Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 57)
Hồ Bạch Thảo
30-6-2021
Tiếp theo phần 1-56
57. Trần Thuận Tông (2)
Niên hiệu: Quang Thái [1388-1398]
Tháng 2, năm Quang Thái thứ 8 [20/2 đến 20/3/1395] (Minh Hồng Vũ thứ 28), Lê Quý Ly sai giết tôn thất là Nguyên Uyên, Nguyên Dận và nhân sĩ Nguyễn Phù. Quý Ly biết được Nguyên Uyên và Nguyên Dận, đương khi để tang Nghệ Tông, thường cùng với Nguyên Phù bàn tán đề cao việc Trần Nhật Chương lập mưu giết Quý Ly vào tháng 2 năm Quang Thái thứ thứ 5 [23/2 đến 23/3/1392]; nên tước họ tôn thất của Uyên và Dận đổi là họ Mai, rồi đem giết.
Bổ dụng Quý Ly giữ chức Nhập nội phụ chính thái sư bình chương quân quốc trọng sự, Tuyên trung vệ quốc đại vương. Cho Quý Ly đeo phù hiệu chạm hình con lân màu vàng gọi là “Kim Lân”, lại được ở tại phía hữu sảnh và đài, đặt tên chỗ ở là “Hoạch Lư“. Nhân đấy, Quý Ly biên dịch thiên “Vô Dật” trong Kinh Thư ra chữ Nôm để dạy quan gia [vua]. Mệnh lệnh ban ra thì xưng là Phụ chính cai giáo hoàng đế [Giúp giữ chính quyền trong nước kiêm cả việc dạy vua].
Lúc này Sứ thần nhà Minh là Nhâm Hanh Thái sang nước ta, xin giúp lương thực và quân binh, dùng để đánh bộ tộc thiểu số tại Long Châu, tỉnh Quảng Tây:
“Nhà Minh đem quân đánh người Mán bội bạn ở Long châu, sai Nhâm Hanh Thái sang nước ta xin giúp cho 5 vạn người, 50 thớt voi, và 50 vạn thạch lương thực để tiếp tế cho quân. Thâm tâm nhà Minh muốn giả thác việc này để chộp bắt người nước ta. Lúc Hanh Thái đến, đem thâm tâm ấy nói kín cho triều đình biết. Vì thế nước ta không giúp cho lính và voi, chỉ sai quan đưa số gạo, lương đến Đồng Đăng[huyện Cao Lộc, Lạng Sơn], giao nhận xong rồi trở về. Số gạo ấy cũng không được bao nhiêu”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Minh Thực Lục xác nhận việc nạp lương, nhưng chỉ nạp 2 vạn thạch [0.08 tấn x 20.000 = 1.600 tấn] tức 1.600 tấn mà thôi; nhưng trước khi nạp lương, triều Minh chấp nhận hòa hoãn, cho phái đoàn nước ta tiếp tục sang cống; diễn tiến sự việc được trình bày qua những văn bản sau đây:
“Ngày 21 tháng 5 năm Hồng Vũ thứ 28[8/6/1395]. Nước An Nam sai quan Thái trung đại phu Lê Tông Triệt, Triều nghi đại phu Bùi Khinh dâng biểu và cống voi. Ban cho Tông Triệt, Khinh khăn đội đầu và dây đai; cho đám tùy tùng tiền giấy, có phân biệt”. (Minh Thực lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 179)
“Ngày 7 tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 28 [22/8/1395]; Sai Lễ bộ Thượng thư Nhậm Hanh Thái, Thái giám Ngự sử Nghiêm Chấn Trực đi sứ An Nam bảo cho biết về lý do đánh dẹp Triệu Tông Thọ tại Long Châu (1). Thiên tử bảo bọn Hanh Thái rằng:
‘Long Châu tiếp giáp với An Nam, nay đại quân đến sát biên giới, bọn họ sẽ nghi ngờ. Nên báo cho biết rằng tội Triệu Tông Thọ không thể tha được, An Nam nên cẩn thận phòng thủ biên giới, chớ âm mưu mở cửa dung nạp bọn giặc, nếu làm được như vậy thì rất may cho dân chúng nơi biên thùy’.
Bọn Hanh Thái đến An Nam, Trần Nhật Côn[vua Trần Thuận Tông] nghe lệnh triều đình rất sợ hãi, bèn đưa thư cho Hanh Thái, như sau:
‘Triều đình dùng chính sách nhu viễn với các nước xa, thương xót man di, răn dạy kẻ làm điều sai trái; tựa như đức hiếu sinh của trời đất cha mẹ. Còn hạ quốc là nước thiển lậu, với lòng thành sợ trời thờ bề trên, xin Các hạ rộng lượng xét cho’.
