Cuộc chạy đua giữa năng lực y tế và sự lan truyền dịch
11-7-2021
Số lượng ca nhiễm Covid-19 của TP.HCM đang tăng theo cấp số nhân, với tốc độ tăng trưởng trung bình trong tuần qua là khoảng 10%/ngày, cao gấp rưỡi so với 3 tuần trước đó.
Chúng ta quan tâm tới các chỉ số này – cả con số tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng – vì chúng có hệ lụy quan trọng đối với cả chiến lược phòng – chống dịch và công tác điều trị.
Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến giữa tháng 6/2021, trong số 8.563 bệnh nhân nhiễm Covid-19, 54,0% hầu như không có triệu chứng, 40,4% chỉ có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 2,37% có biểu hiện ở mức độ trung bình, 3,1% biểu hiện nặng (cần trợ thở), và 0,2% rơi vào trạng thái nguy kịch (phải dùng ECMO).
Nếu những tỷ lệ này cũng đúng cho TP.HCM thì đến hết ngày 10/7/2021, với tổng số ca bệnh là 11.615 thì ước lượng trong đó có xấp xỉ 357 ca bệnh nặng cần phải thở máy và 20 ca nguy kịch phải dùng tới ECMO.
Tất nhiên những con số này chỉ là ước tính (một mặt vì thiếu số liệu chính thức, mặt khác do tỷ trọng các ca bệnh cũng biến đổi). Tuy nhiên, thông điệp quan trọng rút ra được từ những ước tính này là hệ thống điều trị của TP.HCM đã bắt đầu quá tải và sẽ tiếp tục chịu áp lực thậm chí còn to lớn hơn trong mấy tuần sắp tới.
Cụ thể là dự báo trong tuần tới, số ca bệnh của TP sẽ chạm ngưỡng 20.000. Khi ấy, số ca nặng có thể lên tới hơn 600, vượt quá công suất 500 giường chuẩn bị trong tuần vừa rồi dành cho bệnh nhân diễn biến nặng. Tương tự như vậy, số ca nguy kịch cần sử dụng ECMO cũng có thể lên tới trên 30 người, cao gấp đôi so với số lượng 16 máy ECMO thành phố hiện có.
Tất nhiên số ca nhiễm Covid-19 sẽ không dừng lại ở đây. Theo một số dự báo khác nhau, số lượng bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM có thể tăng lên tới 30.000 ca vào tuần cuối của tháng 7, và 40.000 ca trong tuần đầu của tháng 8.
Cuộc chạy đua giữa năng lực điều trị của TP.HCM với tốc độ lây nhiễm virus SARS-COV-2 dường như chưa có hồi kết, và hệ thống y tế ngày càng trở nên đuối sức trong cuộc đua này. Điều này tất yếu đòi hỏi phải có sự điều chỉnh trong chiến lược phòng chống dịch, và sự điều chỉnh này cần được quyết định và chuẩn bị đủ sớm để không bị dịch bệnh “qua mặt” một lần nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.