Chuyện lá cờ đỏ
3-7-2021
Khá lâu rồi tôi không còn “cảm xúc” gì nữa khi thấy lá cờ đỏ bay phấp phới nơi đấu trường WC hay EURO. Còn nhớ, lúc ban đầu tôi rất bực bội nhưng riết tôi tự bảo, thôi kệ họ!
Hôm qua, cũng như hàng triệu người Thụy Sĩ, tôi nóng lòng theo dõi trận cầu giữa đội Thụy Sĩ và Tây Ban Nha. Đó là một sự kiện lịch sử của nền bóng đá xứ này. Sự hồi hộp xen lẫn bao cảm xúc từ một trận cầu giữa David và Goliath mới thực sự khiến cho tôi không còn để ý gì đến những chuyện xung quanh.
Bất chợt, con gái 10 tuổi bảo: ba ơi có cờ VN communiste (cộng sản). Đứa con trai cũng la, sao có cờ VN? Khi ấy tôi mới để ý, chẳng những có 1 mà cả 4 lá cờ lồ lộ trên màn hình. Các lá cờ được treo trên những vị trí “trọng điểm”, các máy quay phải bị bắt buộc đưa vào vòng ngắm các lá cờ ấy.
Ờ, phải giải thích với các con rằng ở Nga, chắc có nhiều người Việt sống dưới chế độ cộng sản nên đó có lẽ là chuyện thường đối với họ để mang lá cờ ấy vào sân.
Thế họ mang vào sân để làm gì? VN có đá đâu mà lại mang vào? Các con hỏi.
Đang coi bóng, đội nhà bị áp đảo liên tục. Đối phương kiểm soát bóng gần 80% thời gian. Các cầu thủ TS kiên cường, nỗ lực với những hạn chế nhất định để bảo vệ khung thành trước những đợt tấn công vũ bão, nhưng vụng về và không hiệu quả của TBN. Tôi cũng chẳng biết hay buồn để trả lời cho các con. Tôi chỉ bực bội bảo: đó là một sự vô duyên, không đáng bận tâm!
Nhưng kể từ đó, dẫu không muốn nhưng tôi vẫn bị “chói mắt” với những lá cờ đỏ ngạo nghễ nằm chình ình trên cái màn hình. Cứ mỗi lần TS bị tấn công là 3 lá cờ lại hiện lên. Đổi hiệp đấu, TS mà đá phạt góc là chẳng thấy cờ nào khác ngoài cờ đỏ VN.
Có lúc máy quay chiếu cảnh khán đài trung tâm. Khi đó tôi quan sát mới thấy hai vị khán giả, có tuổi, chứ chẳng phải “trẻ trâu” gì, lôi hai lá cờ đỏ ra để phất lên. Hai người ăn mặc rất “cứng nhắc”. Sơ mi trắng, bỏ áo vào quần. Nhìn có vẻ đứng đắn. Giữa mùa hè, sao lại chẳng ăn mặc thoải mái khi xem đá bóng? Tôi chợt nghĩ, à có lẽ là người của sứ quán vậy!
Vợ tôi, vốn là người ghét bóng đá nhưng hôm qua khi thấy chồng đứng ngồi không yên từ sau trận thắng Pháp nên cũng đến nằm gần bên tôi. Có lẽ nàng cũng muốn “đồng hành” với chồng. Khi thấy những lá cờ ấy, nàng cũng buột miệng: vô duyên làm sao ấy!
120 phút và đá luân lưu, những hình ảnh về những lá cờ đỏ đã liên tục được chiếu khắp thế giới. Những người có chủ đích, có lẽ, đã quá thành công trong cú này.
Cờ đỏ đã xuất hiện từ giải WC năm 2018 cũng tại…Nga. Dường như tại WC ở Brésil cũng đã có lưa thưa trong vài trận. Tại EURO 2020 kỳ này, những trận tại Budapest cũng có hình ảnh của những lá cờ ấy. Nhưng đỉnh điểm là hôm qua, trong trận tứ kết tại Saint-Pétersbourg.
Tôi tự tìm câu trả lời cho sự hiện diện của những lá cờ ấy và tôi nghĩ rằng, chỉ tại các quốc gia có cộng đồng người Việt tị nạn kinh tế, thì mới có sự hiện diện của chúng. Đó không đơn thuần là việc cầm lá cờ vẫy vẫy mà tất cả đều có chủ đích. Đó là sự ngông cuồng, ngạo nghễ của những thanh niên hay là mục đích tuyên truyền của sứ quán, của ban Tuyên giáo? Tất cả đều phải có lý do!