Bọn Hanh Thái cũng nói thêm ý nghĩa việc triều đình dụng binh, để an ủi”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 180)
“Ngày 13 tháng 10 năm Hồng Vũ thứ 28 [25/11/1395], Trước đây dùng binh đánh Triệu Tông Thọ tại Long Châu. Vì An Nam tiếp giáp với Long Châu, nên đã sai cựu Thượng thư bộ Hình Dương Tĩnh đến hiểu dụ An Nam nạp 8 vạn thạch lương, mang đến Long Châu để trợ giúp quân. Đến nay Tĩnh tâu rằng thần tới An Nam ra chỉ dụ, Quốc tướng nước này là bọn Lê Nhất Nguyên [Hồ Quý Ly] đều nói:
‘Nước chúng tôi đất hẹp dân ít, thuế ruộng chỉ đủ tự cấp, xin nguyện nạp gạo 1 vạn thạch, số còn lại xin nạp thay bằng 1000 lượng vàng, 2 vạn lượng bạc. Lại nói năm trước nạp gạo tại Lâm An; Lâm An có thể tới được bằng thuyền, nhưng chuyển vận 5000 thạch gạo cũng không dễ dàng! Nay đường bộ tới Long Châu gian hiểm, xin chở đến động Bằng Tường”.
Thần dụ rằng: “Nay đưa nạp 2 vạn thạch gạo, chở đến sông Đà Hải. Tiếp đến hành trình từ sông Đà Hải đến Long Châu chỉ mất nửa ngày. Lại hỏi thăm từ thôn Đà Hải tới địa giới Long Châu, sông rộng đến 40 trượng, thuyền bè có thể đến được; riêng Khâu Ôn hai bên bờ địa thế hiểm trở, không thể trữ lương tại đó; đã ra lệnh làm cầu nổi tại Long Châu để vận chuyển”.
Vương nước này tuổi nhỏ, nói không rành; mọi việc đều nằm trong tay viên Quốc tướng Lê Nhất Nguyên và con là Lê Trừng, chúng đưa ra hàng trăm điều xảo trá. Lại nghe tin rằng Triệu Tông Thọ được mang ơn tha thứ; hình như Tông Thọ chịu tội được tha, nên đại quân đã di chuyển sang chinh phạt Hướng Vũ [Bách Sắc thị, Quảng Tây] và các Man khác. Thiên tử sai Hành nhân đến dụ Tĩnh rằng hãy ra lệnh vận chuyển 2 vạn thạch lương tới Hướng Vũ; số vàng bạc xin nạp thay cho trả lại”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 181).
Tháng Giêng, năm Quang Thái thứ 9 [10/2 đến 9/3/1396] (Minh Hồng Vũ thứ 29), sa thải một số tăng đạo, những sư chưa đến 50 tuổi đều phải hoàn tục. Lại thi người nào thông hiểu đạo Phật, trao cho chức Tăng đường, Đầu mục, Tri cung, Tri quán, và Tri tự, ngoài ra gọi là Tu nhân, hoặc Thị giả.
Tháng 4, bắt đầu ban hành tiền giấy “Thông bảo hội sao“.
“Thiếu bảo Vương Nhữ Chu đề nghị đổi lại chế độ. Quý Ly nghe theo, mới định chế độ tiền giấy như sau: loại 10 đồng vẽ rau rong; loại 30 đồng vẽ thủy ba; loại một tiền [60 đồng] vẽ đám mây, loại hai tiền vẽ con rùa; loại ba tiền vẽ con lân; loại 5 tiền vẽ con phượng; loại một quan [600 đồng] vẽ con rồng. Người nào làm giả phải tội tử hình, tịch thu điền sản sung công. Khi tiền giấy đã in xong, hạ lệnh cho dân được đem tiền đồng đổi lấy tiền giấy: Cứ một quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy một quan hai tiền. Cấm chỉ dân gian không được dùng tiền đồng, bao nhiêu tiền đồng đều nộp vào quan, nếu như người nào tàng trữ riêng hoặc tiêu dùng riêng cũng phải tội như người làm giả tiền giấy”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Cho định lại thể lệ thi cử. Hồi đầu đời Trần thi học trò, thể văn không được nhất định, đến nay mới định ra thể văn bốn kỳ thi, Kỳ đệ nhất: thi một bài kinh nghĩa, có đoạn phá đề, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên đề, đại giảng, chước kết, bài làm hạn trên năm trăm chữ. Kỳ đệ nhị: thi một bài thơ và một bài phú. Thể thơ dùng luật Đường; phú dùng Cổ thể, hoặc thể Ly Tao, thể Văn tuyển, riêng bài phú cũng hạn trên năm trăm chữ. Kỳ đệ tam: thi chiếu, chế và biểu mỗi thể một bài, bài chiếu dùng văn thể đời Hán, bài chế và bài biểu dùng văn thể tứ lục đời Đường. Kỳ đệ tứ: thi một bài văn sách, quan trường dùng điển tích ở sách kinh, sách sử và thời sự để ra đầu bài, hạn trên một ngàn chữ. Bỏ lối ám tả cổ văn, năm trước thi Hương, năm sau thi Hội; người nào trúng tuyển thì thi một bài văn sách để định thứ tự đỗ cao, đỗ thấp.
