Xin tiền mua vắc xin, chính phủ ‘vòi dân’ hay ‘vì dân’?
Giữa lúc các ca lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lên tới nhiều ngàn, chính quyền đang cố gắng xin xỏ người dân, doanh nghiệp và bất cứ ai có tiền đóng góp cho quỹ mua vắc-xin.
Dù những người ủng hộ chính quyền sẵn sàng bao biện cho các quan chức mỗi khi có ý kiến nói Hà Nội chậm trễ trong việc mua và tiêm vắc-xin bảo vệ sức khoẻ cho người dân, các số liệu cho thấy Việt Nam chậm hơn các láng giềng ASEAN ở Đông Nam Á chứ chưa so với các nước đã tiêm được vắc-xin cho quá nửa số người lớn như Anh Quốc.
Theo một bài báo từ Malaysia, nước này đã tiêm xong hai mũi vắc-xin cho 3,5% dân số và 6,2% dân được tiêm một mũi tính tới đầu tháng Sáu so với con số 1,1% dân số mới được tiêm mũi đầu tiên ở Việt Nam.
Ngay tại nước rối loạn xã hội nghiêm trọng như Myanmar, số người được tiêm hai mũi vắc xin tính tới đầu tháng Sáu cũng là 2,3%, kém con số 3,9% của Indonesia nhưng nhiều hơn 1,6% của Thái Lan và 1,1% của Philippines.
Vậy nên có thể khẳng định Việt Nam không có những cố gắng đúng mức và đúng lúc để có vắc-xin sớm nhất có thể.
Lý do có thể là còn mải mê lo chuyện ghế ở Đại hội đảng, Quốc hội hoặc chủ quan cho rằng ta chống dịch giỏi thì chưa vội gì phải nghĩ tới vắc-xin. Thậm chí có người còn nói vì Việt Nam chống dịch giỏi quá nên các hãng sản xuất vắc-xin không ưu tiên.
Riêng chuyện phải tới bây giờ chính quyền mới đi xin tiền để mua vắc-xin cũng cho thấy họ không ý thức được chuyện cần tiêm vắc-xin sớm cho dân để xã hội có thể hoạt động bình thường.
Để so sánh với chuyện Việt Nam quyên tiền tiêu, Anh đã tiêu và cam kết cả trăm tỷ bảng trả tiền cho người lao động ngồi nhà và hỗ trợ cho người khó khăn tính tới hết tháng 9/2021, chưa kể tiền mua vắc-xin về tiêm hoàn toàn miễn phí cho dân. Còn tại Việt Nam, có nơi còn ra công văn chính thức yêu cầu đóng góp tiền rồi lại thu hồi công văn. Thật chẳng phải chính phủ vì dân mà là chính phủ vòi dân.
Nếu các quan chức Việt Nam luôn khiêm nhường và không tự vỗ ngực “Việt Nam đã bao giờ được như thế này chưa” và rằng khối nơi trên thế giới không bằng Việt Nam thì có thể hiểu được khi họ ngửa tay xin tiền mua vắc-xin.
Nhưng không, họ luôn ngạo nghễ bất chấp chuyện ném nhiều ngàn tỷ đồng tiền thuế thu của dân xuống sông xuống bể trong các vụ thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước, chưa kể những khoản khổng lồ từ ngân sách mất đi vì tham nhũng.
Chỉ riêng số lỗ ở Vinashin cách đây nhiều năm, chừng 13.500 tỷ đồng, cũng đã gần bằng một nửa số tiền trên 25.000 tỷ đồng Hà Nội ước tính họ cần để mua 150 triệu liều vắc-xin về tiêm cho khoảng 75 triệu số người lớn.
Còn gần đây hơn, khoản đội vốn ở tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, vốn đã chậm tiến độ nhiều năm và có những người dân tuyên bố sẽ không bao giờ dám đi, cũng đã đủ để mua chừng 60 triệu liều vắc-xin.
Với cách vận hành nặng về tiền và quan hệ như ở Việt Nam, việc phân phối vắc-xin cũng khó đảm bảo công bằng. Những người nhiều tiền, nhiều quan hệ có nhiều khả năng được tiêm vắc-xin sớm hơn kể cả khi rủi ro của họ không bằng những người nghèo hơn.
Nhìn vào con số thống kê của Ngân hàng Thế giới WB, thực tế người nghèo ở Việt Nam ngày càng bị bỏ lại sau dù đất nước có khấm khá lên.
Tổng thu nhập của 20% người nghèo nhất xã hội Việt Nam chiếm 7,8% tổng thu nhập quốc gia hồi năm 1990. Tới năm 2018 con số này chỉ còn 6,7%. Trong khi đó con số để so sánh của Thái Lan hồi năm 1990 là 5,9% và hồi năm 2018 là 7,2%.
Một vấn đề khác ở Việt Nam là người dân có thể bị chính quyền vào nhà bắn chết mà chẳng có ai có quyền đòi hỏi phải điều tra như trong vụ hạ sát đảng viên lâu năm Lê Đình Kình. Ở Anh ngay cả khi đã biết là khủng bố mười mươi, chứ không phải vu oan, người ta vẫn phải điều tra mỗi khi có vụ cảnh sát bắn chết người để đảm bảo những người được dân nuôi và trả tiền mua súng không lạm dụng quyền lực như báo vừa đưa hôm 10/6.
Thật không hiểu tính ưu việt mang tên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam nằm ở đâu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.