Chuỗi tràng hạt của Thủ tướng và nguyên lý nhà nước thế tục
Nguồn:luatkhoa.org
Nguyễn Anh Tuấn – Vụ thảm sát tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris, Pháp nhắc nhở cả thế giới về mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, cũng như cách thức mà một nhà nước hiện đại cần phải ứng xử trước các vấn đề tôn giáo. Chủ nghĩa thế tục là cụm từ được nhắc đến như một trong những nguyên lý cơ bản của các nhà nước hiện đại, đồng thời được dùng để lý giải cách thức mà chính phủ cũng như các cơ quan tư pháp của Pháp phản ứng trước sự kiện Charlie Hebdo.
Luật Khoa tạp chí trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Anh Tuấn về nguyên lý thế tục, trước khi bắt đầu đăng tải chuyên đề dài kỳ về vụ việc Charlie Hebdo từ ngày mai, 5/2/2014.
***
Hai nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa thế tục là phân tách nhà nước khỏi các tổ chức tôn giáo; và tất cả người dân với bất kể tôn giáo nào (kể cả không tôn giáo) đều bình đẳng trước pháp luật.
Thế tục bị lãng quên
Ngày 28 tháng 10 năm 2014, trong chuyến công du Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng [1]. Hình ảnh người đứng đầu Chính phủ ngồi xếp bằng, tay đeo tràng hạt, cung kính chắp tay lạy Phật như một Phật tử thuần thành xuất hiện khắp trên các tờ báo lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, chưa thấy ai đặt vấn đề liệu hành vi trên của ông có mâu thuẫn với việc ông phủ nhận có theo bất kỳ tôn giáo nào trong các bản khai lý lịch của mình. Cũng vậy, công luận Việt Nam lúc ấy cũng vắng bóng những cuộc tranh cãi về tính hợp lý của những hành vi tôn giáo nơi công cộng của các lãnh đạo quốc gia, điều đôi khi sẽ bị coi là thất sách về chính trị (politically incorrect) ở những nước coi trọng tính thế tục.
Trong một diễn biến khác, ngày 9 tháng 11 năm 2014, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, một cơ quan trực thuộc Chính phủ, phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đại lễ cầu siêu cho tất cả nạn nhân tai nạn giao thông trong cả nước. Tham dự đại lễ này với tư cách Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT QG, Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu:
“Với sự gia hộ của mười phương chư Phật, cùng công đức trì niệm của hàng trăm tăng ni, tín đồ Phật tử và gia đình thân quyến tại trai đàn cầu siêu sẽ giúp cho hương linh những người không may bị tử nạn do tai nạn giao thông siêu đăng Phật quốc. Cũng nhờ đạo hạnh của chư Phật, chư tăng ni gia trì cho gia đình các nạn nhân đủ niềm tin, nghị lực nén những đau thương mất mát, sớm vượt qua những khó khăn trước mắt để tiếp tục xây dựng cuộc sống và xã hội ngày thêm an lành, tốt đẹp”. [2]
Thật khó để phân biệt giữa phát biểu của một viên chức chính phủ với một chức sắc tôn giáo trong trường hợp này. Tuy vậy, cũng như trường hợp Thủ tướng, thời điểm đó công luận Việt Nam không xuất hiện một cuộc tranh luận đáng kể nào về giới hạn can dự của cơ quan hành chính vào các sinh hoạt tôn giáo cũng như vấn đề tính chất trung lập về tôn giáo trong các phát ngôn của viên chức đại diện chính phủ.
Dường như, tính thế tục trong phát ngôn và hành động của chính khách vẫn chưa hoặc không phải là một chủ đề được quan tâm trong dư luận Việt Nam, mặc dù, ở cấp độ hành chính, đã có quy định cấm thờ cúng và thực hành nghi lễ tôn giáo trong cơ quan nhà nước; và, ở cấp độ tư tưởng, nhà nước Việt Nam đã nhiều lần khẳng định trong Hiến pháp rằng họ chọn chủ nghĩa Marx-Lenin, một học thuyết duy vật, làm nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động của nhà nước và xã hội.
