Bài Học Từ Sự Sụp Đổ Của Liên Xô: Hiểm Họa Từ Tầng Lớp Đặc Quyền Trong Đảng
Từ thời Brezhnev, ở Liên Xô, chức tước càng cao thì đặc quyền càng nhiều, nếu muốn làm quan hoặc thăng chức thì phải lấy lòng, hối lộ các lãnh đạo liên quan. Có nơi, ngay cả chức bí thư đảng ủy cũng được ra giá...
Vào một ngày mùa thu năm 1988, đột nhiên có hàng trăm, hàng nghìn người tụ tập bên ngoài của một cửa hàng ở Thủ đô Moskva. Nguyên nhân gì đã khiến cho cửa hàng không phải là lớn này trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận đến vậy?
Đây là một cửa hàng đặc biệt, chuyên phục vụ một số khách hàng đặc biệt, và hôm đó là ngày cuối cùng trước khi cửa hàng tuyên bố bị đóng cửa. Người dân Liên Xô gọi các khách hàng đặc biệt của cửa hàng đặc biệt này là những người thuộc tầng lớp đặc quyền. Tầng lớp đặc quyền này từng bước hình thành dưới thời Brezhnev và tiếp tục phát triển dưới thời Gorbachev; và đó là một chất xúc tác gây nên sự tan rã từ bên trong Đảng Cộng sản Liên Xô, là cũng một trong các nhân tố quan trọng thúc đẩy biến cố Liên Xô.
Sau Cách mạng Tháng Mười, chiến tranh và nạn đói đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền Xô Viết còn non trẻ. "Rồi sẽ có bánh mì và sẽ có tất cả", câu nói đầy ấn tượng của Vasili trong bộ phim Lenin trong Tháng Mười đã trở thành câu nói thịnh hành một thời ở Liên Xô. Ngày nay, người ta khó có thể tin rằng những người làm việc gần gũi với Lenin từng nhường nhịn, chia sẻ cho nhau chỉ một mẩu bánh mì, nhưng đây là sự thật của lịch sử.
Nhà làm phim đã dựa vào một câu chuyện có thật hồi ấy để dựng nên tình tiết này trong phim. Năm 1918, chính quyền Xô Viết gặp phải một cuộc khủng hoảng lương thực. Tại một cuộc họp của UBND, Churuva lúc đó đang là Ủy viên nhân dân phụ trách vấn đề lương thực, bất ngờ bị ngất xỉu. Người ta phải khẩn cấp điều bác sĩ đến khám. Khám xong, bác sĩ kết luận, Churuva bị ngất xỉu do đói!
Là quan chức cao nhất phụ trách vấn đề lương thực của chính quyền Xô Viết, Churuva nắm trong tay quyền điều động hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tấn lương thực, nhưng lại không giữ cho riêng mình số thực phẩm đủ để no bụng. Ngay sau đó, Lenin kiến nghị xây dựng nhà ăn điều dưỡng để bảo đảm cho những đồng chí đang ngày đêm lo lắng cho nhân dân được no. Điều này hoàn toàn đúng và không có gì phải bàn cãi.
Nhà ăn điều dưỡng do Lenin khởi xướng năm ấy dần dần mở rộng thành cửa hàng cấp đặc biệt, rồi dần dần quy mô và số lượng của nó đã có sự thay đổi căn bản. Sau nửa thế kỷ, chỉ có những cán bộ đặc biệt cao cấp của Liên Xô mới có thể ra vào tòa nhà không hề có biển hiệu này. Đây là cửa hàng cung cấp đặc biệt lớn nhất Moskva.
