Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Havana Noir, mặt trái của thiên đường cộng sản

Havana Noir, mặt trái của thiên đường cộng sản
Nguồn:gocnhinalan.com
Việt Nguyên – Theo saohomsaomai – 7 Feb 2015
 us cuba
Hai mươi năm sau ngày bang giao với Việt Nam, Hoa Kỳ bắt tay với Cuba kẻ thù bên cạnh trên 50 năm với lãnh tụ cộng sản Fidel Castro sống sót qua 10 đời tổng thống Hoa Kỳ từ sau cuộc cách mạng Cộng Sản lật đổ chính quyền quân phiệt của Tổng Thống Fulgencia Batista năm 1959. Batista chạy qua Cộng Hòa Dominique, Fidel Castro thân thiện với Xô Viết đã làm CIA nổi giận mưu sát Castro bằng điếu xì gà với thuốc nổ và đảo chính thất bại với cuộc tấn công vào vịnh con heo của chính quyền Kennedy năm 1961.

Ðồng minh với Xô Viết, hỏa tiễn liên lục địa đặt ở Cuba đã gây ra khủng hoảng năm 1962 với sự thắng lợi của Hoa Kỳ. Xô Viết nhượng bộ Hoa Kỳ nhưng Fidel Castro đi vào con đường độc tài độc đảng cộng sản đầu tiên ở Châu Mỹ đưa đến chính sách cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ từ năm 1962.
Tháng 12 năm 2014, Fidel Castro lùi vào bóng tối từ năm 2008 đã nhận giải Hòa Bình Khổng Tử của cộng sản Trung Quốc. Với ông em Raul Castro, Cuba đã trao đổi tù nhân gián điệp khác với 53 năm trước, Fidel Castro đã đuổi nhân viên tòa đại sứ Hoa kỳ vì nghi ngờ làm gián điệp.
Tình hình chính trị của Cuba và Việt Nam hơi giống nhau, chiến tranh nóng bắt đầu từ tổng thống dân chủ. Một Kennedy năm 1962 nóng hổi với khủng hoảng Cuba rồi qua Việt Nam lật đổ chính quyền Tổng Thống Ngô Ðình Diệm. Tuyên bố sẽ giúp bất cứ chính quyền nào yêu tự do nhưng Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam và tổng thống dân chủ Bill Clinton bình thường hóa bang giao với Việt Nam. Tổng thống dân chủ Barack Obama làm những người yêu tự do chống Fidel Castro nổi giận nhưng ông đi theo con đường giống như ông tổng thống dân chủ tiền nhiệm Bill Clinton, đặt an ninh và quyền lợi của Hoa Kỳ ưu tiên trong chính sách ngoại giao.
Những người yêu du lịch đang chờ đợi bang giao chính thức với Cuba để đến Havana đi ngắm cảnh, vào những hộp đêm với điếu xì gà Cuba trên môi như nhà văn Hemingway đã chọn Havana làm nhà trong thập niên 1930. Havana với những huyền thoại, với những thần tượng Che Guevara, Fidel Castro và Ernest Hemingway của dân Cuba. Không đến được Havana thủ đô Cuba trong lúc này, tôi đọc những truyện về “Havana xã hội đen” để thấy bộ mặt trái của Cuba và để tìm hiểu tấm lòng của người dân Cuba dưới chế độ Cộng Sản và rồi tôi tìm thấy những người Cuba có cùng một cảm nghĩ, một tấm lòng và một hoàn cảnh giống như những người Việt Nam sống trong xã hội Cộng Sản.
