Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

Sống chung với chủng virus Delta là điều chắc chắn

 

Sống chung với chủng virus Delta là điều chắc chắn

Saigon Times

Nguyễn Đăng Anh Thi

2-10-2021

(KTSG) – Sống và làm việc tại tỉnh/bang British Columbia (BC), Canada, chuyên gia năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi chia sẻ, ngay bản thân ông cho đến tháng 5 vừa rồi mới tiêm mũi vaccine đầu tiên và đến tháng 7 là tiêm mũi thứ 2. Tuy vậy, việc sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 đã được áp dụng từ tháng 5 năm ngoái tại BC.

Phải sống chung với chủng virus Delta vì sẽ không có miễn dịch cộng đồng

Với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, mọi tính toán trước đây về “miễn dịch cộng đồng” dựa trên tỷ lệ phủ vaccine của dân số nay đã trở nên lạc hậu. Miễn dịch cộng đồng phụ thuộc vào ba yếu tố: chủng virus (thể hiện qua hệ số lây lan gốc, Ro), tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine (T) và hiệu quả vaccine (Ve).

Giáo sư, bác sỹ Ellie Murray của Đại học Boston (Mỹ) đưa ra công thức tính hệ số lây nhiễm thực (Rt) trong cộng đồng như sau: Rt = Ro x (1 – T x Ve).

Miễn dịch cộng đồng đạt được khi hệ số lây nhiễm thực nhỏ hơn hoặc bằng 1, nghĩa là một người bị nhiễm virus sẽ lây cho tối đa một người khác. Lúc đó, tỷ lệ phần trăm dân số tiêm đủ vaccine kỳ vọng để đạt miễn dịch cộng đồng là T = (1 – 1/Ro)/Ve (quy ra từ công thức trên với Rt = 1).

Theo số liệu của CDC Mỹ, với chủng virus corona gốc (SARS-CoV-2), hệ số lây lan gốc “chỉ” trong khoảng từ 2-3, tức một người nhiễm virus có khả năng lây cho 2-3 người, lấy trung bình Ro = 2,5. Hiệu quả vaccine lấy trung bình Ve = 85%. Từ công thức T = (1 – 1/Ro)/Ve ta có T = 71%. Nghĩa là, với chủng virus corona gốc, ước tính khoảng 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine là đạt miễn dịch cộng đồng. Mục tiêu tiêm 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng mà Bộ Y tế Việt Nam đưa ra theo cách tính này.

Nhưng cách ước tính trên không còn giá trị với biến thể Delta. Cũng số liệu của CDC Mỹ cho thấy hệ số lây lan gốc của chủng Delta hiện nay trong khoảng 6-9, lấy trung bình Ro = 7,5. Giả sử 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine (T = 70%) và cho rằng hiệu quả vaccine lên đến 95%, lúc đó hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 70% x 95%) = 2,5!

Kết quả cho thấy rằng với chủng virus Delta, hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = 2,5 ngay cả khi 70% dân số tiêm đầy đủ vaccine và hiệu quả vaccine lên đến 95%. Nghĩa là một người bị nhiễm vẫn sẽ lây cho 2,5 người khác dù cộng đồng đã được phủ vaccine và hiệu quả vaccine đạt mức tối đa.

Trong thực tế, vì Việt Nam sử dụng nhiều loại vaccine khác nhau và chỉ có Moderna hay Pfizer đạt hiệu quả tối đa 95%, trong khi hiệu quả của AstraZeneca chỉ khoảng 70% và của Sinopharm (Vero Cell) thậm chí còn thấp hơn nên hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân số được tiêm không thể nào đạt mức 90%, thậm chí thấp hơn 85%.

Mà ngay cả khi tiêm 100% dân số (điều không thể đạt được trong thực tế) và hiệu quả bảo vệ của vaccine trung bình trên toàn dân là 85% (mức cực kỳ lạc quan) thì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng là Rt = Ro x (1 – T x Ve) = 7,5 x (1 – 100% x 85%) = 1,125!

Vì hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng vẫn lớn hơn 1, nên miễn dịch cộng đồng không thể đạt được chỉ nhờ phủ vaccine. Để đưa giá trị hệ số lây nhiễm thực trong cộng đồng càng thấp càng tốt và tối ưu nhất là thấp hơn 1, ngoài vaccine phải áp dụng thêm các giải pháp thuộc nhóm can thiệp không dùng thuốc (NPI) để ngăn ngừa sự lây lan của virus, ví dụ đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Nói cách khác, đó là cách mà loài người sống chung với virus ngay cả khi được tiêm đủ vaccine.

Sự khác biệt của hệ số lây lan gốc giữa hai chủng virus corona gốc và Delta là vô cùng lớn. Ví dụ, với chủng virus corona gốc, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu hai người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 4 (bằng 2 x 2). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 8 (bằng 2 x 2 x 2). Với chủng Delta, một người bị nhiễm sẽ lây cho tối thiểu 6 người. Đến chu kỳ lây thứ hai, số ca nhiễm tăng lên 36 (bằng 6 x 6). Đến chu kỳ lây thứ ba, số ca nhiễm tăng lên 216 (bằng 6 x 6 x 6). Nghĩa là chỉ qua ba chu kỳ, số ca nhiễm do biến thể Delta đã cao gấp 27 lần chủng corona gốc! Điều đó giải thích cho những trận “cuồng phong” lây nhiễm do biến thể Delta tại Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Canada vẫn phải sống chung với virus dù đã tiêm đủ 70% dân số

Phép tính hệ số lây nhiễm thực thể hiện khá rõ tại Canada, khi 69,9% dân số nước này đã tiêm đủ vaccine tính đến ngày 24-9-2021, nhưng miễn dịch cộng đồng vẫn chưa từng đạt được. Cần biết, Canada đang sử dụng những loại vaccine có hiệu quả nhất, với Pfizer chiếm đến 67%, Moderna 28% và AstraZeneca chỉ 5%.

