Không bỏ lại ai phía sau?
Thật ư, vậy tại sao người lao động lại khổ đến mức này? Đánh giá một đất nước phát triển thế nào, hãy nhìn một cách toàn diện: Về kinh tế hãy nhìn vào mức sống của những người lao động, về môi trường hãy đo không khí, nguồn nước, thực phẩm có sạch không, về bộ máy cầm quyền thì nhìn vào mức độ tham nhũng, sự minh bạch về tài chính đến đâu, quan chức có lý tưởng phục vụ đất nước thực sự hay không, hay chỉ làm quan để kiếm lợi? Về tư tưởng hãy nhìn vào chỉ số quyền con người, nền giáo dục có khai phóng con người không, có cho học sinh một khát vọng tự do, thực sự là người chủ tương lai của đất nước trong tương lai hay không.
Một cách khác là nhìn vào những đóng góp của quốc gia ấy vào nền văn minh của nhân loại về khoa học, văn hoá, những bằng phát minh, những tác phẩm nghệ thuật, những danh nhân về các lĩnh vực mà quốc tế công nhận.
Khi nhìn vào bức tranh rộng lớn, người ta sẽ cảm thấy mình nhỏ bé và sẽ nỗ lực học hỏi để vươn lên, sẽ tránh được sự kiêu ngạo vớ vẩn.
Không ở đâu mà doanh nghiệp khốn khổ, người lao động bị đói như ở Việt Nam. Các bạn tôi ở nước ngoài là chủ doanh nghiệp đều được chính phủ hỗ trợ rất lớn, hỗ trợ để họ không sa thải nhân viên, để đảm bảo ổn định xã hội. Con gái tôi sang Việt Nam sống, thỉnh thoảng thư của chính phủ Mỹ gửi về nhà tôi, thông báo là chính phủ hỗ trợ khoản tiền vì dịch. Không phải làm đơn, không phải xin xỏ. Đã là chính sách chung là được hưởng.
Khi mọi thứ đang suôn sẻ, các doanh nghiệp nộp thuế, vậy khi khó khăn, chính phủ phải lôi một phần số tiền ấy ra để nâng vực doanh nghiệp, để họ không chết, có như vậy thì họ mới tiếp tục đóng góp vào ngân sách khi mọi việc bình ổn trở lại được.
Người lao động cũng vậy thôi. Dù họ là lao động tự do hay làm cho các doanh nghiệp thì họ vẫn đóng góp sức lao động vào nền kinh tế, đã là một quốc gia có chính quyền thì phải lo được cho họ, không nhiều thì ít, nhưng nhất định không được để họ đói. Mà khi họ đói, đã không lo cho họ được thì phải để họ tự do tìm nơi nào có thể sống tiếp được. Không chính quyền được gọi là văn minh nào lại có quyền ngăn cản quyền mưu cầu sống của người lao động.
Vào những năm 80, 90 thì ai đấy sẽ lấy lý do là đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh nên khó khăn, giờ thì không thể dùng lý do ấy nữa rồi. Tôi nghe nói có những nơi hỗ trợ người lao động đến lần thứ ba, vậy tại sao có người vẫn chưa được nhận?
Nói là ngân sách khó khăn, vậy tại sao cứ phê duyệt những thứ viển vông như tượng đài vào cổng chào đáng giá trăm, nghìn tỉ đồng? Tượng đài có ý nghĩa lớn nhất chính là tượng đài trong lòng dân. Hãy hỏi những người dân đi bộ, đi xe đạp, xe máy mấy trăm, mấy nghìn cây số để về quê, là tượng đài nào đang toả sáng trong lòng họ?
Hãy nhìn vào sự thật và đưa ra những chính sách có giá trị thiết thực với người lao động. Họ mới đúng là bộ mặt thật của một đất nước, không phải tượng đài, không phải cổng chào. Tượng đài và cổng chào là những thứ xa xỉ, nó có ý nghĩa đánh dấu những thành tựu đáng tự hào, nhưng khi người lao động có thể khốn khổ đến mức như vậy thì chẳng có gì đáng tự hào mà thực ra là đáng buồn, đáng xấu hổ.
Cứ lấy hình ảnh các biệt phủ, các biệt thự của quan chức ra đặt cạnh những hình ảnh của người lao động, thì sẽ thấy rằng họ bị bỏ rơi từ lâu rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.