Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014

“3 Góc Nhìn Về Khả Năng Chiến Tranh Việt-Trung

“3 Góc Nhìn Về Khả Năng Chiến Tranh Việt-Trung
Một: GS Carl Thayer Nói Rõ Hơn Về Kịch bản chiến tranh Việt-Trung
BBC 23/5/2014
Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng một cuộc xung đột vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ khác với cuộc chiến biên giới năm 1979.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 22/5, ông cho rằng cuộc chiến sẽ ‘kết thúc rất nhanh’, với nhiều bất lợi nghiêng về phía Việt Nam.
BBC: Theo ông thì căng thẳng hiện nay có leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang hay không, và nếu điều đó xảy ra, hai bên sẽ triển khai những lực lượng gì cho cuộc chiến?
Giáo sư Carl Thayer: Hiện nay chúng ta đang chứng kiến một cuộc đối đầu trên biển được cả hai phía tính toán rất kỹ.
Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn chặn tàu của Việt Nam tiếp cận giàn khoan, trong lúc Việt Nam tiếp tục duy trì sự hiện diện và tuyên truyền bằng nhiều ngôn ngữ để yêu cầu Trung Quốc rút lui.
Các chuyên gia mà tôi gặp gần đây cho rằng những cuộc đối đầu liên trên biển hiện nay có thể dẫn đến thiệt hại về nhân mạng hoặc khiến tàu của một bên nào đó bị chìm.
Một cuộc giao tranh theo tôi là khó xảy ra, nhưng nếu có, thì cuộc chiến đó sẽ không chỉ diễn ra trên một mặt trận như 1979.
“Khó có khả năng Nga sẽ đứng ra để tiếp tế vũ khí và phụ tùng cho Việt Nam vì không muốn gây hấn với Trung Quốc“
Năm 1979, Trung Quốc đã chủ trương không sử dụng không quân vì e ngại trước hệ thống phòng không rất mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, một cuộc giao tranh trong năm 2014 sẽ diễn ra trên nhiều mặt trận, với sự tham gia của không quân, hải quân, bộ binh cho đến tàu ngầm và sẽ kết thúc rất nhanh.
Hải quân Việt Nam chủ yếu tập trung ở Nha Trang và Đà Nẵng.
Trung Quốc có thể tấn công các cứ điểm này rất nhanh chóng bằng thủy lôi, bằng không quân hoặc tên lửa hành trình từ chiến hạm và tiêu diệt hoàn toàn các hạm đội cũng như các cơ sở hậu cần của Việt Nam.
Đây là một yếu tố rất quan trọng. Vì nếu bị hư hại, tàu của Việt Nam có thể lui về cảng, thế nhưng nếu mất cảng, các chiến hạm sẽ không thể được tiếp nhiên liệu và sẽ trở thành vô giá trị.
Bên cạnh đó, một cuộc chiến kéo dài cũng khiến Việt Nam phải đứng trước câu hỏi là lấy nguồn tiếp tế vũ khí ở đâu? Việt Nam hiện có bao nhiêu nước sẵn sàng cung cấp những khí tài hiện đại cho họ?
Khó có khả năng Nga sẽ đứng ra để tiếp tế vũ khí và phụ tùng cho Việt Nam vì không muốn gây hấn với Trung Quốc. Thậm chí nếu Nga muốn giúp thì cũng đã quá trễ.
Việc Trung Quốc tăng ngân sách quân sự khiến nhiều nước trong khu vực lo ngại
BBC: Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ phản ứng thế nào nếu một cuộc chiến xảy ra, thưa ông?
Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam đang sở hữu hệ thống tên lửa hành trình rất mạnh, có thể bắn đến tận đảo Hải Nam hoặc đảo Phú Lâm.
Nếu một cuộc giao tranh xảy ra, trên lý thuyết, các nước có thể lập một phòng tuyến nhằm cô lập đường hàng hải của Trung Quốc với mục tiêu ngăn Trung Quốc tiếp tục tấn công.
Trừ khi Trung Quốc muốn phải đối đầu với cả hải quân của Nhật và Hoa Kỳ, các đường cung cấp dầu khí trên biển của họ sẽ bị chặn. Và đây là điểm yếu mà các học giả Trung Quốc gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan ở Malacca”. Không chỉ riêng eo biển Malacca mà cả eo biển Hormuz cũng là một điểm yếu của Trung Quốc.
Tuy nhiên để duy trì một vùng cách ly như vậy sẽ rất khó khăn và cần đến sự tham gia của hải quân từ nhiều nước.
Nhật Bản cũng có thể sử dụng hải quân để khống chế không cho các hạm đội của Trung Quốc tiếp tục tấn công Việt Nam.
Tất nhiên, đây chỉ hoàn toàn là giả thiết vì đến nay hải quân Nhật Bản vẫn chỉ được sử dụng cho mục đích tự vệ. Tôi vẫn cho rằng Nhật Bản sẽ rất thận trọng trước các động thái gây hấn của Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng giàn khoan của Trung Quốc không phải để thăm dò dầu khí
BBC: Hiện Trung Quốc đang phải chi rất nhiều tiền để giữ cho giàn khoan hoạt động ở vị trí hiện nay, một số tin nói là hàng trăm nghìn đôla một ngày, có tin nói là cả triệu đôla một ngày. Nhưng Việt Nam nói những hoạt động thăm dò trước đây của họ cho thấy không có dầu ở đó. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga vừa ký với nhau một thỏa thuận khí đốt. Theo ông vì sao Trung Quốc lại chọn đặt giàn khoan ở vị trí hiện nay?
Giáo sư Carl Thayer: Trước hết thỏa thuận khí đốt Nga-Trung là vấn đề dài hạn. Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu ngày một nghiêm trọng.
