Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Trước cuộc gặp của Dương Khiết Trì, cả Việt Trung đều họp báo

Trước cuộc gặp của Dương Khiết Trì, cả Việt Trung đều họp báo

Dù không đượng thông tin chính thức nhưng theo nhiều nguồn tin, hôm nay (17.6), ông Dương Khiết Trì, ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc sẽ hội đàm với bên phía Việt Nam, dự kiến là ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam.
Trước cuộc gặp này, có vẻ như cả Việt và Trung đều muốn tranh thủ dư luận quốc tế về phía mình. Vào lúc 17 giờ chiều ngày 16.6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế lần thứ 5 về tình hình Biển Đông mà chủ trì buổi họp báo là ông Lê Hải Bình, quyền Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao VN; đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN; ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN; ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư.
Như vậy Việt Nam đã có tất cả 5 cuộc họp báo quốc tế lần lượt vào các ngày 7.5, 17.5, 23.5 và 5.6. Tại cuộc họp báo mới nhất ngày 16.6, ông Trần Duy Hải cho biết, mặc dù xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam nhưng thời gian qua, Trung Quốc tiếp tục gia tăng căng thẳng bằng hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc lớn tiếng vu cáo Việt Nam chủ động đâm va vào các tàu hộ vệ của Trung Quốc trên thực địa, thậm chí nói tàu cá Việt Nam đâm chìm, trong khi thực tế là tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm. “Đây không chỉ là hành động vi phạm luật pháp quốc tế mà còn là hành động vô nhân đạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam”, ông Hải khẳng định.
“Việt Nam kiên quyết bác bỏ lập luận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Tư liệu lịch sử cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền với Hoàng Sa. Các tư liệu lịch sử của Trung Quốc diễn giải tùy tiện tiện, là tài liệu của cá nhân không có cơ sở, mô tả thiếu nhất quán”, ông Hải nhấn mạnh.
Ông Hải thông tin: “Năm 1898, sau vụ tàu ngư dân bị đắm ở Hoàng Sa, Phó vương Trung Quốc cho rằng đảo Hoàng Sa là bỏ rơi không thuộc Trung Quốc. Các hòn đảo này không thuộc châu nào của Hải Nam, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm hòn đảo này nên không chịu trách nhiệm vụ ngư dân Trung Quốc cướp tài sản”.
“Trong khi đó, Việt Nam cung cấp bằng chứng nhà nước thiết lập chủ quyền với hòn đảo này kể từ thời phong kiến. Các hoạt động được ghi nhận trong các châu bản của triều đình phong kiến hiện đang được lưu giữ. Sau khi Pháp ký hiệp định bảo hộ năm 1874-1884, Pháp tuyên bố hoạt động xâm phạm, tiến hành nhiều biện pháp thực thi bảo vệ chủ quyền như xây dựng các công trình, trạm khí tượng, xây dựng cơ sở hành chính và sáp nhập vào Trung Kỳ, cấp giấy khai sinh cho công dân Việt Nam sinh tại Hoàng Sa.
Hoa_Xuan_Oanh_16_6_14
Chỉ sau Việt Nam một chút, buổi tối ngày 16 tháng 6, Trung Quốc cử phát ngôn viên ngoại giao của họ là bà Hoa Xuân Oánh trả lời báo chí. Tại cuộc gặp này bà Oánh chỉ trích cả ba nước là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Theo bà Oánh thì “Gần đây, Nhật Bản liên tiếp tạo ra sự cố, tạo ra đối lập, căng thẳng, mục đích là để tìm cớ mở đường cho thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, tăng cường sức mạnh quân sự”. Và bà này cho rằng: “Trung Quốc quan tâm đến các cuộc thảo luận vấn đề liên quan đến quyền tự vệ tập thể ở Nhật Bản, phương hướng phát triển của Nhật Bản xét đến cùng “do đông đảo nhân dân Nhật Bản lựa chọn”. và “Điều cần phải nhấn mạnh là, bất cứ sự điều chỉnh chính sách quân sự, an ninh nào của Nhật Bản đều không được làm tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc”.
Về Philippines, bà Oánh mạnh miệng hơn khi phát biểu: “Bắt đàu từ thập niên 1970, Philippines đã vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, dùng vũ lực xâm chiếm phi pháp một số đảo, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc, trong đó có đảo Thị Tứ. Chúng tôi yêu cầu Philippines rút toàn bộ phương tiện và nhân viên khỏi các đảo, đá ở Trường Sa của Trung Quốc đã chiếm phi pháp”.
Còn với Việt Nam, bà này vẫn nhắc lại luận điệu cũ. Trong vấn đề Biển Đông, khi cho rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng sa và Trường Sa của Việt Nam, và “nếu chúng tôi có làm gì ở quần đảo này thì đều thuộc phạm vi “chủ quyền” của Trung Quốc”.
Có vẻ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cuộc chiến thông tin và ngoại giao vẫn đang tăng cường độ. Liệu cuộc gặp của ông Dương Khiết Trì, dự kiến hôm nay tại Hà Nội sẽ giải quyết được điều gì?
Dân News

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.