Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

Dư âm từ hai sự kiện diễn ra ở Bắc Kinh

 

Dư âm từ hai sự kiện diễn ra ở Bắc Kinh

Lý Nhuệ

18-7-2021

Ca ngợi Trung Quốc tại Thượng đỉnh với “500 đảng anh em” (ngày 6/7) và ăn mừng sinh nhật ĐCSTQ (ngày 1/7), không dám phản đối hành vi liệt kê những cuộc xâm lược Việt Nam trong các năm 1974, 1979, 1988, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bị “bạn vàng” chơi xỏ mà không biết, hoặc biết nhưng buộc phải làm ngơ.

Ngày 6/7/2021, trước màn hình trực tuyến, với hàng trăm nhóm tự xưng là các “chính đảng”, Chủ tịch Tập Cận Bình múa đại đao “lục lâm thảo khấu”. Ông lớn tiếng kêu gọi các đảng chính trị trên thế giới tập hợp nhau để chống lại một quốc gia (ám chỉ là Hoa Kỳ) đang tiến hành “phong toả công nghệ” đối với Trung Quốc và dám coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ.

Trong khi Tổng thống Joe Biden công cán châu Âu nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các nền dân chủ cùng chí hướng, bao gồm cả Liên minh châu Âu lẫn Nhật Bản để phối hợp lập trường cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi nỗ lực tìm kiếm sự cam kết và ủng hộ từ các quốc gia được cho là thân thiện với mình như Bắc Hàn và Serbia. Khẩu hiệu tập hợp lực lượng lần này là đấu tranh chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền.

Nền văn minh “ăn thịt người”

Một tuần lễ trước đó, ngày 1/7/2021, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày ra đời của ĐCSTQ, từ quảng trường Thiên An Môn, ông Tập cũng lớn giọng răn đe: “Ai có ý định bắt nạt Trung Quốc sẽ phải húc đầu vào Vạn Lý Trường Thành bằng thép, rèn đúc từ máu thịt của hơn 1,4 tỷ người dân Trung Hoa…” Nghe rợn cả tóc gáy khi hình dung một ngọn núi được xây đắp lên từ máu và thịt (blood and flesh) của hơn 1,4 tỷ con người.

Hình ảnh này nhắc ta nhớ đến Lỗ Tấn – “chủ tướng” của văn hoá Trung Hoa – từng viết những dòng dữ dội hơn thế. Lỗ Tấn đã mô tả những cuộc nhậu nhẹt “ăn thịt người” trong xã hội Tàu. Ông kể: “Bởi vì ai cũng có thể hy vọng sai khiến người khác ăn thịt người khác, cho nên quên mất rằng, tương lai mình cũng có thể bị người khác ăn thịt. Bao nhiêu yến tiệc lớn bé dọn bằng thịt người được bày biện từ khi có văn minh đến bây giờ.

Và trong cái hội trường ấy, người này ăn thịt người kia… Tiếng reo hò ngu xuẩn của những kẻ ác độc che lấp tiếng van la bi thảm của người yếu thế. Phụ nữ và trẻ em thì càng không phải nói nữa” [Lỗ Tấn: Tạp văn, tập 1, trang 130].

Không phải ngẫu nhiên, sau khi trích lời giáo đầu đầy thách thức và hung hăng của họ Tập, Tạp chí “The Economist” số 3/7/2021 đã bình luận: “Với tất cả những người tin rằng ai cũng được hưởng các quyền bất khả xâm phạm như quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc và rằng, chính phủ công bằng có được quyền lực nhờ sự đồng thuận của người dân, thì thật đáng báo động khi nghe thấy những tràng pháo tay và tiếng hò reo chào đón Tập Cận Bình”.

Nhìn bề ngoài, một không khí của “Cách mạng Văn hoá” được tái hiện trong một buổi trình diễn trên sân khấu ngoài trời. Tuy nhiên, hàng triệu triệu người khác, từ những chiến sỹ đấu tranh cho nền độc lập của Uyghurstan (Hồi giáo ở Tân Cương) đến những người ủng hộ dân chủ ở HongKong… với những người này, ĐCSTQ vẫn không cho phép họ được tham dự “bữa tiệc” hoành tráng nói trên.

Chủ đề xuyên suốt hai bài diễn văn chỉ cách nhau một tuần lễ – mồng 1/7 dành cho “thần dân” và mồng 6/7 dành cho bọn “bạch quỷ” – thống nhất ở một nội dung: ông Tập cố chứng minh tính vượt trội của mô hình chuyên chế Trung Hoa (autocracy) so với các chế dộ dân chủ ở các nước phương Tây (democracy).