Khi có mặt ở Hà Nội vào thời điểm tranh chấp xung quanh giàn khoan mới bắt đầu, tôi đã nói chuyện với một số nhà ngoại giao nước ngoài và họ nói rằng các đồng nghiệp của họ ở Bắc Kinh cho biết Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) ban đầu được yêu cầu tiến vào khu vực lô 142 – 143 và CNOOC đã từ chối với lý do quá tốn kém.
Tuy nhiên cuối cùng họ vẫn nhận được lệnh phải tiến vào đó và được cho biết nhiệm vụ thăm dò dầu khí không phải là vấn đề ưu tiên.
Trung Quốc đã dự phòng phương án tháo gỡ căng thẳng bằng cách tuyên bố sẽ chỉ đặt giàn khoan ở vị trí này từ ngày 2/5 đến ngày 15/8.
Tuy nhiên điều mà chúng ta chưa nghĩ đến là khi giàn khoan này thôi hoạt động và rời đi, Trung Quốc có thể đưa một giàn khác nhỏ hơn để thế chỗ dưới sự canh gác chặt chẽ.
“Có thể nói rằng hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông là để đánh dấu chủ quyền.“
Bên cạnh đó, thời điểm mà Trung Quốc tuyên bố sẽ rút lui giàn khoan vào tháng Tám có thể chỉ đơn thuần là do để tránh mùa bão thường xảy ra từ tháng Chín – Mười trong khu vực.
Trung Quốc rõ ràng là đang phải chi rất nhiều, không chỉ cho giàn khoan đắt tiền của họ, mà còn cho cả hơn một trăm tàu đang hoạt động quanh đó – quy mô chưa từng thấy từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Điều này cho thấy đây không chỉ đơn thuần là hoạt động thăm dò dầu khí.
Một nhà phân tích nói với tôi rằng dầu khí tập trung chủ yếu ở phía nam của Biển Đông. Tuy nhiên với nhu cầu hiện nay của Trung Quốc, những mỏ này sẽ cạn rất nhanh.
Trung Quốc đã phải trải qua bao nhiêu phiền phức như hiện nay, chỉ để khai thác những nguồn nhiên liệu rất có hạn như thế, rõ ràng không phải là một cách huy động vốn hiệu quả. Từ đó có thể thấy điều này là nhằm một mục đích khác.
Tôi nghĩ là chúng ta đã không thấy hết được tính nghiêm trọng của việc thành lập Thành phố Tam Sa và đồn trú quân ở đó, cũng như ban hành luật đánh bắt trên các vùng biển quanh đảo Hoàng Sa và Phú Lâm.
Trung Quốc đang muốn có một điểm tựa vững chắc ở phía bắc Biển Đông để từ đó tiếp tục tiến về phía nam. Trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ thấy Bắc Kinh thiết lập một vùng nhận dạng phòng không xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Hải Nam.
Có thể nói rằng hành động đưa giàn khoan vào Biển Đông là để đánh dấu chủ quyền.
Căng thẳng sẽ hạ nhiệt sau khi Việt Nam bồi thường cho Trung Quốc và gửi phái đoàn ngoại giao sang Bắc Kinh?
BBC:Trung Quốc nói sẽ chấm dứt hoạt động thăm dò dầu khí vào tháng Tám. Tuy nhiên ông có cho rằng Bắc Kinh sẽ thay đổi kế hoạch vì ngại Việt Nam sẽ nhân đó để tuyên bố chiến thắng trong tranh chấp lần này không?
Giáo sư Carl Thayer: Hiện chúng ta đang chứng kiến một sự đối đầu được tính toán rất kỹ lưỡng. Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền của mình và Việt Nam vẫn kiên quyết phản đối.
Từ khi tranh chấp xung quanh vấn đề giàn khoan xảy ra, Việt Nam đã đề nghị thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc và bị Bắc Kinh từ chối.
Phía Việt Nam cũng đã hai lần đề nghị Bắc Kinh cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, nhưng cũng bị từ chối.
Các cuộc bạo động nhằm vào Trung Quốc lại càng làm cho vấn đề thêm rắc rối.
Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sau khi Việt Nam đã giải quyết xong hậu quả của các cuộc bạo động, bồi thường cho Trung Quốc và giúp các doanh nghiệp Trung Quốc quay trở lại sản xuất, Bắc Kinh sẽ sớm đón tiếp các phái đoàn cấp cao của Việt Nam.
“Từ khi tranh chấp xung quanh vấn đề giàn khoan xảy ra, Việt Nam đã đề nghị thiết lập một đường dây nóng với Trung Quốc và bị Bắc Kinh từ chối“
Trong 4 năm qua, đã có hai phái đoàn đặc biệt như vậy được cử sang Trung Quốc để giải quyết xung đột trên Biển Đông và mỗi lần như vậy, căng thẳng đều được tháo ngòi.
Có thể là ngày 15/8 tới đây, Trung Quốc sẽ rút giàn khoan, tuyên bố là đã hoàn tất mục tiêu, trong khi Việt Nam tuyên bố đã giữ vững lập trường chống đối của mình.
Tuy nhiên câu hỏi ở đây là Trung Quốc có mang một giàn khoan nhỏ hơn tới để thay thế cho giàn khoan hiện nay hay không? Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện của mình, và Việt Nam sẽ khó thay đổi điều đó vì mỗi lần họ tìm cách tiếp cận, tàu của Trung Quốc sẽ quay trở lại.
Thế nhưng quan hệ giữa hai nước đã rất tốt và việc tìm một lối ra cho căng thẳng hiện nay sẽ phục vụ cho lợi ích của cả hai bên.
Trung Quốc đang muốn xây dựng đường nối miền nam nước này với các nước ASEAN, và tuyến đường đó sé đi xuyên qua Việt Nam. Đó là chưa kể những quan hệ hợp tác của hai nước trong nhiều lĩnh vực khác.
Trung Quốc cũng sẽ không muốn đẩy Việt Nam về phía Hoa Kỳ hoặc tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Philippines và ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc ở đó.