Tháng 6, quy định thể lệ mũ và áo: “Về áo mặc: viên quan nhất phẩm mặc áo màu tía, nhị phẩm màu đại hồng, tam phẩm màu hồng điều, tứ phẩm màu lục, ngũ phẩm và thất phẩm màu biếc, bát và cửu phẩm màu xanh. Người không có phẩm cấp và hạng hoành nô [tôi tớ] đều dùng màu trắng. Về khăn hoặc mũ: hàng quan văn từ lục phẩm trở lên đội khăn Cao Sơn, hàng quan võ từ lục phẩm trở lên khăn Chiết Xung; họ tôn thất đội khăn Phương Thắng màu đen, người nào chức cao mà không có tước đội khăn Giác Đính; viên quan thất phẩm đội khăn Thái Cổ, tùng thất phẩm đội khăn Toàn Hoa, vương hầu đội khăn Viễn Du, ngự sử đài đội khăn Khước Phi. Thể lệ mũ áo này là theo lời kiến nghị của Thiếu bảo Vương Nhữ Chu”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Nhân năm trước Nhậm Hanh Thái sang nước ta, xin giúp lương thực và quân binh, dùng để đánh bộ tộc thiểu số tại Long Châu; lúc trở về bị tố cáo mua người An Nam về làm tôi tớ, nên bị giảng chức:
“Ngày 6 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 29 [15/3/1396], viên Thượng thư bộ Lễ Nhậm Hanh Thái đi sứ An Nam trở về bị giáng xuống Giám sát Ngự sử. Hanh Thái tại An Nam mua riêng người Man làm tôi tớ, nên bị giáng”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 182)
Tiếp đến phái đoàn An Nam do Thông phụng Đại phu Đào Toàn Kim, và Thiếu trung Đại phu Nguyễn Ứng Long tức Nguyễn Phi Khanh, cha danh thần Nguyễn Trãi, sang nhà Minh triều cống:
“Ngày 10 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 29 [19/3/1396], Trần Nhật Côn nước An Nam sai bọn bầy tôi Thông phụng Đại phu Đào Toàn Kim, Thiếu trung Đại phu Nguyễn Ứng Long dâng biểu, cống phương vật. Ban cho tiền giấy có sai biệt”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 183)
Sứ giả báo tin Thượng hoàng Trần Nghệ Tông mất, triều Minh hài tội Thượng hoàng, nên không chịu đưa Sứ giả sang phụng điếu:
“Ngày 29 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 29[23/3/1396], nhân vua cũ là Trần Thúc Minh [Trần Nghệ Tông] mất, An Nam sai sứ sang báo tin buồn. Thiên tử cho rằng Thúc Minh giết vua đoạt lấy nước (2) nên dụ bộ Lễ rằng:
‘An Nam Trần Thúc Minh đuổi vua cũ Trần Nhật Kiên [Dương Nhật Lễ] khiến y phải chết bất đắc kỳ tử (3) rồi giành ngôi; mà lại dấu không đem việc này tâu lên triều đình. Thúc Minh ôm lòng gian trá, tàn ác giết vua để mưu đồ phú quí, bất nghĩa như vậy làm sao bỏ qua được. Nay Thúc Minh chết, nếu sai sứ phúng điếu, làm như vậy là an ủi bọn loạn thần tặc tử. Ngày sau các nước man di bốn phương nghe được việc này, há lại không điên dại bắt chước, đó không phải là đường lối đúng để phủ trị các nước man di cõi ngoài. Bộ Lễ hãy nói cho nước này hay biết”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 183)
Lại nhân lời tố cáo của viên Tri phủ Tư Minh, Minh Thái Tổ sai hai Sứ giả Trần Thành, Lữ Nhượng sang nước ta đòi đất tại biên giới: “Ngày 1 tháng 12 năm Hồng Vũ thứ 29 [31/12/1396], sai Hành nhân Trần Thành, Lữ Nhượng đi sứ An Nam. Trước đây Tri phủ Tư Minh, viên Thổ quan Hoàng Quảng Thành tâu rằng:
“Bản phủ có từ xưa, đến đời nhà Nguyên lập ra châu Tư Minh, sau đổi là Tư Minh Lộ Quân Dân Tổng Quản Phủ; địa hạt gồm các châu, huyện, động, trại, dọc sông Tả Giang (4); phía đông giáp châu Thượng Tư, phía nam đến Đồng Trụ. Khi quân Nguyên đánh Giao Chỉ, lập trại Vĩnh Bình Quân Dân Vạn Hộ Phủ cách Đồng Trụ (5) 100 dặm [.5 kmx100=50km], đặt quân phòng thủ và lệnh dân Giao [người Việt]cung cấp lương thực. Cuối đời Nguyên loạn lạc, người Giao mang binh đánh phá trại Vĩnh Bình, vượt đồng trụ 200 dặm, xâm đoạt đất Tư Minh gồm 5 huyện: Khâu ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát (6), rồi bắt dân qui phụ. Từ đó thuế má trong 5 huyện đều do thổ quan địa phương trưng thâu. Các bậc tiền nhiệm trông coi bản phủ không đưa việc này trình lên triều đình, nên để người Giao áp bức mỗi ngày một nặng. Đến khi tố cáo lên Nhiệm Thượng thư bộ Lễ, cho lập trạm tại Đồng Đăng. Đồng Đăng là đất thuộc phủ Tư Minh, mà người Giao lại xưng chổ này là Đồng Trụ giáp giới! Thần đã từng tâu lên đầy đủ, lại được triều đình sai Thượng thư bộ Hình Dương Tĩnh khám xét sự thực, huống nay còn có thể khảo vào sách Kiến Vũ Chí (7), để xin ra lệnh An Nam hoàn lại 5 huyện, dừng tại địa giới đồng trụ, ngõ hầu cương vực trở nên chính xác, thuế má không thiếu”.
