Chuộc tội (Phần cuối)
10-7-2021
Ông trung đoàn phó nói một thôi. Mắt ông ta tiếp tục phóng lửa vào tôi, y như mắt loài cú vọ trước con mồi. Nhưng thấy tôi không hề tỏ ra tí gì lo sợ, ông ta có phần chưng hửng. Tôi chờ cho ông thiếu tá dừng lại, mới lạnh lùng hỏi:
– Thủ trưởng đã nói xong chưa?
– Tôi đang chờ nghe anh trả lời đây!
– Vậy để tôi nói nhé. Trước khi bước vào đây, tôi đã xác định, hoặc hôm nay mình bị bắn chết – Tôi đưa mắt về phía cái ngăn kéo lấp ló đuôi một khẩu súng ngắn – hoặc những đồng đội lớp tuổi đàn em của tôi không bao giờ còn bị đánh đập dã man bởi những chỉ huy mất hết tính người nữa. Thủ trưởng có biết trong đầu tôi đang nghĩ gì không? Tôi đang nghĩ, hình như bọn Pôn-pốt thì cũng chỉ ác mó như những chỉ huy đã tra tấn đồng đội của tôi ngay trước mắt chúng tôi, là cùng.
Tôi kể ra tất cả những gì khủng khiếp tôi chứng kiến tận mắt và khẳng định đó chỉ là một phần nhỏ của hiện tượng quân phiệt đang cực kỳ nghiêm trọng xảy ra trong đơn vị. Tôi kể một cách rành rõ, nhắc tên từng người cụ thể, cả nạn nhân lẫn thủ phạm, không hề giữ mồm giữ miệng. Sau đó tôi cũng nhìn xoáy vào tận mặt ông thiếu tá trung đoàn phó chính trị và hỏi:
– Tất cả những vụ việc tàn bạo, ghê tởm, vô liêm sỷ, vô kỷ luật và hiển nhiên là vô pháp như vậy thủ trưởng có biết, có nghe thấy không? Tai tiếng về “bốn con hổ ăn thịt người” (thực ra phải là sáu) của trung đoàn thủ trưởng có biết không, có cần tôi điểm mặt từng tên không?
Ông trung đoàn phó chính trị không lường tới phản ứng của tôi lại quyết liệt và thẳng thắn như vậy, tỏ ra lúng túng. Ông ta nhìn đi chỗ khác rồi khẽ nói:
– Tôi có nghe, tại sao tôi lại không biết…
Tôi gần như đứng bật dậy và nói như quát:
– Biết? Thủ trưởng nói mình biết? Vậy thủ trưởng đã làm gì? Chúng tôi gia nhập quân đội là để bảo vệ tổ quốc. Biết bao nhiêu người đã vì nghĩa vụ cao cả đó mà không sợ gian khổ, như tôi đây là một ví dụ. Nếu biết đến đây bị đánh đập tàn bạo đến thân tàn ma dại, bị sỉ nhục hơn cả súc vật…bởi chính những kẻ chỉ huy mình, thì còn lâu chúng tôi mới đến. Tôi sẽ còn tiếp tục gửi đơn thư đến quân pháp Quân khu, đến Bộ quốc phòng, đến Quốc hội để tố cáo những hành vi sai trái của lũ ăn thịt người khoác áo sỹ quan chỉ huy quân đội nhân dân. Tôi cũng sẽ tố cáo cả những người chịu trách nhiệm, biết nhưng làm ngơ…như thủ trưởng.
Tôi không thể biết mình nói to cỡ nào, chỉ biết rằng mọi người đang làm việc bên trong vội chạy cả ra, lấp ló nhìn qua khe cửa, xem một thằng binh nhì to gan lớn mật đấu khẩu với một chỉ huy chính trị khét tiếng khó tính và nham hiểm. Nhiều người tái mặt vì sợ, mặc dù chẳng liên quan gì đến họ. Có lẽ họ sợ phải nghe một tiếng súng và sau đó là phải chứng kiến một gã đồng đội ngã xuống vũng máu. Tôi dừng lại vì quá xúc động. Bản thân tôi cũng chờ một phản ứng khốc liệt từ ông thiếu tá nên tôi đã chạng chân sẵn sàng để nếu có bị tát hay ném ghế tôi cũng không thèm tránh.
Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ.
Và tôi tin quý vị bạn đọc cũng rất bất ngờ.
Kịch cũng không thể kịch hơn.
