Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Một trường hợp văn chương: Sài Gòn chống dịch

 

Một trường hợp văn chương: Sài Gòn chống dịch

Thận Nhiên

19-7-2021

Trên các diễn đàn, báo chí chính thống vừa đăng tải một bài thơ có tựa đề là ‘Sài Gòn Chống Dịch’ của nhà thơ Trương Hòa Bình. Bài thơ làm dấy lên nhiều ý kiến và bình phẩm thú vị trên mạng xã hội Facebook như một hiện tượng.

Không mấy khi một thi phẩm được nhiều diễn đàn lớn như các báo Sài Gòn Giải Phóng, Thanh Niên Online… đăng tải cùng một lúc như thế này. Bạn có thể Google để biết về tác giả, về bài thơ, và những nơi đã đăng nó.

Hẳn là thi phẩm phải có giá trị lớn nên mới tạo được sự quan tâm của báo chí và dư luận như vậy. Đây là lần đầu tiên tôi được đọc tác phẩm của nhà thơ Trương Hòa Bình. Có lẽ, Trương Hòa Bình thường xuyên xuất hiện ở đâu khác, ở những môi trường khác, với vị trí khác, chứ không/chưa/hay ít khi xuất hiện trên văn thi đàn, như một thi sĩ. Điều đó làm tôi chú ý đọc, và cao hứng viết vài lời dưới đây.

Tôi nghĩ, đây là bài thơ mang tính luận đề. Nó đi đúng với chủ trương tuyên truyền về chính sách phòng chống dịch của nhà nước. Nó xứng đáng được điểm 10 trong ý nghĩa và chức năng đó.

Nhưng, một tác phẩm/ thi phẩm mang nội dung tích cực cho xã hội, chuyên chở đúng đắn đường lối, chính sách của nhà nước, thì chưa hẳn là nó có giá trị ở mặt văn học, thậm chí ngược lại: nó có thể là một tai họa cho văn học nếu được phổ biến như một tác phẩm văn học tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử.Nhìn ở khía cạnh khác, khía cạnh ngoài văn học, thì bài thơ này lại có một giá trị đáng kể khác: giá trị lịch sử.

Nó cho thấy khả năng trí tuệ, kiến thức, và thi tài, của tác giả. Là nét cọ quan trọng trong bức chân dung của tác giả. Và nó cũng tiết lộ khả năng cảm nhận văn chương, khả năng trí tuệ, và thậm chí, cả mức độ liêm sỉ, của các diễn đàn đăng tải và ca ngợi nó.Bài thơ này là một thất bại trong ý nghĩa văn học/văn chương. Tôi sẽ phân tích về nhận định thuần về văn học này như dưới đây:

– Bài thơ này có lẽ là thể thơ tự do. Nó có tất cả 83 câu, 628 chữ. Trong đó, có câu 7 chữ, có câu 8 chữ, có câu 9 chữ. Nó là một văn bản được ngắt câu, xuống dòng, và mang nỗ lực vần hóa, có tiết điệu dễ đọc, để biến thành/hóa thành một bài thơ, để chinh phục người đọc như sự chinh phục của một bài thơ. Nhưng ý tưởng, hay định nghĩa, như thế về thơ, là một ý tưởng sai lầm, ấu trĩ, và thất bại.

– Trong bài có những câu đọc lên thì ai cũng biết như “Mimosa từ đâu em đến”, vốn là ca từ của một bài hát. Nhưng loài hoa Mimosa thì không liên quan gì đến virus Corona. Có lẽ cái âm điệu Tây phương làm cho tác giả có cảm giác rằng ông đang đồng hành cùng thế giới chăng, điều đó làm văn bản sang trọng và hiện đại hơn chăng?

– Bài thơ Sài Gòn Chống Dịch có một nội dung chống dịch có vẻ nhất quán nhưng nội dung đó được chứa trong một cấu trúc lộn xộn, những câu, những đoạn mang nội dung khác nhau được nhào nặn, nhồi nhét, tùy tiện cóc nhảy.

– Bài thơ có nỗ lực thơ-mộng-hóa, thi-ca-hóa, diêm-dúa-hóa ngôn từ đầy tính ước lệ, và sáo mòn như:

“Về với cát bụi lá vàng rơi rụng”, “Như cơn sóng gào bão táp phong ba”, “Vượt phong ba vỗ cánh chim bằng”…

– Tác giả miêu tả, ví von, nhân cách hóa con virus Corona như một cô gái đẹp, một cách khiên cưỡng: “Corona em đẹp mỹ miều”, rồi trách móc nàng một cách ngô nghê và hài hước: “Sao em không mang đến cho đời hương sắc”, “Sao em lại ác như loài rắn độc”… Sau khi thất vọng với nàng, để kết thúc bài thơ, tác giả quả quyết lạnh nhạt quay lưng, gọi nàng là “cô” thay vì là “em” như trước, và dịu dàng ca ngợi “em Mimosa” cho bõ ghét:

“Corona cô đừng quay trở lại

Mimosa em đẹp tuyệt vời”.

Đây là một tiến trình tâm lý trẻ con, và khôi hài.

– Quan trọng nhất là ở điều sau đây. Tác giả đã hiểu lầm con số 19 là biểu trưng cho “tuổi 19, hay 19 tuổi” trong đoạn thơ:

“Corona từ đâu em tới

Tên em nghe rất dịu dàng

Hỡi cô em tròn mười chín tuổi

Vương miện trên đầu lấp lánh hào quang”.