Liệu Việt Nam có thể lấy Philippines làm trung gian để thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ?
BBC: Ông nghĩ như thế nào về chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang Philippines vừa qua? Ông có nghĩ là Việt Nam đang muốn sử dụng các đồng minh của Hoa Kỳ làm trung gian để thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ hay không?
Giáo sư Carl Thayer: Đó là một câu hỏi thú vị. Trước chuyến thăm của ông Dũng thì quan hệ Việt Nam – Philippines vẫn đang tiến triển khá tốt. Tuy nhiên cả hai nước, đặc biệt là Philippines, đều là những nước yếu trong khu vực.
Cả hai đã lên kế hoạch cho hải quân diễn tập chung, nhưng kế hoạch này đã bị hủy bỏ trước sự phản đối của Trung Quốc.
Tuy nhiên bây giờ cả hai đang đối mặt với cuộc chơi hoàn toàn khác. Hành động của Trung Quốc hiện nay là chưa có tiền lệ và rất đáng lo ngại.
Việt Nam đã làm việc với ASEAN và việc tăng cường quan hệ với Philippines giữa lúc nước này đang thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ có thể sẽ giúp cả hai nước củng cố về an ninh.
Việt Nam có thể khuyến khích Hoa Kỳ tăng cường hiện diện và sử dụng Philippines làm trung gian với Hoa Kỳ nếu cảm thấy một mối quan hệ trực tiếp là quá khó.
“Hành động của Trung Quốc hiện nay là chưa có tiền lệ và rất đáng lo ngại“
Chính sách của Việt Nam có ba không, đó là không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không tham gia liên minh quân sự và không cùng với một nước chống lại nước thứ ba. Chính sách đó vẫn không thay đổi.
Vấn đề ở đây là không có tàu nào của Hoa Kỳ, dù mạnh đến đâu, có thể đẩy lùi giàn khoan của Trung Quốc và vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình, Việt Nam cần cùng với Philippines mở ra một mặt trận mới để Philippines có thể cùng Hoa Kỳ có hành động chống lại Trung Quốc.
Hiện cũng có tin nói rằng Việt Nam có thể áp dụng hành động pháp lý với Trung Quốc, theo như thông tin mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra, dù không rõ chi tiết. Điều này có thể sẽ củng cố cho lập trường pháp lý của Philippines hiện nay trong đơn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Nếu Trung Quốc thua kiện thì đường chín đoạn của họ sẽ bị tuyên là bất hợp pháp. Luật pháp quốc tế quy định phán quyết của tòa phải được thi hành ngay lập tức, không được kháng lại.
Trung Quốc có thể sẽ phản đối nhưng điều đó đồng nghĩa với việc họ bị cô lập vì đó là một quyết định của quốc tế.
Một quyết định như vậy cũng sẽ giúp các bên có yêu sách khẳng định chủ quyền của mình trên biển, ở những nơi mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, nhưng luật pháp quốc tế lại không xem như vậy.
Washington đã thỏa hiệp với Hà Nội về nhân quyền?
BBC: Lập trường của Washington là Hà Nội cần có một quan điểm chính trị cởi mở hơn và tôn trọng nhân quyền. Thế nhưng đối với Hoa Kỳ, căng thẳng hiện nay cũng là mối đe dọa đến ổn định trong khu vực và tự do hàng hải. Liệu Washington có chủ động thỏa hiệp hay không? Hay họ sẽ đợi sự thỏa hiệp từ Hà Nội?
Giáo sư Carl Thayer: Hoa Kỳ không chỉ là một, mà chúng ta có chính quyền Obama và Quốc hội. Và theo ý kiến của tôi, chính quyền Obama đã thỏa hiệp với Hà Nội rồi.
Chúng ta còn nhớ trước khi Chủ tịch Trương Tấn Sang sang thăm Hoa Kỳ, các chính trị gia cao cấp của Hoa Kỳ đã đề nghị Hà Nội phải có tiến triển về nhân quyền.
Bất chấp những lời kêu gọi này, Việt Nam lại thực hiện thêm nhiều vụ bắt giữ khác.
Ông Sang sau đó vẫn sang Hoa Kỳ và mang về hiệp định đối tác toàn diện.
“Tôi cho rằng cuối cùng thì những lợi ích mang tính chiến lược vẫn sẽ được đặt lên trên nhân quyền“
Các báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền, mặc dù nhận định rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn đang tiến triển một cách không đồng đều, nhưng cũng ghi nhận ngày càng có nhiều nhà thờ được phép hoạt động hơn.
Các nhà ngoại giao tôi gặp ở Hà Nội cũng cho rằng nhân quyền tại Việt Nam vẫn tiến triển và Hà Nội đang từng bước đáp ứng các chỉ tiêu do Hoa Kỳ đề ra.
Như vậy, chúng ta thấy là chính quyền Obama thì cho rằng Việt Nam đang đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ, trong khi Quốc hội lại dựa trên hàng loạt vụ bắt bớ các blogger và nhà bất đồng chính kiến gần đây để bác bỏ điều đó.
Tuy nhiên tôi cho rằng cuối cùng thì những lợi ích mang tính chiến lược vẫn sẽ được đặt lên trên nhân quyền.
Hành động của Trung Quốc, mặc dù ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, nhưng cũng đe dọa đến sự ổn định trong khu vực.
Điều này buộc Hoa Kỳ phải lựa chọn và tôi nghĩ rằng nhân quyền sẽ bị xem là phụ.