Bởi thay vì rút súng chĩa vào mặt tôi, ông thiếu tá nhẹ nhàng đi vòng qua bàn để đến phía sau tôi. Ông gần như chộp tay lên vai tôi và đổi giọng nhanh hơn cả diễn viên trên sân khấu:
– Bản lĩnh lắm! Đáng khen. Đáng khen. Đáng khen vô cùng. Có thế chứ! Tao thử mày đấy mà Duy Anh ơi – ông ta lắc lắc vào vai tôi, xoay cho tôi quay lại phía ông ta – Anh vẫn biết mày là thằng có tài, có chí khí, có tấm lòng với đồng đội. Vì thế, có thể cậu không biết, chứ chính anh bảo phải đưa em về tiểu đoàn bộ tiểu đoàn Bảy, để em ở gần trung đoàn, ở gần anh, có gì bọn anh còn nhờ vả. Nếu anh không chỉ đạo thế thì chúng nó đưa em đi “mép nước” (nơi sát bờ biên, chỉ cách phía địch một chiều rộng con sông) lâu rồi. Anh mừng quá. Anh đã không nhầm khi nhận xét về em, ngay cả khi chưa biết em là ai, chỉ nghe qua lời kể của cấp dưới. Làm nghề của anh mà không có khả năng ấy, thì vứt, về nhà trông gà cho vợ. Chú mày- ông ta lại đổi cách xưng hô – thật đáng mặt là nhà văn. Tao không uổng khi tiến cử chú mày về tiểu đoàn bộ tiểu đoàn Bảy…
Ông ta làm bộ như sắp khóc, lấy khăn chấm mắt, đi trở lại chỗ cũ rồi rút ngăn kéo lấy ra ba bao thuốc lá hiệu Sa pa, loại thuốc rẻ tiền nhưng cũng thuộc hàng quý hiếm đối với lính biên, bảo:
– Chú mày không tin anh chứ gì, thì nhìn đi! Tao đã chuẩn bị sẵn quà cho chú mày từ trước nhé. Cầm về mà hút. Của anh tặng riêng cho em đấy. Anh quý mày lắm. Tao chưa bao giờ mua quà cho bất cứ ai đâu. (Điều đó thì tôi tin ngay). Thế mày tưởng tao gọi mày ra để kỷ luật chắc? Tao là Lưu Văn Hậu, chú mày nhớ nhé, chứ không phải loại võ biền tầm thường. Những thằng đánh mày mới là đối tượng để anh kỷ luật và chỉ vài hôm nữa là chú mày thấy. Tao tống cổ chúng nó xuống đại đội để rèn luyện, cho ra mép biên thử thách. Em thấy kỉ luật thế được chưa? Chả lẽ lại tước quân tịch chúng nó…
– Tôi không quan tâm đến việc đó- tôi vẫn giữ vẻ mặt của kẻ một mất một còn.
– Anh biết. Anh biết chú mày không vì bản thân. Chính vì thế mà anh muốn hỏi: chú mày có định kiện tiếp nữa không?
– Tôi không nói đùa bao giờ. Thủ trưởng chắc đã đọc những lá đơn tố cáo của tôi, hẳn thủ trưởng biết tôi không sợ.
– Đương nhiên anh biết chú mày không sợ. Nhìn thì biết là chú mày có bản lĩnh. Vả lại việc chú mày làm là đúng. Công lý thuộc về chú thì chú việc gì phải sợ. Nhưng nếu hôm nay anh giải quyết có lý có tình thì chú có rút lại ý định kiện tiếp không?
– Tôi sẽ quyết định tuỳ vào cách giải quyết của thủ trưởng.
– Thì cách anh giải quyết là cho mấy thằng mất dạy ấy đi đơn vị. Cúi đầu nhận tội cả rồi. Đang sung sướng, lính cậu, chỉ phải vác súng đứng gác, tha hồ cải thiện…mà phải xuống đó, vác bê tông è vai, cứt ra quần, ăn mắm tôm đến thối mồm… là đi cải tạo chứ còn gì.
