Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Vì đâu nên nỗi

Vì đâu nên nỗi

bauxitevn8:21 AM

Nguyễn Đình Cống
Boxitvn ngày 15/5 đăng “Đơn xin trả lại thẻ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” của ông Nguyễn Trọng Phúc. Đọc xong tôi lẫn lộn tâm trạng vui buồn với câu hỏi: Vì đâu nên nỗi thế này.
Vui vì ông Phúc công khai việc trả thẻ Đảng.
Thời gian gần đây có một số đông đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng theo 2 cách: 1- Làm thủ tục chuyển sinh hoạt nhưng đến nơi mới không nộp hồ sơ, lặng lẽ ra khỏi Đảng. 2- Làm đơn xin nghỉ sinh hoạt vì tuổi cao rồi không đóng Đảng phí trong thời gian dài để chi bộ tự động xóa tên. Cả hai cách này đều cho rằng: “Dù sao ta cũng ra khỏi nơi đã vào nhầm”. Thực ra đó là thể hiện nỗi sợ mang tiếng, sợ bị liên lụy. Tuy thế vẫn còn hơn nhiều những người biết rõ Đảng sai, đã vào nhầm, vẫn mạnh mồm phê phán ở chốn riêng tư mà không dám từ bỏ Đảng, cho rằng “giữ nguyên trạng thái cho nó lành”. Thật ra họ cố che giấu sự sợ hãi, cố che giấu tâm lý cam chịu, nhưng lại cho làm như thế là khôn. Chỉ có một số ít công khai từ bỏ Đảng. Ông Phúc nằm trong số ít này, chứng tỏ ông đã vượt qua nỗi sợ, vượt qua sự cam chịu, đó là điều rất đáng khuyến khích.

Buồn vì trong việc làm này ông Phúc đã thể hiện một số yếu kém, do trình độ dân trí thấp tạo nên.
Ông Phúc không phải là một thảo dân bình thương mà là đảng viên trên 30 tuổi Đảng, đã từng là bí thư chi bộ, trưởng thi hành án TP Cẩm Phả, thành viên Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh. Tuy vị trí không cao nhưng cũng trong hàng ngũ quan chức. Thế mà viết một cái đơn không hợp cách, phạm một số lỗi sơ đẳng.
Thứ nhất là ĐƠN XIN. Dân Việt đã được huấn luyện thói quen xin-cho. Cái gì cũng viết đơn xin. Tại sao phải đơn xin mà không là đơn đề nghị, đơn yêu cầu. Trong xã hội văn minh, dân chủ chỉ nên hạn chế hành động xin đối với những người hành khất và một vài trường hợp riêng. Khi mở mồm nói hoặc đặt bút viết chữ xin người ta tự thấy mình bị động, hèn yếu, nô lệ (trừ việc xin nhau vài thứ lặt vặt theo thói quen). Khi vào Đảng bạn nên viết đơn đề nghị, còn khi muốn ra khỏi Đảng, thiết nghĩ chỉ cần tuyên bố với cơ sở là đủ, hoặc cùng lắm là viết đơn yêu cầu xóa tên. Khi xin ai một cái gì, người ta có thể cho hoặc không cho. Thử hỏi bạn xin trả thẻ mà người ta trả lời không cho thì bạn sẽ làm gì tiếp theo.
Thứ 2- Nếu quả thật phải viết đơn trả thẻ Đảng thì chỉ cần viết cho đảng ủy và báo bằng miệng cho bí thư chi bộ là đủ. Đằng này ông gửi cho các vị tứ trụ (Trọng, Quang, Phúc, Ngân), ngoài ra còn thêm ông Trương Hòa Bình và các cơ quan thông tấn, báo chí và mạng xã hội. Đó là những nơi ông có thể gửi đơn tố cáo chứ không phải để ông xin trả thẻ Đảng. Ông đã có nhầm lẫn lớn giữa đơn xin trả thẻ và đơn tố cáo.
Thứ 3- Nội dung phần lớn của đơn là trình bày các thành tích của ông, tố cáo ông Vũ Văn Vân tham nhũng, là Bộ Tư pháp xem thường kỷ cương, công lý, đảo lộn đen trắng phải trái, là ông bị ông Vân trù dập, trả thù, mất hết các chức vụ. Nếu chỉ vì những nguyên nhân đó mà ông xin trả thẻ Đảng là quá tầm thường, mang nặng công việc cá nhân. Còn nếu vì bất đồng chính kiến với Đảng, không tán thành chủ nghĩa Mác Lê hoặc phản đối sự mất dân chủ v.v… mà ra Đảng thì mới xứng đáng nêu một tấm gương.
Thứ 4- Cuối thư ông viết: Rất mong sớm nhận được hồi âm. Phải chăng như thế là quá thơ ngây. Ông hy vọng nhân được hồi âm của ai trong tứ trụ và ông Trương Hòa Bình.
Dù sao tinh thần phản kháng của ông là rất đáng hoan nghênh, còn việc làm cụ thể của ông thì nên rút kinh nghiệm.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.