Vào dịp cuối tuần, những chiếc xe hơi lũ lượt kéo đỗ trước của tòa nhà, chật kín cả dãy phố. Ở đây có đủ các loại hàng hóa xa xỉ của nước ngoài, như rượu Brandy của Pháp, Whisky của Scotland, thuốc lá thơm Mỹ, Chocolate Thụy Sĩ, coffee của Italia, giầy da của Áo, len dạ Anh, máy thu thanh Đức, máy ghi âm Nhật Bản,... có cả các mặt hàng khan hiếm ở Liên Xô. Báo chí đã nói công khai rằng, đối với những nhân vật thuộc tầng lớp trên thì chủ nghĩa Cộng sản đã được xây xong từ lâu! Chỉ riêng Moskva đã có hơn 100 cửa hàng như vậy.
Tầng lớp đặc quyền trong điện Kremlin có quy tắc riêng của mình, chức vụ càng cao đặc quyền càng lớn thì sự chênh lệch về đãi ngộ vật chất mà họ được hưởng so với dân thường càng lớn. Đương nhiên những người được hưởng đặc quyền này chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong đội ngũ cán bộ Đảng Cộng sản Liên Xô. Thế nhưng thứ đặc quyền này phải chăng là căn nguyên đầu tiên của sự bất mãn xã hội mà tầng lớp này đã gây ra?
Thời kỳ Liên Xô vừa bắt đầu xây dựng CNXH, mọi người phấn đấu gian khổ hướng tới một cuộc sống mới. Khi đang phải phấn đấu vất vả để thực hiện lý tưởng chung, xã hội không chấp nhận những hàng vi dành chiếm độc quyền, mưu lợi cá nhân. Vào lúc nhà nước, dân tộc đứng trước nguy cơ tồn vong, nếu nói cán bộ lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô có đặc quyền gì đó thì đó chính là xung phong ra trận, xả thân chiến đấu, tắm máu sa trường, lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược trong tiếng réo hờn căm của Kachiusa.
Thời Stalin, yêu cầu của Đảng với cán bộ nhìn chung rất nghiêm khắc. Khi đó Liên Xô cũng đang phải đương đầu với môi trường chiến tranh tàn khốc và cả sóng to gió lớn của cuộc đấu tranh chính trị. Từng đoàn cán bộ, đảng viên đi ra tiền tuyến. Sự thay đổi cán bộ lãnh đạo diễn ra thường xuyên, tầng lớp đặc quyền không có cơ hội hình thành.
Sau khi lên nắm quyền, Khrushchev đã thực hiện chính sách "cán bộ đặc biệt" theo quy định tại Điều 25 - Điều lệ Đảng Cộng sản được Đại hội 22 của Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua. Cán bộ đảng viên cần thay đổi thường xuyên. Tại các buổi bầu cử diễn ra tại tổ chức đảng cơ sở hàng năm đều có hàng loạt bí thư bị thay thế sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Tỷ lệ thay đổi cán bộ lãnh đạo lên tới 60%. Bởi vậy, trong thời kỳ này Liên Xô vẫn chưa hình thành tầng lớp người thật sự được hưởng đặc quyền trong Đảng. Tầng lớp đặc quyền trong Đảng Cộng sản Liên Xô chỉ từng bước hình thành sau khi Brezhnev nắm quyền, nhất là vào giai đoạn cuối thời Brezhnev.
Tháng 4-1966, Đảng Cộng sản Liên Xô tổ chức Đại hội 23. Đây là Đại hội Đảng đầu tiên diễn ra sau khi Brezhnev nắm quyền điều hành công tác của BCH TƯ. Đại hội đã sửa đổi Điều 25 trong Điều lệ Đảng. Brezhnev đặc biệt tâm đắc câu nói của Khrushchev, người một thời gian dài phụ trách công tác ý thức hệ trong Đảng rằng: "Sự ổn định của đội ngũ cán bộ là sự bảo đảm cho thành công".
Brezhnev theo đuổi sự ổn định của đội ngũ cán bộ một cách phiến diện sau đó phát triển thành chế độ chức vụ. Thực chất là chế độ chức vụ suốt đời, áp dụng với cán bộ lãnh đạo. Các cán bộ cao cấp của Liên Xô như Brezhnev, Khrushchev đều qua đời khi còn đương chức. Chính sách cán bộ của Brezhnev đã khiến cho các thành viên trong tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô gần như không có biến động trong suốt một thời gian dài. Tại Đại hội 23 của Đảng Cộng sản Liên Xô, số ủy viên tái đắc cử và liên nhiệm đạt tỷ lệ 79,4%.
