Từ đâu Chính phủ có quyền bắt Bạn đội mũ bảo hiểm?
<Theo:FB Nguyen Lan Thang>
Dân hỏi: Nếu như tôi và Bạn không có quyền bắt ông hàng xóm đội nón bảo hiểm vậy thì từ đâu công an lại có quyền đó?
Đảng trả lời: Vì đã có luật bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Vì quyền lợi của chính bản thân anh.
Dân hỏi: Việc đội hay không đội mũ bảo hiểm nào có liên quan gì đến quyền lợi của tôi?
Đảng trả lời: Có đấy. Nếu không đội nón bảo hiểm, lỡ chẳng may anh bị tai nạn thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng của anh. Chúng tôi bắt anh đội mũ bảo hiểm là để bảo vệ anh đấy.
Dân hỏi: Tôi không cần sự bảo vệ này, các anh miễn trừ cho tôi được không?
Đảng trả lời: Không được, luật pháp rất nghiêm minh, mọi người đều phải tuân thủ. Thượng tôn pháp luật.
Dân hỏi: Luật này từ đâu mà ra, do ai ban hành?
Đảng trả lời: Quốc hội.
Dân hỏi: Quốc hội là ai, từ đâu ra?
Đảng trả lời: Do “dân bầu” ra, có phiếu bầu hẳn hoi đấy.
Dân hỏi: Dân là ai?
Đảng trả lời: Ái chà, không biết à. Hãy nhớ lại xem, dân là anh đấy.
Dân hỏi: Sao, tôi không nghĩ đi bầu một người để rồi hắn ta quay ngược lại bắt tôi làm việc này, không được làm việc nọ. Tôi không bầu ra đại diện để họ trở thành ông chủ của tôi. Tôi tưởng đi bầu là tìm ra đại diện cho chúng tôi tham gia vào việc quản lý nhà nước, thay mặt bảo vệ quyền lợi chúng tôi?
Đảng trả lời: Đúng, thì việc thông qua luật bắt buộc đội nón bảo hiểm là việc đó đó. Là để bảo vệ quyền lợi của anh.
Dân hỏi: Tôi luôn đi rất chậm và cẩn thận. Nói thật, tôi thấy mình có “lợi” gì đâu, lại tốn mấy trăm ngàn mua cái nón bảo hiểm, giờ như cái của nợ. Không có nó, mấy chục năm qua tôi có bị gì đâu?
Đảng trả lời: Này, anh là dân thường, trình độ hạn chế nên nói vậy. Các đại biểu họ học cao hiểu rộng, là "đỉnh cao trí tuệ", họ biết cái gì là tốt cho các anh. Nên họ mới thông qua luật bắt buộc đội nón bảo hiểm để bảo vệ chính các anh. Khi nào anh bị tai nạn thì sẽ hiểu.
Dân hỏi: Tôi vẫn không nghĩ rằng tôi cần được cái nón bảo hiểm bảo vệ. Nhưng giả sử nếu như cách anh nói là đúng, thì bất cứ cái gì mà đa số các đại biểu cho rằng tốt cho bản thân tôi, mặc dù tôi không đồng ý, thì họ cũng đều có quyền bắt tôi làm à?
Đảng trả lời: Đúng vậy. Nền tảng xã hội ta là thiểu số phải phục tùng đa số.
Dân hỏi: Giả sử nhé, cả nước này chỉ có tôi và anh, và tôi khỏe hơn anh, thì anh có quyền bắt tôi đội mũ bảo hiểm không? Rõ rằng là không nhé. Giờ nếu giả sử khác đi, cả nước này có tôi, anh và một người bạn của anh. Ngay cả khi anh và bạn anh muốn áp đặt đội nón bảo hiểm, nhưng tôi khỏe hơn cả hai anh cộng lại, thì hai anh có quyền bắt tôi đội mũ bảo hiểm không? Rõ ràng cũng là không nhé. Rõ ràng chỉ chừng nào các anh kết bè lại đủ đông, đủ mạnh thì mới bắt tôi đội mũ bảo hiểm được đúng không? Như vậy nền tảng xã hội ta luôn dựa trên cơ sở kẻ mạnh thì có quyền áp đặt, bắt nạt kẻ yếu?
