Điệu tranh đấu li-la
Tháng 9 24, 2014-procontra Phạm Thị Hoài
Nguyễn Hoàng Văn
Tây ban cầm đã hát ngọng giọng Tàu và “Lorca Nguyễn Văn Trỗi” của Phạm Thị Hoài [1] làm tôi liên tưởng đến nhiều thứ: những kép đào hát bội-chèo-cải lương, lời văng tục của nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cảnh hội chợ lô tô náo nhiệt ở một tỉnh nghèo miền Trung.
Một cảnh Tết quê giữa thập niên 80, thời đói ăn và đói cả thông tin. Cái sân khấu giữa chợ lòe loẹt những băng rôn đỏ sậm chữ vàng, lèo tèo những giải thưởng nghèo nàn với dăm ba chiếc xe đạp, phích nước và đồ gia dụng linh tinh nhưng o bế thật kỹ bằng những chùm giấy bóng hay dải băng kim tuyến xanh đỏ tím vàng, rặt một thứ thẩm mỹ chợ quê.
Cờ ra con mấy
con số gì đây
con số 15
anh Nguyễn Văn Trỗi
đi ra pháp trường.
Cờ ra con mấy
chớ con số gì đây
con số chưa ra
hội nghị tỉnh ủy
phát triển nông lâm.
Cờ ra con mấy
con số gì đây
con số gì đây
là con số 79
chị Võ Thị Sáu
mùa lê-ki-ma..
Gã hoạt náo viên liến thoắng ứng tác theo những vòng quay: thêm một cặp chữ số bung ra, thêm vài ba cái tên anh hùng liệt sĩ hay diễn biến chính trị địa phương xổ ra, bập vào lỗ tai đám đông, trớt quớt và ngang phè, miễn là vần điệu xuôi tai, miễn sao không vi phạm chính sách lập trường. Nhưng dẻo miệng cách mấy thì cũng đến lúc phải đơ lưỡi lại mà cũng cần phải có thì giờ để tiêu thụ càng nhiều vé càng tốt trước khi tung ra đợt xổ mới và, vậy là, đến phiên một ban nhạc chợ quê hay, lòe hơn, một “nhóm ca khúc chính trị”, danh xưng thời thượng của ngày ấy, tiến lên đảm trách nhiệm vụ khoả lấp “trong khi chờ đợi”. Điệu lô tô cây nhà lá vườn im bặt để “âm nhạc hiện đại” thay chân, chọc thủng màng nhĩ đám đông với tiếng trống, tiếng guitar điện chát chúa, chọc đi chọc lại cho thoả công tập dượt cái bài hát cũng khá là thời thượng của ngày ấy:
Mặt trời hồng trên cát nóng Es-pa-nha
Là tiếng đàn ghi ta của Lor-ca [2]
Là tiếng đàn ghi ta của Lor-ca [2]
Tôi muốn vẽ lại thật rõ mấy chi tiết ấy để thấy rằng việc dạy văn hay bình văn, qua bài thơ của Thanh Thảo viết về “tiếng đàn ghi ta” của Federico García Lorca mà học trò trung học tại Việt Nam đang è cổ ra học, thực chất, cũng chẳng khác gì [3]. Văn chương, và giáo dục văn chương, của thế kỷ 21, cũng từa tựa cảnh “hội chợ lô tô” của cái thời thiếu đói thông tin, chỉ cầu sao xuôi tai, cầu sao thuận với ý nghĩa lập trường.
Kể ra thì cũng xuôi thuận nhưng hãy tưởng tượng phản ứng của một người Tây Ban Nha thành thạo tiếng Việt sau khi thưởng thức hết mớ hổ lốn những thơ nhạc, những luận điểm phê bình – giảng văn ấy. Rồi hãy tưởng tượng tiếp cảnh người đó, sau khi lơ mơ thưởng thức dăm tác phẩm văn chương hay âm nhạc Việt Nam thôi, đã có thể… rửa hận Lorca, xắn tay thay đổi căn cước Nguyễn Du và vài ba hậu thế đời sau. Theo lối này thì không chừng Nguyễn Du sẽ là một ông thầy cúng “tràn trề lòng nhân bản” với “Văn tế thập loại chúng sinh”, Huy Cận sẽ là một ngư phủ yêu nghề với “Đoàn thuyền đánh cá” và Hoàng Vân thì, may hay rủi, sẽ là một kiến trúc sư, một kỹ sư xây dựng hay đen nhẻm như một anh thợ lò tùy vào việc ông khách ngoại quốc kia vớ được “Bài ca xây dựng” hay vớ nhầm “Tôi là người thợ lò”.