Không ai có thể phủ nhận thực tế về sự trưởng thành của ĐCSTQ kể từ năm 1921. Nhưng như TS. Nguyễn Ngọc Chu đã khái quát các đặc trưng nổi bật từ chính lịch sử ĐCSTQ trong bài viết: “100 năm quái vật thành tinh”.

Trong đó, thuộc tính bao trùm là kẻ độc tài nào cũng mưu toan vĩnh cửu hoá tư tưởng cá nhân. Mao dựng lên “Tư tưởng Mao Trạch Đông”, Đặng xây đắp “Học thuyết Đặng Tiểu Bình”, Giang hô hào “Lý thuyết Ba đại diện” và Hồ Cẩm Đào chèn “Quan điểm Phát triển khoa học” vào hệ thống lý luận của ĐCSTQ.

Đến thời mình, ông Tập đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho kỷ nguyên mới” vào Điều lệ, mà thực chất là xây dựng chủ nghĩa tư bản thân hữu tại Trung Quốc. Như vậy, các nhà lãnh đạo tối cao của đất nước này đều xem Điều lệ là thùng rác cá nhân, để họ tự ý bỏ vào đấy những điều tuỳ thích. Họ toan tính “vĩnh cửu hoá” tư tưởng của mình qua Điều lệ. Dẫu bọn họ thừa biết rằng, đến một ngày nào đó, hậu thế sẽ vứt tất cả vào thùng rác của lịch sử.

Giờ đây, Trung Quốc đang rất lo lắng cho hình ảnh quốc tế của mình, vốn bị hoen ố vì sự nổi giận trên toàn cầu đối với đại dịch Vũ Hán, vì chế độ kềm kẹp của họ tại HongKong và vì chính sách tàn bạo đối với các dân tộc thiểu số ở Tân Cương, cũng như sự ra quân của các “chiến binh sói” trong nền ngoại giao Trung Quốc thời nay.

Một khảo sát về 17 nền kinh tế tiên tiến được Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ công bố giữa tuần trước cho thấy, cái nhìn về Trung Quốc trên thế giới ngày càng tiêu cực và niềm tin đối với ông Tập xuống mức thấp trong lịch sử.

Theo Wall Street Journal số ra ngày 29/6, bà Thái Hà (Cai Xia), cựu Giáo sư tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, đã nộp một cuốn sách cho Viện Hoover thuộc Đại học Stanford – Trung tâm nghiên cứu các nguyên lý của phát triển và tự do chính trị – và đã công bố bài báo dài 28 trang nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.

Theo quan điểm của bà Thái Hà, ĐCSTQ bề ngoài đầy quyền lực, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, mâu thuẫn và sự hoài nghi bản thân đã trở thành xu hướng nổi trội. GS. Thái Hà viết: “ĐCSTQ có tham vọng của một con ác long, nhưng bên trong nó chỉ là một con hổ giấy”. Thưa GS, thật ra Trung Quốc là một con hổ mang trong mình rất nhiều căn bệnh trầm kha vô phương chữa trị.

Tuy nhiên, bà Thái Hà cũng chỉ rõ, trong vài thập kỷ qua, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã tính toán sai nhiều sự kiện lớn. Ví như từ việc khôi phục quan hệ Mỹ – Trung sau vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đến việc hỗ trợ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sự “ngây thơ” của Hoa Kỳ càng khiến ĐCSTQ quyết đoán hơn. Mặc dù Hoa Kỳ mô tả ĐCSTQ là một đối thủ cạnh tranh, nhưng các công ty Trung Quốc lại luôn coi Hoa Kỳ là một đối thủ thù địch.

Thông điệp gửi Việt Nam

Đối với cả hai sự kiện trên, đặc biệt là đối với Hội nghị Thượng đỉnh, mọi tờ báo “lề Đảng” ở Việt Nam, từ lớn đến nhỏ, từ báo viết đến báo mạng, đều “lên đồng tập thể” nhất loạt ngợi ca, thậm chí chạy tít chữ to trên trang nhất các báo: “Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới”.

Cứ như là có một Hội nghị thượng đỉnh thực sự, với sự tham dự của 10.000 đại biểu (ảo) đến từ hơn 500 chính đảng (cũng ảo) và tổ chức chính trị thuộc hơn 160 quốc gia trên thế giới. Than ôi, tất cả chỉ là ảo và ảo! Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sản phẩm qua 7 lần Đại hội của Đệ Tam quốc tế, thực tế đã lụi tàn trước cả sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội thế giới cách đây hơn 20 năm từ thế kỷ trước.