Đảng trả lời: Đôi khi phải áp đặt vì dân thường các anh không hiểu cái gì là tốt cho các anh.
Dân hỏi: Ví dụ một ngày kia, các đại biểu cho rằng nếu “ăn cháo hành” mỗi ngày sẽ làm cho trí óc thông minh hơn, thì họ cũng bắt quyền bắt tôi ăn cháo hành mỗi ngày à?
Đảng trả lời: Đúng vậy, nếu như giả thiết “ăn cháo hành” thì sẽ thông minh hơn được khoa học chứng minh.
Dân hỏi: Nhưng tôi không thích cháo hành.
Đảng trả lời: (...suy nghĩ.,..) Đừng lo, cứ theo chúng tôi... rồi anh sẽ thích nó. Vì suy cho cùng nó là để tốt hơn cho bản thân anh mà, anh không muốn thông minh hơn sao?
Dân hỏi: Tất nhiên, tôi cũng thích mình thông minh hơn, nhưng để thông minh hơn mà mỗi ngày phải ăn một bát cháo hành thì tôi không cần. Chẳng lẽ trong trường hợp như vậy thì các anh cũng muốn áp đặt tôi phải ăn cháo hành?
Đảng trả lời: Luật là luật. Các đại biểu đã biểu quyết thống nhất thành luật rồi thì phải “ăn” thôi.
Dân hỏi: Thế từ đâu các đại biểu lấy ra cái quyền biểu quyết cho cái luật đó? Thế này nhé, tôi không có quyền bắt anh đội nón bảo hiểm, vậy dù tôi bầu cho ai thì người được tôi ủy quyền tham gia quản lý đất nước đó cũng đâu có quyền bắt anh đội mũ bảo hiểm. Vì đơn giản là tôi không thể ủy quyền một cái quyền mà bản thân tôi chẳng có. 0 + 0 = 0. Vậy thì dù có một trăm hay một triệu ông bà đại biểu đi nữa, các ông bà đại biểu đó lấy đâu ra cái quyền để biểu quyết bắt người khác phải đội nón bảo hiểm?
Đảng trả lời: Hừm, ...thế anh nghĩ từ đâu ra?
Dân hỏi: Quyền của đại biểu phải xuất phát từ quyền của tôi mà ra chứ. Tôi bầu tức là tôi ủy quyền của tôi cho đại biểu. Cái quyền gì mà tôi không có thì người đại diện cho tôi cũng không có. Đó là nguyên tắc và ý nghĩa của bầu cử. Nếu không cứ “được bầu” ra là họ muốn làm gì thì làm à? Chẳng có giới hạn gì hết đối với quyền lực của các ông đại biểu hết sao? Hay nói rộng hơn là cứ kết bè kết đảng được thành đa số thì họ có quyền áp đặt thiểu số còn lại bất cứ những gì họ thích bằng cách tự biểu quyết với nhau sao?
Đảng trả lời: Ừ, xã hội chủ nghĩa là thế đấy: thiểu số phải phục tùng đa số.
Dân hỏi: Thế tôi hỏi anh câu hỏi khác, y học đã chứng minh thuốc lá có hại cho sức khỏe, tại sao lại không có luật cấm toàn dân hút thuốc giống như luật bắt đội nón bảo hiểm? Suy cho cùng nó cũng là để tốt hơn cho sức khỏe mà?
Đảng trả lời: Đúng đấy. Đúng ra phải có. Chúng tôi cũng muốn như vậy nhưng chưa có ai quyết tâm thúc đẩy mọi việc. Ngoài ra, các công ty bán thuốc lá họ vận động ngăn cản dữ lắm.
Dân hỏi: Thế việc bắt buộc đội nón bảo hiểm có ai quyết tâm mà thúc đẩy dữ vậy?
