Thường Sơn: TPP = Công đoàn độc lập
Biểu cảm tốt lành
Xu thế biểu cảm ngày càng tốt lành của cộng đồng quốc tế đang mở ra một vận hội mới cho xã hội dân sự Việt Nam. Một phần tất yếu của xã hội dân sự lại chính là mô hình Công đoàn độc lập.
Từ nửa cuối năm 2013 đến nay đã chứng kiến xu hướng vận động chính sách đặc biệt thú vị của hơn 150 nghị sĩ thuộc lưỡng đảng ở Hoa Kỳ cùng những tổ chức nghiệp đoàn lao động có ảnh hưởng nhất ở đất nước Cờ Hoa như American Federation of Labor and Congress of Industrial Organizations, Communications Workers of America, International Brotherhood of Teamsters và International Brotherhood of Electrical Workers.
Một làn sóng đủ lớn đang tạo áp lực đáng kể đến Tổng thống Obama và Chính phủ Mỹ, phản đối mạnh mẽ việc Việt Nam gia nhập hiệp định TPP nếu nhà nước này không thỏa mãn điều kiện hình thành Công đoàn độc lập, không thực hiện những cải cách quan trọng về luật lao động và tự do dân sự, không trả tự do vô điều kiện do cho hàng loạt nhà hoạt động công đoàn độc lập như Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương… đã bị bắt giam và bị xử tù.
Vào đầu tháng 6/2014, lần đầu tiên các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam chính thức lên tiếng về quyền được lên tiếng của công nhân và yêu cầu cấp thiết phải có ngay tổ chức công đoàn độc lập tại quốc gia ngặt nghèo chính trị lâu năm này.
Tại chùa Liên Trì thuộc quận 2 ở Sài Gòn, có ít nhất 16 tổ chức dân sự đã xác quyết Công đoàn độc lập phải là tổ chức xã hội do chính công nhân thành lập, thật sự hướng đến công nhân, lấy công nhân làm trung tâm và bảo vệ quyền lợi thiết thực của mỗi công nhân trong từng nhà máy, xí nghiệp.
Cấp trung gian 2%!
Về mặt pháp lý, bất kỳ cuộc đình công nào cũng phải có sự chấp thuận của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (VGCL). Nhưng thực tế đã minh chứng một sự thật quá chua chát là VGCL chưa bao giờ lãnh đạo, tổ chức hoặc hỗ trợ bất kỳ vụ đình công nào. Tất cả các cuộc đình công ở Việt Nam đều mang tính tự phát nhưng đều bị xem là bất hợp pháp.
Nhiều nguồn tin còn khẳng định rằng các lãnh đạo công đoàn nhà nước đã được trả lương cao để phục vụ cho giới chủ đầu tư và bảo vệ lợi ích của đảng cầm quyền, thay vì bảo vệ người lao động. Ngay cả một số nhà nghiên cứu thuộc chính quyền cũng không che giấu rằng không phải là điều bất thường khi các nhà quản lý trở thành lãnh đạo công đoàn và sử dụng công cụ này để thao túng các cuộc bầu cử công đoàn.
Quyền được tự thành lập một tổ chức công đoàn độc lập của công nhân càng trở nên bức bách trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đã bị các nhóm lợi ích tham tàn ở đất nước này đẩy vào tình thế suy thoái và khủng hoảng trong suốt gần 7 năm qua. Không những không được cải thiện, mức thu nhập bình quân của công nhân còn bị giảm tương đối 25-30% trong khi mặt bằng giá cả tăng vọt từ 2-3 lần từ ít nhất năm 2011 đến nay. Tại nhiều nhà máy và xí nghiệp, công nhân phải làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và sáu ngày một tuần, nhưng chỉ kiếm được trung bình khoảng 70 USD mỗi tháng.
Tình trạng thảm thương đó vẫn tiếp tục tăng tiến bất chấp Việt Nam đã có cơ hội tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007, nhưng đã chỉ trở thành cơ hội để hố phân hóa giữa 5% số người có thu nhập cao nhất với 5% người nghèo nhất ước tính lên đến ít nhất 60-70 lần.
