Bóng ma Lục Tứ (Kỳ 1)
Cách đây một phần tư thế kỷ, chính quyền Trung Cộng dùng xe tăng và súng máy đàn áp dã man cuộc biểu tình ôn hòa đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn. Sự kiện đẫm máu đó là một vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc cận đại, được ghi lại trong sử sách là biến cố Lục Tứ (diễn ra vào ngày 4 tháng 6 năm 1989). Trong bài viết sau đây đăng trên trang China File ngày 20/4/2014, Perry Link, giáo sư danh dự về Nghiên cứu Đông Á của Đại học Princeton, phân tích chính sách “cho phép làm giàu nhưng cấm tự do tư tưởng” của Đặng Tiểu Bình sau vụ thảm sát này và tác động của nó đối với xã hội Trung Quốc ngày nay. Bài viết này phỏng theo lời tựa của Perry Link viết cho cuốn sách mới xuất bản “Những người lưu vong Thiên An Môn: Những tiếng nói của cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Trung Quốc” (Tiananmen Exiles: Voices of the Struggle for Democracy in China) của Rowena He [Hà Tiểu Thanh]. Một phiên bản khác ngắn hơn của bài này đăng trên NYRblog ngày31/3/2014 với nhan đề China After Tiananmen: Money, Yes; Ideas, No (Trung Quốc sau Thiên An Môn: tiền thì được, tư tưởng thì cấm).
Bóng ma Lục Tứ
Perry Link
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Nếu hôm qua là một ngày tiêu biểu, khoảng 1.400 trẻ em ở Châu Phi chết vì sốt rét. Căn bệnh này có thể phòng ngừa, có thể chữa trị được, và những nạn nhân trẻ thiệt mạng mà chẳng phải do lỗi của chính mình. Tại sao nhân loại xem một sự thật như vậy chỉ là một sự kiện thường nhật không đáng để ý, trong khi một vụ sát nhân có thể được chạy tít đình đám trên báo chí, là một câu hỏi gây khó xử. Và nó cũng đưa ra những câu hỏi tương tự: Ví dụ, tại sao Rowena He [Hà Tiểu Thanh] và những người được cô phỏng vấn trong cuốn sách mới của cô “Những người lưu vong Thiên An Môn: Những tiếng nói của cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Trung Quốc” (Tiananmen Exiles: Voices of the Struggle for Democracy in China) nên lo nghĩ quá nhiều về một cuộc thảm sát đã xảy ra ở Bắc Kinh hai mươi lăm năm trước? Không ai biết chính xác bao nhiêu sinh mạng của những người đấu tranh dân chủ bị xe tăng và súng máy dập tắt vào cái đêm ngày 3 rạng ngày 4 tháng 6 năm 1989 định mệnh, nhưng con số gần như chắc chắn thấp hơn nhiều so với số ca chết vì sốt rét của ngày hôm qua.
Bóng ma của “cuộc thảm sát Lục Tứ” (ngày 4 tháng 6) trường tồn đáng nể. Nó không chỉ ám ảnh ký ức của những người chứng kiến các sự kiện đó và ký ức của bạn bè và thân nhân của các nạn nhân, mà còn lưu lại trong tâm trí của những người đã từng, và vẫn còn, đứng về phía nhà nước Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình, người đã gật đầu phát lệnh cho cuộc tấn công cuối cùng, đã qua đời, nhưng những người hiện nay ở trong hoặc thông đồng với cái chế độ chính trị chịu trách nhiệm về vụ tàn sát đó vẫn còn nhận thức rõ rệt về điều đó. Họ ít khi diễn đạt cái nhận thức đó bằng ngôn từ; thực ra, chính sách của họ đối với ký ức về thảm sát là trấn áp. Chính những hành động của họ cho thấy ký ức đó vẫn còn hằn sâu trong đầu họ. Họ cử viên chức mặc thường phục theo dõi và kiểm soát những người có lịch sử phát biểu công khai về vụ thảm sát đó. Họ tuyển dụng hàng trăm ngàn công an mạng mà một trong