Đảng CSTQ kỷ niệm 100 năm: Những bí quyết khiến Đảng CSTQ sống dai
Vũ Văn Lê, dịch
26-6-2021
Vào ngày 1 tháng 7 tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của chế độ luôn luôn tự cho mình là “tuyệt vời, vinh quang, và đúng đắn”. Khi ngự trị bắt đầu bước sang thế kỷ thứ hai, Đảng có lý do chính đáng để khoe khoang. Chế độ CSTQ không những đã tồn tại lâu hơn nhiều so với những dự đoán của học giả, mà dường như uy thế lại đang lên.
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều giới phân tích tin tưởng sẽ có một cường quốc cộng sản lớn khác rụng tiếp theo. Để thấy thế giới đã sai lầm như thế nào, hãy xem xét Tổng thống Joe Biden, tuyên bố tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 13 tháng 6 vừa qua, “đã đến lúc cần phải nhận thực rằng, không phải chỉ Hoa kỳ mới có mâu thuẫn với Trung quốc, mà cả thế giới đang thắc mắc, đặt câu hỏi:“liệu các nền dân chủ có thể nào cạnh tranh được với chế độ cộng sản Tầu?”
Đảng CSTQ đã cai trị nước Tầu ròng rã 72 năm mà không hề có sự ủy quyền nào của cử tri. Đó không phải là một kỷ lục thế giới. Lenin và những người thừa kế ảm đạm của ông ta đã nắm quyền ở Matxcơva lâu hơn thế, hệt như sự ngự trị của Đảng Công nhân ở Bắc Triều tiên. Nhưng phải nhận là không có chế độ độc tài nào khác ở thế giới có thể chuyển hóa từ thảm cảnh đói rệp dưới thời Mao Trạch Đông, thành nền kinh tế lớn mạnh thứ hai thế giới, với công nghệ và cơ sở hạ tầng tiên tiến, khiến những xa lộ và đường sắt xe lửa ọp ẹp của Mỹ phải xấu hổ. Quả thật, lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc là những nhà độc tài thành công nhất trên thế giới.
Đảng CSTQ có thể duy trì được quyền lực vì ba lý do. Một là, cực kỳ tàn nhẫn. Đúng thế, đã tưởng sẽ tàn lụi vào năm 1989 trước khi đè bẹp các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, nhưng cuối cùng chế độ đã đáp trả một cách điên cuồng bằng xe tăng súng đạn, khiến đất nước phải cúi đầu khuất phục. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay không hề tỏ vẻ ngờ vực hay hối hận về vụ thảm sát đó. Mà ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chép miệng giảng giải: “Liên Xô sụp đổ vì các lãnh đạo Sô Viết không đủ can đảm để trỗi dậy kháng cự vào thời điểm quan trọng.” Khi nói như thế, Tập công khai để lộ bản chất tàn bạo, đại ý: khác hẳn đám chúng tôi, lãnh đạo Sô Viết không có gan tàn sát những người biểu tình hòa bình bằng súng máy.
Hai là, nhanh nhạy về ý thức hệ. Chỉ vài năm sau khi Mao qua đời vào năm 1976, một nhà lãnh đạo mới, Đặng Tiểu Bình, đã bắt đầu loại bỏ chế độ công xã để chấp nhận kinh tế thị trường ở nông thôn. Những kẻ mù quáng chủ nghĩa Mao nhăn mặt lúc ban đầu, nhưng sản lượng tăng vọt. Sau khi Thiên An Môn và Liên Xô sụp đổ, Đặng đã công khai bác bỏ chủ nghĩa Mao, và chấp nhận chủ nghĩa tư bản một cách mạnh bạo hơn. Sự thể này dẫn đến việc đóng cửa nhiều xí nghiệp quốc doanh, và bắt đầu chấp nhận tư nhân hóa nhà cửa cho dân chúng. Tuy hàng triệu công nhân bị sa thải, nhưng Trung Quốc đã phát triển vượt bậc.
Dưới thời Tập Cân Bình, đảng CSTQ thay đổi một lần nữa, tập trung vào chủ nghĩa và ý thức hệ. Những người tiền nhiệm của Tập chấp nhận cho bất đồng chính kiến nhẹ. Tập khởi sự đường hướng mới: Mao lại được hoan hô ca tụng. Các cán bộ Đảng bắt buộc phải thấm nhuần “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Bộ máy hành chính, quân đội và cảnh sát phải trải qua những cuộc thanh trừng sát phạt, những quan chức ý tưởng lệch lạc và tham nhũng bị trừ khử thẳng tay. Doanh nghiệp lớn được nối nhau vào hệ thống. Tập nỗ lực xây dựng lại cơ sở đảng, tạo ra một mạng lưới gián điệp kiểm soát từ trên xuống dưới, đưa cán bộ vào các công ty tư để theo dõi. Kể từ thời Mao, chưa bao giờ nước Tầu bị kềm xiết chặt chẽ như vậy.