Năm 1959, Fidel Castro vào Havana, đời sống Cuba bắt đầu khó khăn. Cuba không còn là hải đảo thần tiên dành cho du khách như Hemingway với những khách sạn sang trọng, với rượu Whiskey, cigar Cuba. Những khu vườn thơ mộng của Havana (có nghĩa là “nơi cạnh nước”) không còn giữ được những vẻ huyền nhiệm khi Havana trở nên thủ đô của cuộc thí nghiệm xã hội chủ nghĩa. Năm 1960, những người Do Thái có tiền chạy về Nữu Ước, những chung cư đẹp đẽ bị bỏ hoang, vách tường vôi nham nhở, điện nước bị cắt thường trực, thủ đô đầy những chiếc xe hơi cũ kỹ như Sài Gòn sau năm 1975 hay như Hà Nội trước năm 1995 ngày bang giao với Hoa Kỳ. Công an được gọi là “cảnh sát cách mạng quốc gia” kiểm soát dân. Ðời sống Havana không khác gì đời sống của các xứ Cộng Sản Âu Châu, Á Châu, Xô Viết, Trung Hoa hay Việt Nam. Giống nhất là như Việt Nam sau khi Xô Viết hết viện trợ, dân sống lây lất qua ngày với xăng nhớt, thực phẩm, nhu yếu phẩm từ những cửa hàng quốc doanh. Sau khi Xô Viết sụp, thời kỳ sau 1991 là “thời kỳ đặc biệt,” như Việt Nam vào thời kỳ cấm vận đời sống khó khăn, chính quyền Cuba không có khả năng nuôi dân (thời kỳ này ở Việt Nam, Thủ Tướng Phan Văn Khải phải thú nhận Việt Nam kiệt quệ vì chính quyền chỉ dựa vào Xô Viết, Trung Cộng và các nước Cộng Sản Ðông Âu). Castro cổ động tinh thần đảng viên và dân bằng khẩu hiệu: “Xã Hội Chủ Nghĩa hay là chết,” dân Havana không muốn chết đói, chạy trốn Xã Hội Chủ Nghĩa bằng cách trốn ra biển trên những chiếc thuyền mỏng manh qua Miami mặc dù cơ hội chết đuối vì sóng biển hay làm mồi cho cá mập cao hơn cơ hội nhìn thấy bến bờ tự do.
Kinh tế gia Hoa Kỳ năm 1992 đã dự đoán khẩu phần của chính quyền Cuba dành cho mỗi người dân chỉ đủ nuôi họ từ một tuần đến mười ngày so với nửa lạng thịt bò trong Hamburger Mc Donald trước “thời kỳ đặc biệt.” Không thấy tương lai, ra đường dân gọi Fidel Castro với giọng kính trọng “Uncle Castro” về nhà họ chửi bác Castro là thằng chó đẻ (son of the bitch).
Ðói là biểu tượng của chế độ Cộng Sản, đói là hậu quả của nền kinh tế thất bại Xã Hội Chủ Nghĩa, dân Nga, Trung Hoa, Việt Nam, Ðông Âu sống dưới thời Cộng Sản ai cũng thấm cảnh đói. Ðói làm con người đánh mất phẩm giá. Ðọc truyện viết “Bữa ăn tối” của Carolina Garcia Aguilera tôi đã phải xúc động và bàng hoàng.
Câu chuyện “Bữa ăn tối” nằm trong khoảng thời gian tháng 7 năm 1992. Căn nhà của Rodriguez Lopez ở khu Flores thủ đô Havana trước là biệt thự lộng lẫy nay đã mọc rêu, tường vôi đổ nát, vườn không chăm sóc, bồn nước cạn, cây ngã, lá cây phủ đầy hồ bơi. Căn nhà ngày xưa lúc nào cũng nhộn nhịp với khách khứa đầy nhà trước những năm cách mạng nay gần như là nhà hoang với ba người, ông Luis, bà vợ Maria và người làm Eladio. Năm 1960, cả nhà ông Luis bỏ đi khỏi Cuba nhưng ông ở lại vì “ngôi nhà không phải chỉ là một công trình xây cất mà là một phần đời,” “rời bỏ nhà có nghĩa là dứt bỏ lịch sử gia đình.” Fidel Castro tịch thu nhà những người Cuba bỏ đi ngoại quốc, ở lại nhà là cách để giữ nhà sau ngày cách mạng mặc dù không có gì bảo đảm là người ở lại không bị đuổi ra hay phải chứng kiến cảnh những người lạ dọn vào nhà. Ôi, cách mạng Cộng Sản vô sản! Dân Cuba khi rời Cuba phải giao chìa khóa đến tận tay cán bộ vào ngày lên máy bay. Người ở lại nhà có thể cho thuê nhưng cho thuê là bất hợp pháp, mặt khác người thuê nhà ở ba năm không chịu đi ra có thể được thành chủ của ngôi nhà.