Thiên tử lệnh bộ Hộ ghi đầy đủ lời tâu, sai bọn Thành đến An Nam dụ trả đất lại”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 183)
Tháng giêng, năm Quang Thái thứ 10 [29/1-27/2/1397] (Minh Hồng Vũ thứ 30), Lê Quý Ly sai Thượng thư bộ Lại Đỗ Tỉnh đi Thanh Hoá dựng kinh đô mới tại Yên Tôn huyện Vĩnh Lộc Thanh Hóa gọi là Tây Đô, thành xấp xỉ hình vuông, mỗi chiều khoảng 870 mét:
“Trước đây, Quý Ly kiến nghị muốn dời kinh đô đến Yên Tôn, Hành khiển Phạm Cự Luận can ngăn. Quý Ly nói: ‘Chí ta đã quyết định từ trước, nhà ngươi còn nói làm gì nữa?’. Đến nay, Quý Ly sai Đỗ Tỉnh đến Yên Tôn (8) xem xét đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tôn miếu, đàn thờ thần, mở phố xá, đường ngõ, có ý muốn dời kinh đô đến đấy. Viên Xu mật chủ sự thị sử là Nguyễn Nhữ Thuyết lại dâng thư can, đại lược nói: ‘Ngày trước nhà Chu, nhà Ngụy thiên đô, sau đều không sao ngóc lên được. Nay đất Long Đỗ (9), có núi Tản Viên, có sông Nhị Hà, cao sâu phẳng rộng, từ trước, các đời đế vương mở cơ nghiệp dựng nước, không đời nào không lấy đất này làm nơi căn bản, vì thế mà mặt bắc chống giặc Nguyên thì quân Nguyên bị giết, mặt nam đánh Chiêm Thành thì giặc Chiêm nộp đầu, những việc ấy chả phải nhờ ở địa thế tiện lợi mới được như thế là gì? Dám xin nghĩ lại một chút, để làm kế vững vàng cho nước nhà. Còn như Yên Tôn địa thế nhỏ hẹp hẻo lánh, chỗ này là nơi sơn cùng thủy tận, không thể định cư được, trông cậy vào nơi hiểm trở, thì có ích gì? Cổ ngữ có câu: ‘Cần ở đức, không cần nơi hiểm trở’.
Quý Ly không nghe. Sau, đến kỳ xét công trạng các quan, khi trông thấy tên Nhữ Thuyết, Quý Ly nói anh này là người nói ‘Cần ở đức, không cần ở nơi hiểm trở’ đây, rồi truất bỏ, không dùng nữa”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 4, cho đổi các lộ, phủ; gọi là trấn; quy định chức quan trông coi các lộ, phủ, châu và huyện:
“Quý Ly muốn dời kinh đô vào Thanh Hóa, mới đổi Thanh Hóa làm Thanh Đô trấn, lại đổi Quốc Oai lộ làm Quảng Oai trấn, Đà Giang lộ làm Thiên Hưng trấn, Nghệ An lộ làm Lâm An trấn, Trường Yên lộ làm Thiên Quan trấn, Diễn Châu lộ làm Vọng Giang trấn, Lạng Sơn phủ làm Lạng Sơn trấn, Tân Bình phủ làm Tân Bình trấn. Bãi bỏ chức đại tiểu ti xã, duy chức quản giáp vẫn đặt như cũ.