Có thể vậy lắm, bởi nhân vật Lorca “nồng nhiệt cổ vũ nhân dân đấu tranh” trong sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng được sản xuất tương tự, không hơn không kém [4]. Nói như Phạm Thị Hoài thì Lorca đã là một thứ Nguyễn Văn Trỗi Tây Ban Nha. “Anh Trỗi ta” ôm mìn, “anh Trỗi Tây” ôm guitar. “Anh Trỗi ta” vang lừng khẩu khí “Hãy nhớ lấy lời tôi”, “anh Trỗi Tây” đau đáu ước nguyện “chôn tôi với cây đàn”!
Là thiên tài văn chương lỗi lạc của Tây Ban Nha trong thế kỷ 20, những biển núi tài liệu về Lorca cho chúng ta biết rất nhiều điều về nhà thơ nhưng hoàn toàn không hé mở một tí ti ánh sáng nào về “cây đàn tranh đấu” mà thế hệ học sinh hiện tại của chúng ta đang gồng mình ra học.
Lorca là một nhà thơ, một kịch tác gia mà, thuở ban đầu, có lẽ, từ ảnh hưởng của mẹ, đã đến với thế giới nghệ thuật như một nhạc sĩ dương cầm và, cuối đời, giữa đỉnh cao danh vọng, đã bị lực lượng phát xít Francisco Franco thủ tiêu, không chỉ vì là nhân vật tiếng tăm có lập trường thiên tả mà còn vì cái giới tính thứ ba. Như bất cứ một người Tây Ban Nha nào khác, Lorca có thể rất yêu và bày tỏ tình yêu của mình với cây đàn guitar “quốc hồn”; thế nhưng, cả cuộc đời nhà thơ, qua những tài liệu ngồn ngộn nói trên, không ai tài nào tìm thấy một khoảnh khắc ở đó nhà thơ đã ôm cây đàn ấy, ôm như một nghệ sĩ guitar thực thụ hay ôm như một chiến sĩ đấu tranh [4]. Xem ra, nếu xưa bọn phát xít, một cách tàn bạo, lôi Lorca ra bãi bắn thì nay họ, những nhà văn chương – giáo dục Việt Nam, đã, liều mạng, lôi Lorca vào… lò cải tạo.
Chỉ bằng chút tài vặt, bằng một số vốn liếng hò vè cùng hiểu biết chính trị rất… cơ bản của mình, gã hoạt náo viên lô tô có thể thoải mái nhét vào tai đám đông hội chợ những thứ hầm bà lằng xuôi tai, miễn sao không vi phạm lập trường. Ca khúc hay bài thơ viết về Lorca cũng vậy, cũng hình thành từ một vốn liếng văn hoá rất cơ bản và một vốn liếng chính trị – lập trường cũng rất là… cơ bản. Phát xít từng tấn công Liên Xô: rõ ràng, phát xít là kẻ thù của ta. Lorca bị phát xít xử bắn: rõ ràng, trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” này, Lorca là chiến sĩ cùng phía với ta. Lorca lại là người Tây Ban Nha, xứ sở của môn đấu bò và, vậy là, với những kiến thức rất ư là… đố vui để học, tha hồ mà… sáng tạo, hết “mặt trời hồng – cát nóng” thì “vũ nữ Digan”, hết “áo choàng đỏ thắm”thì “áo choàng đỏ gắt”, dễ dàng và thoải mái, chỉ miễn sao xuôi tai, chỉ miễn sao thoả đáng với những tiêu chí cơ bản về chính trị lập trường.
