Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Việt Nam: “Muốn chống được dịch thì phải đàng hoàng”

 

Việt Nam: “Muốn chống được dịch thì phải đàng hoàng”

Jackhammer Nguyễn

30-5-2021

Ảnh chụp con đường vắng tanh ở khu Bàn Cờ sáng 30/5. Nguồn: Phúc Tiến

Sáng Chủ nhật, 30/5/2021, đường phố Sài Gòn vắng tanh như chiều 30 Tết, chỉ khác rằng đó không phải là Tết, mà là cơn đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở thành phố lớn nhất nước này.

Không chỉ Sài Gòn, mà ở Hà Nội và cả nước đang bị đợt bùng phát đại dịch lần thứ tư, kể từ đầu năm 2020, gieo rắc kinh hoàng.

Với những biện pháp khắc khe, Việt Nam đã kiểm soát được dịch trong năm 2020, nhưng điều đó không đủ để thoát khỏi cơn đại dịch thế kỷ này, vì Việt Nam không có thuốc chủng ngừa.

Việt Nam không có khả năng chế tạo thuốc, không có tiền để mua thuốc, và có lẽ cũng không đủ thân tình ngoại giao với các cường quốc khoa học để mà thủ đắc được thuốc cần thiết cho dân chúng của mình.

Những cái không có và không thể này của Việt Nam nhắc chúng ta nhớ tác phẩm Dịch hạch(La Peste) của nhà văn, nhà triết học Pháp Albert Camus. Trong đó ông viết như sau: Chẳng có kẻ nào là anh hùng cả (trong việc chống dịch) mà vấn đề nằm ở chỗ sự đàng hoàng. Nói ra thì có vẻ buồn cười, nhưng biện pháp duy nhất để chống dịch là sự đàng hoàng ( il ne s’agit pas d’héroïsme dans tout cela. Il s’agit d’honnêteté. C’est une idée qui peut faire rire, mais la seule façon de lutter contre la peste, c’est l’honnêteté).

Có nhiều chuyện không đàng hoàng ở Việt Nam, hoặc là liên quan trực tiếp với việc lây bệnh, hoặc là nguyên nhân sâu xa tạo nên những cái không có và không thể của Việt Nam.

Quốc hội Việt Nam là một tổ chức trang trí của Đảng cầm quyền, ai cũng biết điều đó, bởi có Quốc hội hay không, người dân cũng chẳng có ảnh hưởng gì cả. Thế nhưng, đảng Cộng sản Việt Nam đã bắt dân chúng xếp hàng đi bầu cử giữa cơn đại dịch. Đó là một chuyện không đàng hoàng mà chúng ta thấy rõ nhất.

Những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam đi tìm kiếm vaccine cho tới giờ này chưa mang lại kết quả gì cụ thể. Chính phủ Úc và chính phủ Hoa Kỳ có hứa hẹn và chỉ mới là hứa hẹn. Trong hơn hai chục năm qua, Việt Nam dùng lợi thế địa chính trị của mình để mặc cả với phương Tây trong cuộc cạnh tranh của họ với mối đe dọa trật tự thế giới từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Hà Nội lại là một kẻ đồng sàng dị mộng với phương Tây, cùng đối diện với sự đe dọa từ Trung Quốc, nhưng khác biệt hẳn những giá trị phổ quát về nhân quyền.

Việt Nam cần phương Tây ở thị trường hàng hóa, ở sự cân bằng đối trọng về lực với kẻ thù phương Bắc. Trong ngắn hạn phương Tây có thể bỏ qua chuyện nhân quyền nhưng khi gặp biến cố lớn, như đại dịch, và có thể là chiến tranh nữa, phương Tây không đặt ưu tiên cứu giúp của mình cho một kẻ không đàng hoàng về nhân quyền, không cùng chia sẻ những giá trị với họ, không giống như phương Tây đã và sẽ làm với Hàn Quốc, Đài Loan.

Nhưng chuyện không đàng hoàng lớn nhất là chuyện Hà Nội đối xử với dân chúng của mình bằng một chế độ độc tài công an trị, trong đó một kẻ bất tài như Phùng Xuân Nhạ có thể làm bộ trưởng bộ giáo dục, một ông già nông dân Lê Đình Kình chỉ vì tranh chấp đất đai mà bị hành quyết,… Với sự không đàng hoàng đó, Việt Nam không thể phát triển thành một quốc gia, có khả năng và có thể, hay sẽ mãi là một quốc gia không chịu phát triển (lời của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan) với những cái không có và không có thể mãi mãi.

Không phải chỉ có tiền bạc mà phương Tây thành công trong việc chế tạo ra vaccine trị đại dịch. Nếu xã hội phương Tây không đàng hoàng thì sẽ không có nhà khoa học người Mỹ gốc Hungary Koriko Katalin sáng chế kỹ thuật di truyền mRNA, sẽ không có hai vợ chồng nhà khoa học Đức gốc Thỗ Nhĩ Kỳ, ông Ugur Sahin và bà Ozlem Tureci, đưa kỹ thuật mRNA để chế tạo vaccine trị Covid-19 thành công. Chế độ Việt Nam hiện nay, dù đã có nhiều tiền của hơn trước, nhưng chắc chắn không có và không thể có những nhà khoa học này.

Tệ hơn, Việt Nam không có những nhà khoa học như vậy, nhưng lại có nào là Hồ Hữu Hòa, Nguyễn Phương Hằng, Võ Hoàng Yên, Võ Hoài Linh, Trịnh Xuân Thanh, Tô Lâm, … là những chỉ báo mục nát của xã hội.

Sự đàng hoàng của xã hội phương Tây làm cho nó thức tỉnh khi có những gã không đàng hoàng thao túng xã hội. Không phải đương nhiên mà Mỹ thành công trong việc chủng ngừa cho dân chúng của mình, họ chỉ làm được điều đó sau khi đã đuổi việc những kẻ không đàng hoàng, gian manh và bất tài như Donald Trump và các thành viên trong gia đình ông ta.

Phương Tây không phải là một xã hội hoàn hảo, nhưng nó có thể thức tỉnh, đối mặt với những câu chuyện đáng xấu hổ của quá khứ phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng xã hội, không phải như những kẻ vẫn xem như chuyện thảm sát Mậu Thân, thảm trạng thuyền nhân, tù cải tạo,… là không có thật.

Trong khi Sài Gòn đang bước vào lệnh giãn cách trong hai tuần lễ, những nguồn tin ngoại giao cho biết, Hà Nội đang tìm cách mua loại vaccine chủng ngừa dễ bảo quản là Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ, một giải pháp hợp lý nhất so với các loại vaccine Moderna hay Pfizer, khó bảo quản mà khó cạnh tranh với những quốc gia khác để mua. Hy vọng rằng những nhà ngoại giao ấy là những người đàng hoàng.

Nhưng cho dù có mua được vaccine J&J, đó cũng chỉ là một giải pháp tạm thời để đối phó với đại dịch hiện tại. Sẽ còn có những trận dịch trong tương lai, mà Việt Nam chỉ có thể đối phó với chúng bằng một chế độ đàng hoàng với dân chúng của mình.

Đầu đề bài này là câu trích dẫn Albert Camus, từng là người cộng sản. Những người cộng sản Việt Nam, thật sự hay chỉ trên danh nghĩa, nên biết một câu rất nổi tiếng trong Phật giáo, “quay đầu là bờ”. Không muộn đâu, nhưng không còn thời gian nữa.

Cầu mong bình an cho Việt Nam trong mùa Vesak năm 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.