HAI: Nhận Định Về Kịch Bản Chiến Tranh Từ Trung Quốc
GNA: bài viết đăng trên nhiều blogs của TQ và VN. Đăng lại từ blog viet studies của GS Trần Hữu Dũng ngày 23/5/2014
“Tiến công Việt Nam theo kế hoạch A:
đánh một trận, thiên hạ sẽ ổn định”
Điều nghiên chiến lược
Từ trước đến nay Việt Nam và Đông Nam Á đều thuộc phạm vi thế lực truyền thống của Trung Quốc. Trong phần lớn thời gian của lịch sử, Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng hữu hảo. Nhưng từ sau thập kỷ 70 của thế kỷ trước, do thực lực của nước ta suy yếu nên đã dần dần mất đi quyền kiểm soát đối với khu vực này. Việt Nam nhân cơ hội này đã xâm chiếm lãnh thổ của nước ta, đưa tới hai nước thù địch, giao chiến với nhau.
Hiện nay, Việt Nam là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với an ninh lãnh thổ Trung Quốc, là trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhìn từ góc độ khác cho thấy Việt Nam cũng là đầu mối và trung tâm chiến lược của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Muốn kiểm soát lại Đông Nam Á cần chinh phục Việt Nam. Chinh phục Việt Nam là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất để Trung Quốc mở rộng về phía Nam.
Việt Nam là nước có thực lực quân sự mạnh nhất ở Đông Nam Á, lại có kinh nghiệm chiến tranh phong phú, đặc biệt là kinh nghiệm tác chiến với các nước lớn quân sự. Cho nên nhìn từ góc độ nào thì Việt Nam đều là “khúc xương khó nhằn”. Dựa theo câu nói của Mao Chủ tịch thì về chiến lược chúng ta cần coi thường địch, nhưng về chiến thuật phải coi trọng đối thủ. Cho nên hành động quân sự đối với Việt Nam cần phải có một kế hoạch tác chiến tỷ mỉ khoa học.
Địa hình Việt Nam rất đặc thù, ví von một cách thông tục thì Việt Nam giống như một con rắn nước kỳ quái nằm ở cực Đông của bán đảo Trung Nam. Hướng Bắc-Nam thì dài, hướng Đông – Tây thì hẹp. Chiều dài Bắc-Nam khoảng 1600km, chỗ hẹp nhất hướng Đông-Tây chỉ có 50km. Địa thế Việt Nam phía Tây cao, phía Đông thấp, địa hình ba phần tư là núi và cao nguyên.
Phía Bắc Việt Nam nhiều dãy núi liên tiếp nhau bị ngăn cách bởi những khe núi vực sâu, cao 300-1500m so với mặt nước biển. Phía Nam là cao nguyên và đồi núi, cao 500-1500m so với mặt nước biển. Trên núi sông suối nước chảy xiết, mùa mưa nước lũ tràn lan, rừng rậm nhiệt đới bao phủ 40% diện tích toàn lãnh thổ. Cho nên phần lớn các khu vực ở Việt Nam không thích hợp với tác chiến cơ động với quy mô lớn.
Theo bài học thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và kinh nghiệm thành công của chúng ta trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ, việc sử dụng lực lượng sơn cước và máy bay trực thăng vũ trang là biện pháp tốt nhất tiến hành chiến tranh sơn địa và chiến tranh rừng núi. Chỉ cần đột phá được tuyến phòng ngự ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, một khi tiến vào đồng bằng sông Hồng thì lực lượng thiết giáp sẽ lại phát huy uy lực lớn.
Còn việc đưa lực lượng thiết giáp theo cách tiến công cũ như trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ đã chứng minh không thành công. Như vậy chỉ có thể mở một chiến trường mới, tập kết nhanh chóng và hiệu quả với quy mô lớn lực lượng thiết giáp. Việc thực hiện đòn đột kích mang tính hủy diệt đối với khu vực trung tâm của địch là điều then chốt để giành chiến thắng trên mặt đất.
Làm thế nào chế phục được Việt Nam “con rắn kỳ quái này?” Điều chủ yếu quyết định bởi việc làm thế nào nhanh chóng chặt đứt đầu rắn. Tục ngữ Trung Quốc có câu “đánh rắn đánh phải đánh vào đốt thứ 7, vị trí đốt thứ 7 là chỗ hiểm của rắn”.
Chúng ta chú ý thấy rằng khu vực ven biển miền Trung Việt Nam có một địa phương gọi là Thanh Hoá. Khu vực này là mũi cực Nam của đồng bằng sông Hồng, là cửa đi ra biển của sông Mã. Từ Thanh Hoá hướng về phía Nam và Đông Tây, địa hình đột nhiên thu hẹp lại giống như cổ con rắn, chia cắt Việt Nam thành 2 phần Nam-Bắc hoàn toàn khác nhau.
Toàn bộ tuyến đường sắt và đường bộ huyết mạch chủ yếu nối liền hai miền Bắc – Nam đều đi qua Thanh Hoá — mảnh đất nhỏ hẹp này. Vị trí địa lý của Thanh Hoá rất giống tuyến đường độc đạo chiến lược Cẩm Châu của nước ta. Cho nên, Thanh Hoá chính là yết hầu khống chế đầu rắn phía Bắc của Việt Nam. Bóp nghẹt yết hầu này, cũng có nghĩa là bóp nghẹt đốt thứ 7 của con rắn.
Thanh Hoá có địa thế thấp, đồng thời cũng là bình nguyên rộng bằng phẳng, rất thích hợp với việc tiến hành đổ bộ với quy mô lớn. Nếu vận dụng phương pháp đổ bộ, thì có thể nhanh chóng đưa nhiều lực lượng thiết giáp vào chiến trường. Như vậy xe tăng một khi đổ bộ lên bờ sẽ tránh gặp phải địa hình núi non, tận dụng ưu thế địa hình đồng bằng, nhanh chóng tiến về Hà Nội. Nếu việc tác chiến đổ bộ ở Thanh Hoá diễn ra thuận lợi, sẽ khiến cục diện toàn bộ chiến trường nẩy sinh thay đổi cơ bản, khiến việc quân ta nhanh chóng giải quyết vấn đề Việt Nam có thể trở thành khả năng. Điều kiện đổ bộ thuận lợi như vậy, vì sao quân Mỹ trước đây không lợi dụng. Điều này chủ yếu là do trong thời gian chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã cảnh cáo Mỹ cấm vượt qua vĩ tuyến 17. Mỹ luôn nhớ đến thất bại trong chiến tranh Triều Tiên, cho nên lời cảnh cáo của Trung Quốc đã có tác dụng răn đe nhất định. Còn Thanh Hoá nằm ở gần vĩ tuyến 20. Đến ngay vĩ tuyến 17 quân Mỹ không dám vượt qua, thì việc đổ bộ lên Thanh Hoá càng không dám nghĩ đến.