Lorca là người đồng tính, sinh thời người Tây Ban Nha đã biết điều đó và, cuối đời, khi bị hành quyết, không chỉ bắn bằng súng mà cả bằng lời nguyền rủa “đồ đồng tính”. Không biết có phải tuân thủ theo cái kim chỉ nam “KẾT QUẢ CẦN ĐẠT” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu trong sách giáo khoa là để “Thấy được vẻ đẹp bi tráng của hình tượng Gar-xi-a Lor-ca” hay không, những nhà sư phạm văn chương của chúng ta không chỉ uốn nắn giới tính nhà thơ mà còn phởn lên với cái yếu tố “bi” rất tuồng qua việc bế vào tiểu sử của nhà thơ một “thiếu phụ Nam Xương”, một vai nữ thủ tiết thờ… liệt sĩ:
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
(“Đàn ghita của Lorca”, Thanh Thảo)
Thanh Thảo chỉ lửng lơ “cô gái ấy”, nhưng các nhà sư phạm thì liều mạng hơn với bản khai sinh đính kèm tấm bằng “tiết hạnh khả phong”: “Cô gái ấy: ở đây có thể chỉ An-na Ma-ri-a, người yêu của Lor-ca. Sau cái chết của Lor-ca, An-na Ma-ri-a ở vậy, không một lần lên xe hoa” [6].
Nghe cảm động quá thế nhưng có lùng sục toàn bộ những biển núi tài liệu về Lorca chúng ta cũng không thể nào tìm ra một bóng dáng mờ nhạt nào của người yêu thủ tiết ấy. Bất quá chúng ta chỉ có thể nhận diện người bạn trung thành Anna Maria, em gái của Salva dor Dalí, hoạ sĩ từng phụ trách mỹ thuật sân khấu cho một số vở kịch của Lorca: sau khi được anh trai giới thiệu vào năm 1925, Maria đã trở thành người bạn của Lorca cho đến khi nhà thơ bị hành quyết. Thế thôi, và nếu có một “tình yêu” thì, oái ăm thay, đó lại là “tình trai” giữa chính anh cô, Dalí, với bạn cô, Lorca.
Thật không thể khôi hài hơn. Và không thể có một trò đùa nào… mô phạm hơn, đùa nghiêm trang trịnh trọng trong sách giáo khoa. Từ các thư khố tối tăm, từ trong các thư viện hay tài liệu cá nhân phủ bụi, mấy nhà “Lorca học” có thể… có thể thế này, có thể thế kia với những giả thuyết khác nhau về mấy hình bóng mập mờ lưu lại trong bản thảo, trong nhật ký, trong ghi chép lặt vặt hay thư từ để lại. Đằng này thì một nhà thơ Việt Nam, với một vốn hiểu biết rất lơ mơ về Lorca, phởn lên với một “cô gái” trong thơ và, thế là, những nhà giáo dục của chúng ta đã vồ lấy như vồ một sử liệu mới được giải mật.
Những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la-li-la-li-la
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la-li-la-li-la
(“Đàn ghita của Lorca”, Thanh Thảo)
Bài thơ mà các nhà sư phạm liều lĩnh đang nhét vào đầu học trò đã bắt đầu như thế để rồi cũng kết thúc bằng tràng âm thanhli-la-li-la-li-la như thế nhưng lẽ nào lại thế? Bắt học trò học những thông tin sai bét là một lẽ nhưng còn một lẽ khác, quan trọng hơn, ở cách cảm thụ…. ngang phè.
Có thể có nhiều mục đích khác nhau trong việc dạy văn mà, trong đó, quan trọng hơn cả, là hướng học trò đến những cách cảm thụ tinh tế đối với thế giới tạo vật quanh mình. Điều kiện cần của sự tinh tế là tính chính xác và điều kiện đủ là độ nhạy của tâm hồn. Nếu sự chính xác là phạm vi của lý tính thì sự rung động của tâm hồn thuộc về cảm tính. Nếu những lứa trẻ, từng bước và từng bước, được hướng vào ngả đường cân bằng giữa lý tính và cảm tính, từng bước và từng bước thể hiện những khả năng cảm thụ tinh tế trước những lay động trong âm thanh và sắc màu của tạo vật, trong những va đập chan chát hay hòa quyện êm ái của ngôn ngữ thì, dần dà, chúng cũng sẽ, từng bước và từng bước, hướng đến những nhận thức xác đáng và hướng thiện đối với những biến động xã hội trước mặt mình. Cái lẽ khác muốn nói ở đây là đó, là cách thẩm âm khó mà xem là chính xác và cách cảm thụ khó mà gọi là tinh tế với “tiếng đàn” được thiết kế trong chương trình như một bài ca bi tráng nhưng lại yếu xìu, lại mướt mát li-la li-lanhư một tiếng sáo thanh bình.