những nhiệm vụ của lực lượng này là xóa bỏ khỏi các trang mạng và email bất cứ điều gì nhắc tới vụ thảm sát này. Mỗi năm, vào “ngày nhạy cảm” 4 tháng 6, họ cử hàng chục công an, mặc sắc phục lẫn thường phục, để canh gác khu vực ngoại vi của Quảng trường Thiên An Môn (địa điểm của những cuộc biểu tình đã châm ngòi cho cuộc thảm sát) để ngăn cản không cho “những kẻ gây rối” tưởng nhớ bất cứ ai. Luận điệu chính thức của là nhân dân Trung Quốc từ lâu đã rút ra được “kết luận lịch sử đúng” của mình về “cuộc bạo động phản cách mạng”. Sự vụng về của giọng điệu như vậy là dấu hiệu cho thấy rõ nó giả tạo đến đâu, nhưng chính những hành động của họ là bằng chứng rõ hơn cho thấy nhà cầm quyền biết lời lẽ của họ rỗng tuếch. Nếu thật sự tin rằng “nhân dân Trung Quốc” ủng hộ các vụ tàn sát đó, họ đã thả cửa Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 hàng năm và chứng kiến quần chúng kéo đến tràn ngập để lên án bọn phản cách mạng. Đằng này họ làm ngược lại, và đó là bằng chứng hùng hồn về điều họ thật sự biết.
Tóm lại, có một số lý do rất rõ giải thích tại sao một thảm sát cách đây hai mươi năm có ý nghĩa quan trọng, cho dù số người bị giết ít hơn trong những thảm họa khác. Những vụ thảm sát này liên quan tới định mệnh của một quốc gia. Chúng là một bước ngoặt quan trọng cho một xã hội có hơn một tỉ người.
Từ “Hồ sơ Thiên An Môn” (The Tiananmen Papers) – cuốn sách tập hợp các hồ sơ chính phủ về các sự kiện dẫn tới vụ đàn áp Lục Tứ – chúng ta biết rằng vào mùa xuân năm 1989 những người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cảm thấy rằng họ đang đối mặt với một mối đe dọa sống còn. Những cuộc biểu tình lớn trên đường phố không chỉ ở Bắc Kinh mà còn ở gần như mọi thành phố là thủ phủ của các tỉnh trên khắp Trung Quốc đã khiến Vương Chấn, Lý Bằng, và những nhân vật khác trong giới cầm quyền kết luận rằng sự tồn vong của chế độ đang lâm nguy.
Những người phương Tây biện hộ cho chế độ đó đôi khi dùng các từ “tấn bi kịch” hoặc “sai lầm” khi bàn về vụ thảm sát đó, nhưng các từ đó phản ánh một ngộ nhận. Việc sử dụng vũ lực gây chết người không phải là chuyện tình cờ. Đó là một lựa chọn, kết quả của sự tính toán, và hơn nữa, theo quan điểm của chế độ – hiện nay cũng như lúc đó – là lựa chọn đúng. Lẽ ra chính quyền có thể đã giải tán được đám đông ở Quảng trường Thiên An Môn bằng hơi cay, vòi rồng, hay dùi cui gỗ. (Dùi cui là công cụ được chọn khi Quảng trường này được giải tán cho một cuộc biểu tình lớn khác, khi người dân phản đối chủ nghĩa Mao cực đoan vào ngày 5 tháng 4 năm 1976. Dùi cui có công hiệu trong trường hợp đó, và nếu có thiệt mạng cũng chẳng là bao.)
Lý do chế độ đó đã chọn xe tăng và súng máy vào năm 1989 là việc phô trương vũ lực mang tính uy hiếp có thể bộc lộ sức mạnh vượt ra hẳn thời gian và không gian diễn ra cuộc đàn áp ngay lúc đó. Người biểu tình đòi dân chủ ở ba mươi thành phố tỉnh lỵ trên toàn quốc có thể khiếp sợ mà rút lui. Điều này đã có tác dụng. Người dân Trung Quốc có thể đã được cảnh báo trong nhiều năm về sau là hãy biết co mình trong khuôn phép của chính quyền, bằng không thì liệu hồn! Và điều này cũng có tác dụng. Mục tiêu căn bản là bảo tồn và kéo dài sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và mục tiêu này đã đạt được.
