Tại sao Chính phủ Việt Nam không phản đối Google Map về thác Bản Giốc?
7-7-2021
Gần đây bộ phim Pine Gap bị cấm chiếu ở VN vì có hình bản đồ lưỡi bò. Làm tôi tự hỏi là tại sao từ nhiều năm nay chính phủ VN đã không cấm đoán hay phản đối Google Maps, đòi họ đính chính bản đồ ở thác Bản Giốc?
Theo những tuyên bố của Chính phủ VN về hiệp định biên giới Việt Trung 1999, thì thác Bản Giốc hiện giờ được chia như sau: phần thác phụ phía Nam hoàn toàn thuộc về VN, thác chính thì chia đôi, biên giới đi qua chính giữa thác chính và sông Quây Sơn. (Ở đây miễn bàn về việc sự phân chia đó có thiệt hại gì cho VN không.)
Tuy nhiên, trên Google Maps (vệ tinh) từ nhiều năm nay đã vẽ biên giới ẹo về phía nam, khiến cho thác chính hoàn toàn thuộc về Trung Quốc, VN chỉ được phần thác phụ (xem hình).
Đây không phải là vì sai số trên bản đồ: sai số thì có thể làm đường biên giới di dịch một chút nhưng vẫn giữ hình dạng, chứ không thể đổi nó từ một đường thẳng thành một đường vòng vèo uốn éo, ngay tại chỗ “nhạy cảm” nhất! Lưu ý là sau khi đi qua khỏi thác, biên giới Google Maps lại trở lại giữa dòng sông Quây Sơn theo thông lệ quốc tế (và tuyên bố của VN).
Không thể bảo rằng nhà nước VN không biết vụ này và chưa bao giờ xem google map vùng này! Vấn đề thác BG quá nóng hổi và họ đã phải trả lời báo chí nhiều lần. Thậm chí, vấn đề này còn được đưa lên báo Tuổi Trẻ từ năm 2010. Từ đó đến nay đã 11 năm! Dân mạng VN cũng đã bàn tán việc này.
Vẫn biết đây không phải là bản đồ chính thức và không có giá trị pháp lý, nhưng chúng ta đều biết rằng Tàu Cộng hay dựa vào những bằng chứng kiểu này để nhồi sọ dân Tàu và khẳng định “bằng chứng lịch sử”, “công nhận quốc tế” về những yêu sách lãnh thổ của họ. Bây giờ thì họ còn cho ta đi thuyền ra sông coi thác, nhưng tương lai 20, 50, 100 năm có chắc vậy không?
Chúng ta đều biết các công ty lớn như Google rất nhạy cảm với ý kiến công chúng và chính phủ. Nếu nhà nước VN viết thư phản đối thì chắc chắn họ sẽ phải sửa đổi. Vậy tại sao VN không chính thức phản đối mà chỉ bác bỏ bằng tiếng Việt trên báo nhà nước? Lẽ nào cả một chính phủ, nhất là bộ Ngoại giao, không có ai đủ quan tâm để viết một lá thư?
Hay là có lý do gì mà chúng ta không biết?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.