Biến đổi khí hậu: Khối G7 cứng rắn với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch
Dulcie Lee & Joseph Lee
BBC News
Lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển đang nhóm họp tại Cornwall, Anh Quốc sẽ ra những biện pháp nghiêm ngặt đối với hoạt động của các nhà máy nhiệt điện, như một phần trong cuộc chiến chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.
Huân tước David Attenborough (phải) có bài phát biểu tại kỳ họp thượng đỉnh G7
Nhóm G7 cam kết sẽ từ bỏ các nhà máy nhiệt điện, trừ phi loại hình này có được công nghệ mới nhằm loại trừ khí thải carbon.
Quyết định được đưa ra vào lúc Huân tước David Attenborough, gương mặt truyền thông và là nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên nổi tiếng người Anh, cảnh báo rằng con người đang đứng mấp mé ở ranh giới gây bất ổn cho cả hành tinh.
'Quyết định quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại'
Ông nói các lãnh đạo G7 đang đối diện với những quyết định quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
Tuyên bố đối phó với việc sử dụng than được đưa ra từ Tòa Bạch Ốc, theo đó nói rằng đây là lần đầu tiên lãnh đạo các nước giàu trên thế giới cam kết duy trì mức nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 1,5 độ C.
Để đạt được điều này, cần phải có một loạt các chính sách khẩn cấp, mà đứng đầu trong đó là việc giảm dần, tiến tới loại bỏ việc sử dụng than, trừ khi hoạt động này được cải thiện nhờ công nghệ hấp thụ, tiêu trừ khí thải carbon.
Than là nguồn nhiên liệu chủ yếu gây ô nhiễm nhất thế giới, và việc chấm dứt sử dụng than được các nhà hoạt động vì môi trường coi là một bước đi to lớn.
Tuy nhiên, họ cũng muốn các nước giàu đảm bảo sẽ thực hiện những cam kết trước đây trong việc giúp đỡ các nước nghèo thích ứng với tình trạng thay đổi khí hậu.
Khối G7 sẽ chấm dứt tài trợ cho nhà máy nhiệt điện mới ở các nước đang phát triển, và sẽ ra đề nghị tài trợ tới 2,8 tỷ đô la để chấm dứt việc sử dụng loại nhiên liệu này.
Biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề then chốt trong kỳ họp thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Vịnh Carbis, Cornwall.
Kỳ họp thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại khu nghỉ dưỡng ở Vịnh Carbis, Cornwall, tây nam xứ Anh
Lãnh đạo bảy nền công nghiệp lớn trên thế giới, gồm Anh, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Đức và Italy, được trông đợi sẽ đưa ra những kế hoạch nhằm làm giảm mức khí thải từ hoạt động nông nghiệp, giao thông vận tải, và từ việc sản xuất sắt thép, xi măng.
Các nhà lãnh đạo sẽ cam kết bảo vệ 30% diện tích đất và biển toàn cầu cho mục đích tự nhiên, tính đến năm 2030.
Họ cũng được trông đợi sẽ cam kết cắt giảm tới một nửa lượng khí thải ở nước mình tính đến năm 2030 so với mức xả thải ở năm 2010. Anh Quốc cho đến nay đã vượt mức trong việc thực hiện cam kết này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tổ chức họp báo trong chiều Chủ Nhật, ngày cuối cùng của kỳ họp thượng đỉnh, nơi ông đã có va chạm với các lãnh đạo EU quanh các đòi hỏi về thỏa thuận Brexit đối với việc kiểm tra hàng hóa từ Anh vào Bắc Ireland.
Sau kỳ họp thượng đỉnh, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) sẽ dự bữa ăn tối với Nữ Hoàng Anh
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp đối với than và chấm dứt hầu như toàn bộ sự hỗ trợ trực tiếp của chính phủ đối với các ngành sử dụng loại nhiên liệu hóa thạch này ở nước ngoài, khối G7 được trông đợi sẽ dần xóa bỏ việc dùng xe hơi chạy bằng xăng và diesel.
Trung Quốc - nước mà theo một báo cáo là nơi chịu trách nhiệm cho 27% lượng khí thải toàn cầu trong năm 2019, là mức cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác - không phải là thành viên khối G7.
Các lãnh đạo khối G7 cũng được trông đợi sẽ hậu thuẫn cho một kế hoạch nhằm đảo ngược tình trạng tổn thất mức đa dạng sinh thái - một biện pháp đo lường xem có bao nhiêu loài khác nhau sống trong những hệ sinh thái - tính đến cuối thập niên này.
Ông Johnson cũng sẽ công bố một quỹ trị giá 500 triệu bảng nhằm bảo vệ các đại dương và đời sống sinh vật biển trên toàn thế giới.
"Quỹ hành tinh xanh" sẽ giúp các nước, trong đó có Ghana, Indonesia và các quốc đảo Thái Bình dương, đối phó với tình trạng đánh bắt cá không bền vững, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái vùng duyên hải, như rừng đước, các rặng san hô, và giảm tình trạng ô nhiễm đại dương.
Một phúc trình lớn của Liên hiệp quốc năm 2019 nói rằng mức khí thải carbon dioxide toàn cầu phải không được vượt quá mức đỉnh điểm hồi 2020 thì mới có thể giữ cho hành tinh không bị tăng nhiệt độ lên quá 1,5 độ C.
Các nhà lãnh đạo tham dự kỳ họp thượng đỉnh G7. EU không phải là thành viên G7 nhưng thường tham dự kỳ họp của khối này
D.L. - J.L.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.