Tại Đại hội 25, không tính số ủy viên T.Ư đã qua đời thì tỷ lệ Ủy viên T.Ư liên nhiệm cao tới 90%.
Trong hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng cấp tỉnh từ năm 1978 đến năm 1981, chỉ có năm trong số 156 vị trí bí thư tỉnh ủy có sự thay đổi về nhân sự. Đến mùa xuân năm 1978, độ tuổi bình quân của 58 vị phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng và bộ trưởng là 70. Thực tế này đã tạo ra một đội ngũ lãnh đạo già nua, đương chức suốt đời. Hậu quả của chế độ cán bộ này là vừa khiến cho tầng lớp lãnh đạo thiếu đi sức sống vừa dễ hình thành một lực lượng hạt nhân trong tầng lớp đặc quyền.
Xét về khách quan, chế độ cán bộ lãnh đạo suốt đời làm cho đội ngũ, tầng lớp đặc quyền không ngừng mở rộng, kéo theo sự không ngừng tăng lên cơ quan hành chính được lập ra để bố trí ngày càng nhiều cán bộ lãnh đạo. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, số cơ quan cấp ban, bộ trực thuộc T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô lên tới 20. Trong đó, đại bộ phận trùng lặp với các cơ quan của chính phủ. Thậm chí tên gọi của những ban, bộ này cũng giống hệt nhau. Như Ban Nông nghiệp, Ban Công nghiệp quốc phòng, Ban Công nghiệp nặng và năng lượng, Ban Chế tạo cơ khí, Ban Văn hóa...
Dưới thời Brezhnev, Đảng Cộng sản Liên Xô đã tạo đất cho tầng lớp đặc quyền sinh sôi, nảy nở. Nhiều cán bộ cấp cao không khỏi sửng sốt trước chế độ đãi ngộ đặc biệt mà họ được hưởng ngay sau khi được đề bạt.
Ligachev kể lại trong hồi kí rằng: Năm 1983, khi được bổ nhiệm làm Trưởng ban Tổ chức T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô, ngay ngày hôm sau ông đã được cấp một chiếc xe ô-tô cao cấp. Khi ông yêu cầu thay cho mình một chiếc xe đẳng cấp thấp hơn một chút, không ngờ ông bị Chánh văn phòng T.Ư Đảng phê bình lại rằng: đồng chí làm như thế là một sự đòi hỏi đặc biệt, làm mất phong độ của cơ quan. Nếu không ở trong cuộc, người ta không thể tưởng tượng được những hưởng thụ do đặc quyền mang lại.
Dưới thời Brezhnev, con cái tầng lớp đặc quyền chỉ cần dựa vào địa vị đặc quyền của bố mẹ là có thể dễ dàng được vào học tại những trường đại học tốt nhất. Sau khi tốt nghiệp lại được nhận vào các ban, ngành ưu việt nhất, đồng thời nhanh chóng được nắm giữ những cương vị quyền lực quan trọng. Thậm chí, đặc quyền còn có thể trở thành "lá bùa hộ mệnh" để cán bộ lãnh đạo mặc sức tham nhũng mà không bị cản trở. Rubanov, con rể của Brezhnev, đã dựa vào quyền thế của bố vợ, quan lộ phất như "diều gặp gió".
Chỉ trong vòng 10 năm, ông ta đã từ một sĩ quan cấp thấp trở thành thượng tướng, sau đó được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nội vụ. Trong thời gian này, ông ta đã tham ô, nhận hối lộ 650 nghìn rúp, gây ra vụ án "phò mã" chấn động cả nước. Còn Yuri, con trai Brezhnev thì được bổ nhiệm làm Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương Liên Xô khi còn rất trẻ.
