Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng

Giới hạn của sự báng bổ – Kỳ 3: Xúc phạm vô trách nhiệm xã hội và xúc phạm mang mục đích chính đáng



Nguồn:luatkhoa.org

Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài

Nam Quỳnh – Năm 1984, Tòa sơ thẩm Paris ban hành lệnh cấm các áp phích quảng cáo phim ‘Ave Maria’ của đạo diễn Jacques Richard. Áp phích này có hình một cô gái trẻ cởi trần quấn khăn quanh hạ bộ đứng giang tay, tay chân cô bị trói vào các nhánh cây thánh giá phía sau lưng.
Các thẩm phán dân luật Pháp khi phán xét các cáo buộc dân sự về xúc phạm mang tính tôn giáo bắt đầu bằng việc tập trung phân tích đánh giá xem nội dung trung tâm và chủ thể của phát ngôn hay biểu hiện có thực sự là xúc phạm mang tính tôn giáo hay không. Khi đã xác định là có sự xúc phạm mang tính tôn giáo rồi thì phải xét đến biện pháp xử lý hợp lý và phù hợp với pháp luật.
Việc này chỉ có thể được làm dựa trên đánh giá mức độ và bản chất của hành vi xúc phạm mang tính tôn giáo để có thể quyết định hình thức và giới hạn mà tòa án có thể áp đặt lên hành vi, phát ngôn hay biểu hiện xúc phạm đó, cùng những hình phạt và khoản bồi thường kèm theo áp dụng cho bên bị khởi kiện.
Lưu ý: Bài viết có hình ảnh gây tranh cãi về tôn giáo, đề nghị bạn đọc cân nhắc trước khi đọc bài.
Một cảnh trong bộ phim gây tranh cãi ở Pháp
Nam diễn viên Willem Dafoe trong một cảnh trong bộ phim gây tranh cãi ở Pháp năm 1988, “Cám dỗ cuối cùng của Chúa Jesus”. Ảnh: cinechronicle.com
Bài viết này nằm trong loạt bài “Giới hạn của sự báng bổ” do luật sư Nam Quỳnh (Anh Quốc) gửi tới Luật Khoa tạp chí. 
Việc đánh giá mức độ và bản chất của hành vi xúc phạm mang tính tôn giáo có thể được xem là trọng tâm trong hệ thống luật giới hạn quyền tự do ngôn luận và biểu đạt của dân luật Pháp. Công việc này phân chia bản chất và mức độ giữa:
- các hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm vô trách nhiệm xã hội:
- các hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm nhưng với mục đích chính đáng.
Các hành vi của nhóm đầu tiên sẽ phải được giới hạn và chịu sự cấm đoán, trừng phạt tối đa của pháp luật. Nhóm thứ hai sẽ chịu sự giới hạn và cấm đoán ít hơn, hoặc không phải bị giới hạn hay cấm đoán.
Việc đánh giá tiêu chuẩn này buộc các thẩm phán phải tìm hiểu không chỉ nội dung và diễn giải của nội dung, mà còn cả hoàn cảnh và mục đích của hành vi, phát ngôn, biểu hiện đang bị tranh cãi.
Năm 1984, Tòa sơ thẩm Paris ban hành lệnh cấm các áp phích quảng cáo phim ‘Ave Maria’ của đạo diễn Jacques Richard. Áp phích này có hình một cô gái trẻ cởi trần quấn khăn quanh hạ bộ đứng giang tay, tay chân cô bị trói vào các nhánh cây thánh giá phía sau lưng.
Áp phích quảng cáo phim Ave Maria. Ảnh: Wikimedia
Áp phích quảng cáo phim Ave Maria. Ảnh: Wikimedia
Khác biệt lớn nhất giữa áp phích này với áp phích phimQuần Chúng chống lại Larry Flynt nói trên đó là cây thập giá biểu tượng của đạo Thiên Chúa được sử dụng trực tiếp. Sự liên tưởng tới hình ảnh chúa Jesus bị đóng đinh thập giá gần tới mức hiển nhiên chứ không chỉ ở mức gợi ý như áp phích phim Larry Flynt.
Thẩm phán tòa sơ thẩm Paris phân tích là việc cho một áp phích với biểu hiện có tính xúc phạm tôn giáo hiển nhiên như thế được trưng bày nơi công cộng khiến cho những người đi ngoài đường ai ai cũng phải nhìn thấy, cấu thành một hành vi xúc phạm mang tính tôn giáo ngoài mong muốn và về bản chất là vô trách nhiệm xã hội: chỉ đơn thuần là một thứ bị đem ra dí vào mặt công chúng, gây phản cảm với công chúng, đặc biệt xúc phạm những tín đồ Thiên Chúa giáo, chứ không đóng góp gì cho công luận.