Đảng trả lời: Có chứ, có UBND Tp.HCM & HN, ở Đà Nẵng có ông Nguyễn Bá Thanh... Với lại có thuận lợi là các công ty sản xuất nón bảo hiểm ủng hộ nhiều.
Dân hỏi: À, ra thế. Bắt đội nón bảo hiểm thì bán được mũ có lời. Cấm hút thuốc thì không bán được thuốc lá nên chẳng có ai quyết tâm cả.
Đảng trả lời: (...ngắt lời...) Anh này, ăn nói cho cẩn thận, anh định xuyên tạc chủ trương chính sách của nhà nước đấy à? Chẳng phải tại Đà Nẵng và tp.HCM đã ban hình qui định đổi nón bảo hiểm cũ lấy nón mới đảm bảo chất lượng cho nhân dân đấy sao? Dân đi đổi đông nghìn nghịt. Tiền chênh lệch ai trả? Chúng tôi trả chứ ai? Vì sao phải trả tiền? Vì lo lắng cho sức khỏe của các anh đấy.
Dân hỏi: Vậy các anh lấy đâu ra tiền mà trả?
Đảng trả lời: Phải trích từ ngân sách ra đấy.
Dân hỏi: Ngân sách từ đâu mà có?
Đảng trả lời: Tất nhiên là chủ yếu tiền thu thuế chứ còn đâu nữa.
Dân hỏi: Ra vậy. Tôi tưởng các anh bỏ tiền túi. Hóa ra các anh lấy tiền thuế của mạt dân như tôi, đem trả cho mấy công ty bán nón bảo hiểm trong “danh sách đạt chất lượng” để mua nón, rồi làm luật bắt tôi phải đổi nón nhân danh cái gọi là “vì lợi ích của chính tôi”? Tôi có hiểu sai ở đâu không nhỉ?
Đảng trả lời: (…im lặng...)
Dân hỏi: Anh không trả lời, vậy tôi hỏi anh thêm: em tôi là một người nông dân trồng lúa ở An Giang, nó nghèo chả có đến cái xe máy để mà “được” đội nón bảo hiểm. Nó đi xe đạp. Hàng năm các anh vẫn thu thuế nông nghiệp của nó. Tại sao các anh lại lấy tiền đóng thuế của nó để mua nón bảo hiểm cho người khác đội?
Đảng trả lời: Đúng là trong việc này em của anh bị thiệt. Nhưng trong việc khác nó sẽ được lợi. Ví dụ chúng tôi giảm, giãn nộp thuế nông nghiệp cho nó khi mất mùa chẳng hạn. Một người vì mọi người, mọi người vì một người. Đó là ưu việt của chế độ ta. Đó gọi là công bằng xã hội.
Dân hỏi: Lấy của người này đem cho người khác lại là công bằng sao? Nếu “lỡ” không xảy ra mất mùa và em tôi không được giảm thuế nông nghiệp thì hỏi: có công bằng cho nó không khi các anh thu tiền thuế của nó mua mũ bảo hiểm cho người khác ở thành thị?
Đảng trả lời: Chúng tôi sẽ nghĩ ra các chương trình hỗ trợ khác.
Dân hỏi: Phải chăng công bằng có được là do sự ban phát của Đảng? Phải chăng lúc chưa có Đảng thì không có khái niệm công bằng? Phải chăng công bằng là ưu ái nhóm người này hơn nhóm người khác? Phải chăng công bằng không phải là đối xử tất cả mọi người như nhau? Phải chăng công bằng có được từ việc tạo ra một bất công?
------------------
Quan điểm của Thánh Ca Tự Do là vai trò đúng đắn của chính phủ chỉ giới hạn trong việc bảo vệ cuộc sống, tự do và tài sản của công dân. Vượt qua khỏi giới hạn đó là lạm quyền, là quyền lực phát sinh quyền lực. Quyền lực chính phủ có nguồn gốc từ quyền của mỗi cá nhân, và phải được giới hạn trong phạm vi quyền đó. Nếu quyền lực có nguồn gốc từ chính nó, thì hệ quả duy nhất là lạm quyền và độc tài.
