Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Tin Biển Đông ngày 31-5-2021

 

Tin Biển Đông ngày 31-5-2021

BTV Tiếng Dân

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Trung Quốc kéo giàn khoan lớn nhất thế giới ra Biển Đông. Hoàn Cầu Thời báo dẫn nguồn tin từ Tổng công ty dầu khí Hải Dương TQ (CNOOC), thông báo, việc lắp đặt các thiết bị lên giàn khoan “Biển sâu số 1” đã hoàn tất vào ngày 29/5, đồng thời tuyên truyền rằng đây là giàn khoan khai thác nửa chìm nửa nổi đầu tiên lớn nhất thế giới. 

Giàn khoan “Biển sâu số 1” do TQ tự phát triển và tuyên bố là giàn khoan thuộc hàng lớn nhất thế giới. Ảnh: TT

CNOOC tiết lộ, TQ sẽ kéo giàn khoan “Biển sâu số 1” ra Biển Đông, ở khu vực lô khai thác khí đốt Lăng Thủy, ở ngoài khơi đảo Hải Nam vào đầu tháng 6 và bắt đầu khai thác. Ước tính mỗi năm, giàn khoan này có thể khai thác 3 tỉ m3 khí tự nhiên. CNOOC chính là chủ sở hữu giàn khoan HD-981 từng xâm phạm lãnh hải VN vào năm 2014. Về kích thước, giàn “Biển sâu số 1” lớn gấp 3 lần giàn HD-981.

VietNamNet đưa tin: Trung Quốc đột ngột tổ chức tập trận bắn đạn thật. Gần đây, TQ đột ngột tổ chức tập trận ở khu vực gần vịnh Bột Hải, nội dung tập trận thiên về hoạt động của bộ binh nhưng nhắm vào mục tiêu trên biển, là các bài tác chiến sử dụng pháo phản lực PHL-03 để “tiến hành các đợt phản công dồn dập, nhằm loại bỏ những mục tiêu tạo ra mối đe dọa trên biển”.

Sĩ quan Lý Ngọc phụ trách đơn vị tham gia cuộc tập trận thông báo: “Nhiệm vụ của chúng tôi là sử dụng hỏa lực nhắm bắn vào mục tiêu giả định, từ đó rút ra các phương pháp tác chiến, cũng như tiến thêm một bước trong việc chứng minh những cách đánh đó có mang tính khả thi hay không. Đồng thời, mục đích của các bài diễn tập cũng là để nghiệm chứng khả năng tác chiến của các hệ thống pháo phản lực tầm xa đối với những mục tiêu trên biển”.

VietNamNet chia sẻ video ghi lại cuộc tập trận bất thường của quân đội TQ, sử dụng pháo phản lực PHL-03 nhắm bắn mục tiêu trên biển:

RFA có bài: Trung Quốc với ý định ‘răn đe hạt nhân’ trên biển? Bài báo dẫn thông điệp “diều hâu” của TBT Hồ Tích Tiến, của Hoàn Cầu thời báo, ngày 27/5: “Tôi muốn nhắc lại rằng chúng ta có rất nhiều nhiệm vụ cấp bách, nhưng trong số những nhiệm vụ quan trọng nhất là tăng nhanh số lượng đầu đạn hạt nhân được đưa vào sử dụng, và tên lửa chiến lược DF- 41 có khả năng tấn công tầm xa trong kho vũ khí của Trung Quốc. Đây là nền tảng của khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ”.

Một quan chức Mỹ giấu tên bình luận với Reuters về quá trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của TQ: “Tốc độ và cách thức mà chính phủ Trung Quốc đang hiện đại hóa kho dự trữ của mình là đáng lo ngại, gây mất ổn định và cho thấy lý do tại sao nên đưa Trung Quốc vào khuôn khổ kiểm soát vũ khí toàn cầu”.

Infonet đặt câu hỏi: Trung Quốc sẽ ra sao khi Mỹ bố trí tên lửa ở Australia? Mỹ vừa tiết lộ kế hoạch bố trí vũ khí ở miền Bắc nước Úc, theo kế hoạch nhằm răn đe TQ ở khoảng cách ngoài tầm với của tên lửa Bắc Kinh. Mỹ dự kiến bố trí bom, đạn và các loại thiết bị quốc phòng ở vùng cực bắc của nước Úc, để các đồng minh của Hiệp ước An ninh Úc, New Zealand và Mỹ (ANZUS) có thể đối phó tốt hơn với sự đe dọa ngày càng gia tăng từ TQ.