Tổng hợp những xem xét trên, chế định ra kế hoạch tác chiến tiến công Việt Nam dưới đây:
1- Bố trí binh lực:
Việc tác chiến với Việt Nam quyết định đột kích theo 3 hướng, chiến pháp là “hướng tâm hợp vây” và thực hiện phương châm chiến lược Bắc trước Nam sau. Dựa vào phương châm chiến lược này chia lực lượng tiến công thành 3 tập đoàn chiến dịch Bắc, Đông và Nam.
Hướng Vân Nam: lấy tập đoàn quân 14 thuộc lục quân làm chủ lực đảm nhận nhiệm vụ tiến công của tập đoàn Bắc. Đồng thời để thích ứng với nhu cầu trong giai đoạn đầu khai chiến tiến hành tác chiến ở vùng núi, sẽ rút 1 lữ đoàn sơn cước và 1 đại đội vận tải đường không của tập đoàn quân 13 tăng cường cho tập đoàn quân 14. Hướng Vân Nam tổng cộng có khoảng 60 nghìn quân.
Hướng Quảng Tây: lấy tập đoàn quân 42 làm chính, đảm nhận nhiệm vụ tiến công của tập đoàn Đông; rút 1 lữ đoàn thiết giáp và 1 trung đoàn vận tải đường không của tập đoàn quân 41 tăng cường cho tập đoàn quân 42. Sư đoàn không quân số 2 thuộc lực lượng không quân phụ trách chi viện trên không cho tập đoàn Đông. Hướng Quảng Tây tổng cộng có 100 nghìn quân.
Hướng đổ bộ từ biển của tập đoàn Nam, tập đoàn quân số 1 của lục quân và 2 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến đảm nhận nhiệm vụ tiến công chủ yếu. Sư đoàn cơ giới 127 thuộc tập đoàn quân 54 của lục quân là lực lượng thê đội 2, đảm nhận là mũi đột kích bằng xe tăng chủ yếu tiến công Hà Nội. Đồng thời chủ lực hạm đội Nam Hải và lực lượng không quân thuộc hải quân phụ trách chuyên chở quân đổ bộ và chi viện yểm trợ trên không ở khu vực tác chiến này. Sư đoàn không quân số 9 thuộc lực lượng không quân thì phụ trách kiểm soát không phận khu vực miền Trung Việt Nam. Tập đoàn Nam tổng cộng khoảng 150 nghìn quân, trong đó lực lượng đổ bộ khoảng 100 nghìn quân.
Tập đoàn quân 24 và quân đoàn lính dù số 15 thuộc quân khu Tế Nam là lực lượng dự bị.
Cho đến nay, tổng số binh lực tham chiến của quân ta khoảng 520 nghìn quân (không tính lực lượng tên lửa và không quân chiến lược), tác chiến tại tuyến 1 có 310 nghìn quân. Dự tính đưa 1200 xe tăng, 3000 xe thiết giáp, 3200 máy bay chiến đấu các loại vào tham gia tác chiến.
2 – Thực hiện tác chiến:
Dự kiến thời gian tác chiến là 31 ngày:
a – Giai đoạn tiến công chiến lược:
* Ngày đầu tiên của chiến tranh: lực lượng tên lửa của ta bắt đầu tiến hành tiến công đợt 1 bằng tên lửa đối với 300 mục tiêu chính trị quân sự quan trọng trên toàn bộ lãnh thổ của địch. Sẽ phóng vào lãnh thổ địch 500 tên lửa chiến thuật tầm ngắn, 100 tên lửa chiến thuật hành trình, hải quân sẽ phóng 200 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền và 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên biển. Lực lượng kỹ thuật điện từ tiến hành gây nhiễu điện từ mạnh đối với trung tâm chỉ huy, hệ thống thông tin và rađa của địch. Máy bay oanh tạc chiến lược tiến hành oanh tạc chiến lược có trọng điểm đối với các nhà máy phát điện và cơ sở công nghiệp cỡ lớn của địch.
* Ngày thứ hai: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1000 lượt máy bay tiến hành tiến công hoả lực chính xác đợt 2 đối với các mục tiêu quân sự quan trọng của địch và tiến hành đánh giá hiệu quả của cuộc tiến công bằng tên lửa đợt 1. Lực lượng tên lửa tiếp tục phóng 300 tên lửa chiến thuật về phía địch.
* Ngày thứ ba: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1500 lượt máy bay tiến hành không tập với quy mô lớn hơn các mục tiêu quân sự quan trọng của địch. Tiêu diệt triệt để lực lượng không quân và hải quân còn lại của quân đội Việt Nam. Hải quân tiếp tục phóng 100 tên lửa hành trình từ căn cứ trên đất liền, tiến hành phá huỷ các điểm đã xác định.
b – Giai đoạn tiến công chiến thuật:
* Ngày thứ tư: lực lượng không quân và lực lượng không quân thuộc hải quân xuất kích 1000 lượt máy bay tiến hành tiến công hoả lực lần thứ 3 đối với các mục tiêu quân sự chủ yếu của địch. Đồng thời các tập đoàn quân tiến công sử dụng Katusha tầm xa và pháo cỡ lớn tiến hành đột kích đối với các mục tiêu quan trọng của địch. Hạm đội Nam Hải hoàn thành nhiệm vụ phong toả toàn bộ khu vực biển vịnh Bắc Bộ và tuyến đường phía cực Nam của Nam Hải (biển Đông). Hạm đội Đông Hải thực hiện cảnh giới vòng ngoài, thực hiện vu hồi từ xa.