Bảng dưới là thông tin tỷ lệ ca nhiễm mới trung bình hai tuần trên 100.000 dân tại Canada và tại ba tỉnh/bang có dân số đông nhất là Ontario, Quebec và British Columbia.

Để so sánh, tỷ lệ ca nhiễm mới trung bình hai tuần trên 100.000 dân tại Việt Nam tính đến ngày 23-9-2021 là 155 ca. Con số này thấp hơn tại Canada một phần vì vaccine, nhưng chủ yếu vì những chính sách phong tỏa nghiêm ngặt tại Việt Nam suốt nhiều tháng qua.

Trường hợp nhiều quốc gia khác đã phủ vaccine với tỷ lệ rất cao như Israel, Anh, Mỹ… nhưng cũng vẫn tiếp tục chứng kiến các làn sóng lây nhiễm mới củng cố nhận định rằng miễn dịch cộng đồng là một mục tiêu khá xa vời, dù vaccine đã được chứng minh là giải pháp tối quan trọng để giảm số ca nhiễm, nhập viện và tử vong.

Trong tình hình như vậy, phong tỏa lâu dài đã không còn được xem là giải pháp tại các nước phương Tây vì thiệt hại xã hội quá lớn. Các nước phương Tây đã xác định sống chung với virus bằng các biện pháp y tế công cộng như giữ khoảng cách vật lý, đeo khẩu trang trong không gian kín, khử khuẩn các bề mặt và rửa tay thường xuyên… ngay cả khi đã tiêm vaccine. Thậm chí trước khi được tiêm vaccine, xã hội Canada vẫn phải vận hành theo cách “bình thường mới” chứ không “đông cứng” hoàn toàn như tại TPHCM, Bình Dương và nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam.

Từ đầu năm ngoái, cơ quan y tế tỉnh/bang British Columbia đã phối hợp với cơ quan an toàn lao động biên soạn các hướng dẫn về an toàn Covid-19 cho khối bệnh viện, trường học, siêu thị, nhà xưởng, văn phòng, nhà hàng, cơ sở lưu trú… để đảm bảo xã hội vẫn vận hành theo cách bình thường mới.

Hiểu rõ ba cơ chế lây nhiễm của virus là qua tiếp xúc gần, gián tiếp qua bề mặt và trong không gian kín với điều kiện thông gió kém, các hướng dẫn này dựa trên nguyên tắc 3C cần tránh để được an toàn: Close contact – tiếp xúc gần, Crowded – nơi đông đúc và Closed spaces – không gian kín. Kèm theo đó là khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên và khử khuẩn các bề mặt. Đó là các giải pháp mà Canada đã chung sống với virus ngay cả khi chưa có vaccine.

Đầu năm học mới, tuyệt đại đa số sinh viên, học sinh tại Canada đã trở lại học toàn thời gian trên lớp, nhưng vẫn phải bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng và được khuyến cáo giữ khoảng cách vật lý an toàn. Dù đã tiêm vaccine đến 70%, Canada tuy mở cửa nhưng không hề thả cửa vì mối nguy của chủng virus Delta vẫn còn hiện hữu.

Hỗ trợ an sinh bằng ngân hàng thực phẩm

Để giải bài toán an sinh, mô hình Food Bank (ngân hàng thực phẩm) có thể là một giải pháp cho Việt Nam. Trong bất cứ xã hội nào, luôn có những người ăn không hết và những người thiếu đói. Ngân hàng thực phẩm là tổ chức phi lợi nhuận đóng vai trò trung gian, nhận thực phẩm từ các nhà hảo tâm để phân phối lại cho những người đang cần.

Quản lý các ngân hàng thực phẩm là những người tình nguyện, và hoạt động của chúng dựa trên sự minh bạch. Đóng góp cho ngân hàng thực phẩm có thể được thực hiện trực tiếp qua các thùng gom thực phẩm tại các siêu thị, khu mua sắm hoặc đem đến tận nơi tiếp nhận. Bất kỳ ai có nhu cầu được hỗ trợ thực phẩm đều có thể liên hệ trực tiếp ngân hàng thực phẩm để đến lấy mang về sử dụng.

Khi nguồn thực phẩm của ngân hàng giảm xuống thấp vì nhu cầu cứu trợ tăng lên, ngân hàng thực phẩm sẽ tăng cường kêu gọi đóng góp của xã hội. Tại Canada, ngay cả chính quyền liên bang và tỉnh/bang cũng thường xuyên đóng góp ngân sách cho các ngân hàng thực phẩm.

Việt Nam có thể áp dụng mô hình ngân hàng thực phẩm ở quy mô phường, quận dựa trên sự tổ chức, điều phối của các tổ chức thiện nguyện đang có. Bằng cách được tiếp cận thực phẩm thường xuyên từ ngân hàng thực phẩm, những người nghèo, những người thất nghiệp giảm thiểu nỗi lo cơm gạo, từ đó giúp họ bớt “đánh liều” ra đường trong mùa dịch khi chưa được tiêm vaccine.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.