Thật ra không phải vậy. Con số 19 trong COVID-19 là biểu trưng cho năm 2019. Có nhiều loại coronaviruses, nhưng trong năm 2019, thì con SARS-V2 là dạng virus mới mà người ta chưa từng biết đến, nên gọi nó là “Novel Coronavirus” (novel là new – mới). Rồi, khi hiểu về nó hơn, người ta đặt tên cho bệnh dịch là COVID-19 theo thứ tự các yếu tố như sau:

CO = Corona

VI = Virus

D = Disease

19 = 2019

Vì thế, virus Corona không phải/ không thể là “cô em tròn mười chín tuổi”. Đây là một sai lầm nghiêm trọng về kiến thức, cho dù Trương Hòa Bình – một người đang quan tâm về việc chống dịch COVID-19 – đã viết trong bài thơ “Corona ơi ta hiểu em rồi đó”, nhưng tôi ngờ rằng không phải vậy. Trương Hòa Bình dư thời gian để làm thơ đăng báo, như một thi sĩ nhàn rỗi, nhưng lại thủ đắc những kiến thức chuệch choạc, và e rằng ông không hiểu mấy về vấn đề này.

***

SÀI GÒN CHỐNG DỊCH

Sáng hôm nay Sài Gòn đường trống vắng

Không có còi xe huyên náo đông người

Ngày chín tháng bảy một ngày đau nhói

Trái tim người Sài Gòn đang tổn thương

Mimosa từ đâu em tới

Mang đến cho đời hạnh phúc yêu thương

Corona từ đâu em tới

Tên em nghe rất dịu dàng

Hỡi cô em tròn mười chín tuổi

Vương miện trên đầu lấp lánh hào quang

Sao em không mang đến cho đời hương sắc

Tình yêu đương lãng mạn thăng hoa

Như cơn sóng gào bão táp phong ba

Em mang đến nỗi kinh hoàng toàn thế giới

Sự bình yên giờ quá mong manh

Nhân loại trầm mình trong đau thương tang tóc

Hơn hai năm rồi hàng triệu sinh linh

Về với cát bụi lá vàng rơi rụng

Việt Nam ơi niềm tự hào trân quý

Đất nước ta đã ba lần thắng dịch

Trí tuệ thông minh ý chí kiên cường

Tình đoàn kết ba miền đất nước

Người dân ta thương lắm đồng bào ơi

Nên sức mạnh đẩy thuyền lướt sóng

Vượt phong ba vỗ cánh chim bằng

Sài Gòn trong hai năm đại dịch

Vẫn vững vàng gan góc vượt qua

Cùng cả nước và vì cả nước

Đã ba lần thoát khỏi can qua

Nay đại dịch bất ngờ quay trở lại

Tổ quốc ơi trái tim người đau nhói

Cả nước lại phải gồng mình chống chịu

Bao lo toan vất vả gian nan

Phải nhanh chóng dập tan dịch bệnh

Cho dân ta trở lại cuộc sống yên lành

Sài Gòn giờ đang là tâm dịch

Những ngày qua con số tăng dần

Đỉnh dịch còn đang phía trước

Cả nhân loại oằn mình không chỉ riêng ta

Corona ơi ta hiểu em rồi đó

Em lả lơi ẩn hiện giấu mình

Những biến thể làm đau thế giới

Làm thế nào ta bắt được em?

Cả nước đang nhìn về thành phố

Mười lăm ngày căng mình chống chịu

Trải can trường đánh giặc ngày xưa

Muốn thắng địch phải hiểu địch hiểu ta

Chỗ ta yếu chính là do chưa hiểu địch

Sức mạnh ta nhờ đoàn kết toàn dân

Nhưng chiến lược phải thông minh sáng tạo

Hiểu địch rồi ta sẽ thắng được nhanh

Corona em đẹp mỹ miều

Sao em lại ác như loài rắn độc

Ta hiểu em rồi sẽ bắt được em

Vẫn phải giãn cách cách ly 5K phòng thủ

Chiến lược hàng đầu là phải vaccine

Phải chạy đua với thời gian

Tăng sức lực cho toàn dân kháng dịch

Ta lại phải thông minh tỏ tường bản chất

Truy vết nhanh xét nghiệm tìm F0

Để khoanh vùng dập dịch thật nhanh

Người F0 phần nhiều không triệu chứng

Ca mắc rồi phần lớn sẽ bình yên

Chỉ một ít trở nên bệnh nặng

Chữa trị rồi phần lớn cũng vượt qua

F1 chỉ rất ít có thể là ca mắc

Biết tự giữ mình tâm thể sẽ bình yên

F2 F3 không phải là ca mắc

Biết sống giữ gìn hoảng loạn làm chi

Vậy ta nghĩ gì về giải pháp cách ly

Cả xã hội cùng chung tay góp sức

Các phương thức đủ an yên toàn diện

Chiến lược bổ sung phải đủ thông minh

Không để tổn hao vật chất tinh thần

Không đứt gãy mạch nguồn sản xuất

Hàng hóa lưu thông cuộc sống an sinh

Thành phố ơi hãy gồng mình chống chịu

Những con người nghĩa khí can trường

Cơn phong ba rồi sẽ qua đi

Cho tương lai ngày mai trời lại sáng

Người dân ta lại nở nụ cười

Corona cô đừng quay trở lại

Mimosa em đẹp tuyệt vời

(TRƯƠNG HÒA BÌNH)

*Bản trên đây được chép lại từ Sài Gòn Giải Phóng online số Chủ nhật 18/07/2021. Bản này có một vài chi tiết khác với bản được đăng trên Thanh Niên Online trong hình chụp đính kèm theo bài.

Ảnh: Báo Thanh Niên

Cụ thể là ở hai câu cuối, một là câu năn nỉ, mắng yêu:

“Corona cô đừng quay trở lại

Mimosa em đẹp tuyệt vời”.

Và một là câu rủa, đuổi:

“Corona cút đi đồ ma quỷ

Mimosa em lại đẹp tuyệt vời”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.