* Ngày thứ năm: lực lượng không quân và lực lượng không quân của hải quân xuất kích 500 lượt máy bay tiến hành oach tạc chính xác có trọng điểm đối với các mục tiêu quân sự quan trọng của địch. Đập tan khả năng phản kích của địch. Máy bay trực thăng tiến công của lục quân phối hợp với pháo binh mặt đất tiến hành đột kích các mục tiêu nằm sâu trong chiến tuyến của địch. Đồng thời các lực lượng tham gia tiến công tiến vào vị trí tập kết, 10 tàu đổ bộ cỡ lớn và 100 tàu đổ bộ cỡ vừa chuyên chở quân đổ bộ xuất phát từ các quân cảng. Lực lượng không quân của hải quân và lực lượng tàu ngầm chịu trách nhiệm bảo vệ việc đổ bộ cũng như không phận có liên quan.
c – Giai đoạn tác chiến trên mặt đất:
* Sáng sớm ngày thứ sáu: các lực lượng tiến công tiến hành chuẩn bị hoả lực trong 1 tiếng đồng hồ cuối cùng, sau đó từ 3 hướng Bắc, Đông và Nam nhanh chóng tiến vào bên trong lãnh thổ Việt Nam. Hướng tiến công của tập đoàn Bắc và tập đoàn Đông vẫn đi theo hướng mà trong cuộc chiến tranh phản kích tự vệ năm 1979 đã vận dụng. 2 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến thuộc thê đội đổ bộ thứ nhất của tập đoàn Nam lần lượt mở hướng đổ bộ ở hai khu vực Tịnh Gia và Lặc Trường, sau đó hoà nhập vào nhau.
* Ngày thứ bảy và thứ tám: lực lượng đổ bộ củng cố trận địa trên các bãi đổ bộ. Chủ lực của tập đoàn quân số 1 tiếp tục đổ bộ lên bờ mở rộng khu vực đổ bộ. Đồng thời sử dụng binh lực của 1 trung đoàn nhanh chóng tiến về phía Nam, dựa vào địa hình có lợi, ngăn cản quân đội Việt Nam tiến về chi viện cho phía Bắc.
* Ngày thứ chín và thứ mười: chủ lực tập đoàn quân số 1 công chiếm Thanh Hoá, cắt đứt sự liên hệ giữa chủ lực quân Việt Nam ở phía Bắc với các lực lượng ở phía Nam, hoàn thành việc bao vây chiến lược đối với Hà Nội. Đồng thời sử dụng binh lực của 1 sư đoàn công chiếm Nghĩa Đàn và dựa vào địa hình và tuyến ven biển thực hiện phòng ngự đối với hướng Nam, ngăn cản quân đội Việt Nam chi viện cho phía Bắc.
* Ngày thứ mười một: tập đoàn Bắc và tập đoàn Đông lần lượt tiến công đột phá Yên Bái và Lạng Sơn, hình thành thế tiến công gọng kìm đối với Hà Nội. Sư đoàn cơ giới 127 của tập đoàn quân 54 của lục quân hoàn thành việc đổ bộ.
* Ngày thứ mười hai và mười ba: sư đoàn 127 tiến về Hà Nội, nhanh chóng công chiếm Ninh Bình. Như vậy 3 tập đoàn đột kích chiến dịch Bắc, Đông và Nam của ta sẽ lần lượt tiến vào khu vực dự định, hoàn thành việc bao vây Hà Nội.
* Ngày thứ mười bốn và mười lăm: các đơn vị đóng nguyên vị trí đợi lệnh, nghỉ ngơi chỉnh đốn đội ngũ, củng cố các khu vực đã chiếm. Lực lượng không quân và pháo tầm xa của ta tiến hành chuẩn bị tiến công hoả lực trước khi tổng tiến công. Đồng thời tập đoàn quân 24 tiếp tục đưa vào chiến trường Việt Nam .
* Ngày thứ mười sáu: bắt đầu tổng tiến công Hà Nội, dự kiến trong 3 ngày hoàn thành việc công chiếm Hà Nội.
* Ngày thứ mười chín, hai mươi: các lực lượng nghỉ ngơi 2 ngày.
* Ngày thứ hai mốt: chủ lực của tập đoàn quân 24 và tập đoàn quân số 1 bắt đầu tác chiến tiến đánh miền Nam Việt Nam
* Đến ngày thứ ba mươi mốt: công chiếm toàn bộ Việt Nam.
Mấy điểm thuyết minh về kế hoạch tác chiến này:
Thứ nhất, vì sao chỉ tiến hành 5 ngày không tập đã đưa lực lượng mặt đất vào?
Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, trong tình hình có nhiều vũ khí chính xác và ưu thế hải quân tuyệt đối, nhưng Mỹ vẫn tiến hành chuẩn bị không tập kéo dài 1 tháng, sau đó mới đưa lực lượng mặt đất vào. Chúng ta sở dĩ nhanh chóng đưa lực lượng mặt đất vào, chủ yếu là do giữa Việt Nam và Irắc có sự khác biệt nhau.
Trước hết tính chất phức tạp của môi trường địa lý Việt Nam đã quyết định hiệu quả cao nhất của không tập chỉ trong giai đoạn bắt đầu chiến tranh, lợi dụng tính bất ngờ, gây sát thương lớn cho phía địch. Sau đó quân địch sẽ nhanh chóng điều chỉnh bố trí binh lực, lợi dụng địa hình nhiều núi và rừng tiến hành ẩn nấp có hiệu quả. Mà Việt Nam cả năm có độ ẩm rất cao, mây mù bao trùm, khiến việc trinh sát trên không của chúng ta rất khó khăn.
