Điều kỳ lạ trong vụ án “bầu” Kiên
Nguyễn Quang A
Dân Việt - Điều kỳ lạ trong vụ xét xử bầu Kiên là các vị quan tòa chắc chắn nghe thấy nhiều ý kiến có lý của các luật sư và các bị can. Nhưng chẳng có gì xảy ra, thậm chí ông Kiên còn bị gán thêm “tội ngoan cố không nhận tội” và có thể phải chịu hình phạt nặng hơn!
Hãy chỉ xem xét việc kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Viện KSND Tối cao xác định ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội (ACBI) đã chỉ đạo làm biên bản của HĐQT về việc bán 20 triệu cổ phần Công ty CP Thép Hòa Phát mà ACBI đang sở hữu để cung cấp biên bản đó cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát. Mục đích chính để công ty này tin và ký hợp đồng mua cổ phần của Công ty ACBI, chiếm đoạt 264 tỷ đồng.
Thực tế, số cổ phiếu này ACBI đang thế chấp cho ACB. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tiền của Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát nên bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Vậy thì, hãy tập trung vào sự lừa đảo, nếu có!
Sáng 30.5, tại tòa ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thừa nhận Hòa Phát có sơ suất hành chính (về việc báo cáo thương vụ cho lãnh đạo của họ) và ông xác nhận “không có chuyện anh Kiên lừa tôi”. Nói cách khác, bên mà cáo trạng cho là “bị lừa”, là “người bị hại” nói mình không bị lừa, họ không kiện bên kia. Với tình tiết này bất kỳ ai có hiểu biết sơ đẳng cũng thấy cáo trạng đó không có cơ sở và phải được rút lại.
Việc Hòa Phát mua cổ phần của ACBI là một giao dịch dân sự, bên Hòa Phát nói bên kia không lừa mình, tưởng như vậy tòa phải xóa ngay cái tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà cáo trạng muốn ép cho ông Kiên, nhưng hình như họ vẫn muốn giữ nguyên tội danh đó.
Có thể thấy trong vụ án này những tội chính được quy là do sự tù mù của luật pháp. Những vấn đề dân sự hãy để các bên liên quan kiện nhau ra tòa dân sự. Chưa có ai kiện ai mà đã cố ép cho người ta tội lừa đảo là một việc chỉ làm tổn hại đến uy tín của ngành tư pháp. Nếu cứ hiểu theo cách thông thường rằng, khi các bị cáo ngoan ngoãn nhận bất cứ tội nào do cáo trạng đưa ra sẽ được cho là “thành khẩn” và có thể được hưởng “khoan hồng” với mức án nhẹ hơn thì đấy chính là cách nhanh nhất để hủy hoại nền móng của ngành tư pháp.
Đạo đức kinh doanh, tập quán quản trị chưa tốt là chuyện hoàn toàn khác với chuyện hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Các nhà làm luật hãy làm những luật tốt hơn và các quan tòa hãy xử theo đúng luật. Làm khác đi thì chính họ có lỗi (vì làm luật tồi) hay đang phạm tội (vì xử sai). Hủy một cáo trạng không làm mất uy tín của tòa mà ngược lại cho thấy tòa đang làm việc hết sức công minh, khách quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.