Trên phương diện âm học thì, cũng như bao nhiêu nhạc cụ khác, cây đàn của người Tây Ban Nha cũng có những cung bậc căng chùng khác nhau của nốt La và những chệch âm thăng-giáng, thế nhưng âm sắc đặc trưng âm sắc của nhạc cụ ấy khó màli-la li-la vần “L”. Cây đàn đó có thể t’rừm ‘trừm sôi động theo những ngón Flamenco của Paco Peña, có thể rí ra rí rắc hoài niệm và suy tư trong ngón trémolo của Francis Taréga hay Agustín Pío Barrios và, rộn rã sôi động hay bồi hồi suy niệm, những hoà âm của guitar, khi rung ở tai người thưởng thức, bao giờ cũng đọng lại ở chủ âm “R”. Mà, như tác giả bài thơ đã tưởng tượng, tiếng đàn “bi tráng” đó còn gắn chặt với “áo choàng đỏ gắt”, là tiếng đàn “ròng ròng / máu chảy”, tiếng đàn với “cô gái Digan”, nghĩa là đầy đủ những yếu tố bắt chúng ta phải nghĩ đến âm hưởng bi ai và dữ dội của những tấu khúc Flamenco t’rừm ‘trừm.
Kiểu cảm thụ ấy, xem ra, cũng ngang phè như sân khấu hát bội giữ những tình huống bi phẫn nhất, lúc người cầm chầu đã xắn tay sẵn sàng cho những hồi trống hùng tráng giục giã như trống trận, lúc khán giả nín thở chờ đợi lời khẳng định “Như ta đây” sang sảng trong khoảnh khắc phút chiến thắng oai hùng hay phút tuẫn tiết không kém phần lẫm liệt anh hùng thì chỉ nghe lả lơi câu chèo ai oán tình đời hay nhừa nhựa xuống sề câu cải lương với niềm đau hận tình trường. Hát bội, như là sản phẩm của vùng đất của thời khai phá mở mang với âm sắc chắc nịch Quảng Nam và Bình Định, cái thời phải chường mặt ra đối phó với những thử thách chực nhấn mình chìm xuống nên, bất cứ giá nào, cũng phải ngửng mặt lên khẳng định mình, dứt khoát, rắn rỏi “Như ta đây” chứ không lả lơi câu thái nhân tình hay nhừa nhựa câu phẫn hận tình trường. Qua cái mục tiêu “thấy được hình tượng bi tráng” nói trên, các nhà sư phạm văn chương nói trên vẫn tiếp tục cái truyền thống “dĩ-chiến-đấu-vi-trung” của bộ môn văn học trong nhà trường xã hội chủ nghĩa thế nhưng, ngay trong chính bài thơ li-la li-la nói trên, họ đã nhét vào miệng kép chánh trên tuồng hát bội câu ai oán sụt sùi của vai đào bi lụy trên tuồng chèo hay tuồng cải lương.
Bắt học trò phải cảm nhận rằng cây đàn guitar hát giọng li-la li-la, mà lại li-la li-lamột cách bi tráng, là bắt các em cảm nhận sai. Sai về lý tính và sai cả về cảm tính. Học những thông tin sai là học để dốt thêm. Học để cảm thụ và nhận thức sai là học để ngu thêm. Học để dốt và ngu thêm như thế, quả là một đường lối giáo dục khiến chúng ta, dẫu nhã nhặn đến mấy, cũng phải văng tục.
Và tôi lại nghĩ đến lời văng tục của nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton, bật ra trong chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc năm 1997, cũng từ sự hoán chuyển trái khoáy “L/R” [6].
Nhưng tôi phải minh xác ngay rằng ông Clinton không hề văng tục mà đó chỉ là một trong muôn vàn chuyện cười, nhữngdirty jokes về ông giữa những ngày mà cái tên Monica Lewinsky vẫn còn là một đề tài câu khách. Lời ấy, trong chuyện cười, bật ra với phụ tá của mình trong chỗ riêng sau cuộc nhàn đàm với nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân. Ông ta hầm hầm “Mẹ kiếp” và ông ta cáu bẳn “Thằng nói láo khốn khiếp”. Ông ta tức giận vì cho rằng vị nguyên thủ nước chủ nhà đã xem thường mình, đã bố láo bố toét với mình cái điều cả trẻ con cũng không thể nào tin được là Trung Quốc dân chủ hơn cả Mỹ: nước Mỹ bốn năm mới bầu cử một lần nhưng Trung Quốc của hắn thì, tối nào, cũng chuyện ấy một lần.