Tuy nhiên, thủ đoạn này quả thực đã khiến chế độ tổn thất nặng nề về uy tín với dân chúng. Điểm này cần được minh họa rõ trong bối cảnh cụ thể. Vào đầu thập niên 1950, đại đa số người dân Trung Quốc ủng hộ những lý tưởng mà ngôn ngữ của Đảng Cộng sản đã biến thành các khẩu hiệu như “phục vụ nhân dân”, và các lý tưởng này đã tạo nên “tính chính danh” (xin mượn một chút thuật ngữ chính trị học) cho giới chóp bu cầm quyền. Những thảm họa của chủ nghĩa Mao thời kỳ cuối đã gây tổn hại nặng nề cho tính chính danh đó, nhưng sau khi Mao chết năm 1976, và trong thập niên 1980, nhiều người Trung Quốc vẫn hy vọng rằng Đảng rốt cuộc có thể đưa đất nước hướng tới một tương lai hợp lý hơn. (Khi không có lựa chọn thực sự nào khác, người ta còn biết hy vọng gì khác?) Vào thời điểm năm 1989, tính chính danh của Đảng vẫn còn dựa dẫm khá nhiều vào niềm hy vọng lâu dài này, thế rồi những viên đạn của sự kiện Lục Tứ đã hoàn toàn kết liễu hy vọng đó. Theo lời của Dịch Đan Hiên, một nhà hoạt động sinh viên ở tỉnh Quảng Châu được khắc họa trong sách của Rowena He, “những phát súng đó thực sự đã phơi bày những lời dối trá và lột bỏ những cái lốt mà trước đó chính quyền đã đội.” Giờ đây Dịch Đan Hiên hiểu rằng quyền lực của Đảng luôn luôn là ưu tiên của Đảng.
Do đó, cuộc thảm sát đó đã gây khó xử cho Đặng Tiểu Bình và những nhân vật chóp bu khác. Nếu không còn thể hiện được “tính chính danh” từ những hô hào về các lý tưởng xã hội chủ nghĩa, họ còn biết lấy ở đâu ra? Chỉ mấy tuần sau sau các vụ giết chóc, Đặng tuyên bố điều Trung Quốc cần là “sự giáo dục”. Sinh viên đại học bị buộc phải thực hiện những màn “thú nhận” những tư tưởng sai lầm và lên án những kẻ nổi loạn phản cách mạng ở Thiên An Môn. Đó là những trò giả tạo chẳng có ý nghĩa thực sự gì cả. Nhưng công cuộc dài hạn của Đặng nhằm kích thích tinh thần dân tộc và “giáo dục” cho người dân Trung Quốc thuộc công thứcĐảng = đất nước hóa ra lại rất hữu hiệu. Trong sách giáo khoa, viện bảo tàng, và tất cả các phương tiện truyền thông, “Đảng” và “đất nước” hòa quyện thành một, và tinh thần ái quốc nghĩa là “yêu” cái kết quả lai tạp đó. Việc Trung Quốc đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2008 là một “thắng lợi vĩ đại của Đảng”. Việc nước ngoài chỉ trích Bắc Kinh không còn là “chống cộng” nữa, mà nay trở thành “chống người Trung Quốc”. Các xung đột với Nhật, Mỹ, và “các phần tử ly khai” ở Đài Loan và Tây Tạng bị phóng đại để chứng tỏ cần có ranh giới rõ ràng phân biệt giữa những thế lực thù địch và Đảng-đất nước yêu dấu. Những ký ức về Cuộc Thảm sát Nam Kinh năm 1937, trong đó hàng ngàn người Trung Quốc bị quân Nhật tàn sát, được khơi dậy (vì những lý do liên quan đến quyền lực chính trị của mình, Mao Trạch Đông đã cấm công khai tưởng nhớ vụ Nam Kinh) nhằm tạo ra nguồn cảm xúc để từ đó tranh thủ sự ủng hộ chế độ khi cần thiết – dù thủ đoạn này phải được điều chỉnh đúng mực, vì cảm xúc quá mãnh liệt có thể dễ thay đổi.