Cả tôi và ông ta cùng im lặng. Lát sau ông ta nói y như một cán bộ địch vận đang làm công tác thuyết phục đối phương ra hàng:
– Chú mày là dân viết lách, hẳn phải rất hiểu biết. Chú mày thấy đấy, anh em chúng nó có sung sướng gì đâu. Trong khi ở Hà Nội, những người chả có công lao chó gì cũng còn được ưu đãi đủ thứ. Nào là lương bổng, tiêu chuẩn thực phẩm, nhà cửa, xe cộ…lại được kè kè bên vợ con để hú hí đêm ngày. Vậy mà anh em ở đây thì quanh năm chỉ cứ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Ăn uống thì kham khổ. Thành ra chúng nó cũng bức xúc. Không biết trút vào đâu thì trút lên lính tráng. Bậy vô cùng. Anh sẽ không để yên cho những hành vi như em vừa tố cáo. Mà em nói toàn sự thật, anh công nhận. Nhưng ngoài xã hội tiêu cực nhiều quá, tham ô, hối lộ, giết người, lừa thầy phản bạn, chạy chức chạy quyền tùm lum…đủ cả. Quân đội cũng là một phần của xã hội, làm sao thoát không bị tệ nạn nó tràn vào. Nó tràn vào một bộ phận thôi. Nhưng con sâu làm rầu nồi canh. Mình cũng nên công bằng mà nhìn nhận. Và phải có thời gian em ạ. Không thể đem kỷ luật đuổi về xuôi hết được. Lấy ai chỉ huy? Lấy ai canh biên giới? Liệu có bảo mấy thằng béo mẫm dưới xuôi, chỉ quen ngồi chảy bụng ra trong phòng lạnh, lên thay vào vị trí chúng nó được không. Chả có đứa ma nào lên đâu em ạ. Gớm, còn lâu nhé, tao biết tỏng. Tao nói cho mày biết, tin mật đấy nhé. Chúng tao vừa được thông báo một thằng lính ở X.M dùng B40 thiêu cháy cả một tiểu đoàn bộ, cũng vì quân phiệt của chỉ huy…Các mặt trận khác cũng đầy rẫy. Lạng Sơn, Quảng Ninh…có cả. Lính viết thư bằng máu tố cáo chỉ huy gửi đến tận Quốc Hội. Nói thế để chú em hiểu, không phải cấp trên không biết. Nhưng từ biết đến xử lý cần phải có một thời gian. Anh khẳng định, hiện tượng quân phiệt là nghiêm trọng và phải chấm dứt, không được phép tồn tại, anh đồng ý với mày về cơ bản. Nhưng anh nói lại, phải cho anh thời gian. Nếu chú mày lại gửi đơn đi tiếp thì khác nào bắt bí anh…
– Vậy thủ trưởng muốn tôi làm gì?
– Ấy đấy, đúng là chú mày thông minh thật. Chú hiểu anh thế là tốt. Tao với mày là anh em, cùng dân có học, nói với nhau đâu cần giữ kẽ, em hẩy! Cụ thể thế này, trước hết thay mặt lãnh đạo chỉ huy trung đoàn, xin lỗi chú mày. Nhân thể anh muốn chú thôi kiện và viết mấy dòng gửi báo Chiến Sỹ Tây Bắc, đại ý thông báo với họ sự việc đã được trung đoàn giải quyết hợp tình hợp lý. Chỉ cần mấy dòng thôi.
Thấy tôi ngồi im, ông ta giở giọng thân mật:
– Tao hứa với thằng em, nói là làm. Chú em cứ suy nghĩ đi.
Như sợ tôi còn toan tính, ông trung đoàn phó chính trị đưa món quà ra trước:
– Chú mày giúp anh, anh cũng sẽ giúp chú mày. Tao còn ở đây, thì từ giờ đến lúc ra quân, tao đố thằng nào, dù có gan to bằng trời, dám động đến một cái lông chân chú mày.
Tôi hiểu là mình đang phải lựa chọn một trong hai thứ, hoặc hoà hoãn để được yên thân, hoặc chiến đấu tiếp và sẽ gặp rủi ro. Trong câu nói thân mật của ông thiếu tá, có cả ngầm ý đe doạ. Nếu tôi cứ khăng khăng kiện tiếp thì sẽ chẳng có ai bảo vệ tôi nữa. Mà ở nơi hòn tên mũi đạn này, chuyện gì chả có thể xảy ra. Tôi nhớ đến vẻ mặt và cái nhếch mép của tiểu đoàn trưởng khi tôi bảo ông là tôi sẽ kiện. Ông ta biết trước tôi chỉ là quả trứng, trong khi phía kia là cả một tảng đá lì lợm, một trái núi. Trước sau tôi cũng vỡ nếu chấp nhận đối đầu! Thật tình khi đó tôi cũng rất mệt mỏi. Tôi đã quá nông cạn khi chỉ thấy cuộc sống giống như người ta tô vẽ. Giờ đây, mục tiêu quan trọng nhất của tôi không phải là tạo dấu ấn hữu ích cho cuộc đời, mà phải an toàn trở về nhà sau khi mãn hạn nghĩa vụ. Cuối cùng tôi ra điều kiện:
– Tôi lao vào kiện tụng không phải chỉ vì cá nhân tôi, mà còn vì hàng trăm đồng đội của tôi, những đứa em đã trân trọng coi tôi như người anh lớn của chúng. Tôi rất xấu hổ vì sự hèn mạt của mình. Tôi đã im lặng cầu an, không dám hé răng nửa lời khi chứng kiến chúng nó bị hành hạ dã man. Đáng lẽ tôi nên chết đi mới đáng tội! Vì thế, tôi chỉ đồng ý với điều kiện, từ nay đến khi tôi rời khỏi quân đội, tôi không phải thấy, phải nghe kể về một vụ đánh đập nào nữa.
