Nhầm lẫn hay không trong Hiến pháp 2013?
Ngô Huy Cường
Từ thời La Mã cổ đại cho tới nay, khi phân loại tài sản căn cứ vào việc tư nhân có được sở hữu hay không, người ta chia tài sản (của cải) thành mấy loại chủ yếu sau để xây dựng từng quy chế pháp lý riêng cho từng loại: tài sản chung (mà Luật La Mã cổ đại gọi là “res communis” bao gồm: không khí, nước chảy, biển); và tài sản công (res publicae)…
Bộ luật Dân sự của Tiểu Bang Louisiana (Hoa Kỳ) và nhiều Bộ luật Dân sự của nhiều nước khác hiện hành cũng theo đó mà phân loại tài sản rất rành mạch. (Lưu ý: Ở Hoa Kỳ, riêng Tiểu Bang Louisiana theo truyền thống Civil Law của Châu Âu lục địa).
Khác thế, Điều 53, Hiến pháp 2013 của nước ta tuyên bố: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Tuyên bố này trộn lẫn và không phân loại giữa “tài sản chung” và “tài sản công”.
Về nguyên lý, bất kể ai cũng không có quyền chiếm hữu “tài sản chung” để làm của riêng, kể cả nhà nước. Tuy nhiên người ta có thể “sử dụng” chúng theo những quy tắc đặc biệt được nhà chức trách có thẩm quyền thiết lập. Đây là một giải pháp mà công pháp quốc tế hiện đại học hỏi từ Luật tài sản của người La Mã cổ đại để thiết lập chế độ pháp lý đối với “biển cả” (high sea). “Tài sản công” là tài sản của nhà nước hình thành từ các phương thức khác nhau mà ngày nay chủ yếu có được từ các phương thức tài trợ cho chi tiêu công (thuế, khai thác công sản, vay nợ…).
Tuy nhiên, từ thời La Mã cổ đại cho đến nay, người ta không xem đất đai là “tài sản chung”. Xét về mặt vật lý thông thường có thể thấy, đất đai khác với không khí, nước chảy và biển. Những thửa đất có thể bị chiếm hữu để loại trừ những người khác, nhưng không thể ngăn cản hay loại trừ bất kỳ ai thụ hưởng không khí, nước chảy và nước biển.
Với việc xem đất đai thuộc sở hữu toàn dân tức là xem đất đai không có chủ sở hữu trong khi không thể thiết lập quy chế của vật vô chủ cho nó. Vì vậy nó chính là “tài sản chung”. Có lẽ hiểu phần nào được mâu thuẫn đó, chúng ta mới tuyên bố rằng Nhà nước đại diện chủ sở hữu đối với đất đai. Vậy là đất đai lại mất đi bản chất là “tài sản chung” vì có nhà nước chiếm hữu và định đoạt.
Tuy nhiên ai có quyền ủy quyền cho Nhà nước đại diện chủ sở hữu và phương thức ủy quyền như thế nào cần phải được giải thích rõ.
Việc tuyên bố như Điều 53, Hiến pháp 2013 có mấy hệ lụy sau:
Thứ nhất, làm Bộ luật Dân sự 2015 không biết giải thích thế nào nên chép nguyên văn Điều 53 này vào Bộ luật tại Điều 197 và bỏ hình thức sở hữu nhà nước để nhập vào hình thức sở hữu toàn dân;
Thứ hai, biến Nhà nước thành một pháp nhân hơn là một quốc gia có chủ quyền đối với vùng đất, vùng nước và vùng trời bao trùm trên lãnh thổ (!?).
Tôi đã từng góp ý chính thức bằng các bài viết trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội nhân dịp soạn thảo Hiến pháp 2013 và trong các hội thảo khoa học liên quan. Nhưng những vấn đề này vẫn chưa có câu trả lời rành mạch và đầy đủ vì lợi ích chung của quốc gia dân tộc.
N.H.C.
Nguồn: FB Cuong Huy Ngo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.