Không chấp nhận người lạ vào nhà nên Eladio đã làm người giúp việc cho ông Luis Rodriguez Lopez trên 40 năm. Eladio và Luis trong 30 năm sau cách mạng xem nhau như bạn, không được trả tiền, Eladio vẫn làm cho Luis. Sống với nhau 30 năm, năm 1972 hai người bạn nay hơn 70 tuổi, diện mạo giọng nói trở nên giống nhau, những người không biết họ lầm giữa Eladio và Luis, hai người cùng chiều cao một mét tám lùn bớt theo thời gian. Luis học trường Công Giáo Balem giống như Fidel Castro.
Mỗi bốn năm, Luis và ba người bạn làm buổi tiệc để kỷ niệm ngày còn trẻ họ đã đoạt giải đua thuyền năm 1962. Bữa tiệc theo truyền thống với thực đơn luôn luôn là đồ biển. Trước thời Castro, Havana đầy hải sản, trong “thời kỳ đặc biệt” thực phẩm hiếm hoi hải sản được dành cho du khách (như Việt Nam trước 1995) chỉ có cán bộ giàu có được hưởng các thức ăn sang trọng. Năm 1992, đời sống khó khăn, có thức ăn trên bàn ăn mỗi ngày là một hãnh diện của dân Havana. Buổi ăn năm ngoái vào ngày 10 tháng 8 ở nhà Ricardo có được là nhờ Ricardo bán bức tranh quý, hình anh hùng Cuba Jose Murti, bức tranh gia phả từ nhiều đời của gia đình Ricardo. Năm nay đến phiên Luis làm chủ đãi bạn, ông cố tìm hải sản trong thực đơn hàng năm.
Một tuần trước buổi ăn, Luis chỉ có khả năng cung cấp món cơm, ông suy nghĩ bạc đầu, khi gia đình Rodriguez Lopez cần món gì trong mấy năm cách mạng họ bán đi những món đồ quí giá còn trong nhà, bàn ghế, đồ trang sức, quần áo, vàng, bạc,… nhưng sau 40 năm cách mạng nhà của Rodriguez Lopez không còn món đồ gì quý giá để bán. Các gia đình khác có con cái ở ngoại quốc còn thức ăn nhờ con gởi tiền về như ba ông bạn già của Luis mua thực phẩm chợ đen ngoài tem phiếu chính phủ nhưng năm 1992 họ cũng khó mua hải sản, cua, tôm, tôm hùm những món ăn bất hợp pháp. Luis đã bán chiếc đồng hồ Patek Phillipe mấy năm trước, bà vợ Maria Eugenia còn chiếc nhẫn cưới. Hai vợ chồng quyết định không bán chiếc nhẫn ngoại trừ khi họ chết đói. Luis càng ngày càng buồn rầu, sinh chứng trầm cảm, gần đến ngày hội ngộ ông càng buồn rầu thêm nhưng đối với Luis bán chiếc nhẫn đi có nghĩa là niềm hy vọng tiêu tan, Luis không chấp nhận, “bán chiếc nhẫn là đánh mất biểu hiệu của hôn nhân.”
Gần 48 giờ trước bữa ăn hội ngộ buổi sáng sau khi ăn điểm tâm Luis gọi Eladio để nói chuyện riêng không muốn Maria Eugenia nghe. Luis: “Này Eladio, tôi không hỏi ông đi tìm tôm hùm, tôm, cua. Ông đã tìm, Maria Eugenia vợ tôi đã đi tìm, tôi đã tìm.” Luis lắc đầu chậm rãi nói: “Hải sản không thể tìm được bất cứ ở nơi nào, chúng ta đã biết vậy. ” Luis đứng dậy: “Không, Eladio, tôi yêu cầu ông một việc quan trọng, trầm trọng hơn thế.” Luis đặt tay trên vai Eladio, “Eladio, tôi hỏi ông một việc dù tôi không có quyền hỏi nhưng ông cũng hiểu là tôi không còn một chọn lựa nào khác.” “Nếu tôi không làm tiệc đàng hoàng đãi bạn tôi không thể sống. Sự xấu hổ sẽ kéo dài mãi. Tôi có thể sống xấu hổ trong một thời gian ngắn nhưng tôi không thể chịu nhục nhã…” “Gia đình Rodriguez Lopez là một gia đình danh giá, 150 năm trước chúng tôi đã đánh quân Tây Ban Nha giành độc lập cho Cuba, chúng ta đã phải trả giá đắt, nhiều thanh niên đã chết nhưng những cái chết đó là cái chết danh dự.” Luis cảm thấy chỉ có một cách thoát khỏi bổn phận ràng buộc, cách duy nhất là chết.”
