Chủ Nhật, 4 tháng 7, 2021

Khổ thân phó giáo sư

 

Khổ thân phó giáo sư

Chu Mộng Long

2-7-2021

Thú thật, tôi chẳng mấy khi đọc bài của giáo sư trên Facebook. Trừ một vài người có năng lực thật, đa số họ viết câu không ra câu, đoạn không ra đoạn, lủng củng, tối nghĩa. Chưa nói, họ chủ yếu khoe danh, khoe mẽ, khoe quà… Phàm cái gì ruột rỗng thì hay kêu to, có mùi chuột chù thì mới bôi nước hoa để che sự thật.

Ở trong chăn biết chăn có mùi gì, nên tôi chẳng hơi đâu lôi họ ra cho quần chúng… ngửi. Tranh cãi với họ, đúng như họ nói, hoàn toàn vô nghĩa. Giáo sư mà biết mình sai thì họ đã không là giáo sư. Những vấn đề về sách giáo khoa hay công trình học thuật mà tôi thường đưa ra đây không phải tranh luận với họ mà để nói chuyện với mọi người. Phương châm: học giáo sư không đồng nghĩa xem “Giáo sư là Thánh”. Điều này rất nguy hiểm vì, hoặc tiếp tục dẫm lên lối mòn của giáo sư, hoặc tiếp tục sai mà không bao giờ nhận ra mình sai.

Một lần, khi ngồi hội đồng luận văn thạc sỹ, tôi chỉ ra cái sai, cái ngớ ngẩn của tác giả luận văn, bất ngờ người hướng dẫn đứng lên tranh luận, không cần lý lẽ, chỉ dẫn lời một Phó giáo sư với kết luận như đinh đóng cột, rằng “Phó giáo sư thì không thể sai”.

Một lần khác, khi phản biện một bài báo, tôi vạch ra cái lý thuyết của Tây đã bị xuyên tạc, thô thiển hoá thành lý thuyết giả cầy, thì tác giả bài báo đã dẫn nguồn từ một giáo sư trong nước để biện minh, và vẫn giọng điệu: “Giáo sư thì không thể sai”. Cái giọng này làm tôi nhớ một lãnh đạo ta thời cải cách ruộng đất từng biện minh: “Đồng chí Mao thì không thể sai!”

Nay có một số bạn giáo viên tranh luận với một Phó giáo sư Việt ngữ học về những câu mà Phó giáo sư ấy viết ra:

1) Với tư cách là một chính khách, tôi yêu cầu ông Nhạ từ chức!”

2) Sau ba đợt chống dịch rất thành công, hôm nay 29/6/2021 chính thức dịch covid đã chọc thủng phòng tuyến phía bắc, vượt qua Sa Huỳnh in những dấu chân đầu tiên trên xứ dừa Hoài Nhơn, Bình Định!

Tôi không quan tâm, nhưng các bạn vào inbox hỏi tôi, rằng các câu trên có sai không mà Phó giáo sư vừa cãi vừa chửi cả làng, rằng anh ta không sai, rằng đã là thầy giáo thì không nên cắt xén, xuyên tạc, a dua… Riêng câu 1, anh ta thêm vào câu đầu so với nguyên bản:

“Ông Nhạ là một chính khách. Với tư cách là một chính khách, tôi đề nghị ông từ chức”!

Mấy hôm nay tôi chảy nước mắt sống về cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, nhưng cũng phải bật cười. Tôi bảo cả hai câu đều không sai, cả ngữ pháp cấu trúc, ngữ pháp chức năng lẫn ngữ dụng. Có phân tích trạng ngữ/cụm chủ vị hay đề/thuyết,… gì gì các loại đều đúng cả.

Nhưng về ngữ nghĩa thì chỉ có thể nói… như cua bò tối trăng. Hôm nay, một học viên bỗng dưng đến nhà xin lỗi tôi về chuyện cho người học thay, tôi thử nghiệm theo cách nói của Phó giáo sư: “Với tư cách là một học viên, tôi yêu cầu bạn nghỉ học!” Mắt học viên xanh lè, chẳng hiểu sao tôi lại lấy tư cách học viên (chứ không phải giảng viên) đòi cô ta nghỉ học! Mà không chừng cô ta nghĩ trong đầu, rằng thầy hôm nay bị… tâm thần!