Chúng tôi ủng hộ việc khuyến khích người dân đội mũ bảo hiểm, nhưng chúng tôi chống lại việc cưỡng ép người dân đội mũ bảo hiểm, vì nó là biểu hiện của lạm quyền và độc tài.
Cái gọi là “giải pháp của chính phủ” dựa trên sự lạm quyền chỉ tạo ra các vấn đề mới do các bất công mới được tạo ra. Từ đó vô số bi hài kịch xuất hiện.
Ngày 28/02/2011: ông Trịnh Xuân Tùng, cha của Trịnh Kim Tiến , bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh phường Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết vì không đội nón báo hiểm. Hãy nghe lời kể của chính Trịnh Kim Tiến...
Ngày 29/12/2012: anh cả nhà anh Võ Hoàng Tâm (KP 2, phường 16, quận 8, TP.HCM) đã bị nhóm mấy bảo vệ dân phố kéo đến nhà đánh do chạy xe máy không đội nón bảo hiểm. Anh của Tâm là Võ Hoàng Sang đang dọn dẹp đồ đạc trước cửa cũng bị đánh vào đầu bằng dùi cui. Người em họ đến chơi vào can ngăn cũng bị đánh bầm mặt. Sau đó cảnh sát khu vực đến cầm dùi cui đánh và dùng roi điện chích vào người họ. Cảnh sát khu vực còn gọi điện thoại về công an phường kêu đem súng xuống trấn áp, họ chỉa súng vào chúng tôi và hăm dọa sẽ bắn chết
Ngày 26/03/2013: Đại úy Phan Thanh Trung thuộc công an phường phường 8, quận 11, Tp.HCM, đuổi theo em Lâm Dụ Cường (học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hiền, ngụ tại quận Tân Bình) chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm. Đến gần nhà số 47 đường số 9, cư xá Bình Thới (phường 8), Cường bị đại úy Trung dùng tay tát mạnh vào má trái gây chảy máu tai. Sau đó, Cường tiếp tục lùi xe định chạy tiếp thì bị đại úy Trung tát thêm một cái vào má phải nên dừng xe lại.
Trong khi đó:
Lãi khủng từ nón bảo hiểm: Từ 23- 25/3 bình quân mỗi ngày có khoảng 15.000 mũ bảo hiểm đã được đổi. Hai đơn vị được Ủy ban ATGTQG chọn là Cty Chí Thành (Chita) và Cty Á Long (B’color) đã bán được một số lượng sản phẩm ngoài sức tưởng tượng (hơn 40.000 sản phẩm/3 ngày)
Chúng ta không thể dừng lại chỉ ở phê phán, chúng ta cần phải hành động để chấm dứt những bi kịch này.
Liệu một người thì có thể làm gì ? Là một cá nhân chúng ta có thể làm rất ít ngoại trừ một việc, một việc rất bé nhỏ nhưng nó có sức mạnh thay đổi thế giới. Đó là chia sẻ. Hãy nắm bắt mọi cơ hội để chia sẻ cho những người bạn xung quanh về bản thất thực của hệ thống chính trị hiện nay.
Tất cả mọi người đều có thể làm việc đó. Đó có vẻ chỉ là một bước rất nhỏ, nhưng nếu chúng ta luôn lặp lại những bước này, thì sẽ sớm đến ngày chúng ta thấy mình bao quanh bởi hàng triệu những chiến binh có cùng suy nghĩ. Khi đó chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để chống lại độc tài, để mang Tự Do quay trở lại mảnh đất này cho con cháu chúng ta.
Hãy chia sẻ ngay hôm nay:
- Hãy chia xẻ chính bài viết này với các bạn bè thân quen của Bạn.
- Hãy luôn luôn nhớ Bạn sinh ra với Quyền Con Người do Tạo hóa ban tặng, không phải do chính phủ