Ngược dòng lịch sử
“Đại Sán, tu sĩ Phật giáo người Trung Hoa được nói đến ở các chương trước, vào năm 1695, đã quan sát thấy cung điện của Nguyễn Phúc Chu được trang hoàng với cờ Phật giáo, trướng, cá gỗ và những quả chuông lộn ngược, giống như một ngôi chùa Phật giáo vậy” [3]. Li Tana trong tác phẩm Xứ Đàng Trong đã trích thuật những mô tả của nhà sư Đại Sán để cho thấy trong quá trình lập quốc ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã chọn Phật giáo Đại thừa làm tôn giáo nhà nước (state religion) để khẳng định và củng cố tính chính danh thế quyền của họ bằng một kiểu cách mà O.W. Wolters chỉ ra, ở Đông Nam Á, “địa vị vua có tính cách duy nhất chỉ bởi vì đó là một địa vị có tính cách tôn giáo” [4].
Đây là một hiện tượng thú vị, song các chúa Nguyễn ở Đàng Trong không phải là thế lực chính trị đầu tiên hoặc duy nhất trong lịch sử Việt Nam xác lập Phật giáo làm tôn giáo nhà nước nhằm củng cố tính chính danh vương quyền. Các triều đại Lý – Trần cũng thể hiện xu hướng này đậm nét, với đặc trưng là sự phổ biến của hiện tượng các nhà sư tham chính, nắm giữ các vị trí cao cấp trong triều đình (chẳng hạn, các Quốc sư cho vua Lý đa phần là các bậc tăng sư), cũng như hiện tượng xuất gia của các vị vua khi đang ở đỉnh cao quyền lực, đặc biệt có những vị như Phật Hoàng Trần Nhân Tông còn là tổ của một tông phái thiền.
Tuy vậy, lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những trào lưu phê phán mô hình nhà nước Phật giáo, đặc biệt là trong các giai đoạn thắng thế của Nho gia khi nó được các lực lượng nắm quyền lựa chọn làm hệ tư tưởng thống nhất của quốc gia. Lê Thánh Tông (1442-1497) trong một bài văn sách thi Đình đã đưa ra nhận định không mấy tốt đẹp về các tôn giáo thịnh hành bấy giờ – một biểu hiện cho thấy sức ảnh hưởng của Phật giáo như là một quốc giáo khuynh loát đời sống chính trị quốc gia đã không còn nữa dưới thời Hậu Lê:
“Giáo lý của đạo Phật, đạo Lão hết thẩy đều mê đời, lừa dân, che lấp nhân nghĩa, cái hại của nó không thể kể hết, mà lòng người lại rất tin, mê” [5].
Từ những nhận định đó, Lê Thánh Tông đã lệnh cho các phủ, lộ không xây thêm chùa, quán mới. Bên cạnh đó, thời Hồng Đức cũng chứng kiến sự biến mất của giới tăng quan, mà thay vào đó khoa cử đóng vai trò chủ chốt trong việc tuyển lựa người tài ra làm quan.
Có quan điểm cho rằng những biểu hiện này phản ánh quá trình thế tục hóa ở chỗ các tôn giáo đã mất hoặc giảm dần thẩm quyền của nó (thông qua giáo hội và chức sắc) đối với hoạt động quản trị quốc gia, và phần nào đó, đối với xã hội. Tuy vậy, một số khác lại cho rằng hiện tượng “phế Phật, lập Nho” của triều Hậu Lê, hoặc sau này là triều Minh Mạng, chưa thể được coi là biểu hiện của quá trình thế tục hóa, mà đơn thuần chỉ là việc thay đổi tôn giáo được chọn làm quốc giáo. Sự khác biệt quan điểm này liên đới trực tiếp với những tranh luận rằng Nho giáo có nên được coi là một tôn giáo hay đơn thuần chỉ là một hệ thống triết lý và đạo đức về đối nhân xử thế và trị nước. [6]
Thế tục hóa: Biểu hiện của quá trình Lý tính hóa và Hiện đại hóa
Giữa thế kỷ 19, trong khi ở Việt Nam, Minh Mạng và sau đó là Thiệu Trị đang mải mê thi hành những chính sách hà khắc về tôn giáo như cấm đạo, sát đạo để bảo vệ giềng mối Nho gia thì ở nước Anh, nhà văn George Jacob Holyoake (1846) đã lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ chủ nghĩa thế tục (secularism) như “là một kiểu quan điểm chỉ quan tâm tới những vấn đề có thể được kiểm tra bằng kinh nghiệm trong cuộc đời này” [7].
