Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Vụ cờ đỏ trong sân vận động, may là chưa xuất hiện cờ búa liềm!

 

Vụ cờ đỏ trong sân vận động, may là chưa xuất hiện cờ búa liềm!

Jackhammer Nguyễn

3-7-2021

Cờ đỏ sao vàng, đại diện cho nước Việt Nam cộng sản, xuất hiện trên sân vận động ở Thụy Sĩ trong một trận bóng của giải châu Âu UEFA.

Có hai phản ứng trái ngược nhau. Báo chí trong nước và mạng xã hội ủng hộ Đảng Cộng sản thì “ôi tự hào quá Việt Nam ơi”, theo kiểu văn phong tuyên truyền ve vuốt kiểu cải lương dân tộc chủ nghĩa từ trước đến nay.

Mạng xã hội chống Đảng Cộng sản thì… “thật là vô duyên”, vì Việt Nam có thi đấu ở đó đâu mà mang cờ đỏ vào sân ăn ké?!

Theo nhận xét của ông Lâm Bình Duy Nhiênđang sống ở Thụy Sĩ, thì có vẻ như những người mang cờ đỏ sao vàng vào sân vận động là những nhân viên sứ quán của Hà Nội.

Chuyện cờ quạt ở sân vận động, chuyện cổ động viên của một quốc gia không thi đấu mang cờ của họ… được phép hay không, hay là có xảy ra từ trước đến nay hay không, đã được nhiều người phân tích.

Riêng tôi thấy ở đây có hai chuyện, thứ nhất là Hà Nội thành công trong việc bảo cho công dân dưới quyền cai trị của họ yêu lá cờ của họ. Thứ hai, tôi cảm thấy khá hơn trước vì không có lá cờ búa liềm của Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung Quốc, hiện vẫn còn sống, và của phong trào cộng sản quốc tế nay đã chết.

Những người trẻ tuổi ở Việt Nam rất đông, phải đến hàng chục triệu người sinh sau ngày 30/4/1975, ngày Sài Gòn sụp đổ và chiến tranh Việt Nam kết thúc. Những người này được (bị) chế độ cộng sản tuyên truyền và nhồi sọ, họ không biết một lá cờ nào khác ngoài lá cờ đỏ sao vàng. Với lòng tự tôn dân tộc, rất bình thường như bất cứ con người nào trên trái đất này, họ thấy rằng cờ đỏ sao vàng là đại diện cho họ bên ngoài Việt Nam.

Nói chi đến những người trẻ tuổi sinh ra và lớn lên bên trong Việt Nam, có không ít trẻ em sinh ra và lớn lên tại hải ngoại, trong một không gian và văn hóa phi cộng sản, khi tìm hiểu về một hình ảnh đại diện cho dòng máu Việt của họ, họ cũng nghĩ rằng đó là… cờ đỏ sao vàng.

Vì có gì khác trong sách vở tiếng Anh, tiếng Pháp về một xứ có tên là Việt Nam, nơi cội nguồn của họ? Nhất là giới trẻ người Việt ở hải ngoại, khi lớn lên cảm thấy mình có điều khác so với “dòng chính”, họ rơi vào một cuộc khủng hoảng căn cước, cần một cái gì đó về hình ảnh sắc tộc của mình, bên cạnh quốc tịch Mỹ, Pháp của họ.

Bạn có thể hỏi, tại sao họ không lấy lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa ngày trước làm đại diện? Tuy nhiên, nhà nước ấy bị kết thúc khi họ còn chưa ra đời. Họ cũng chẳng sinh hoạt với các “hội đoàn” lấy cờ vàng làm đại diện, vì ngại và không thích lề thói “trưởng thượng”. Chưa kể, vừa rồi lá cờ ấy còn xuất hiện trong cuộc nổi loạn ở quốc hội Mỹ, càng làm cho họ cảm thấy dị ứng với nó.

Và chính cái chỗ trống đó là nơi mà Hà Nội nhảy vào.

Trở lại với những người trẻ tuổi bên trong Việt Nam. Như ông Lâm Bình Duy Nhiên nêu ra, không những cờ đỏ sao vàng, mà còn có cả ảnh Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp được trưng bày trong các khán đài quốc tế, trong các cuộc “bão” như điên trên đường phố Việt Nam mỗi khi đội bóng Việt Nam thắng trận.

Hà Nội đã rất thành công khi dạy cho tuổi trẻ rằng, Hồ Chí Minh là cha già dân tộc, không hề biết tới chuyện ông ta là thủ phạm chính của cuộc thảm sát gọi là cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam trong những năm 1955-1956.

Giới trẻ Việt Nam trong nước biết rằng, họ có mấy triệu đồng bào sống bên ngoài biên giới quốc gia, nhưng tại sao họ có mặt ở đó, thì những người trẻ này không biết, và họ cũng nghĩ cờ đỏ sao vàng là đại diện luôn cho cộng đồng ấy.

Một điều tôi thấy may mắn là không thấy lá cờ búa liềm xuất hiện nhiều nữa. Cách đây hơn 10 năm trong một dịp thi đấu thể thao, tôi chứng kiến lá cờ cộng sản búa liềm xuất hiện với đoàn cổ động viên Việt Nam tại một sân vận động ở Indonesia (nghe nói sau đó họ gặp sự phản đối của người Indonesia vì dư âm của vụ Jakarta 1965, nơi có hàng chục ngàn đảng viên cộng sản người gốc Hoa bị giết chết).

Các bạn nên thấy là Hà Nội đã thành công như thế nào khi biến một biểu tượng (búa liềm) chẳng có liên quan gì đến dân tộc Việt Nam trở thành một hình ảnh… Việt Nam. Thế cho nên tôi nói, vẫn còn may là ở Thụy Sĩ không thấy cờ búa liềm.

Nhưng nghĩ cho cùng, chuyện cờ quạt vàng đỏ rắc rối và bi kịch của người Việt như ông Lâm Bình Duy Nhiên đề cập, cũng có ở người Tàu. Hãy đến San Francisco mà xem, gần ngay trụ sở Quốc Dân Đảng Trung Hoa, treo cờ Thanh thiên bạch nhật phấp phới, ngay gần đó là cờ đỏ năm sao vàng của Trung Hoa lục địa.

Nhưng dù sao, đối với người Đài Loan, người Trung Quốc phi cộng sản, đằng sau lưng họ có một quốc gia De Facto giàu mạnh là Đài Loan. Hãy xem những người gốc Hàn xuất hiện thế nào trong các cuộc biểu tình ở Mỹ, họ mang theo cờ âm dương Hàn Quốc, chứ đâu phải cờ Bắc Triều Tiên. Đằng sau họ là Seoul giàu có với Samsung, Huyndai… Còn đằng sau những người Việt Nam không cộng sản là gì?

Nhưng có một phản đề như thế này, là hãy nghĩ đến chuyện ở người Cuba. Cả hai cộng đồng, trong nước cộng sản và lưu vong không cộng sản ở Miami đều dùng một lá cờ Estrella Solitaria (Ngôi sao cô đơn), điều đó không ngăn cản hai cộng đồng này đôi khi mắng chửi nhau chí tử.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.