Nay không nhẽ một đại cường như CHND Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ do ông Tập cầm đầu và trên lý thuyết sẽ làm Chủ tịch nước suốt đời (sau khi đã sửa Hiến pháp), lại chỉ “vò võ một mình” dưới gầm trời này mà không có đồng minh, đối tác hay bạn hữu.

Đấy mới là nguyên nhân sâu xa khiến ông Tập và dàn cố vấn nghĩ ra cái gọi là “Thượng đỉnh” đặc biệt. Điều trớ trêu là tại diễn đàn ấy, TBT Nguyễn Phú Trọng đã “chúc mừng nồng nhiệt” những thành tích của ĐCSTQ, cảm ơn Trung Quốc đã viện trợ để Việt Nam đánh Pháp và đánh Mỹ.

TBT Việt Nam hiển nhiên không nhắc gì đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979, cuộc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và vụ thảm sát trên đảo Gạc Ma năm 1988. Những sự kiện đau lòng này được TBT Tập Cận Bình đúc kết như là chuỗi thành tích trong 100 năm tồn tại của ĐCSTQ.

Đọc những lời ông Trọng tâng bố Trung Quốc lên mây xanh, con dân nước Việt của ông chắc chắn không hề biết rằng, tại lễ kỉ niệm sinh nhật ngày 1/7, có một màn hình lớn trình chiếu các sự kiện nổi bật trong lịch sử đảng này trên quảng trường Thiên An Môn [http://www.chinanews.com/gn/2011/07-21/3200503.shtml] và [https://www.chinanews.com/gn/2011/07-22/3202848.shtml].

Các bản biên niên nói trên ấy đã được đăng tải trước đó ít ngày trên cả Tân hoa xã, trong đó Trung cộng bổ sung các sự kiện mới liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông, chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979. Những sự kiện này trước đây đã không hề được nhắc đến trong lần kỉ niệm 90 năm thành lập ĐCSTQ hồi 2011.

Về cuộc tấn công Hoàng Sa năm 1974, Bản biên niên lần này tổng kết: “Từ ngày 19 đến 20 tháng Giêng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung hoa được lệnh thực hiện phản công tự vệ trước cuộc tấn công vũ trang của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam Việt Nam, bảo vệ thành công lãnh thổ quần đảo Tây Sa”. Về cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979, Trung Quốc giải thích, đó là để “thực hiện cuộc phản công tự vệ đối với Việt Nam”. Đối với cuộc thảm sát bộ đội công binh Việt Nam ở đá Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988, Trung Quốc tôn vinh, đấy là “cuộc phản công tự vệ ở quần đảo Nam Sa”.

Trung Quốc cũng liệt kê sự kiện thành lập thành phố Tam Sa năm 2012 để quản lý các đảo trên Biển Đông. Điều sỹ nhục quốc thể đối với Việt Nam là báo chí trong nước đã không được phép lên tiếng phản hồi về cách làm “biên niên sự kiện” liệt kê những thành tích trong 100 năm qua của ĐCSTQ theo kiểu coi thường Việt Nam đến nhường ấy.

Kỳ lạ hơn nữa là sự phụ hoạ thái quá của ĐCSVN đối với cuộc Hội nghị tại Bắc Kinh lại diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang phải gồng mình đối phó với hàng loạt các thách thức đối nội và đối ngoại kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 13 đến nay. Vỡ trận Covid Vũ Hán ở Sài Gòn, tâm trạng nơm nớp lo sợ ngay ở thủ đô và tại nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, rồi Trung Quốc đang lù lù chuẩn bị đưa tàu nghiên cứu xuống Biển Đông.

Biển Đông vốn là vấn đề đang gây chia rẽ giữa Việt Nam với một số thành viên ASEAN. Trước tình hình phức tạp do các hành động ngang ngược của Trung Quốc, đáng ra Nguyễn Phú Trọng phải tận dụng mọi diễn đàn quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nhưng không, ông Trọng đã không làm như thế! Ngược lại, ông cho Bộ Ngoại giao toa rập với Trung Quốc và Nga, tránh phê phán cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, nhưng lại hăng hái lên án Mỹ trong vấn đề Cuba. Tất cả những điều này làm cho giá trị địa-chính trị của Việt Nam giảm sút, chứ không phải “đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.