Có nguồn gốc từ sự nổi lên của Cách mạng Khoa học và Kỷ nguyên Khai minh và đi liền là sự suy thoái về tầm ảnh hưởng của tôn giáo nói chung và Giáo hội La Mã nói riêng ở châu Âu, tiến trình thế tục hóa (secularization) đã diễn ra sâu rộng trên khắp các mặt của đời sống chính trị xã hội và trở thành một biểu hiện đặc sắc của tiến trình lý tính hóa (rationalization) và hiện đại hóa (modernization), làm thay đổi bộ mặt Tây phương thời bấy giờ.
Hai nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa thế tục là phân tách nhà nước khỏi các tổ chức tôn giáo; và tất cả người dân với bất kể tôn giáo nào (kể cả không tôn giáo) đều bình đẳng trước pháp luật. [8] Đây cũng chính là những đặc điểm của văn hóa chính trị hiện đại ở các nước Tây phương mà dựa trên đó, tự do tôn giáo, tinh thần đa nguyên và khoan dung được bắt rễ.
Không chỉ ở cấp độ văn hóa chính trị, tính thế tục còn được khẳng định ở trong các văn bản pháp lý ở các nền dân chủ. Nếu như Tu chính án thứ Nhất là lời tuyên xưng cho tính chất thế tục của Hiến pháp Hoa Kỳ (và được củng cố qua nhiều án lệ trong đó Tối cao Pháp viện viện dẫn Tu chính án này) thì ở Pháp, tính chất này được ghi nhận trong một loạt các văn kiện quan trọng từ Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, Luật 1905 về Phân chia Nhà thờ và Nhà nước, rồi sau đó là Hiến pháp 1958.
Tu chính án thứ Nhất, Hiến pháp Hoa Kỳ:
Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.
Như vậy, để trở thành những nhà nước thế tục (secular state) như hiện nay các quốc gia Tây phương đã đi một chặng đường dài cả ở cấp độ lý thuyết lẫn thực hành mà kèm với nó là không ít những biến động lịch sử. Nhưng bù lại, chủ nghĩa thế tục, một khi đã bắt rễ và cấu thành một phần của văn hóa chính trị, sẽ giúp tạo ra một khuôn khổ pháp lý và tập quán xã hội tôn trọng tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tinh thần đa nguyên và bình đẳng, từ đó củng cố nền móng cho các nền dân chủ tự do, nhất là trong bối cảnh đa tôn giáo, đa văn hóa như hiện nay.
Từ góc độ đó mới thấy, thiếu vắng những cuộc tranh luận về tính thế tục trong đời sống chính trị xã hội ở một nước đa tôn giáo như Việt Nam, có khi lại không phải một điều gì đáng mừng.
Tài liệu tham khảo:
[3][4]: Li Tana, Xứ Đàng Trong, NXB Trẻ 2014, Nguyễn Nghị dịch, tr.225
[5]: Tạ Ngọc Liễn, Nho giáo Việt Nam thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI
[6]:Yong Cheng, Confucianism as Religion: Controversies and Consequences, NXB Brill, tr.1
[7]: George Jacob Holyoake, English Secularism(online version)
[8]:National Secular Society, What is Secularism?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.