Niềm tin về lịch sử
Hồ Bạch Thảo
3-10-2021
Trong 20 năm tham gia viết về lịch sử; càng viết, niềm tin về lịch sử càng được củng cố. Tuy cũng gọi là niềm tin, nhưng niềm tin lịch sử khác với niềm tin tôn giáo. Niềm tin tôn giáo, như Đức Mẹ hiện hình, Bồ tát Mục Kiền Liên dùng tuệ nhãn thấy mẹ bị đày nơi địa ngục; là niềm tin siêu nhiên, không cần chứng minh. Riêng lịch sử là một bộ môn khoa học xã hội, cần phải được chứng minh.
Các bộ sử lớn như Đại Việt Sử Ký Toàn Thưnước ta thường chép những hiện tượng thiên nhiên, như nhật thực, nguyệt thực. Nhật thực xảy ra chỉ có thể thấy trong một vùng; riêng nguyệt thực thì có thể thấy khắp nơi; nên chúng tôi dùng nguyệt thực để kiểm chứng xem sử liệu Toàn Thư chính xác như thế nào?
Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 8, trang 33b, chép: “Tháng 9, ngày 15 năm Hồng Đức thứ 13, giờ Tuất , nguyệt thực.” Vào thời đó nước ta dùng lịch Hiệp Kỷ, ghi giờ Tuất, tức khoảng từ 19 giờ đến 21 giờ tối; niên hiệu Hồng Đức tức Vua Lê Thánh Tông. Âm Lịch Việt Nam trong giai đoạn này giống với Trung Quốc; phía Trung Quốc dùng lịch Đại Thống, ắt phải ghi như sau: tháng 9 ngày 15 năm Thành Hóa thứ 18; Thành Hóa tức niên hiệu Vua Hiến Tông nhà Minh. Mở Minh Thực Lục ra, đúng ngày, tháng, năm nêu trên, sử Trung Quốc ghi: “Dạ vọng nguyệt thực; miễn bách quan minh nhật tảo triều 夜望月食,免 百官明日早朝.” Có nghĩa là “Trong đêm nhìn lên trời thấy nguyệt thực, ngày hôm sau miễn cho bách quan khỏi phải vào triều sớm”. Rõ ràng những điều ta thấy, thì Trung Quốc cũng thấy y như vậy.
Lại tò mò thêm với câu hỏi: Kiến thức của cha ông ta lúc bấy giờ có được văn minh Tây phương chia sẻ hay không? Làm việc này phải mượn bảng Lưỡng Thiên Niên Trung Tây Lịch Chuyển Hoán [兩千年中西曆轉換]để đổi ngày tháng năm Âm Lịch nêu trên, ra Dương Lịch; kết quả cho biết đó là ngày 26/10/1482.
Tra Google, được biết ngày 26/10/1482 xảy ra nguyệt thực trên thế giới như sau:
“A partial eclipse of the Moon occurred on 26 October, 1482 UT Old Style, with maximum eclipse at 16:41 UT [Universal Time ]. The Moon was strikingly shadowed in this deep partial eclipse which lasted 3 hours and 17 minutes, with 89% of the Moon in darkness at maximum.
The penumbral eclipse lasted for 5 hours and 44 minutes. The partial eclipse lasted for 3 hours and 17 minutes. Maximum eclipse was at 16:41:54 UT.”
(Nguyệt thực từng phần xảy ra vào ngày 26 tháng 10 năm 1482 thời lượng UT ; với nguyệt thực cực điểm vào lúc 16:40 UT. Mặt trăng bị che bởi nguyệt thực từng phần trong vòng 3 giờ 17 phút; với 89% đen tối đa.
Nguyệt thực toàn phần trong vòng 5 giờ 44 phút, từng phần trong vòng 3 giờ 17 phút, cực điểm vào lúc 16:41:54 UT.)
Theo đúng qui cách nêu trên, kiểm chứng các trường hợp nguyệt thực khác ghi trong Toàn Thư, thấy các nguồn trên thế giới đều ghi tương tự:
Toàn Thư “Ngày 26 tháng giêng năm Hoằng Định thứ 17 [13/3/1616], (Minh Vạn Lịch năm thứ 44), có nguyệt thực”; Google cũng thông báo “ngày 13 tháng 3 năm 1616, nguyệt thực một phần” (Partial Lunar Eclipse of 3 Mar, 1616 AD).
Toàn Thư “Ngày rằm tháng giêng năm Hoằng Định thứ 18 [20/2/1617], (Minh Vạn Lịch năm thứ 45); có nguyệt thực”. Tại thời điểm này, Minh Thực Lục ghi “Ban đêm nhìn lên trời có nguyệt thực” (夜望月食, dạ vọng nguyệt thực); Google cũng thông báo “Nguyệt thực toàn phần vào ngày 20/2/1617” (Total lunar eclipse of 1617 feb.20).