Nhưng thực ra, trong câu chuyện chỉ để cười chơi đó, ông Clinton đã lầm. Cũng như cái thời cha ông chúng ta phải tìm hiểu văn minh phương Tây qua sách vở Trung Hoa nên đành phải nói ngọng “R/L” để nhà vật lý học (Maria) Curie phải đóng vai “Cổ-lí phu nhân”, nhà tư tưởng (Jean-Jacques) Rousseau phải khăn đóng áo dài là “Lộ Đức tiên sinh” và kinh thành Paris chết tên Ba Lê suốt một thời dài v.v… Như bất cứ người Trung Quốc nào khác, họ Giang không thể nào thoát khỏi cái ngọng của dân tộc mình nên “R” và “L” đồng một giọng như nhau và, vô hình trung, câu hỏi về sinh hoạt dân chủ election của nhà lãnh đạo Mỹ lại bị ông ta, giữa những tác động của truyền thông về một Clinton rất playboy, đã tiếp nhận, đã hiểu như là hiện tượng sinh lý erection. Election là bầu cử còn erection thì, nói văn hoa là “hứng tình”, nói nôm na là “cương cứng” hay “ngỏng lên”, còn nói một cách thông tục là… “nứng cặc”. Nước Mỹ dân chủ bốn năm “bầu cử” một lần và ông Giang Trạch Dân độc tài – cũng như tuyệt bất cứ gã đàn ông Á Đông nào khác trừ… Hồ Chí Minh, luôn có khuynh hướng phóng đại khả năng chăn gối của mình như một chứng chỉ của khí chất đàn ông – đã tuyên bố không suy nghĩ rằng gì chứ chuyện ngỏng đầu lên đó thì ông ta rất khỏe, đêm nào cũng khỏe.
Nếu election là sức mạnh của nền dân chủ thì erection là sức chiến đấu của chuyện sinh họat trên giường. Mười bảy năm trước chúng ta có thể cười sảng khoái, cười văng nước miếng khi nghe chuyện “hiểu lầm” chỉ để cười chơi ấy nhưng bây giờ, sau bao nhiêu sự kiện ngoại giao có thật và những chuyện tréo ngoe “R/L” có thật, chỉ có thể cười đau, cười ngấn nước mắt với những niềm đau và nỗi nhục rất thực với những lãnh tụ chính trị lẫn lộn dân chủ với chiếu giường.
Trước khát vọng dân chủ election của nhân dân họ hành xử như những ông trùm rất thạo việc… erection. Vênh váo, ngạo nghễ, họ dí buồi vào mặt hay mồm của của nhân dân, dí như là kép chánh hát bội với vở tuồng “Như ta đây thắng Pháp” và “Như ta đây thắng Mỹ”, xem như một thứ sắc phong có thể vượt qua và giẫm lên trên ý nghĩa election. Nhưng khi đối mặt với những thử thách đang chực nhấn cả đất nước mình chìm xuống, đối diện với những đối thủ nói ngọng “R/L” thì thậm thụt, mềm nhũn như thể thứ đàn ông không thể… ngỏng lên, không thể cương cứng cái giọng hát bội “Như ta đây” mà chỉ có thể ai oán, nỉ non cáo giọng chèo – cải lương, hết ỉ ôi “bát nước đầy” Dương Lễ nỡ lòng xử tệ Lưu Bình thì nhừa nhựa câu tình nghĩa chòm xóm anh em sao nỡ phụ phàng [7].
Trở lại với bài thơ về Lorca. Như một nhà thơ, Thanh Thảo có quyền khác người, có thể bắt cây guitar hát giọng li-la li-la và chúng ta có thể thấy ngược tai, có thể không thích, có thể chê bai đủ kiểu nhưng đó là chữ của ông, là quyền của một nhà thơ. Vấn đề ở đây là các nhà giáo dục. Vô tình hay cố ý, khi bắt học trò phải cảm nhận cái tiếng sáo thanh bình li-la li-la ấy như một thứ “tráng ca”, họ đã hướng các em vào một ngả đường cảm thụ sai, ngả đường ở đó các em sẽ dần dà cảm nhận rằng những giọng chèo ỉu xìu than trách tình đời hay cải lương bi hận tình trường cũng chẳng khác gì giọng hát bội lúc phải cương lên với lời hịch “sơn hà nguy biến”.