Cho nên nếu không dựa vào sự phối hợp chính xác của lực lượng mặt đất, hiệu qủa cuộc việc tiếp tục không tập sẽ không cao. Ngoài ra, Việt Nam không có lực lượng thiết giáp với quy mô lớn, chủ yếu lấy lực lượng bộ binh nhẹ và lực lượng sơn cước làm chính. Những lực lượng này khiến quân đội Việt Nam dễ phân tán và lẩn tránh. Như vậy chỉ có thể dựa vào lực lượng lục quân để tiến công theo địa điểm chỉ định.
Còn một điểm nữa là Mỹ luôn nhòm ngó vào Việt Nam. Chỉ cần chúng ta tiến hành chiến tranh với Việt Nam, Mỹ nhất định sẽ tìm cách ngăn cản. Chỉ cần nhanh chóng đưa lực lượng mặt đất vào, biến Việt Nam thành một chiến trường thực sự, hình thành cục diện hỗn chiến, thì mới có thể triệt để ngăn chặn Mỹ thọc tay vào.
Thứ hai, kế hoạch tác chiến này thực hiện 3 hướng đột kích, theo chiến pháp “hướng tâm hợp vây”
Trong đó tập đoàn đổ bộ hướng Nam là hướng chủ công và trọng điểm tiến công của quân đội ta. Vì vậy lực lượng thiết giáp mạnh nhất và tinh nhuệ nhất cần được tập trung sử dụng tại hướng này. Tập đoàn đột kích hướng Đông là hướng tiến công bổ trợ. Tập đoàn Bắc hướng thực hiện kiềm chế chiến lược.
Thứ ba, do cuộc chiến tranh đối với Việt Nam là cuộc chiến tranh chính quy lấy địa hình rừng núi làm chính, cho nên các cuộc tiến công của máy bay trực thăng sẽ phát huy tác dụng tương đối quan trọng.
Lực lượng không quân thuộc lục quân của quân đội ta hiện nay còn thiếu nghiêm trọng. Để thích ứng với nhu cầu tác chiến với Việt Nam trong tương lai, các quân đoàn cần tăng cường xây dựng lực lượng không quân, nên trên cơ sở các trung đoàn không quân thuộc các tập đoàn quân hiện nay, mở rộng biên chế thành các lữ đoàn. Nâng cao mạnh mẽ khả năng tiến công phòng thủ lập thể và khả năng điều hành trên chiến trường.
14-9-2008
BA: Chiến tranh Việt – Trung, có hay không?
Tác giả: VietTuSaiGon RFA Thursday, 05/22/2014
Hiện tại, nhắc đến đề tài chiến tranh là điều hoàn toàn không nên, bởi tai ương này đã đến quá gần và có thể nổ ra bất kì giờ phút nào trên dải đất hình chữ S này. Nhưng nếu không nhắc đến nó cũng không được, vì đó là một thực tế mà mỗi người cần phải chuẩn bị và chọn cho mình một tâm thế cũng như một sự chuẩn bị khả thể nhất cho mạng sống và tính mạng cộng đồng, quốc dân.
Khi tôi viết những dòng này, không phải dựa trên dữ liệu những bức ảnh về quân đội và vũ khí của Trung Quốc đang dịch chuyển dần về biên giới Đồng Đăng, cũng không dựa trên chuyện giàn khoan HD 981, vì những chuyện đó đã là bài ngửa, không cần đoán hay phân tích nữa. Vấn đề tôi muốn nói đến ở đây là phe trục và bí mật khí tài.
Cũng xin nhắc lại một vấn đề trong chiến tranh mà đúng hơn đó là một bài học xương máu; Trung Quốc có địa hình hiểm trở không kém gì Việt Nam, điều này nói lên rằng trong chiến lược và địa hình, quân Tàu Cộng không phải là loại quân không biết đánh du kích hoặc lơ ngơ với chiến trận núi non, rừng già. Bộ đội Việt Nam sẽ rất khó khăn để đối phó với lực lượng chuyên đánh trận theo địa hình này của Trung Cộng, bằng chứng là năm 1979, họ đã tiến sang các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng và chốt ở đó khá lâu.
Về chiến trận trên biển, yếu tố chiến thuật và kĩ thuật khí tài lại đặt lên hàng đầu, khác xa với chiến trận rừng núi. Trận Gạc Ma 1988 và giàn khoan HD 981 đang diễn ra ít nhiều cũng chứng minh được vấn đề kĩ thuật khí tài vô cùng quan trọng. Nó quyết định thành hay bại, sinh hay tử, giữ được nước hay mất nước.
Ở trận Gạc Ma 1988, kẻ cướp đã mang súng vào tận nhà, dí súng vào đầu, không thể bảo chúng ta giữ hòa hiếu, tôn trọng luật pháp quốc tế nên không nổ súng nhưng vẫn bảo vệ được chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, lập luận như vậy là láo toét. Chúng ta đã mất 64 chiến sĩ, mất 64 cơ số vũ khí và mất đứt bãi đá ngầm Gạc Ma mà hậu quả của nó thì đến bây giờ, nó trở thành một điểm mới để phóng hải đồ và là quân cảng của Trung Cộng trong một ngày gần đây. Rõ ràng trận Gạc Ma 1988 Việt Nam đã thua đau đớn và uổng phí một sự hy sinh xương máu của 64 người con nước Việt bởi không có tầm nhìn quân sự, chiến lược và không lượng được sức, hay nói khác là không đủ khí tài và chiến thuật, thua!
