Thứ Ba, 13 tháng 7, 2021

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đấu tranh?

 

Điều gì sẽ xảy ra khi bạn đấu tranh?

Thái Hạo

10-7-2021

Trong stt liền trước (“vài nhận định bước đầu“), tôi đã thử nêu một câu hỏi, vì muốn tham khảo và quan sát ý kiến của cộng đồng (phản biện để mong nó sửa chữa hay để im cho quá trình “tự phân hủy” được diễn ra nhanh hơn?) thì đã nhận được rất nhiều ý kiến nghiêng về lựa chọn thứ 2.

Theo tôi, đó là một lựa chọn sai lầm do ngụy biện gây ra. Khi một ngôi nhà cũ kỹ tự sập do thời gian mà chủ nhà vừa không tiền, không kiến thức, không văn hóa thì lấy gì để xây lại ngôi nhà mới trên cái nền đổ nát ấy? Việc “nâng cao dân trí” song song với sự thúc đẩy quá trình phân hủy, vì thế, là không thể không được tiến hành. Mà dân trí thì cần phản biện và tranh đấu, im lặng chỉ khiến cho đầu óc ngày một trì trệ u mê chứ không lợi ích gì.

Tôi giả định là giáo viên (GV) đấu tranh với tiêu cực và bất công trong một trường học có 100 gv đồng nghiệp. Sẽ có mấy trường hợp sau:

1. Nếu giáo viên “một mình chống lại mafia” thì chắc chắn giáo viên ấy sẽ bị đập chết. Vì thầy/cô ấy không những chỉ phải chiến đấu với hiệu trưởng mà phía sau ông ta là cả một hệ thống dài có thể lên đến tận sở/tỉnh. Việc “làm cho khốc hại” gần như tất yếu.

2. Nếu có 10* giáo viên cùng đứng lên, sát cánh cùng giáo viên kia thì sự thể sẽ khác. Kẻ độc tài không thể bất chấp và thản nhiên chà đạp như trường hợp 1 nữa. Sự e ngại và ghê tay sẽ hiện rõ trong ông ta.

3. Nếu có được 30 (30%) giáo viên thì lúc này gần như 80% công lý sẽ thuộc về thiểu số.

4. Nếu trên 30% giáo viên đã dõng dạc, tự tin và kiên cường thì 70% giáo viên còn lại sẽ không thể như cũ nữa. Thay vì a dua và nịnh bợ kẻ quyền thế, lúc này họ vừa được tiếp thêm sức mạnh vừa đảo chiều vì nghe mùi lợi hại. Quan trọng hơn, “tánh bổn thiện” bị vùi lấp trong họ sẽ được đánh thức, lương tri trỗi dậy. Nghĩa là 30% kia sẽ không còn là 30% nữa.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từng đứng lên tố cáo tiêu cực trong giáo dục. (Ảnh: Laodong.vn)

Cái khốn nạn của các môi trường chuyên chế kiểu nhà trường VN là: một mặt, tất cả đều bất mãn nhưng đồng thời họ lại chọn im lặng để sống trong an toàn giả tạo; và mặt khác, từ chỗ tất cả đều là nạn nhân, họ lại sẵn sàng đứng về phía kẻ quyền thế để dìm chết người cùng cảnh ngộ đang có chút dũng khí.

Nghĩa là gì, là thay đổi xã hội không phải việc khó! Nó chỉ cần một điều kiện: “những người khốn khổ” đừng để nhau đơn độc nữa, thế thôi. Và cũng có nghĩa rằng, việc thay đổi xã hội chỉ có thể diễn ra khi bản thân mỗi cá nhân thay đổi (và hành động). Bi kịch nằm ở chỗ “Ai cũng muốn thay đổi thế giới nhưng không ai muốn thay đổi chính mình”.

Trách nhiệm đối với tương lai của bản thân và con cháu hoàn toàn thuộc về chúng ta. “Cầu mong xã hội thay đổi”, vừa là một sự mê tín hết sức ngu si và vừa là một sự khôn lỏi khốn nạn khi trốn tránh trách nhiệm và đặt nó lên vai kẻ khác (đó là chưa kể những “kẻ khác” ấy phần nhiều thất bại bởi sự đơn độc do chính bọn người-khôn-lỏi-là-chúng-ta gây nên).

Vượt qua sợ hãi bằng việc thấy mình trong một liên thuộc hữu cơ với tổng thể xã hội và bằng ý thức về phẩm giá, lòng tự trọng chính là những điều kiện căn bản cho bất cứ tiến trình văn minh nào. Không có nó là vô vọng.

* Những con số đưa ra chỉ là ước lượng và tương đối.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.