Một năm sau, phim ‘Kính mừng Maria đầy ơn phúc’ (Je vous salue Marie) của đạo diễn Jean-Luc Godard bị ba tổ chức Thiên Chúa giáo lớn hợp đồng tác chiến kiện ra tòa đòi cấm chiếu. Nguyên do là vì nội dung phim kể lại câu chuyện ra đời của Jesus trong bối cảnh hiện đại: Thánh Joseph (cha của Chúa Jesus) là một anh tài xế taxi, Đức Mẹ Maria (mẹ của Chúa Jesus) là một nhân viên trạm xăng thích chơi bóng rổ. Đặc biệt, phim có tình tiết Đức Mẹ Maria “khám phá tính dục bản thân” trong nỗ lực tìm kiếm sự hợp nhất tâm hồn và thể xác.
Thẩm phán tòa sơ thẩm Paris quyết định không cấm chiếu phim này vì họ cho là bản chất việc sản xuất và trình chiếu bộ phim không phải là một hành động xúc phạm vô trách nhiệm xã hội, vì bộ phim không được chiếu cho công chúng xem mà được trình chiếu trong rạp – khán giả xem phim được giới hạn vào những người sẵn sàng bỏ tiền mua vé và đến rạp xem phim.
Thẩm phán tòa sơ thẩm Paris cho là bản thân những người sẵn sàng bỏ tiền mua vé cũng sẵn sàng chấp nhận nội dung những gì họ xem với tất cả những rủi ro kèm theo bao gồm việc nội dung đó có thể gây phản cảm, xúc phạm đức tin của họ. Bản chất việc trình chiếu phim này vì thế khác với việc trưng bày một sản phẩm có mức độ xúc phạm mang tính tôn giáo cao tại nơi công cộng, ở một vị trí khiến nó đập vào mắt cả những ai không hề mong muốn nhìn thấy nó. Những người chọn mua vé đi xem phim phải được quyền tự do chấp nhận rủi ro và tự do tận hưởng sản phẩm văn hóa mà họ đã chọn lựa.
Tòa phúc thẩm đồng ý với Tòa sơ thẩm Paris: nội dung bộ phim mang tính xúc phạm tôn giáo, nhưng hình thức phát tán ra xã hội giới hạn của nó đảm bảo là nó sẽ chỉ ảnh hưởng đến những ai chủ động tìm đến nó. Vì thế, một lệnh cấm chiếu hoàn toàn sẽ áp đặt một giới hạn quá lớn và không tương xứng lên quyền tự do biểu đạt.
Tòa thượng thẩm cũng đồng ý với nhận định của tòa phúc thẩm và vì thế bộ phim tiếp tục được công chiếu tại các rạp chiếu phim.
Năm 1988, bộ phim ‘Cám dỗ cuối cùng của Chúa Jesus’ (‘La Dernière Tentation du Christ’ hay ‘The Last Temptation of the Christ’) của đạo diễn Martin Scorsese cũng gặp phải những thách thức pháp lý giống như trên vì phim này có cảnh làm tình giữa hai nhân vật Maria Magdalena và Chúa Jesus. Hình tượng Chúa Jesus được thể hiện trong phim này bị các tín đồ và tổ chức Thiên Chúa giáo xem là quá ‘con người’, quá yếu đuối trước những cám dỗ nhục cảm và trần thế.
Một cảnh trong phim "Cám dỗ cuối cùng của Jesus". Ảnh: listal.com
Một cảnh trong phim “Cám dỗ cuối cùng của Jesus”. Ảnh: listal.com
Các rạp chiếu phim này bị biểu tình, thậm chí đốt phá bởi các tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhiều hội đoàn Thiên Chúa giáo có chung ý kiến là việc các nhà làm phim này tái hiện hình ảnh chúa Jesus là hành vi xúc phạm họ dựa trên tôn giáo của họ.
Với cùng những lý do được ba cấp tòa dân sự Pháp đưa ra trong vụ Je vous salue Marie, thẩm phán Tòa sơ thẩm quyết định không cấm chiếu phim ‘Cám dỗ cuối cùng của Chúa Jesus’Thẩm phán tòa sơ thẩm chỉ bắt các nhà sản xuất phim phải thông báo trước cho công chúng về những cáo buộc xúc phạm mang tính tôn giáo mà bộ phim gánh chịu.
