan điểm.
Sẽ thông báo rộng rãi rồi mới thực hiện
Thông tin Hà Nội chặt chuyển 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long để phục vụ cho dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 vẫn khiến dư luận xôn xao.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, cho biết vào ngày 18, 19, 20/4, đơn vị này cùng các cơ quan hữu quan tiến hành khảo sát, đánh giá dãy cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Ông Duân khẳng định việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là bắt buộc. Bởi số cây này nằm trong Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long nên cần phải di dời. Phương án chặt hạ, đánh chuyển cây xanh, thời gian thực hiện như thế nào Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tham vấn các chuyên gia.

Thông tin thêm, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã giao đơn vị tư vấn khảo sát toàn bộ cây nằm trong chỉ giới đường đỏ.

Sau khi họp với các hội, sở, ngành đang được giao tư vấn khảo sát làm rõ tiêu chí, phương án chặt hạ, di chuyển cụ thể từng cây, lên phương án cụ thể thì Sở báo cáo UBND TP chấp thuận, tổ chức thông tin rộng rãi, sau đó mới thực hiện.

Theo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.