Bất cứ ai từng học ngữ pháp tiếng Việt đều dễ nhận ra cái loại hình câu: “Với tư cách là… + chủ ngữ + vị ngữ”, thì ắt cái “tư cách” trong trạng ngữ đó phải là tư cách của chủ ngữ đứng tiếp liền sau đó. Nếu phân tích đề/thuyết thì quan hệ này càng chặt chẽ trong mối quan hệ liên kết giữa chủ thể và hành động, giữa tư cách người nói với điều được nói. Một người chỉ cần biết tiếng Việt, không cần biết ngữ pháp là gì, tức “cảm thức bản ngữ” (như một học trò của Phó giáo sư lên tiếng bảo vệ thầy) cũng hiểu người nói đã nhân danh tư cách gì nói với mình chứ không phải tư cách của mình. Trong sách ngữ pháp tiếng Việt, các giáo sư đã chỉ ra, trường hợp này có thể thay đổi vị trí trạng ngữ như sau:

“Tôi, với tư cách là một chính khách, yêu cầu ông Nhạ từ chức!”

Ông Nhạ nếu đọc câu văn này ắt sẽ hiểu: “Thằng Phó giáo sư đó lấy tư cách là một chính khách yêu cầu mình từ chức đấy!”

Trong Phân tâm học về cấu trúc ngôn ngữ, J. Lacan gọi đây là “vô thức ngôn ngữ”. Có một triệu chứng hoang tưởng khi một người không phải là chính khách nói chuyện với chính khách đã ngộ nhận mình là chính khách!

Vì “vô thức ngôn ngữ” nên vị Phó giáo sư này không thể biết mình sai chỗ nào. Anh ta tưởng người ta phê cái trạng ngữ của câu anh viết ra thiếu chủ ngữ nên mới tự cho đó là “câu đặc biệt” và bèn độn thêm vào một câu trước đó: “Ông Nhạ là một chính khách”. Thực chất cả câu chỉ là câu đơn bình thường, đủ thành phần, chẳng thiếu cái gì cả. Việc thêm câu “Ông Nhạ là một chính khách” vào trước làm cho sự ngây ngô càng thêm ngây ngô. Hoang tưởng lại gia tăng hoang tưởng khi theo logic ngữ nghĩa chỉ có thể là: Ông là chính khách, tôi cũng với tư cách chính khách đấy, ông Nhạ ạ! Đảm bảo tư cách để đối thoại với ông nhé!

Viết nhanh, mắc lỗi là chuyện thường tình, dẫu là Thánh. Nhưng câu thứ 2 cho thấy tính hệ thống trong diễn đạt của một Phó giáo sư. Nó vẫn đúng ngữ pháp như câu 1, nhưng ngữ nghĩa thì vẫn là… cua bò tối trăng. Nếu câu 1 là “chính khách yêu cầu chính khách” thì câu 2 là “dịch chống dịch”. Chỉ cần đổi vị trí trạng ngữ như câu 1 là thấy rõ:

“Hôm nay 29/6/2021, dịch covid sau ba đợt chống dịch rất thành công đã chính thức chọc thủng phòng tuyến phía bắc, vượt qua Sa Huỳnh in những dấu chân đầu tiên trên xứ dừa Hoài Nhơn, Bình Định!”

Ôi đồng chí Dịch anh hùng, đồng chí Dịch vĩ đại muôn năm!

Với tinh thần tiến công ấy, ai chỉ ra cái sai của ta không phải là thầy ta hay bạn ta mà là thù địch! Ta chửi ba họ chúng mày đấy! Chiềng làng chiềng chạ đến các giáo sư và lãnh đạo biết!

Khổ thân Phó giáo sư Việt ngữ học viết câu tiếng Việt mà không biết mình viết gì. Thôi thì cảm thông cho Phó giáo sư học nhiều ngôn ngữ đến loạn ngữ. Cổ nhân dạy: có lỗi mà không biết mình có lỗi là không có lỗi vậy. Lỗi là ở giáo dục và đào tạo. Vịt thấy trứng thì cứ ấp nhưng không biết nó nở ra con gì, cứ gọi đại thành con Phó giáo sư để ấp các lứa vịt tiếp theo cho đủ chỉ tiêu. Có điều, qua chuyện này, từ nay ai bảo “Giáo sư là Thánh”, tôi phải đáp lại kẹc kẹc, với tư cách là Vịt cho ngang hàng Thánh!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.