Tòa phúc thẩm công nhận tính xác đáng của quyết định sơ thẩm này. Việc bắt các nhà làm phim trong vụ việc này thông tin cho công chúng về những cáo buộc xúc phạm mang tính tôn giáo là một chế tài cần thiết để bảo vệ công chúng, đặc biệt những người có đức tin Thiên Chúa. Khi đã được thông tin đầy đủ, chỉ những ai biết rõ về rủi ro nội dung phim có thể ảnh hưởng đến họ như thế nào mới có thể quyết định một cách đúng đắn nhất về việc có đến rạp xem phim hay không. Thẩm phán tòa phúc thẩm áp đặt thêm yêu cầu bắt các nhà làm phim phải có lời cảnh báo về nội dung phim trên áp phích và trong phần mở đầu phim để đảm bảo thông tin cho công chúng một cách tốt nhất.
Năm 2005, một nội dung quảng cáo nữa lại là đề tài gây tranh cãi tại Pháp : Hãng thời trang Girbaud cho trưng một tấm pa-nô quảng cáo lớn có hình một dàn nữ người mẫu ngồi quây quần trên một một bàn, theo đúng hình mẫu bức tranh Tiệc Ly nổi tiếng của Leonardo Da Vinci vẽ lại bữa ăn tối cuối cùng trước khi bị bắt của chúa Jesus và 12 tông đồ. Bố cục, tư thế dáng ngồi của các người mẫu trong tấm hình quảng cáo của Girbaud mô phỏng theo đúng các nhân vật trong bức tranh của Da Vinci.
Bức pa-nô của hãng thời trang Girbaud. Ảnh: http://theinspirationroom.com/
Bức pa-nô của hãng thời trang Girbaud. Ảnh: theinspirationroom.com
Ngay lập tức tấm pa-nô bị các tín đồ Thiên Chúa giáo phàn nàn.
Hai cấp tòa đầu tiên của Pháp đều đồng ý là nội dung tấm hình có tính xúc phạm người theo đạo Thiên chúa bằng cách giễu nhại hình ảnh bữa ăn cuối cùng của chúa Jesus vốn được xem là thiêng liêng trong truyền thống đạo Thiên Chúa. Hai cấp tòa này chú trọng vào các yếu tố đó là tính thương mại của nội dung tấm hình (chỉ để bán quần áo, không góp ích gì cho công luận về các vấn đề xã hội), và hình thức, cung cách nội dung tấm hình được đưa đến quần chúng: được trưng nơi công cộng ai ai cũng được hay bị buộc phải nhìn thấy. Hai cấp tòa này cho là việc cho trưng tấm pa nô quảng cáo như thế là một hành vi biểu hiện mang tính xúc phạm vô trách nhiệm xã hội.
Tháng 11 năm 2006, Tòa thượng thẩm Pháp bác quyết định của hai cấp tòa dưới. Xem xét nội dung mang tính giễu nhại của tấm hình dùng trong bức pa-nô nói trên, Tòa thượng thẩm cho là những người làm quảng cáo ở đây không hề cố ý muốn nhục mạ trực tiếp cá nhân những người theo Thiên chúa giáo, họ chỉ muốn biểu diễn lại một cách hài hước một hình ảnh nổi tiếng trong đạo Thiên Chúa. Vì không thể chứng minh được mục đích của những người làm tấm hình là trực tiếp muốn nhục mạ cá nhân những tín đồ Thiên Chúa giáo, không thể áp đặt tội này cho họ.
Nguyên tắc xác định mức độ vô trách nhiệm xã hội của hành vi, ngôn luận, biểu hiện mang tính xúc phạm tôn giáo dựa trên hình thức, cung cách tiếp cận công chúng để tìm biện pháp kiểm soát và chế tài tương ứng của các tòa dân sự Pháp thể hiện một sự uyển chuyển và tôn trọng thực tiễn cần thiết để có thể giới hạn quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt một cách hợp lý mà không quá đáng hay cứng nhắc.
Nguyên tắc này tạo điều kiện cho việc phát hành những sản phẩm văn hóa khác ngoài phim ảnh hay áp phích quảng cáo có nội dung làm các tín đồ tôn giáo bất mãn, ví dụ đặc biệt là sách.
Kỳ tới: Vận động sử dụng bao cao su bằng hình Thiên Chúa
Tài liệu tham khảo:
Limits to Expression on Religion in France, Esther Janssen, Agama & Religiusitas di Eropa, Journal of European Studies, Volume V – nr. 1, 2009, p. 22-45. 
The Danish Cartoons Row: Re-drawing the Limits of the Right to Freedom of Expression?, Aurel Sari, Law School, University of Exeter, Finnish Yearbook of International Law, Vol. 16, pp. 365-398, 2005 . 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.