Hiện tại, vụ giàn khoan HD 981, chưa bàn gì về chuyện luật pháp quốc tế hoặc chiến lược quốc gia. Vì muốn bàn về một tòa án quốc tế, phiên tòa quốc tế, cần phải nhớ là ít nhất Việt Nam cũng không ở thế lép vế về mặt quân sự. Chính yếu tố này sẽ thúc đẩy sự công tâm ở phiên tòa quốc tế. Bởi vì xét cho cùng, nếu tương quan lực lượng của Việt Nam và Trung Quốc là 50/50, thế giới, giới quan sát mới lo sợ một cuộc chiến tranh khu vực nổ ra. Ngược lại, nếu tương quan lực lượng quá so le, chuyện một phiên tòa hình thức (thậm chí) để hợp thức hóa tài sản của kẻ cướp và an ủi kẻ thua trận là chuyện rất có thể. Vì nếu xử ra, công bố Trung Quốc sai, nhưng Trung Quốc vẫn khư khư dùng quân sự và thậm chí lăm le chuyển quân sang Việt Nam, nguy cơ chiến tranh khu vực xãy ra thì xử làm gì nữa!
Và tất cả mọi biểu hiện cũng như khả năng phản ứng của Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại chỉ cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam đang đứng ở vế dưới, đang ngày càng lún sâu vào thế đuối, hết đường gở. So về tương quan lực lượng (dù không đánh), lẽ ra nước bị cướp phải đưa ra lực lượng hùng hậu để thị uy và tạo thế áp đảo trong thương thảo, đối thoại. Đằng này, Việt Nam không những không thị uy được mà còn tỏ rõ sự yếu nhược của mình trước kẻ xâm lăng. Tôi tin là nếu Philipines hay bất kì nước nào có quyền lợi trên biển Đông nếu bị Trung Quốc xâm lăng, họ sẽ không yếu đuối và chịu nhục như Việt Nam, ít nhất họ cũng cho thấy được sức mạnh của họ. Vì sao lại có chuyện như thế?
Vì Việt Nam có 3 yếu tố chi phối mà chắc chắn là ba yếu tố này tồn tại thì Trung Quốc sẽ dễ dàng lấy từng phần lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam: Phụ thuộc và nợ nần Trung Cộng; Tham nhũng tàn bạo; Giới cầm quyền quá yếu kém và vẫn chưa thoát khỏi tình trạng dốt nát từ trung ương xuống địa phương.
Vấn đề phục thuộc và nợ nần Trung Cộng sẽ khiến cho nhà cầm quyền Việt Cộng lo sợ một cuộc “bạch hóa” từ phía Trung Cộng và luôn cúi luồn Trung cộng cho qua chuyện. Vấn đề tham nhũng đã đưa đất nước đến chỗ nghèo nàn, tiền mua khí tài và đầu tư nuôi quân, chuyên nghiệp hóa quân đội bị nuốt chừng vào túi quan tham, hệ quả là như đang thấy, khí tài Việt Nam quá lạc hậu so với Trung Quốc. Đừng nói chi đến hai chiếc tàu ngầm hạng kilo vừa mua của Nga, cả hai chục chiếc như thế cũng chưa chắc địch nổi với cả một binh chủng tàu ngầm khủng của Trung Cộng! Và tình trạng dốt từ Trung ương xuống địa phương đã không cho ra được những giải pháp khả dĩ để đánh kẻ xâm lược mà vô hình trung, sự cộng hưởng cái dốt đã đẩy bộ máy trung ương tập quyền vào cảm giác hoang mang, sợ hãi và tư thủ, chưa thấy giặc đã lo ôm tài sản cất giấu và bỏ chạy.
Vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời phòng vấn khá hay, khá quyết liệt, trong đó có một ý nói lên tất cả: “Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào để chống lại một quốc gia khác. Đây là chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Chúng tôi đã công khai điều này rất nhiều lần với thế giới!”.
Thử hỏi: Vũ khí của Việt Nam có bao nhiêu phần trăm mua của Nga? Chắc chắc là không dưới 80%. Trong khi đó, Nga chọn đứng về phía Trung Quốc, như vậy, bí mật khí tài của Việt Nam còn ra trò trống gì nữa đối với Trung Quốc? Và một khi Việt Nam không tham gia liên minh quân sự, cũng đồng nghĩa với không bao giờ có chuyện mời Mỹ hay Nhật hay bất kì nước nào cố vấn hoặc hỗ trợ quân sự, như vậy, với vũ khí hiện tại, đánh được mấy ngày với Trung Quốc?
Và một khi kĩ thuật khí tài quá thua kém, liên minh quân sự không có, nếu đánh nhau, chỉ dựa hoàn toàn vào yếu tố con người, liệu sự gan dạ, dũng cảm và quyết tâm hy sinh cho tổ quốc của các chiến sĩ Việt Nam có ý nghĩa gì trước các khối sắt, thép biết nói chuyện của kẻ thù? Và có bao nhiêu nhân mạng con em Việt Nam mang ra để nướng trên chiến cuộc này?
Đến đây, chắc có lờ mờ cũng nhìn thấy được bức thông điệp của ông thủ tướng Dũng là gì rồi! Đừng vội mừng! Mà cần suy nghĩ nhiều hơn về cuộc cờ đầy tiền, máu và nước mắt đang sắp đến hồi cao trào này! Và đến đây, xin trả lời câu hỏi bên trên: chắc chắn có chiến tranh Việt – Trung. Và thắng thua cũng đã xếp đặt cả rồi, kẻ thắng làm gì, người thua về đâu, nghe ra cũng đã có bài bản cả rồi!”
Hết trích
P/S. Xin phép không bình luận gì nhưng cũng xin được nói rõ. Nếu điều xấu nhất đó xảy ra, dù là một phụ nữ tôi cũng sẵn sàng. Có lẽ vì quê tôi là “hàng xóm” gần nhất, cách nhau chỉ một “bờ rào bờ giậu”, quê ngoại của Hai Bà Trưng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.