Quy định chức quan giữ việc ở lộ, phủ, châu và huyện. Ở lộ đặt An phủ sứ và chức phó, ở phủ đặt Trấn phủ sứ và chức phó, ở châu đặt Thông phán và Thiêm phán, ở huyện đặt Lệnh úy và Chủ bạ. Quan chức ở lộ thống trị phủ, phủ thống trị châu, châu thống trị huyện. Phàm những sổ hộ, tiền, thóc, ngục tụng ở phủ, châu, huyện đều tổng hợp lại làm sổ trong một lộ, cứ đến cuối năm báo cáo lên sảnh, để tiện tra khảo. Lại đặt các chức Đô đốc, Đô hộ, Đô thống, Tổng quản, Thái thú để quản trị công việc. Bổ dụng phó tướng Lê Hán Thương quản lĩnh Đô hộ phủ ở lộ Đông Đô, Thái bảo Trần Nguyên Hàng quản lĩnh Đô thống phủ ở lộ Bắc Giang, Trần Nguyên Trữ quản lĩnh Đô thống phủ ở lộ Tam Giang, Thiếu bảo Vương Nhữ Chu coi giữ công việc quân dân ở lộ Thiên Trường phủ, Hành khiển Hà Đức Lân làm thái thú ở lộ Tân An phủ”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11
Tháng 5. Đặt chức học quan ở các lộ, cấp cho ruộng hoặc nhiều hoặc ít có khác nhau; ban tờ chiếu rằng:
“Đời cổ [chỉ Hạ, Thương, Chu] ở trong nước có nhà quốc học [trường học cả nước], ở đảng[xưa khoảng 500 nhà] có nhà tự [trường học thời Thương], ở toại [miền xa xôi] có nhà tường [trường học thời Chu], chủ ý cốt làm cho giáo hóa được sáng tỏ, phong tục được thuần hậu, chính sách ấy Trẫm rất hâm mộ. Nay thể lệ về nhà học của nước đã đầy đủ, nhưng ở châu ở huyện hãy còn thiếu sót, thì làm thế nào mà mở rộng được đạo dạy dân? Vậy hạ lệnh cho phủ và châu thuộc các lộ Sơn Nam, Kinh Bắc và Hải Đông đều đặt một viên quan giáo thụ giữ về việc học, cấp cho ruộng theo đẳng cấp sau này: phủ và châu hạng lớn 15 mẫu, hạng trung bình 12 mẫu, hạng nhỏ 10 mẫu, để lấy hoa lợi ruộng ấy mà chi dùng vào việc học trong phủ hoặc châu. Viên quan cai trị ở lộ đôn đốc viên quan giữ việc học phải dạy bảo học trò, cho thành người tài năng văn nghệ. Hằng năm, cứ đến cuối năm, lựa chọn người nào ưu tú tiến cống vào triều, trẫm sẽ thân hành thi lại rồi cất nhắc bổ dụng“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11
Tháng 6. Lập phép hạn điền; đây là chính sách cải cách ruộng đất, hạn chế số ruộng đất địa chủ dưới 10 mẫu:
“Trước đây, các nhà tôn thất thường sai nô tì đắp đê ngăn nước mặn ở địa phận những nơi ven biển, hai ba năm khai khẩn thành ruộng, lập làm trang trại riêng. Đến nay lập phép hạn điền, chỉ có đại vương và trưởng Công chúa thì ruộng không bị hạn định, còn thứ nhân không được quá 10 mẫu ruộng. Người nào ruộng quá hạn định thì phải nộp vào quan, người nào phạm tội được phép đem ruộng chuộc tội”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Trong năm Quang Thái thứ 10 [1397] có những cải cách lớn về hành chánh, giáo dục, quân sự, ruộng đất, xây Tây Đô, tuy dưới danh nghĩa vua Trần Thuận Tông nhưng thực ra do Lê [Hồ] Quý Ly chủ trì. Lẽ dĩ nhiên phần lớn những sự cải cách, quyền lợi một số người bị mất đi, kèm thêm sự phản đối của thành phần bảo thủ, khiến đất nước bị chia rẽ. Rồi sau đó Quý Ly dành ngôi nhà Trần; sự chia rẽ càng trầm trọng hơn, khiến sau này quân Minh thành công trong việc xâm lăng.
Tháng 10, Lê Quý Ly bắt nhà vua rời kinh đô Đông Đô [Hà Nội] vào Tây Đô, Thanh Hóa và giết hai người cung nữ bàn kín về việc Quý Ly cướp ngôi:
“Nhà vua đi An Sinh [Hải Dương] để bái yết lăng tẩm, Quý Ly bắt ép xa giá cùng đi đến sông Đại Lại [Tây Đô, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa]; lúc ấy cung nhân là Trần Ngọc Kỵ và Trần Ngọc Kiểm nói kín với nhà vua là nếu thiên đô, tất nhiên có việc cướp ngôi. Quý Ly nghe biết chuyện cho rằng viên miếu lệnh là Lê Hợp và viên phụ đạo ở Cổ Lũng [Hữu Lũng, Bắc Ninh] là Lương Ông đều đồng mưu, nên giết cả mấy người này. Rồi sai Hành khiển Lương Nguyên Bưu dỡ các điện Thụy Chương và Thiên An bắt dân các châu Từ Liêm [Hà Nội] và Nam Sách [Hải Dương] chở gạch ngói và gỗ đến kinh đô mới: khi đi đường thủy, gặp gió bão, bị chìm đắm mất quá nửa”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Về phía nhà Minh, năm Hồng Vũ thứ 24 [1391] Vua Thái Tổ ban lệnh tuyệt giao với Chiêm Thành, vì Vua mới nước này là Các Thắng đã cướp ngôi của Chế Bồng Nga; đến nay đổi ý cho triều cống trở lại:
“Ngày 3 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 30 [2/3/1397], nước Chiêm Thành sai bầy tôi là Bốc Lạc Ký Chân Bốc Nông đến cống hồ tiêu, giáng hương, ngà voi vv… Mệnh ban cho bọn Bốc Lạc Ký Chân Bốc Nông y phục, tiền giấy, có sai biệt”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 185).
