Nhận xét của một người đã xem đến hết phim
Xem tiếp
Bạn của Beelikeshoney
Trong không khí nô nức đón chào dịp lễ 30/4, 1/5 và kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của cả nước, một đề tài mà dư luận khá quan tâm là nhà nước sẽ cho ra mắt bộ phim nào trong dịp này. Đó là phim “Sống cùng lịch sử”, phim mở đầu trong tuần phim “Ký ức Điện Biên” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức.
Chưa cần nói đến tên tuổi đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, chỉ cần việc bộ phim được chọn để mở đầu trước các phim như: Ngã ba Đồng Lộc, Hồi ức Điện Biên, Vào Nam ra Bắc, Địa chấn ở Điện Biên Phủ… đã nói lên các nhà chuyên môn đánh giá cao bộ phim này như thế nào. Đặc biệt nếu ai được đọc các lời bình về của bộ phim sẽ thấy đây là một phim đáng xem như thế nào, nhất là trong giai đoạn mà phim nhà nước đang bị các phim hài nhảm nhí của tư nhân lấn áp.
Thế nhưng đáng tiếc “quảng cáo vẫn chỉ là quảng cáo”, dưới góc nhìn bình thường nhất, không chuyên môn, chỉ là một khán giả bình thường, tôi đã phải cố ép mình xem đến cuối bộ phim chỉ vì không muốn làm lỡ lòng tốt của người đã tặng mình vé.
Xem xong bộ phim, so sánh với những lời ca ngợi bộ phim tôi chợt cảm thấy tiếc nuối cho những người đã đặt niềm tin vào ê-kíp làm phim. Có lẽ đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã quá tham lam khi muốn chuyển tải quá nhiều nội dung vào cùng một bộ phim: vừa muốn đả kích quân Pháp tàn ác; vừa tái hiện lại giai đoạn lịch sử “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”; vừa muốn ca ngợi các tấm gương anh dũng hi sinh của Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót…; vừa muốn thay đổi nhận thức của giới trẻ (nhất là nhân vật Tùng) về chiến thắng Điện Biên, hướng họ đến lý tưởng sống cao đẹp; lại muốn thể hiện tầm vóc lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính sự tham lam, ôm đồm đó đã khiến bộ phim như những “lát cắt lịch sử” được chắp vá một cách vụng về, khiên cưỡng.
Thử hỏi, sự ưu tư, trăn trở trước trận đánh của một nhà cầm quân lỗi lạc như bác Giáp cứ bắt buộc phải thể hiện bằng cách quất ngựa đi ra đi vào, rồi nói toàng toạc hết tim gan, suy nghĩ thì mới thể hiện cái tài tái hiện của đạo diễn và diễn xuất rơi nước mắt của diễn viên?
Thử hỏi có ai có thể “ngóc đầu” lên được để “ấy ấy” khi mà bom nổ ngay trên đầu, hầm trú ẩn rung lên ầm ầm không? Thế mà tên lính Pháp vẫn có thể lao vào hãm hiếp cô gái bản trong tình hình như thế. Ôi dục vọng của tay lính, hay là của nhà làm phim, mới đáng sợ làm sao!
Thử hỏi có ai chỉ nhờ vào một vài tấm ảnh lịch sử về trận Điện Biên là có thể chìm đắm vào cảm xúc của quá khứ không? Ấy vậy mà 3 nhân vật chính chỉ với vài cú lướt hình trên máy là lập tức chìm đắm, nhập vai ngay. Nói thật nếu như đạo diễn không khiên cưỡng, bắt nhân vật phải làm như vậy thì chắc chỉ có một lý giải như khi Tùng nói với Nga “Em cũng điên rồi!”
Thử hỏi có ai có thể thong thả dắt bò đi khi máy bay thả bom sát rạt bên mình không? Thế mà trong phim, trên đoạn đường tải quân lương, bom nổ ngay sát bên (cách khoảng 1 đến 2 mét) mà bà con ta chẳng hề sợ gì vẫn đi tiếp. Đã thế đạo diễn còn cố ép nhân vật Tùng phải nói câu “Anh… sợ” để chịu cái nhìn coi thường, thất vọng của bạn gái khi anh từ chỗ núp chạy ra. Thật vô lý khi mà chính người chỉ huy cũng kêu mọi người tản ra để tránh máy bay.
Thử hỏi có đứa bạn tốt nào lại “vô tình”, “vô tư”, gần gũi, quan tâm đến bạn gái của bạn mình quá mức để rồi khi kết thúc chuyến đi thằng bạn mình ngồi bưng mặt khóc vì bị bồ đá. Xin lỗi vì thô lỗ nhưng chắc cái câu “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan” bạn nào cũng thuộc nằm lòng rồi. Lẽ nào nhân vật Lâm, đẹp trai, tốt bụng, yêu nước, tinh thần dân tộc cao… lại không hiểu? Nếu thật không hiểu thì có lẽ những đức tính tốt vừa được nêu chẳng khác nào một sự mỉa mai “không nhẹ” đối với nhân vật Lâm.
Thử hỏi có ai sau khi đã trải qua cái giai đoạn đầy khói lửa, máu và nước mắt của trận Điện Biên, lại có thể rút ra một bài học chẳng ăn nhập gì đến lịch sử, chiến tranh không? Có đấy, ngay sau khi trải qua những thời điểm lịch sử từ đèo Lũng Cú cho đến đồi Him Lam và hầm tướng Đờ-Cát, nhân vật Tùng chỉ khóc và hỏi bạn gái “Anh mất em rồi phải không!”. Thật vô lý khi đưa chi tiết này vào trong phim khi cả quá trình đạo diễn đã cố xây dựng nhân vật là một người ích kỷ, chỉ biết lo cho bản thân mình. Nếu xây dựng như vậy thì làm gì có “bài học sâu sắc” để nhân vật rút ra? Dẫu đạo diễn cũng ráng sức để nhân vật Nga buông lại một câu “Nhưng chúng ta cũng được nhiều mà” để vớt vát lại, nhưng tôi vẫn không chấp nhận được. Vì với cái câu nói của Tùng, đạo diễn đã bóp chết cái lý tưởng sống mà những người đã ngã xuống để lại cho đời sau. Nói một cách thô tục đó là “Lý tưởng của các anh vẫn không bằng cái tình yêu nhăng nhít của lũ trẻ”. Thật sự xem xong mà rớt nước mắt cho những người đã hi sinh.
Những cái “thử hỏi” ấy còn nhiều, nhiều nữa trong cả bộ phim mà mình không thể kể hết, hoặc không kể ra vì nó thô tục, thiếu tôn trọng với cả người xem lẫn những người từng sống trong giai đoạn lịch sử hào hùng đó. Thật sự tiếc cho đạo diễn Nguyễn Thanh Vân vì tên của ông có trong phim.
Một ngày xem phim lịch sử thật buồn!
*
Đây là cmt cho bài “‘Sống cùng lịch sử’: Làm sao đây khi không ai muốn sống cùng lịch sử?“. Soi xin đưa lên thành bài cho các bạn dễ thảo luận. Tên bài do Soi đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.