Toàn Thư “Ngày rằm tháng giêng năm Hoằng Định thứ 19 [9/2/1618], (Minh Vạn Lịch năm thứ 46) có nguyệt thực”. Tại thời điểm này Minh Thực Lục ghi “đêm nay vào lúc 22 giờ có nguyệt thực 2 phần” (是夜亥初二刻月食二分, thị dạ Hợi sơ nhị khắc nguyệt thực nhị phân); Google cung cấp “Bản thống kê về nguyệt thực từ năm 1601-1700: Ngày 9/2/1618, lúc tối đa 14 giờ 33’ 24’’ ” Catalog of Lunar Eclipses: 1601 to 1700: 1618 Feb 09 14:33:24”
Toàn Thư “Ngày 16 tháng 3 vào giờ Dậu năm Đức Long thứ 4 [17-19 giờ ngày 4/5/1632], có nguyệt thực”. Google xác nhận sự kiện này, chép “Nguyệt thực từng phần xãy ra vào ngày Thứ Ba 4/5/1632, tối đa lúc 12:13” (A partial eclipse of the Moon occurred on Tuesday 4 May, 1632 UT [Universal Time ], with maximum eclipse at 12:13 UT).
Toàn Thư “Mùa xuân, tháng 2, ngày rằm năm Đức Long thứ 6 [14/3/1634], có nguyệt thực. Google xác nhận sự kiện, chép như sau “Nguyệt thực từng phần xãy ra vào ngày 14/3/1634; tối đa lúc 20:51” (A partial eclipse of the Moon occurred on Tuesday 14 March, 1634 UT, with maximum eclipse at 20:51 UT).
Thuở nhỏ từ lớp tiểu học, được học những bài Việt sử như Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, hoặc Đại thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng; tuổi trẻ nữa tin, nữa ngờ. Nay có dịp đi vào nguyên văn những trang sử Trung Quốc đề cập đến những vấn đề này; càng củng cố thêm niềm tin về lịch sử:-Tư Mã Quang, Thừa tướng dưới thời nhà Tống; cũng là tác giả bộ sử nỗi tiếng Tư Trị Thông Giám; chép về sự kiện Ngô Quyền đánh quân Nam Hán như sau:
“Tấn Cao Tổ năm Thiên Phúc thứ 3 [938]; tháng 10, tướng cũ của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền mang quân đánh Kiểu Công Tiện tại Giao Châu ; Công Tiện sai sứ hối lộ cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Hán muốn thừa lúc loạn đánh lấy, bèn cho con là Vạn vương Hoằng Thao làm Tĩnh hải quân tiết độ sứ, được tiến phong Giao vương, mang quân cứu Công Tiện; vua Hán đích thân đóng tại cửa biển để làm thế thanh viện. Vua Hán hỏi Sùng văn sứ Tiêu Ích về sách lược, Ích tâu :
“Nay trời mưa lâm râm suốt tuần, đường biển xa xôi hiểm trở, Ngô Quyền lại là tay kiệt hiệt, nên không thể khinh địch. Đại quân cần từ từ thận trọng, dùng nhiều hướng đạo dân địa phương, mới nên tiến”.
Vua không nghe, ra lệnh Hoằng Thao điều chiến thuyền theo sông Bạch Đằng tiến vào Giao Châu. Lúc này Quyền đã giết Công Tiện, chiếm toàn Giao Châu, rồi mang quân đánh ngược lại. Trước hết tại cửa biển cho chôn cọc vót nhọn có bọc sắt; lại sai khinh binh khiêu chiến rồi giả thua rút. Hoàng Thao xua quân đuổi; chẳng bao lâu thuỷ triều xuống, tàu vướng cọc sắt không rút lui được, quân Hán thua to, quan quân bị lật tàu chết trôi quá nửa. Hoằng Thao chết, vua Hán gào khóc, thu tàn quân trở về. Trước đó, Tả lang hầu Dung khuyên vua Hán bớt việc binh để yên dân, nay do dùng binh không phấn chấn, bèn qui lỗi cho Dung, sai phá quan tài phơi thây.” Tư Trị, quyển 281
(楊延藝故將吳權自愛州舉兵攻皎公羨於交州,公羨遣使以賂求救於漢。漢主欲乘其亂而取之,以其子萬王弘操為靜海節度使,徙封交王,將兵救公 羨,漢主自將屯於海門,為之聲援。漢主問策於崇文使蕭益,益曰:「今霖雨積旬,海道險遠,吳權桀黠,未可輕也。大軍當持重,多用鄉導,然後可進。」不聽。命弘操帥戰艦自白籐江趣交州。權已殺公羨,據交州,引兵逆戰,先於海口多植大□ (*) 弋,銳其首,冒之以鐵,遣輕舟乘潮挑戰而偽 遁,弘操逐之,須臾潮落,漢艦皆礙鐵杙不得返,漢兵大敗,士卒覆溺者太半;弘操死,漢主慟哭,收餘眾而還。先是,著作佐郎侯融勸漢主弭兵息民,至是以兵不振,追咎融,剖棺暴其屍.)