Thậm chí, đôi khi người ta còn cầm cả hình ông Hồ, ông Giáp để ăn mừng chiến thắng sau những trận bóng. Các cầu thủ VN từng cảm động trương cờ “Bác” để vui mừng. Họ còn được “định hướng” đưa vào “lăng Bác để báo công”. Khi ông Giáp hấp hối, tôi còn nhớ các cầu thủ trẻ VN cảm động xếp hàng đứng ngoài nhà ông để chia sẻ niềm vui chiến thắng. Có gì lạ đâu trong một xứ sở luôn bị dẫn dắt, tuyên truyền và nhồi sọ bở bộ máy cầm quyền! Tất cả có lẽ cũng chỉ là nạn nhân mà thôi!
Từ sự bực bội khi thấy những lá cờ ấy xuất hiện không đúng nơi, đúng chỗ tại các sự kiện thể thao quốc tế mà VN chẳng có tư cách gì để tham gia cho đến những tranh luận xung quanh chúng giữa người Việt với nhau. Tôi đã quá ngạo ngán. Tôi tự bảo, kệ họ. Họ muốn làm gì thì làm vì suy cho cùng đó cũng là cái quyền của họ. Mà đã là người có tinh thần dân chủ thì phải chấp thuận cái sự khác biệt ấy mà thôi!
Nếu chúng ta bớt bận tâm đến sự tồn tại của chúng thì có lẽ những hình ảnh ấy cũng từ từ bị rơi vào quên lãng. Nếu chúng ta cứ tiếp tục lên án, chửi bới thì chính chúng ta bị rơi vào cái bẫy có chủ đích và sự khiêu khích của họ: tính chính danh của nhà cầm quyền, “phản động”, “ba que”, tư bản hay nhân quyền,…
Năm 2026, vòng chung kết Cúp thế giới sẽ được đồng tổ chức tại 3 nước: Mỹ, Canada và Mexico. Biết đâu khi ấy Việt Nam sẽ được tham gia và cổ động viên Việt Nam trong nước sẽ rầm rộ mang cờ đỏ sao vàng vào “phủ kín” các sân vận động Mỹ và Canada, những nơi có cộng động người Việt Tự do đông đảo nhất! Chắc chắn khi ấy sẽ có nhiều hình ảnh khôi hài và đau thương cho người Việt chúng ta.
Riêng cá nhân, tôi chưa bao giờ ủng hộ và sẽ không bao giờ nhìn nhận lá cờ của một chế độ độc tài toàn trị. Nhưng đó là thái độ của chính tôi. Và tôi cũng chưa bao giờ có ý muốn thuyết phục hay lôi kéo những ai đang sử dụng, nhìn nhận hay tôn thờ lá cờ đỏ của chính quyền trong nước. Tôi tôn trọng sự chọn lựa của họ. Đó là cái quyền tuyệt đối của họ. Đúng, sai, tuỳ theo nhận thức của mỗi chúng ta.
Vì thế tôi cũng chẳng màn tham gia biểu tình mỗi khi có cờ đỏ xuất hiện tại Thụy Sĩ nơi tôi sống. Trong một xứ sở dân chủ, nếu ai đó muốn cầm cờ của chính quyền trong nước thì cứ việc.
Tôi thừa hiểu mục đích quan trọng của những người đang tranh đấu cho một Việt Nam dân chủ. Đích đến sau cùng, nó quan trọng hơn là những câu chuyện hay những tranh cãi bất tận về sự tồn tại của “lá cờ máu”, như theo quan niệm của nhiều người.
Có thể nói, đừng để những sự việc kém phần quan trọng ảnh hưởng đến đại cuộc chung!
Có người bạn, tôi biết là có vô vàn thiện cảm với chế độ trong nước, từng bảo với tôi rằng: lá cờ chỉ là một mảnh vải, lúc nào thay thế chẳng được!
Tôi không nghĩ như thế. Lá cờ là một biểu tượng thiêng liêng của một quốc gia, của một dân tộc. Nó không thể tuỳ tiện sử dụng, xoá bỏ hay chà đạp.
Khi nào dân tộc chưa “trưởng thành”, chưa có một nền dân trí tiến bộ, chưa có sự rộng lượng và thông cảm với nhau thì khó lòng nghĩ đến tương lai.
Và khi ấy, chuyện lá cờ sẽ mãi mãi là một biểu tượng đáng buồn cho sự chia rẻ và hận thù giữa người Việt với nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.