Ba là, Trung Quốc không hề là một chế độ dân chủ thuần túy, mà trở thành một chế độ độc tài, trong đó kẻ giàu sụ đều là những trự có quan hệ tốt. Tham nhũng tràn lan, những gia thế quyền lực nhất đều là những kẻ siêu giàu. Tuy thế, nhiều người dân TQ cảm thấy cuộc sống của họ được cải thiện, và Đảng đủ sắc sảo tinh khôn để nhận thức được những yêu cầu của dân. Thuế má nông nghiệp liền được bãi bỏ. Một hệ thống phúc lợi tức thì được thành lập, cấp lương hưu trí, chăm sóc sức khỏe cho hết mọi người. Dù lợi ích chưa thể gọi là đầy đủ, nhưng được nhận là hữu ích, tích cực.
Trong nhiều năm qua, giới quan sát phương Tây đã tìm đủ lý do để dự đoán sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Bởi lẽ, chắc chắn sự kềm xiết của một nhà nước độc đảng không thể nào phù hợp được với quyền tự do mà kinh tế hiện đại đòi hỏi. Một ngày nào đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phải cạn kiệt, dẫn đến vỡ mộng, biểu tình. Thêm nữa, khi tầng lớp trung lưu rộng lớn cùng tăng trưởng mạnh mẽ, chắc chắn người dân sẽ đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn – đặc biệt là con cái họ đã được nếm mùi dân chủ đầu tiên khi du học ở phương Tây.
Những chẩn đoán kể trên đã sai lầm bởi Đảng Cộng sản liên tục được chấp nhận. Nhiều người dân Trung Quốc ghi nhận Đảng đã cải thiện đời sống họ. Quả thật, nhân lực của Trung Quốc đang thu hẹp lại vì tình trạng già nua của dân số, và lề lối nghỉ hưu sớm một cách vô lý, nhưng đó là những khó khăn mà mọi chính phủ phải đối mặt, cho dù là độc tài hay dân chủ. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung quốc dường như sẽ tiếp tục trong một thời gian.
Nhiều người dân Trung Quốc lại tỏ vẻ ngưỡng mộ bàn tay mạnh mẽ của Đảng Cộng sản. Họ thấy Trung Quốc đã nghiền nát covid-19, phục hồi kinh tế nhanh chóng, trong khi phương Tây vấp ngã. Họ cực kỳ hãnh diện, tự hào về quyền lực và vị thế siêu cường của Trung Quốc ở thế giới. Chủ nghĩa dân tộc do Đảng khởi xướng đang lan tràn. Truyền thông nhà nước liên hệ Đảng với Quốc gia và Văn hóa của nước Tầu. Trong khi đó guồng mày tuyên truyền châm biếm Hoa kỳ là vùng đất của bạo loạn chủng tộc và thảm sát bằng súng ống. Đảng CSTQ nghiêm khắc cảnh cáo: giải pháp thay thế chế độ độc đảng sẽ dẫn đến hỗn loạn.
Mỗi khi bất đồng chính kiến nổi lên, Tập Cận Bình xử dụng công nghệ để ngăn chặn trước khi nó lan tràn. Đường phố khắp nước Tầu tràn ngập camera, được tăng cường bởi phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Các phương tiện truyền thông xã hội bị theo dõi kiểm duyệt. Các quan chức có quyền giải quyết bắt bớ mọi tầng lớp công dân vốn là nguồn nuôi nấng chế độ. Những người có tư tưởng “sai trái” có thể mất việc làm hay bị giam giữ. Cái giá của sự thành công của Đảng CSTQ nhờ đàn áp tàn bạo, thật là vô cùng khủng khiếp.
Không có bữa tiệc nào kéo dài mãi mãi
Mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với Tập Cận Bình sẽ không đến từ quần chúng, mà từ chính nội bộ đảng. Bất chấp mọi nỗ lực cải sửa, đặc trưng của chế độ vẫn là chủ nghĩa bè phái, phản phúc, và tự ti ý thức hệ. Dù nhiều đối thủ bị buộc tội về âm mưu chiếm quyền đã bị bỏ tù, xử lí, nhưng chính trị Trung quốc không sáng sủa hơn nhiều thập kỷ qua, và cuộc thanh trừng bất tận của Tập để lộ rõ sự kiện hiển nhiên là đương kim lãnh đạo CSTQ vẫn còn rất nhiều kẻ thù giấu mặt hơn trước.
Thời điểm bất ổn nhất cho Tập có thể sẽ là giai đoạn kế thừa. Không ai biết nhân vật nào sẽ thay thế Tập, và quy tắc nào sẽ chi phối quá trình chuyển đổi lãnh đạo. Khi loại bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch vào năm 2018, Tập đã báo hiệu là muốn nắm giữ quyền lực vô hạn. Nhưng điều đó chỉ làm cho công cuộc chuyển quyền tương lai thành bất ổn hơn. Mặc dù nguy cơ đối với Đảng CSTQ không nhất thiết sẽ dẫn đến những sáng lạn mà những người yêu thích tự do mong muốn, nhưng đến một lúc nào đó, ngay cả triều đại Cộng sản Trung quốc này cũng sẽ phải kết thúc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.