Điều kiện sống eo hẹp đã dẫn đến tình cảnh quá khó khăn của công nhân ở rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Ngược lại, những điều kiện sử dụng lao động lại ngày càng hà khắc, không chỉ biểu tả cho một “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mà còn thêu dệt cho bức tranh thời kỳ đầu của “chủ nghĩa tư bản dã man” tại quốc gia đang quá sức nhập nhoạng và chen lấn về ý thức hệ này.
Một khi đã không thể biểu diễn được lòng thành và khả năng nâng cao mức sống và quyền lợi cho công nhân sau WTO, không có gì bảo đảm là các chính sách của Nhà nước và doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam sẽ làm cho đời sống người công nhân đỡ khốn khổ hơn nếu nhà nước này được chấp nhận tham gia vào cơ chế thương mại Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới.
Lẽ đương nhiên nếu được hình thành, Công đoàn độc lập không thể là một tổ chức hữu danh vô thực như VGCL và các cấp công đoàn cơ sở của hệ thống nhà nước, khi các tổ chức này đã chỉ được biết đến như một khâu trung gian hưởng thụ 2% trên tổng quỹ lương doanh nghiệp mà chưa hề đồng thuận với bất kỳ yêu cầu biểu thị chính đáng nào của công nhân trong gần 1.000 cuộc đình công tự phát hàng năm.
Lẽ đương nhiên, quyền được lên tiếng để tự bảo vệ những lợi ích của mình trước giới chủ và trước những chính sách bất hợp lý của Nhà nước về thuê và sử dụng lao động là quá cấp thiết đối với hầu hết 5 triệu công nhân Việt Nam!
TPP = Công đoàn độc lập
Điều may mắn hiếm hoi cho giai cấp công nhân Việt Nam vào thời điểm này là TPP không phải là món quà cho không. Truyền thống quan tâm đến chính sách an sinh xã hội và quyền lợi người lao động của những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trong TPP là Hoa Kỳ và Nhật Bản đã khiến Nhà nước Việt Nam phải đối diện với một điều kiện bất khả kháng: muốn vào TPP, Việt Nam phải chấp nhận mô hình Công đoàn độc lập.
Trong bối cảnh đối tác chiến lược toàn diện sâu nặng nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã trở mặt, trong tình thế một cuộc xâm lược toàn diện Việt Nam có thể được phát động trong thời gian cận kề từ Bắc Kinh, lối thoát duy nhất cho giới lãnh đạo và cả các nhóm lợi ích ở Việt Nam chỉ còn là sớm đến mức có thể phải thỏa mãn những yêu cầu và đòi hỏi chính đáng của dân chúng, chấp nhận cách làm việc thành thực của người Mỹ và phương Tây.
Việc công nhân có quyền tự tổ chức thành lập Công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của mình còn gắn bó mật thiết với hai đòi hỏi cấp thiết: Nhà nước Việt Nam cần ban hành ngay Luật lập hội và Luật biểu tình – hai phương tiện biểu thị cốt yếu của người dân. Đây cũng là hai món nợ của nhà nước đối với nhân dân Việt nam từ hơn hai chục năm qua, tính từ điều 69 của Hiến pháp năm 1992 chỉ nói mà chưa hề làm.
Cũng không thể khác hơn và trong lộ trình hướng đến dân chủ hóa cho đất nước, đã đến lúc chính quyền phải tính đến kế hoạch tổ chức đối thoại thường xuyên với các tổ chức dân sự về bảo vệ người lao động, đồng thời trả tự do cho toàn bộ những người hoạt động công đoàn độc lập đã bị bắt giam và bị xử tù phi lý.
Không còn thời gian để làm chậm tiến trình hình thành công đoàn độc lập bằng những hứa hẹn đầy tính thủ thuật như “sẽ cho các địa phương tự chủ hơn trong việc thành lập công đoàn” hay “cần thời gian 5 năm để “nghiên cứu và cải thiện””…
Quyền lợi của công nhân cũng là lợi ích của dân tộc. Cơ hội sẽ không đến lần thứ hai với những lãnh đạo bảo thủ chính thể và chậm chân trước những biến động chính trị khó lường ở Việt Nam.
Thường Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.