Riêng việc tranh chấp đất đai tại biên giới Hoa Việt đã xãy ra từ năm trước [1367], các Sứ thần Trần Thành, Lữ Nhượng đến nước ta dùng nhiều thì giờ bàn cãi; lời nói không thuyết phục được, nay lại soạn một văn kiện gửi cho triều đình ta như sau: “Ngày 21 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 30 [20/3/1397]. Hành nhân Trần Thành, Lữ Nhượng đến An Nam dụ Vương nước này là Trần Nhật Côn [vua Trần Thuận Tông] trả lại đất đã xâm lấn của phủ Tư Minh. Hai bên tranh cải qua lại, nhưng chưa ngã ngũ. Thành cho rằng người thông dịch nói không đạt ý, bèn soạn bức thư gửi cho Nhật Côn. Thư rằng:
‘Mới đây viên Thổ quan phủ Tư Minh Hoàng Quảng Thành tâu việc An Nam xâm chiếm đất đai, triều đình kê cứu điển sách, khảo lời ghi trong bản đồ, rồi sai sứ cáo dụ phải trả lại đất. Từ khi Thành đến Vương quốc, tuyên bố ý của Thiên tử, trình bày sự lý, nhưng Chấp sự quá cố chấp, chưa chịu tuân theo. Nay lấy những thư tịch đời trước đã ghi, cùng sự lợi hại trình bày cùng Chấp sự:
‘Theo sử, Giao Chỉ thuộc đất Giao Châu xưa, dưới thời Hậu Hán có người đàn bà tên Trưng Trắc làm loạn, vua Quang Vũ sai Mã Viện mang binh bình định, bèn xây đồng trụ ghi công và làm giới hạn trong ngoài. Dưới đời nhà Đường đặt ra Ngũ Quản để đô hộ; đời Tống Càn Đức [Lý Nhân Tông] cướp phá biên giới, Quách Quì mang binh đánh, bắt được Thái tử ngụy là Hồng Chân. Càn Đức sợ nên cắt đất Quảng Nguyên, Môn Châu, Tư Lang, Tô Mậu, Quang Lang; vậy lúc bấy giờ những đất này thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc; huống hồ là đất Khâu Ôn thuộc phía bắc đồng trụ? Thời Nguyên Thế Tổ, tổ ngươi là Quang Bính [Vua Trần Thái Tông] nạp cống xưng thần, đến đời Nhật Huyễn [vua Trần Thánh Tông] tự tiện lên ngôi, trái đạo vua tôi nên vua Thế Tổ mang quân hỏi tội, bọn Nhật Huyễn trốn trong gai góc cỏ rậm, dân chết gần hết, thành quách bỏ không; con nối dõi là Nhật Tuân [vua Trần Nhân Tông] cầu xin thương xót chịu tội. Vua Thế Tổ sai sứ mang chiếu dụ nhập triều. Nhật Tuân nói rằng trước kia tống tiễn đến Lộc Châu, nhưng tiểu quốc sợ phạm tôi xâm vượt nên dừng tại Khâu Ôn. Xem vậy phần đất phía bắc Khâu Ôn rõ ràng thuộc về phủ Tư Minh vậy. Nay An Nam chiếm vượt cả Uyên, Thóat; dành hết đất Như Ngao, Khánh Viễn, chẳng phải thừa lúc loạn lạc cuối đời Nguyên mà chiếm được ư! Từ ngày Hành nhân xuống xe đến quí quốc, vua tôi vương đều một mực nói đất này thuộc An Nam đã lâu, nhưng không biết do 2 đời Trần, hoặc Lê hay đời nào đặt ra; cứ nói theo đời trước bảo đây là đất của tổ tiên mà không trưng bằng cứ. Nếu lời Chấp sự là đúng, thì chí thư ghi lời Nhật Tuân nói, là điều nói vu hay sao? Hoặc vương sợ phạm tội xâm đọat nên đem những lời không kê cứu được để bào chữa. Hoàng thượng ta, trời ban cho trí dõng để cai trị vạn nước, nếu ngoan cố thì tội nhỏ cũng không tha, sửa lỗi thì dầu tội trọng cũng xá. Truyện viết: ‘Sai biết sửa coi như không sai, sai không chịu sửa chính là lỗi vậy’. Bởi vậy sửa sai sẽ gặp may mắn, đó là trường hợp năm ngoái của Triệu Tông Thọ tại Long Châu ; ngoan cố gặp tai ương là việc các tộc Man tại Nam Đan, Phùng Nghĩa mấy năm gần đây; những điều này thể nghiệm rõ ràng ai cũng nghe, ai cũng biết. Vương nên tránh tai ương, đón may mắn bằng cách trả lại đất, không những tông tộc được yên, mà cả nước được hạnh phúc. Bỏ cơ hội này không lo, không chịu nhường và ngoan cố đến cùng, thì cuối cùng sẽ gặp họa; chấp sự nên tính liệu”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 186).
