Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014

Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn

Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn

Tại sao cách dạy con của người Nhật được cả thế giới ngưỡng mộ?
day con
Theo Trí Thức Trẻ – Vietnamnet – 1/5/2014
Đã từng đặt chân đến 80 quốc gia khác nhau trên thế giới, vậy mà sau 20 năm sinh sống tại nước Nhật, nhà toán học người Do Thái Peter Frankl đã phải thốt lên rằng ông ngưỡng mộ nước Nhật và cách giáo dục ở đây.
Trẻ con Nhật được dạy cảm ơn cha mẹ, thầy cô… những người đã phải lao động để mang đến cho mình một bữa ăn ngon miệng. Trên hết, các em phải học tính cần cù, chăm chỉ và yêu quý sự thật.
Sở dĩ nước Nhật được cả thế giới khâm phục vì sự phát triển kinh tế thần kỳ chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng với những ai đã từng sống hay nghiên cứu về Nhật Bản đều nhận ra rằng, sự khâm phục đó phải xuất phát từ cách người Nhật giáo dục đạo đức con người.
Trẻ em Nhật được giáo dục về đạo đức không chỉ từ nhà trường mà còn bởi xã hội. Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức chứ không chỉ có những môn tương tự như môn Giáo dục công dân. Học sinh từ khi học mẫu giáo đã được rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như cách nói cảm ơn cha mẹ, tự nguyện giúp đỡ và phục vụ các bạn xung quanh, vệ sinh trường lớp…
Khi trẻ lớn hơn bắt đầu bước vào hệ thống giáo dục phổ cập từ lớp 1 đến lớp 9, các em sẽ được học và thực hành các bài học đạo đức với một chương trình được phân ra làm 4 nhóm liên hệ từ gần đến xa, từ dễ đến khó. Nhóm 1 là liên quan đến bản thân, nhóm 2 là liên quan đến người khác, nhóm 3 liên quan đến tập thể, xã hội và nhóm 4 là liên hệ với thế giới tự nhiên. Học sinh ở các độ tuổi khác nhau sẽ học đủ cả 4 nhóm này nhưng với mức độ khác nhau. Ví dụ như với nhóm liên quan đến bản thân, học sinh lớp 1- 2 sẽ được học về “sự cần cù, chăm chỉ”thì học sinh lớp 7-9 sẽ được học về“yêu quý sự thật”.
(GNA: Khi từ ngọn đến gốc chỉ biết nói dối thì sao dậy được trẻ điều này?)
Trẻ con Nhật được làm quen với môi trường và học cách chăm sóc vật nuôi từ khi còn còn học tiểu học.
Việc rèn luyện đạo đức cho trẻ tại Nhật Bản sẽ diễn ra ngay trong các hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở. Tất cả các trường từ thành thị đến nông thôn, (từ cấp I đến cấp III) đều bắt buộc học sinh phải làm vệ sinh lớp học và những nơi công cộng trong trường. Việc làm này không những tạo ra một môi trường và bầu không khí học tập tốt mà còn giáo dục nhiều mặt như giá trị lao động, kỹ năng lao động, tinh thần hợp tác, đoàn kết trong lao động, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật…
Từ khi là học sinh tiểu học, trẻ đã được nuôi dưỡng, chăm sóc vật nuôi, cây trồng hàng ngày, quanh năm, ngay cả ngày hè nhằm gắn chặt với môn khoa học, làm quen với thiên nhiên, sinh vật quanh môi trường sống, dần dần hình thành lòng yêu sinh vật, yêu thiên nhiên, yêu quý cuộc sống. Ngoài ra, những hoạt động trong nhà trường cũng được đặc biệt chú trọng để hoàn thiện chương trình giáo dục đạo đức cho trẻ. Trẻ bắt buộc phải tham gia vào các câu lạc bộ từ cấp II để học cách hoạt động nhóm, thông quá đó rèn cho trẻ tinh thần tập thể, thúc đẩy trẻ phát triển, khám phá bản thân và khám phá cuộc sống. Những hoạt động này còn giúp trẻ tạo được mối quan hệ gắn bó với bạn bè và thầy cô, rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, ứng xử…
Trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh nhiều tình huống để trẻ thực hành ngay trong nhà trường, thầy cô qua đó sẽ nắm được tính cách của trẻ để kịp thời động viên hoặc uốn nắn.
Trẻ bắt buộc phải tham gia vào các câu lạc bộ từ cấp II để học cách hoạt động nhóm, thông quá đó rèn cho trẻ tinh thần tập thể.
Chương trình giáo dục đạo đức của Nhật xác định đúng mục đích là rèn luyện cho học sinh chứ không phải để lấy điểm lên lớp. Người Nhật cũng không tham lam ôm đồm nhiều kiến thức mà chỉ chọn ra những điều cơ bản thiết thực nhất để dạy cho con trẻ, để trẻ có được căn bản vững chắc mà phát triển còn hơn dạy cho chúng những điều to lớn viển vông.
Hệ quả của phương pháp giáo dục toàn diện này đã được chứng minh bằng ý thức của cả một cộng đồng người Nhật và ngay cả trên văn bản. Chỉ tại Nhật người ta mới tìm thấy cuốn “Cẩm nang hành động cho toàn dân”, gồm hơn 200 điều, ghi rõ việc cần làm, việc cấm làm, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Ví dụ: “Thấy bất kỳ nơi nào vòi nước chảy không người dùng, đóng vòi ngay; gặp quạt, gặp ánh sáng điện không người dùng, phải tắt điện ngay”.
Giáo dục đạo đức ở Nhật Bản đạt hiệu quả cao vì đã kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, trường học và xã hội. Vì dụ đề tài “Bảo vệ môi trường sống xung quanh” được gia đình giáo dục con em rất chi tiết, thực hành đầy đủ. Đến trường, học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 hằng ngày đều phải làm vệ sinh sạch sẽ trường lớp và những nơi công cộng trong trường suốt hơn 10 năm. Ngoài xã hội, đường xá, chợ búa luôn sạch đẹp, có nhiều thùng rác để gần nhau, dân chúng tự phân loại rác khi bỏ vào thùng.
Được giáo dục kỹ như thế nên mỗi người Nhật có thói quen hành vi đạo đức rất tốt. Ví dụ: Anh Oshima Mituteru, 34 tuổi sang Việt Nam làm việc ở Khu phố 6, quận 3, Tp.HCM, sáng nào anh cũng đi nhặt rác quanh những con đường nơi anh làm việc. Có người hỏi “Tại sao anh làm thế?’, anh trả lời với lòng chân thành: “Thay đổi nhỏ môi trường cũng đem đến cho tôi cảm giác hạnh phúc”.
(Theo Trí Thức Trẻ)

Bài cùng chủ đề

Để lại một nhận xét

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.