Tháng 1-1982, tại sân bay Moskva, một công dân Liên Xô chuẩn bị lên máy bay ra nước ngoài du lịch, nhân viên hải quan đã tìm thấy một lượng lớn kim cương cất giấu trong chiếc túi bí mật trên người. Kết quả điều tra cho thấy, đây là sưu tập cá nhân của nữ huấn luyện viên dạy sư tử ở Rạp xiếc Trung ương. Sau đó không lâu, chuyên gia mỹ thuật và giám đốc của rạp xiếc bị bắt giữ. Người ta còn tìm thấy số kim cương trị giá khoảng 1 triệu USD và nhiều đồ vật quý giá khác tại nhà riêng của chuyên gia mỹ thuật và khoảng 500 nghìn bảng Anh cùng nhiều đồ trang sức, tác phẩm hội họa đắt tiền tại nhà riêng của giám đốc.
Đáng nói là, những thứ này đều thuộc sở hữu của Galina - con gái Brezhnev. Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, vụ buôn lậu đồ trang sức, kim cương còn liên quan Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại thương Yuri. Vụ việc này lẽ ra thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ xử lý, nhưng sau đó lại được chuyển sang cho Ủy ban An ninh quốc gia (KGB). Trong khi Phó Chủ tịch thứ nhất của KGB là Svigun, người trực tiếp chỉ đạo vụ án này lại là anh em cọc chèo với Brezhnev. Kết quả là, câu chuyện kết thúc ở đó. Con trai Brezhnev là Yuri và con gái của ông ta là Galina vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Trong 17 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Selokhov đã lợi dụng chức quyền, biến của công thành của tư. Ông ta không chỉ chiếm khu biệt thự cấp nhà nước lớn nhất của Bộ Nội vụ và nhà khách Bộ Nội vụ làm của riêng mà còn chiếm một tòa chung cư rất lớn ở số 24, phố Hensen. Một lượng lớn tài sản cá nhân của Selokhov và người nhà ông ta được cất giữ trong khu biệt thự cấp nhà nước và tòa chung cư này. Tại một khu biệt thự, chỉ tính thảm trải nhà đã xếp tới bảy tầng, dưới gầm giường nhét đầy những bức tranh sơn dầu của các danh họa Nga.
Dưới thời Brezhnev, tình trạng tham nhũng tại Moskva và các nước cộng hòa thuộc Liên bang ngày càng nghiêm trọng. Năm 1980, nhân viên điều tra tình cờ mua một lô cá trích đóng hộp, sau khi mở nắp mới phát hiện bên trong đựng toàn trứng cá Cavian cực đắt. Cá trích sao lại biến thành trứng cá Cavian được?
Sau một thời gian vất vả điều tra, vụ việc đã được làm sáng tỏ. Thì ra một số quan chức Bộ Ngư nghiệp Liên Xô đã bí mật giao dịch với một công ty để họ đóng trứng cá Cavian sản xuất tại Sochi và Astrakhan vào trong những hộp dán nhãn cá trích rồi vận chuyển ra nước ngoài. Công ty phương Tây mua với giá cá trích, sau đó bán chuyển tay. Những người tham gia từ phía Liên Xô sẽ được hưởng lợi nhuận hậu hĩnh từ khoản doanh lợi kếch xù được gửi vào tài khoản ngân hàng Thuỵ Sĩ. Hành vi buôn lậu này diễn ra trong suốt 10 năm. Kết quả điều tra cho thấy, vụ án này làm Liên Xô tổn thất hàng triệu USD, hơn 300 người dính líu vụ án.