Thành công của những nỗ lực này và các nỗ lực khác cho phép chế độ xác định lại các nền tảng cho tính chính danh của chế độ chính là tinh thần dân tộc và chuyện kiếm tiền. (Ngôn ngữ của lý tưởng chủ nghĩa xã hội vẫn còn, nhưng chỉ là cái vỏ bề ngoài.) Tuy nhiên, cách tự thể hiện mới không thể giúp chế độ tránh được nỗi ám ảnh của vụ thảm sát này. Cứ như có quyền tự quyết, vụ thảm sát này dường như quay lại để đả phá bất cứ những gì chế độ gắng làm. Năm 1989, nó đã bắn phát súng ơn huệ kết liễu những luận điệu cũ về tính chính danh dựa trên nền tảng chủ nghĩa xã hội. Giờ đây, khi tính chính danh dựa vào các luận điệu cho rằng Đảng và nhân dân là một, ký ức về vụ thảm sát đó – khi Đảng nã đạn vào nhân dân – có lẽ là bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Đảng và nhân dân không phải là một.
Vì vậy chế độ vẫn cần xếp những ký ức này vào những loại suy nghĩ cần được xóa khỏi tâm trí nhân dân. Chế độ dùng cả chiến thuật đẩy lẫn chiến thuật kéo để làm chuyện này. Chiến thuật đẩy gồm khuyến cáo, đe dọa, và – với kẻ ngoan cố – tịch thu máy vi tính và điện thoại di động, cũng như không cấp hộ chiếu, khiến mất việc làm, tịch biên tài khoản ngân hàng, và – với người thực sự cứng đầu cứng cổ – quản thúc tại gia hay bỏ tù. Chiến thuật kéo gồm “mời uống trà” – từ thông dụng trong từ vựng của những người mà công an muốn kiểm soát, và ở những buổi mời uống trà đó ta được cán bộ tươi cười nhắc nhở rằng những ai không nói về các vụ thảm sát nữa sẽ được hưởng cuộc sống tươi đẹp hơn; được khuyên răn là nếu muốn điều chỉnh như vậy về cuộc sống thì cũng chưa quá muộn; được nghe so sánh với những người khác có đời sống vật chất khấm khá hơn chỉ vì đã quyết định như vậy; được ngỏ ý tặng thực phẩm, cho đi lại, tạo công ăn việc làm, và những khoản thù lao khác (sẽ hậu hĩnh hơn nếu ta hợp tác bằng cách trình báo những người khác); và được dặn dò rằng tốt nhất là không tiết lộ với bất cứ ai về nội dung của buổi đàm đạo bên ấm trà thân tình này.
Những chiến thuật kéo đã hết sức hữu hiệu trong bối cảnh ở những thời kỳ gần đây trong toàn xã hội Trung Quốc nhà nhà người người ham kiếm tiền và coi trọng vật chất. Sự giàu có vật chất đã trở thành giá trị chủ đạo của người dân ở đất nước này, và việc mưu cầu và làm ra của cải, và khoe của đã chi phối động cơ của người dân. Đối với nhiều người, mức sống vật chất đã tăng lên đáng kể, và nhiều nhà phân tích phương Tây đã nhận xét đúng là sự gia tăng này đã củng cố tính chính danh của chế độ trong thời kỳ sau năm 1989. Song cũng chính các nhà phân tích này sai lầm khi họ lặp lại luận điệu của Đảng Cộng sản rằng Đảng đã “đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói”. Thực tế kể từ năm 1989 lại gần như ngược lại: chính người dân Trung Quốc làm việc cật lực với đồng lương ít ỏi đã tự nhấc mình ra khỏi hố nghèo đói – hẳn nhiên là mang lại lợi ích cho bản thân nhưng trong quá trình đó họ đã là bệ phóng để tầng lớp thượng lưu càng làm giàu hơn và một số ít trong đó giàu nứt đố đổ vách.
(Còn tiếp)
Nguồn: Perry Link, The Specter of June Fourth, China File, 20/4/2014
Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bản dịch, ký tên Khương An, đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 28/5 và 4/6/2014.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.