Eladio kinh hoàng: “Ðãi tiệc bằng thức ăn nào không quan trọng, quan trọng là bạn bè gặp nhau. Họ muốn ngồi lại với ông thôi, món ăn không quan trọng” nhưng Luis một lần nữa nhắc Eladio “ bữa ăn tối này quan trọng hơn phần đời còn lại của tôi, cách giải quyết duy nhất là hủy bỏ buổi ăn tối vì cái chết của tôi.” Luis yêu cầu Eladio giết ông, ông đã gặp cha Antonio thú tội và rửa tội. Công Giáo cấm tự vẫn, người Công Giáo tự vẫn không được chôn ở đất thiêng. Luis đã quỳ cầu nguyện trong nhà thờ xin tha thứ, cầu nguyện cho cả Eladio: “Tôi đã nhìn thấy ông giết gà, chim bồ câu và heo để đãi tiệc ngày lễ Giáng Sinh mấy năm trước. Ông đã bẻ cổ mấy con thú rất nhanh và gọn không gây đau đớn cho chúng.” Eladio không nói nên lời. Luis cho biết: “Sau khi ông bẻ cổ tôi, ông sẽ đến nói với vợ tôi là khi tôi ra vườn nhặt rau để làm cơm chiều tôi té xỉu nhưng không muốn ông chạy kêu cầu cứu. Tôi chết, ông nghĩ là vì bị trụy tim hay tai biến mạch máu não. Sau khi tôi chết ông nói với vợ tôi đừng đi báo cho chính quyền sở tại để chúng không đến tịch thu nhà hay đưa người vào nhà ở chung. Mọi chuyện sẽ bình thường với hai người trong nhà và hy vọng là sự điên cuồng này của chế độ sẽ có ngày chấm dứt.” Luis chết mãn nguyện.
Eladio đã thực hành ước nguyện của Luis. Sau khi đặt thi thể Luis trên băng ghế ngoài vườn, Eladio nghe tiếng Maria Eugenia ngoài cổng, để bữa tiệc được tốt đẹp Maria đã khoe bán được chiếc nhẫn cưới, bà hiểu danh dự của Luis quan trọng hơn chết đói, biết luật của Fidel Castro cấm lưới tôm hùm, tôm, cua nhưng bà vẫn bán chiếc nhẫn để mua chiếc thuyền nhỏ ra biển lưới tôm, cua. Bà hãnh diện nói với Eladio “trong thời kỳ đặc biệt này” mọi người đều có nhu cầu, cần thứ này hay thứ khác cho nên mua một chiếc thuyền nhỏ không khó.
Luis chết nhưng Eladio giữ được danh dự cho chủ bằng cách nấu bữa ăn tối cho ba người bạn của chủ.
Năm 1995, dưới “thời kỳ đặc biệt” kéo dài từ năm 1990 đến 2000, người dân Cuba đã bỏ trốn bằng thuyền qua Miami, phong trào vượt biển lên cao khi phong trào thuyền nhân Việt Nam giảm nhờ chương trình đoàn tụ gia đình. Bị bắt, thuyền nhân Cuba bị giam chung với các tội nhân nhưng dân Cuba chỉ muốn đến La Yuma (chữ nói bóng USA) hay chết. Fidel Castro phải lập ra chương trình xổ số di dân cho phép 120,000 người qua Mỹ mỗi năm. Thuyền nhân vẫn yêu quê nhà yêu đất nước. Johnny, trong truyện của Alex Abella, đã đóng chiếc thuyền Ava Maria vượt biên, ra được biển Johnny nghĩ đến những người ở lại, lái chiếc thuyền vòng đi vòng lại nhiều lần, nước mắt rưng rưng khi ngoảnh nhìn lại Havana tự hỏi: “tại sao đất nước giàu có này không sản xuất, tại sao đàn bà không muốn sinh con, tại sao những người trẻ tuổi cứ muốn bỏ nước ra đi?”