Trong đó, có những quan chức cấp cao như Thứ trưởng Ngư nghiệp, Phó Cục trưởng Sản xuất, Tiêu thụ, Quản lý ngư nghiệp cùng các cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại thương, Bộ Công nghiệp thực phẩm, Hạm đội Thái Bình Dương, rồi nhân viên cửa hàng tại Moskva và các thành phố khác. Người chịu trách nhiệm phân phối loại sản phẩm đóng hộp này là thị trưởng thành phố Sochi - Volokov, Bí thư thứ nhất Khu ủy Krasnodar trực tiếp quản hạt Sochi là Maidunov. Ông ta là người thân tín của Brezhnev. Khi được lệnh tham gia điều tra vụ án, ông ta đã ra sức bao che cho Volokov. Sau khi báo Văn học đăng tin Volokov bị bắt, Maidunov rất lo lắng, nhiều lần đã lên Moskva cầu cứu Brezhnev.
Do mức độ nghiêm trọng của vụ án, Chủ tịch KGB là Andropov đích thân báo cáo vụ việc này với Brezhnev. Trước một loạt chứng cớ rõ ràng, Brezhnev hỏi: "Theo đồng chí nên giải quyết thế nào?". Andropov đáp: Vụ này phải đưa Maidunov ra tòa. Brezhnev bảo: Làm thế không được. Bây giờ chúng ta không có người đáng tin cậy ở Krasondur, liệu có thể tạm thời thuyên chuyển Maidunov đến nơi khác được không? Sau đó Maidunov mặc dù bị cách chức nhưng lại được điều lên Moskva làm Thứ trưởng Bộ Lương thực Thực phẩm, được sống trong một căn hộ sang trọng tại Moskva. Câu chuyện đã kết thúc một cách "êm đẹp" như thế...
Tầng lớp đặc quyền trong Đảng Cộng sản Liên Xô trước hết là xuất phát từ chức tước. Có người cho rằng, chức tước càng cao thì đặc quyền càng nhiều, nếu muốn làm quan hoặc thăng chức thì phải lấy lòng, hối lộ các lãnh đạo liên quan. Chức tước vì thế mà có giá. Tại một số nơi, ngay cả chức bí thư đảng ủy cũng có giá. Năm 1969, chức bí thư thứ nhất của một khu ủy Azerbaijan có giá 200 nghìn rúp, bí thư thứ hai có giá 100 nghìn rúp. Hiện tượng mua quan, bán tước cũng tồn tại ở các nước cộng hoà khác trong Liên bang với các hình thức, mức độ khác nhau.
Hội nghị toàn thể tháng 2 năm 1973, TƯ Đảng Gruzia từng chỉ rõ: Trước đây, công tác tuyển chọn và sử dụng cán bộ đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Chủ nghĩa Lenin. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không phải căn cứ vào năng lực công tác và phẩm chất đạo đức của họ, mà dựa vào thao túng đằng sau, dựa vào quan hệ quen thân gia đình, dựa trên nguyên tắc có trung thành với cá nhân cấp trên hay không.
Để bảo vệ những lợi ích hiện có, tầng lớp đặc quyền chống lại bất cứ sự cải cách nào ảnh hưởng đến đặc quyền của mình. Bởi vậy, không thể chủ động ngăn chặn tình trạng tham nhũng đang lan tràn trong toàn Đảng, toàn xã hội. Brezhnev lạnh lùng với từ "cải tổ" rằng: Cải cái gì, cứ làm tốt công việc là được rồi.
Cuối thập kỷ 70 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và trợ lý của ông soạn thảo một báo cáo về cải tổ kinh tế gây nên sự bất mãn và tẩy chay của một bộ phận các tầng lớp đặc quyền quan liêu. Kết quả, trợ lý của ông bị cách chức.