Vua Trần Thuận Tông gửi thư vạch ra lập luận sai trái rằng Khâu Ôn thuộc phủ Tư Minh; từ đó suy ra tất cả luận điệu của Tri phủ Hoàng Quảng Thành đều sai lầm:
“Nhật Côn gửi thư phúc đáp bọn Thành như sau:
‘Mới đây được ân huệ nhận thư, với không ít lời khuyên dụ:
Căn cứ vào thư của phủ Tư Minh kể rằng trước đây Thiên sứ mấy lần đến tiểu quốc, khi nghênh tống dừng lại tại Khâu Ôn v.v… Việc nghênh tống và cương giới không liên quan gì với nhau. Vì Khâu Ôn là chỗ xung yếu, trước đây [sứ giả] từ Tư Minh vào Lộc Châu; gần đây thì từ Bằng Tường vào đường Đồng Đăng; chỗnày trước đây rừng núi hoang dã không tiện lập trạm nên lập trạm tại Khâu Ôn, địa điểm này giữa huyện, có quan huyện lo việc khỏan đãi. Còn việc giao cắt phu ngựa thì hai bên gặp nhau tại cương giới, địa điểm hiện nay tại quan ải Pha La Duy [Pha Lũy].
[Theo lập luận trên] vào đời đầu triều Nguyên, Khâu Ôn đã là đất của tiểu quốc, phủ Tư Minh lại bảo rằng vào cuối đời Nguyên nhiễu loạn, [người tiểu quốc] vượt đồng trụ hơn 200 dặm để xâm chiếm 5 huyện trong đó có Khâu Ôn, xem vậy những lời của Tư Minh không đủ để tin; từ một việc vu khống như vậy, thì những điều khác cũng có thể thấy được. Điều dẫn từ chí thư; thì từ Hán, Đường đến nay sự vật biến thiên, có thể nào đem chuyện xưa mà chất chính vào ngày nay! Những điều khác đã trình bày đầy đủ, không muốn nói lại rờm lời”. (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 186).
Sau khi nhận thấy tranh luận dài ngày với bọn Sứ thần Trần Thành, Lữ Nhượng không có kết quả; triều đình ta bèn gửi thư thẳng lên bộ Hộ, cuối cùng Minh Thái Tổ đành phải chấp nhận tạm gác tranh chấp: “Vương An Nam không đáp được, bèn viết thư gửi cho bộ Hộ:
“Được biết thượng ty vì việc phủ Tư Minh tâu chiếm đất bèn sai Hành nhân Trần Thành, Lữ Nhượng mang văn thư đến hạ quốc ra lệnh trả lại đất đai. Hạ quốc nghĩ rằng 5 huyện Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thóat từ trước đến nay đời đời làm sưu dịch, nạp thuế cho hạ quốc; mà Đồng Đăng là đất thuộc huyện Uyên là nơi Thiên sứ thường đi lại; người dân Bằng Tường thuộc phủ Tư Minh mỗi năm cùng dân huyện Uyên của hạ quốc gặp nhau để giao cắt phu ngựa tại quan ải Pha La Duy [Pha Lũy] giáp giới với Bằng Tường. Nay người Tư Minh cho rằng hạ quốc lập trạm tại Đồng Đăng để xâm chiếm, sai trái biết là nhường nào! Cái gọi là lập trạm xâm chiếm để mong được đất được dân; mà đất đó, dân đó từ xưa đến nay đã có rồi, đâu cần phải lập trạm để chiếm? Phàm việc phế hoặc lập trạm, tùy đất thuận tiện, tùy thời thích nghi; trạm trường tồn tại Khâu Ôn là do đất thuận tiện; trạm tạm lập tại Đồng Đăng để thích nghi. Lúc bấy giờ Nhiệm Thượng thư và bọn Ngô Quan tra xét biên giới, bèn ra lệnh dựng lợp phòng ốc để tiện nghĩ ngơi, vậy việc dựng lên hoặc bỏ đi chẳng can dự gì đến việc chiếm đất! Nếu bảo rằng vốn không có đất này, không có dân này, cho dù mưu chiếm cũng không dễ! Vậy đánh nhau để chiếm lúc nào? Tàn phá tiêu diệt chổ nào? Còn lúc lập trạm, chủ đất và nhân dân không kể là ai đều khoanh tay nhìn, việc cung cấp lao dịch không việc gì là không dễ dàng!
Lại bảo rằng dưới thời nhà Nguyên đại quân hai lần đánh Giao Chỉ, lúc trở về lập trại Vĩnh Bình, điều quân đến trấn thủ biên giới, lại bắt Giao Chỉ cung cấp lương hướng. Hai lần đại quân tướng soái của Trấn nam vương không dừng lại để được đưa tiễn, sử nhà Nguyên kỵ húy không chép rõ đầu đuôi, chỉ nói về việc trở về như sau “Trấn Nam vương tại ải Nội Bàng gặp giặc tập trung nhiều, chẹn đường về, Vương bèn từ huyện Đơn Kỷ theo đường tắt Lộc Châu để rút ”; xem cách về biết được quân tình, lại còn sức đâu để mang quân trở lại Vĩnh Bình rồi bắt Giao Chỉ cung cấp lương thực!