– Nguyên Sử lại một lần nữa chép sự kiện quân Trung Quốc đại bại trên sông Bạch Đằng. Bấy giờ vào giai đoạn quân Nguyên sang xâm lăng nước ta lần thứ 3, trên đà thất bại. Vào tháng 2 năm Chí Nguyên thứ 25 [4/3-1/4/1288], các tướng Nguyên bàn với chủ tướng Trấn nam vương Thoát Hoan rằng:
“Giao Chỉ không có thành trì có thể giữ, không có kho lương đủ ăn; thuyền lương của Trương Văn Hổ không đến, trời lại nóng; sợ lương hết, quân mệt, không thể cầm cự lâu, làm thẹn mặt triều đình; vậy nên bảo toàn quân rút về.’
Trấn nam vương chấp thuận, mệnh Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp cho thuỷ quân về trước; Trình Bằng Phi, Tháp Xuất mang quân hộ tống” Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.
(諸將因言:「交趾無城池可守、倉庾可食,張文虎等糧船 不至,且天時已熱,恐糧盡師老,無以支久,為朝廷羞,宜全師而還。」鎮南王從之。命烏馬兒、樊楫將水兵先還,程鵬飛、塔出將兵護送之).
Chấp hành lệnh của Trấn Nam Vương, bọn Phàn Tiếp, Ô Mã Nhi mang thủy quân trở về; vào đầu tháng 3 đến sông Bạch Đằng. Hậu quả cũng giống như quân Nam Hán trước kia, bị phục kích tại sông đã được bày bố sẵn cọc nhọn; khiến toàn bộ đạo quân bị tiêu diệt, Ô Mã Nhi bị bắt, Phàn Tiếp bị giết chết:
“Tháng 2, trời nóng, lương thực hết; do đó Vương [Thoát Hoan] ra lệnh mang quân trở về. Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi mang quân trở về; bị giặc chặn tại sông Bạch Đằng. Gặp lúc thuỷ triều rút, thuyền của Tiếp bị kẹt; thuyền giặc đến đông, tên bắn như mưa, từ giờ Mão [5-7 giờ sáng] đến Dậu [15-17 giờ]. Tiếp bị thương, rơi xuống nước; giặc dùng câu liêm kéo lên giết chết. Vào năm Chí Thuận thứ nhất [1330] được truy tặng Suy trung tuyên lực hiệu tiết công thần, Tư đức đại phu, Giang Chiết Hành tỉnh hữu thừa, Thượng đẳng công thần, thuỵ Trung Định” Nguyên Sử, quyển 166, Liệt Truyện: Phàn Tiếp
(二月,天暑,食且盡,於是王命班師。楫與烏馬兒將舟師還,為賊邀遮白藤江。潮下,楫舟膠,賊舟大集,矢下如雨,力戰,自卯至酉,楫被創,投水中,賊鉤執 毒殺之。至順元年,贈推忠宣力效節功臣、資德大夫、江浙行省右丞、上黨郡公,諡忠定)
Chiến thắng Bạch Đằng lại được khẳng định một lần nữa với kỷ thuật hiện đại bằng cách “định tuổi gỗ bằng carbon phóng xạ và máy định vị GPS”; sự kiện được nêu lên qua bài viết nhan đề “Bạch Đằng: một chiến trường hiển lộ dần.” của nhà nghiên cứu Lauren Hilgers đăng trên Archeology vào 3/tháng 4/2016 do Trần Ngọc Cư dịch (1). Nội dung cho biết vào thập niên 1950 các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện hệ thống phòng thủ trên sông trong một ruộng lúa gần sông Bạch Đằng chạy ra biển; gồm những cụm gỗ dày đặc, chôn dưới bùn, mũi chỉa lên theo các góc khác nhau.
Kimura hiện làm việc tại đại học Tokai, Tokyo, nhận xét “Các nhà nghiên cứu của Việt Nam trước đó không thể giải thích rõ ràng các cọc gỗ đã được phân bố trên trận địa như thế nào.Trong những năm 1950 người ta chưa sử dụng được cách định tuổi gỗ bằng carbon phóng xạ và máy định vị GPS.” Trong các năm 2010,2011,2013; ông Kimura cùng Học giả Staniforth trở lại Việt Nam, khai quật ao cá gần sông Bạch Đằng, họ phát hiện được tổng cộng 55 cọc gỗ, cùng với các mảnh đồ gốm và gỗ. Điều quan trọng là các cọc gỗ được giám định có độ tuổi từ 700 năm trở về trước; gần như chắc chắn có liên quan đến cuộc xâm lăng của quân Mông cổ vào năm 1288.
***
Công việc không dừng tại đây, chúng ta hãy kiên nhẫn tiếp tục phối kiểm với nguồn tư liệu quốc tế, xác minh các sử liệu xưa. Càng xác minh, càng củng cố thêm niềm tin về lịch sử, tin tưởng vào tiền đồ tổ quốc.
Chú thích:
1.Trần Ngọc Cư, Bauxite Viet Nam, ngày 27/3/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.