Tầng lớp đặc quyền đã làm tổn hại nghiêm trọng thanh danh của CNXH, tạo ra hố ngăn cách lớn trong xã hội, làm hư hỏng xã hội. Khoảng cách giữa người dân bình thường và tầng lớp đặc quyền ngày càng lớn. Trong xã hội Liên Xô, người dân bình thường tự gọi mình là "chúng ta", còn gọi những người đặc quyền là "bọn họ". Thế nhưng, khi nói đến tầng lớp đặc quyền trong Đảng Cộng sản Liên Xô, chúng ta phải nhấn mạnh mấy điểm sau đây:
- Thứ nhất: Tầng lớp đặc quyền chỉ là khái niệm đặc chỉ đối với một bộ phận nhỏ các phần tử thoái hoá, biến chất lạm dụng chức vụ mưu lợi riêng trong đội ngũ cán bộ Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó. Việc phương Tây gọi 600 - 700 nghìn cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó là tầng lớp đặc quyền hoàn toàn là sự tuyên truyền rắp tâm nhằm phá hoại Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhìn chung, đại đa số cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó đều là những người liêm khiết, chí công, hăng hái cống hiến. Họ kiên định đi theo con đường XHCN.
- Thứ hai: Phải phân biệt sự chênh lệch hợp lý với đặc quyền trong lĩnh vực phân phối. Khi đó, mặc dù trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô và trong xã hội Liên Xô tồn tại tầng lớp đặc quyền và hiện tượng đặc quyền nghiêm trọng, nhưng đồng thời với nó là chủ nghĩa bình quân theo kiểu "ăn chung nồi" tồn tại nghiêm trọng trong lĩnh vực phân phối của Liên Xô.
- Thứ ba: Không chỉ chú ý đến hiện tượng độc quyền tồn tại trong lĩnh vực phân phối mà phải chú ý đến hơn biểu hiện của hiện tượng này trong lĩnh vực khác như: xây dựng chính sách, bổ nhiệm cán bộ, uốn cong luật pháp để mưu lợi riêng cho bản thân và tập đoàn nhỏ đồng thời né tránh sự giám sát của kỷ luật Đảng và quy định pháp luật. Điều này còn nghiêm trọng hơn vì nó phá hoại mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng, dẫn đến sự thay đổi tính chất của Đảng. Căn bệnh này càng bộc lộ rõ hơn dưới thời Gorbachev.
Tham quan một biệt thự, là nơi ở cũ của của Gorbachev trước khi ông ta lên nắm quyền, chúng ta thấy như sau: Qua cửa chính là một sảnh rộng. Tầng một có ban công bọc kính và phòng chiếu phim, chiếc bàn ăn dài 10m, phòng bếp giống như một xưởng chế biến thức ăn lớn, còn có một tủ lạnh ngầm dưới đất. Trên tầng hai, đi qua sảnh lớn là tới thẳng phòng tắm nắng, văn phòng, phòng ngủ. Mọi thứ bày biện và trang trí trong tòa biệt thự đều hết sức xa xỉ. Xét về một ý nghĩa nào đó thì cuộc sống cá nhân xa hoa tột đỉnh này còn xa mới bộc lộ được bản chất cuộc sống của tầng lớp đặc quyền. Cái gọi là "cải tổ" của Gorbachev sau khi lên nắm quyền đã trở thành chất xúc tác để tầng lớp đặc quyền chuyển biến thành giai cấp tư sản mới. Sự cải tổ rùm beng là cơ hội tuyệt vời để tầng lớp đặc quyền tha hồ mưu lợi cá nhân.
Dưới thời Gorbachev, tầng lớp đặc quyền đã không còn thỏa mãn với việc theo đuổi hưởng thụ cá nhân, mà còn mong muốn chiếm hữu lâu dài mọi đặc quyền hiện có. Thậm chí còn để lại cho con cháu đời sau. Đồng thời, tầng lớp đặc quyền còn phát hiện ra rằng CNXH, lòng tin vào CNCS thường trực nơi cửa miệng và ánh hào quang đảng viên Đảng Cộng sản mà họ mang trên mình đã không còn giá trị sử dụng. Họ thấy rằng, những đặc quyền mà họ vốn có phải được thay đổi hình hài và CNTB là chế độ thích hợp nhất để hợp pháp hóa những lợi ích hiện có của họ. Đặc biệt, trong lúc Đảng Cộng sản Liên Xô và đất nước đang đứng trước nguy cơ tồn vong. Giữ vững lợi ích đặc biệt của mình và hợp pháp hoá chúng, tầng lớp đặc quyền đã không ngần ngại lột bỏ mặt nạ, công khai thúc đẩy vứt bỏ CNXH đi theo con đường của CNTB, tư hữu hoá toàn diện.