Lại bảo hạ quốc vượt qua đồng trụ hơn 200 dặm để xâm chiếm 5 huyện như Khâu Ôn vv… Xét kỹ thời Hán vũ thứ 19 sai Mã Viện đến Giao Chỉ đánh dẹp người con gái họ Trưng lập đồng trụ, tính đến nay đã hơn 1350 năm; dưới một ngàn năm gò lũng đã biến đổi, ai mà biết được đồng trụ ở đâu?
Lại bảo rằng đã hỏi ông già là Hoàng Bá Nhan, nói như vậy. Bá Nhan người cùng phủ Tư Minh, há lại không cùng ý nguyện. Dù hỏi một ngàn Bá Nhan cũng chẳng đáng tin!
Lại bảo rằng các Thổ quan cũ không trình bày rõ, mới đây nhậm chức bèn vẽ địa đồ đầy đủ, cùng trình bày sự kiện trong Kiến Vũ Chí. Há lẽ cha ông tổ tiên nhà Hoàng Quảng Thành không biết chuyện xưa, không thể trình rõ, phải đợi đến đến Quảng Thành mới có đủ kiến thức để trình ư!
Hạ quốc với Tư Minh giáp giới, người phủ Tư Minh thường đến đất hạ quốc dành đất đai, cướp trâu, súc vật; hạ quốc là chổ sơ viễn khó có thể tố cáo. Nay Tư Minh đã quen với thu hoạch nhỏ, nên mưu lợi lớn.
Nếu hạ quốc xâm chiếm thì trả lại có khó gì! Nay không xâm chiếm lấy gì mà thoái hoàn. Năm huyện này là của hạ quốc, đời nối đời truyền lại; đất để lại phải giữ vững, đâu dám để đất đai của tổ tiên, giao cho Tư Minh. Hai bên đáng giữ biên giới đã định sẵn để thờ thiên triều, đâu dám tham vọng xâm đọat để phiền đến thượng ty. Duy thánh Thiên tử đối xử cùng một lòng nhân, cùng đức với trời đất, nên hạ quốc dựa vào đó để dốc hết gan ruột ra trình bày, làm phiền nghe những lời rờm rà, tội không thể tránh được. Nay đã trình bẩm lên, cúi mong các hạ trên thể theo lòng chí đức của Thiên tử, nhìn xuống dưới thương xót đến hạ quốc người xa xôi, thẩm xét giám sát, hạ quốc lấy làm may mắn vô cùng”.
Bọn Thành trở về phục mệnh, Thiên tử triệu quần thần bàn việc này; có kẻ tâu nghịch mệnh đáng mang quân thảo phạt. Thiên tử phán:
“Bọn man di tranh với nhau, từ xưa đến nay vẫn có như vậy, bọn chúng ngoan cố bất phục, cuối cùng sẽ mang họa, hãy chờ xem!” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 186).
Đến tháng 3, năm Quang Thái thứ 11 (1398), Vua Trần Thuận Tông truyền ngôi cho Hoàng thái tử An. Thái tử lên ngôi tức Vua Thiếu Đế; Quý Ly tự xưng là Đại vương, thay Vua giữ chính quyền trong nước.
______
Chú thích:
1. Long Châu: vị trí gần biên giới Việt Nam, nay thuộc huyện Long Châu, Sùng Tả thị, tỉnh Quảng Tây.
2. Thúc Minh giết vua: chỉ vua Trần Nghệ Tông liên can đến việc Hôn đức công Dương Nhật Lễ bị giết.
3. Bất đắc kỳ tử: chết không bình thường, như bị giết, bị tai nạn v.v…
4. Tả Giang: Do sông Bằng tại tỉnh Cao Bằng chảy sang Trung Quốc, hợp với sông khác tại Long Châu tạo thành Tả Giang.
5. Ðồng Trụ: đồng trụ thuộc về truyền thuyết, xét lịch sử không có một địa điểm nhất định.
6. Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát: theo Đào Duy Anh Đ. N. V. N.Q. C. Đ. Khâu Ôn tương đương với huyện Ôn Châu tỉnh Lạng Sơn, dọc theo đường xe lửa Lạng Sơn đến Đồng Mỏ; Như Ngao tương đương với đại bộ phận huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn; Khánh Viễn ở khoảng huyện Điềm He; Uyên tức huyện Văn Uyên ngày nay, huyện lỵ là Đồng Đăng, Thiên Hạ Quận Quốc chép cửa Pha Lũy tức ải Nam Quan thuộc huyện Uyên; Thóat tức huyện Thóat Lãng ở phía nam huyện Tràng Định.
- Kiến Vũ: Thời Quang Vũ nhà Đông Hán; nhưng sách đã thất truyền.
8. Động Yên Tôn: Nay ở xã Yên Tôn, huyện Vĩnh Lộc, nền cũ của thành vẫn còn, bên tả bên hữu thành đều sát với núi đá, hai con sông Lương và sông Mã hợp lưu ở đằng trước, vì thế nên Nguyễn Nhữ Thuyết nói là địa thế nhỏ hẹp, hẻo lánh, thủy tận sơn cùng.
9. Long Đỗ: Tức thành Đại La. Lúc Cao Biền nhà Đường mới đắp thành này, truyền rằng thấy thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ, vì thế mới thành tên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.