Nhưng, thực ra, nói là nói vậy bởi không cần phải gióng lên lời hịch, vì sự thể đã là một thực tế rành rành. Có lẽ chưa bao giờ đất nước “nguy biến” như lúc này, nguy với một hiện tại và một tương lai bấp bênh khi vận hành và phát triển trên nền móng rất… liều. Chỉ qua bài thơ bi tráng li-la li-lanày thôi đã thấy rõ bóng dáng của một nền văn chương viết liều rồi một nền giáo dục dạy liều. Mà, xét cho cùng, viết liều hay dạy liều, cũng là sản phẩm tất yếu của một hệ thống cầm quyền với những chủ trương chính trị cực kỳ liều, liều đến mức cực đoan, từ sự cực đoan của đầu óc hoang tưởng đến mức cực đoan của toan tính thực dụng. Nó, như đã thấy, đã liều với cuộc phiêu lưu chiến tranh, ở đó sinh mạng và tương lai của 30 triệu người bị mang ra đánh đổi cho mục tiêu thế giới đại đồng của “ba ngàn triệu trên đời”. Và nó, như đang thấy, lại liều với cuộc phiêu lưu mệnh danh “ổn định và phát triển”, cái cuộc phiêu lưu chẳng hề vì dân số trên 90 triệu người mà chỉ phục vụ cho một phân số rất nhỏ, cực kỳ nhỏ, một epsilon mang tên “nhóm lợi ích” đang ngồi xổm trên đầu, đang erection và đang dí buồi vào mặt và vào mồm của 90 triệu người [9]!
24.9.2014
Chú thích
[1] Phạm Thị Hoài, “Lorca Nguyễn Văn Trỗi”, pro&contra 19/7/2014
[2] Bài hát “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn”. Nhạc: Thanh Tùng. Lời: Huỳnh Phước Liên
[3] “Đàn Ghi Ta của Lor-Ca -Thanh Thảo”, trong “Ngữ văn lớp 12 – tập một”, NXB Giáo dục: 2009 trang 163-166. Tổng chủ biên cuốn sách này là Phan Trọng Luận, chủ biên phần văn là Trần Đăng Suyển. Bài viết này dựa theo sách giáo khoa in năm 2009 (lần tái bản thứ nhất). Có thể tham khảo nguyên văn bài thơ “Đàn ghita của Lorca” của Thanh Thảo” trong bài “phê bình” của Bùi Công Thuấn hay phát biểu của Thanh Thảo.
[4] Edward F. Stanton, “García Lorca and the Guitar”, Hispania 58 (1), 1975
[5]“Đàn Ghi Ta của Lor-Ca – Thanh Thảo”, bđd, trang 163, chủ thích số 2.
[6] Bđd, trang 165, chủ thích số 1.
[7] Chuyện kể: Bill Clinton hỏi Giang Trạch Dân: “How often do you have election?” (Bao nhiêu lâu thì ông tổ chức bầu cử một lần?). Nghĩ rằng Clinton là tay chơi vì vụ tai tiếng Monica Lewinsky còn nóng hổi, Giang tưởng Clinton nhắm đến chuyện phòng the, nghe “election” hiểu “erection”, nên trả lời: “Every night!” Sau Bill Clinton chửi thề với phụ tá của minh: “Mẹ kiếp, thằng cộng sản khốn khiếp, nước Mỹ chúng ta dân chủ nhất thế giới mà bốn năm mới bầu cử một lần, độc tài như nó mà dám láo toét rằng đêm nào cũng bầu cử một lần.”
[8] Giọng điệu than trách khi xảy ra vụ giàn khoan, thí dụ: “Ai đang hắt đi bát nước đầy?” (Kim Tuấn, Tiền Phong 28/5/2014) hay diễn văn của Đại tướng – Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Diễn đàn An ninh Á châu Shangri-la tại Singapore ngày 31.5.2014.
[9] Thơ Tố Hữu: “Ta vì ta ba chục triệu người / Cũng vì ba ngàn triệu trên đời” (Trích “Miền Nam”, viết ngày 14.12.1963, in trong tập Ra trận)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.