Chẳng những chỉ muốn đi La Yuma, dân Cuba còn chung một giấc mơ khi nạp đơn chương trình xổ số di dân (El Bombo): “Cưỡi chiếc Harley Davidson chạy trên xa lộ ở Kansas, Arizona, Omaha, Salt Lake City, đi đến Mardi Gras ở New Orleans, đến cầu Golden Gate ở San Francisco. Nhiều trường hợp đơn nạp nhưng không được chấp thuận như một nhân vật trong truyện của Moisis Asis ‘Ðơn của ông đầy đủ nhưng không được chấp nhận vào Mỹ cho đến khi ông chứng tỏ là hồn ông đi theo ông, thân của ông tuy ở Mỹ nhưng hồn của ông vẫn còn ở Cuba’ lời của một nhân viên di trú ở phi trường quốc tế Miami!
Cũng giống như ở các xứ Cộng Sản, tỷ lệ tội ác ở Havana gia tăng mặc dù thống kê ở Cuba (cũng giống thống kê Việt Nam) cho biết tỷ lệ người biết chữ cao hơn so với Hoa Kỳ, tỷ lệ tử vong trẻ em thấp hơn Hoa Kỳ trong một xứ đầy tiếng động ồn ào, bụi bặm với xe hơi cũ chạy đầy đường, cứt chó, xác chết súc vật, rác rến, chất ói mửa của người say rượu ở mỗi góc phố. Tội ác gia tăng vì như Arturo Arango viết: “Ở đây mọi người đều bình đẳng nhưng có người được bình đẳng hơn người khác!”
Người ra đi, đến Miami gặp cộng đồng người tị nạn Cuba ở Miami lại đau lòng nhìn thấy nhiều sự thật và không đồng ý với chính trị của cộng đồng như nhân vật Marisol trong truyện của Lea Ashkenas. “Chính trị ở Miami đầy những sự giận dữ hận thù dai dẳng với quá khứ.” Nhờ đài Univision, dân Havana chứng kiến cảnh bom nổ ở phòng triển lãm tại Little Havana “bom do những người tị nạn Cuba ‘Los Rectificans’ cho nổ vì họ gọi năm họa sĩ triển lãm tranh là những kẻ ủng hộ Fidel Castro.”
Những người Cuba ra đi giống như những người tị nạn các sắc dân khác ở Hoa Kỳ như Maria trong truyện của Achy Obejas “vẫn nói tiếng Spanish ở nhà để về Cuba có thể giao tiếp với bạn bè và gia đình.” Họ vẫn giữ phong tục tập quán quê nhà, muốn đổi mới Cuba nhưng người ra đi và người ở lại theo thời gian lại đụng độ văn hóa, người ở lại vẫn cho “Cuba dưới sự lãnh đạo của Castro có chủ quyền và tự do khác với Hawaii là một thuộc địa của Mỹ!” Lea Ashkenas mai mỉa: ký giả CNN tường thuật về những giấc mơ của các trẻ em trên thế giới trẻ em ở Bỉ muốn thành hóa học gia, trẻ em Trung Hoa muốn thành chủ ngân hàng còn trẻ em Cuba chỉ có một giấc mơ “thành người ngoại quốc!”
Giống như ở Việt Nam và Trung Hoa, Tự Do vẫn là danh từ thiêng liêng. Ở Cuba, giấc mơ bị cấm nhưng đã được thấy trên đường phố Havana khi phái đoàn Hoa Kỳ đến Havana để thương thuyết bình thường hóa bang giao. Một cô gái trẻ ở Havana trong chương trình ABC tin buổi tối với Brian Williams, đã xem đây là một cuộc cách mạng mới ngoài cách mạng Fidel Castro, giới trẻ khác giới già, quên quá khứ chỉ nhìn về tương lai. Dân Biểu Mario, Cộng Hòa Miami, xem “bình thường hóa bang giao để đem lại dân chủ cho Cuba là chuyện không tưởng, cải thiện kinh tế không đem đến tự do dân chủ, cứ nhìn vào bài học Việt Nam và Trung Hoa, hai chính quyền Cộng Sản không thay đổi sau mấy chục năm bang giao với Hoa Kỳ.”
Nhìn lại Việt Nam sau 20 năm bang giao với Hoa Kỳ cả hai quan điểm đều đúng!
Việt Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.