Theo nguồn tin từ The Australian, ông Michael Goldman, đại sứ tạm thời của Mỹ tại Úc cho biết, các căn cứ của Mỹ ở Guam và các khu vực khác ở châu Á – Thái Bình Dương đều nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa đạn đạo TQ. Cho nên, Mỹ chọn triển khai thêm các cơ sở hạ tầng ở miền Bắc nước Úc, khu vực mà tên lửa TQ không thể vươn tới, còn tên lửa Mỹ vẫn có thể tấn công tới lãnh thổ TQ từ đây.

Báo Người Lao Động có bài: Úc và New Zealand “đoàn kết trước Trung Quốc”. Trong tuyên bố chung hôm nay sau cuộc họp tại New Zealand, các nhà lãnh đạo Úc và New Zealand cùng bày tỏ quan ngại về tình hình Hồng Kông, Tân Cương và biển Đông. Thủ tướng Úc Scott Morrison cảnh báo, nỗ lực chia rẽ Úc và New Zealand sẽ thất bại: “Những ai muốn chia rẽ Canberra và Wellington vì chính sách đối với Bắc Kinh sẽ không thành công”.

Thủ tướng Jacinda Ardern của New Zealand đồng tình, Úc và New Zealand “nhất quán trong việc duy trì quan điểm chặt chẽ và nguyên tắc về các vấn đề xung quanh thương mại và nhân quyền”. Bà Ardern nói thêm: “Trong một môi trường địa chiến lược ngày càng phức tạp, gia đình vô cùng quan trọng. Và Úc là gia đình”. Hai nhà lãnh đạo Úc và New Zealand cũng lưu ý các hoạt động quân sự của TQ ngày càng gia tăng ở Biển Đông.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Indonesia tăng gấp 3 lượng tàu ngầm để đối phó Trung Quốc. Nguồn tin từ báo The Nikkei của Nhật, cho biết, chính quyền Indonesia đang có kế hoạch mở rộng lực lượng tàu ngầm nước này lên gấp 3 lần quy mô hiện tại, nghĩa là tăng số tàu ngầm từ 4 chiếc lên 12 chiếc, nhằm đối phó với các hành động gây hấn của TQ, đồng thời gia tăng giám sát các vùng biển thuộc chủ quyền Indonesia trên Biển Đông.

Đại diện Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA) Wisnu Pramandita tiết lộ, Indonesia từng phát hiện một tàu thăm dò của TQ hoạt động gần quần đảo Natuna nhưng không bật hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Indonesia hiện đang trong quá trình đàm phán thỏa thuận hợp tác với Hàn Quốc để bổ sung số lượng tàu ngầm.

VTC đưa tin: Philippines gửi tròn 100 công hàm phản đối Trung Quốc. Bà Ivy Banzon-Abalos, quan chức phụ trách về truyền thông chiến lược của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Chúng tôi đã nộp 99 công hàm phản đối (Trung Quốc), tính đến ngày 28/5/2021”. Công hàm thứ 100 là công hàm của Bộ Ngoại giao Philippines phản đối “việc triển khai không ngừng, sự hiện diện kéo dài và các hoạt động bất hợp pháp” của các tàu TQ ở ngoài khơi đảo Thị Tứ.

Từ tháng trước, Philippines gửi các công hàm phản đối hầu như mỗi ngày, nhằm phản đối TQ triển khai bất hợp pháp hàng trăm tàu “dân quân biển” ở khu vực đá Ba Đầu, nằm gần đảo Sinh Tồn Đông trong quần đảo Trường Sa. Bất chấp nỗ lực phản đối của Philippines, TQ đã tăng số tàu dân binh quanh Đá Ba Đầu từ khoảng 200 lên gần 300.

VTC có clip: Philippines phản đối Trung Quốc liên tục triển khai tàu ở Biển Đông.

Mời đọc thêm: Ngoại giao chiến hạm – thông điệp NATO gửi tới Trung Quốc (Tin Tức). – ‘Trung Quốc không thể xen giữa Úc và New Zealand’ (PLTP). – Australia-New Zealand ‘lên cót’ cho nhau làm vai trò đầu tàu rộng lớn hơn ở Thái Bình Dương (TG&VN). – Hai mục tiêu của Anh khi điều tàu sân bay đến châu Á (VNE).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.