Trong thời gian này, tầng lớp đặc quyền lợi dụng quyền lực đang nắm trong tay để ra sức vơ vét, làm giàu cho bản thân. Nhất là các vị quan kinh tế trực tiếp quản lý tài sản của doanh nghiệp nhà nước. Họ lợi dụng sự hỗn loạn về thương mại hoá, thị trường hoá, kinh tế tự do hoá do Gorbachev tiến hành để làm một cuộc lật bài kinh tế, trực tiếp chiếm đoạt tài sản nhà nước thành tài sản riêng. Có kẻ thực hiện các cuộc giao dịch giữa quyền - tiền để có những ưu đãi và quota xuất khẩu nguyên liệu và vũ khí, bòn rút tài sản xã hội. Có kẻ thu siêu lợi trong các cuộc giao dịch chứng khoán, hàng hóa trả chậm rồi thành lập ngân hàng và các cơ quan tài chính khác. Một bộ phận thiểu số đó, sau này, trở thành những ông trùm tài chính mới.
Năm 1991, trong số hàng vạn triệu phú ở Moskva, đại bộ phận nguyên là những cán bộ làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền. Kết quả điều tra tiến hàng trong tháng 6 năm đó cho thấy, trong tầng lớp cán bộ cao cấp Liên Xô có tới 76,7 % số người cho rằng nên đi theo con đường tư bản. Chính những kẻ gọi là đảng viên Đảng Cộng sản này đã làm cách mạng bằng cách "cách đi cái mạng của Đảng Cộng sản Liên Xô". Bọn họ không chỉ vơ vét cho đầy túi tham mà còn tiếp tục nắm giữ những cương vị cao, kiểm soát quyền lực của nhà nước.
Nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, ngoại trừ một số ít nhân vật ngự trên đỉnh ngọn kim tự tháp quyền lực, còn lại một phần cán bộ biến thành những "quý nhân" của nước Nga. Họ chiếm 75% số quan chức bên cạnh tân tổng thống; 57,1% trong số lãnh tụ những chính đảng mới và 73,4 % trong số những quan chức của chính phủ mới.
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ David Code có một câu nói có thể gọi là "đúng tim đen": Đảng Cộng sản Liên Xô là chính đảng duy nhất làm giàu trong tang lễ của chính mình. Trước khi Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ không lâu đã có một cuộc điều tra dân ý về chủ đề: "Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho ai?". Kết quả là, số người cho rằng Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho nhân dân Liên Xô chiếm 7%, đại diện cho công nhân chiếm 4%, đại diện cho toàn thể đảng viên chiếm 11%. Trong khi đó, có tới 85% số người được hỏi cho rằng: Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho quan chức, cán bộ và nhân viên nhà nước.
Sự hình thành và phát triển của tầng lớp đặc quyền trong Đảng Cộng sản Liên Xô đã trải qua một quá trình lịch sử lâu dài. Trong giai đoạn này, những kẻ tham nhũng lộ liễu hay lén lút đều tham lam chiếm đoạt tài sản nhà nước thuộc sở hữu của nhân dân. Trong khi đó, đối với tầng lớp đặc quyền, Đảng Cộng sản Liên Xô đã đi từ chỗ ít ngăn chặn đến không tấn công, rồi bao che, thậm chí dung túng, khiến cho khối u ác tính này phát triển và lây lan nhanh chóng trên chính cơ thể của mình.
Khi ĐảngCộng sản Liên Xô đã bị khối u ác tính làm cho thối rữa, biến chất thì bản thân nó bị nhân dân phỉ nhổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.