– Ơ cái thằng này – ông Hậu kêu lên đầy thân tình, cứ như tôi đã là cánh hẩu của ông ta – Thế từ nãy giờ tao đùa à? Mày chưa tin anh à? Tao đang bàn với mày về chuyện đó cơ mà. Duy Anh ạ, về chuyện đó thì anh xin hứa với chú. Tao sẽ sát sao hơn và trừng trị tức khắc những thằng sỹ quan nào còn dám đánh lính. Ngay từ hôm nay. Thằng nào còn dám đánh lính, tao gọi cổ ra đây liền. Hoặc chú mày nghe thấy, chứng kiến còn hiện tượng láo toét đó, thì mách cho anh, tao trừng trị tức khắc, bất kể nó là ai. Để xem đứa nào dám đùa với kỷ luật quân đội?
Thời gian còn lại, ông thiếu tá tiếp tục nói như tâm sự những nỗi khổ của ông khi làm công tác chính trị, mong tôi thông cảm. Tôi ngồi im. Gần trưa thì ông chủ động dừng cuộc làm việc trong nụ cười thân tình. Khi tiễn tôi ra về, thiếu tá Lưu Văn Hậu còn cẩn thận nhắc tôi: “Em nhớ gửi lại cho họ mấy chữ nhé!”
Mặc dù đã thực sự chiến đấu vì công lý và không đến nỗi nào nhưng chưa bao giờ tôi thấy cô độc, yếm thế và u uất như cái buổi sáng hôm ấy. Trở về đơn vị, đáp trả qua loa những lời hỏi thăm, tôi một mình lang thang vào rừng. Tôi đã rạch được một nhát vào khối ung nhọt đã mưng mủ chưa ai dám nhắc đến. Nhưng rõ ràng tôi vẫn có thể làm nhiều hơn thế cho những đồng đội?
Chỉ duy nhất một ý nghĩ an ủi tôi, đó là dù sao mình cũng giữ được mạng sống, giữ được chí khí hiên ngang giữa bầy quỷ khi trong tay không một tấc sắt nhỏ.
Nhưng tôi là người sòng phẳng. Tôi sẽ chịu đựng một mình nỗi dày vò mà không làm ảnh hưởng đến ai, đầu tiên là ông chủ nhiệm chính trị trung đoàn. Vì thế, hôm sau, giữ đúng thỏa thuận với chủ nhiệm chính trị (một thỏa thuận sẽ được ông Hậu thực hiện khá nghiêm túc về sau: Không ai động đến tôi nữa và nạn quân phiệt trong trung đoàn giảm mạnh) tôi viết lá thư cho Ban biên tập báo Chiến sỹ Tây Bắc. Viết xong tôi gần như bị mất hết sinh lực. Tôi là người căm ghét thói nói dối. Vậy mà chính tôi đã phải nói dối. Tôi nhắm mắt dán phong bì rồi nhờ người đem ra Cam Đường bỏ vào thùng thư.
Bằng việc làm đó, tôi thật sự muốn quên đi những ngày tháng đen tối nhất cuộc đời mình.
***
Tôi xin phép bạn đọc dừng việc trích Tự truyện tại đây. Nó đã đi quá xa so với mục đích ban đầu của tôi là chỉ gửi “lời làm chứng tin cậy về một sự thật vẫn bị che đậy” tới tướng Phan Văn Giang, mong ông quyết liệt tiêu trừ tận gốc nạn quân phiệt. Tôi vẫn tin vào ông ấy. Hy vọng sự thật về vụ cháu Trần Đức Đô cuối cùng sẽ hiện ra dưới ánh sáng của Công Lý.
Tiện thể cũng xin có vài lời với các “nhà đạo đức cách mạng”: Các vị hãy tưởng tượng cháu Đô là con trai các vị, hẳn các vị sẽ hiểu nỗi đau mất con trong thời bình nó kinh hoàng, phi lý như thế nào và những lời dạy dỗ vô cảm nó CHUỐC NGHIỆP nặng đến mức nào?
____________
Chú thích ảnh: Các cựu quân nhân nhập ngũ tháng 2-1985 từ thủy điện Hòa Bình, sau 35 năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.