Anh Vũ Đức Đam cần chú ý hơn
20-7-2021
Nhìn nhận về một chính trị gia nên theo tuyến hành động của anh ta, chứ không nên nhìn anh ta như các em mới lớn nhìn và ca ngợi thần tượng của mình.
Tôi cũng giống nhiều người khác rất chú ý tới cách ăn nói rành mạch, trôi chảy của anh và phong cách làm việc “có vẻ” công tâm và “có vẻ” quần chúng của anh (Tôi dùng từ “có vẻ” vì tôi chưa tiếp xúc trực tiếp với anh bao giờ nên chưa dám khẳng định).
Muốn anh trở thành một chính trị gia đúng nghĩa (dù anh đã hơn nhiều đồng chí của anh), với tư cách một người dân, tôi xin đặt với anh vài câu hỏi liên quan tới tuyến hành động của anh.
Mới đây anh có chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục xem xét lại qui chế đào tạo tiến sĩ mới vì bị nhiều nhà khoa học cho là bước “thụt lùi” so với qui chế cũ ban hành năm 2017, vì có một vài giáo sư nào đó kêu ca.
Tôi chưa nói về qui chế và sự đúng hay sai liên quan tới yêu cầu của anh. Nhưng tôi phải hỏi anh về sự quan tâm có vẻ thiếu công bằng của anh đối với dân chúng.
Tại sao suốt nhiệm kỳ 05 năm vừa qua cho tới bây giờ cực kỳ nhiều người dân kêu ca, phàn nàn về giáo dục phổ thông, nhưng rất hiếm khi anh công khai chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục chấn chỉnh lại? Phải chăng lần này một vài GS. TS và GS. TSKH kêu ca nên anh mới chú ý? Như vậy có phải anh phân biệt đối xử không?
Anh không biết rằng các ngành và chuyên ngành khoa học rất khác nhau về khả năng viết được bài báo quốc tế sao?
Một GS. TSKH người Việt Nam (nổi tiếng thế giới) cực kỳ thân thiện với tôi (như anh em) góp ý nhiều cho qui chế đào tạo này, nhưng đôi khi cũng ảo tưởng. Vị này lập luận rằng chuẩn đầu ra tiến sĩ là phải có bài báo quốc tế vì tiến sĩ được yêu cầu là có trình độ tiếng Anh B2 (tương đương với 5.5 hoặc 6.0 IELTS). Trong khi nhiều người tốt nghiệp thạc sĩ và làm xong tiến sĩ luật học ở những nước nói tiếng Anh về còn khó có thể viết ngon lành một bài báo quốc tế về luật học bằng tiếng Anh khoảng 30 – 40 trang đánh máy khổ A4 theo yêu cầu chung bởi ngôn ngữ pháp lý rất phức tạp và các hệ thống pháp luật khác nhau rất nhiều, kể cả thuật ngữ chuyên môn.
Ví dụ đơn giản nhất: thuật ngữ “quyền sử dụng đất” và “quyền hưởng dụng” của ta dịch ra tiếng Anh là phải có giải thích thì nhiều người nước ngoài mới có thể hiểu đúng và đầy đủ vì qui định về nội dung của quyền sở hữu của ta có khác với hầu hết các nước. Trong khi đó thuật ngữ “trust” và thuật ngữ “equity” trong hệ thống pháp luật Anh-Mỹ khó có từ nào tương đương trong tiếng Việt. Thuật ngữ “thing” trong tiếng Anh phải hiểu là “vật” nếu sử dụng để nói về luật dân sự theo kiểu Đức, nhưng phải hiểu là “tài sản” nếu sử dụng để nói về luật dân sự theo kiểu Pháp. Vậy việc yêu cầu phải có bài báo quốc tế đối với nghiên cứu sinh luật với trình độ B2 tiếng Anh thì chỉ có cách là viết bằng tiếng Việt, rồi thuê người giỏi tiếng Anh pháp lý dịch ra tiếng Anh.
Có một lần gần đây, tôi được tham dự hội đồng nghiệm thu một đề tài cấp Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tại đó luật gia tiến sĩ khá nổi tiếng Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật nói: “Bài báo này mà đưa vào tạp chí của tôi, tôi không thèm đăng” đối với bài quốc tế buộc phải có theo yêu cầu của đề tài được đăng trên một tạp chí có thứ hạng cao trong hệ thống Scopus. Vị đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội ngồi im thin thít. Lưu ý rằng hầu hết các bài báo quốc tế viết về luật học là viết về pháp luật Việt Nam mà Tây thì điếc về luật Việt Nam. Vậy vấn đề là nội dung khoa học của bài báo mới là quan trọng?
Đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nếu có chỉ đạo gì thì cũng nên chỉ đạo trên tinh thần đối xử bình đẳng với công dân trong việc tiếp thu ý kiến công dân và chỉ đạo trên tinh thần xem xét toàn diện. Cần phân loại cho thích hợp anh ạ! Tôi thì qui chế gì cũng được nhưng phải nhìn nhận cho rõ đã.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.