Phản biện bài báo của GS Nguyễn Phú Trọng (Phần 1)
Nguyễn Đình Cống
2-6-2021
I- Giới thiệu
Ngày 17/5/ 2021, các báo ở Việt Nam đồng loạt đăng bài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (gọi tắt là Bài báo). Bài báo ký tên Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài báo dài 8180 chữ, trình bày liền một mạch, có thể phân thành 10 đoạn với tiêu đề do tôi đặt như sau:
Đoạn 1- Đặt vấn đề với 4 câu hỏi về CNXH và xây dựng CNXH ở VN: 610 chữ
Đoạn 2- Nhận xét chủ nghĩa tư bản: 1080 chữ.
Đoạn 3- Việt Nam cần xây dựng XHCN: 1149 chữ.
Đoạn 4- Điểm qua những việc cần làm: 437 chữ.
Đoạn 5- Kinh tế thị trường định hướng XHCN: 703 chữ.
Đoạn 6- Phát triển văn hóa: 304 chữ.
Đoạn 7- Nhà nước pháp quyền XHCN: 537 chữ.
Đoạn 8- Xây dựng Đảng: 400 chữ.
Đoạn 9- Thành tích và tồn tại của thời kỳ 35 năm đổi mới: 1929 chữ.
Đoạn 10- Thời kỳ quá độ: 984 chữ.
Bài báo đã được sự quan tâm của báo chí cả hai phía, lề Đảng và lề Dân; của người trong nước và ở nước ngoài.
Nhiều báo lề Đảng không những đăng toàn văn mà còn rất nhiều bài hưởng ứng, ca ngợi lên tận mây xanh, cho rằng bài báo có tính khoa học và tính thực tiễn rất cao. Rất nhiều bài, không thể kể hết.
Báo lề Dân cũng khá kịp thời đăng một số bài phản biện. Chỉ trong vài ba ngày từ 18 tháng 5 đã có các bài của Phạm Trần, Lưu Trọng Văn, Đào Tiến Thi, Âu Dương Thệ, Nguyễn Mạnh Hùng, Tô Văn Trường, Nguyễn Tô Hiệu, Hoàng Dũng, Nguyễn Ngọc Chu, Hải Triều… Đài RFA và BBC cũng đã có vài bài bình luận. Ngoài ra một số trí thức quan tâm thời cuộc cũng có những trao đổi liên quan đến Bài báo như Nguyễn Khắc Mai, Mạc Văn Trang, Nguyễn Ngọc Lanh, Chu Hảo, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Trung, Phạm Xuân Đại.
Viết bài này, tôi trình bày những suy nghĩ của cá nhân, trong đó có một số ý kiến trùng với các tác giả kể trong đoạn trên. Xin cám ơn các vị đã kịp thời nêu ra những nhận xét đúng, sắc sảo và xin thông cảm với những ý trùng nhau. Để tránh bài quá dài tôi không trích dẫn bài của các vị, tôi không cố tình đạo văn của các vị.
II- Nhận xét chung về Bài báo
Ký tên Bài báo bắt đầu bằng Giáo sư, Tiến sĩ. Ghi như thế phải chăng có ý nhấn mạnh rằng đây là một “Bài báo khoa học” của một nhà khoa học? Trên tinh thần xem là Bài báo khoa học mà tôi viết những lời trao đổi, có tính phản biện, với một giáo sư, tiến sĩ.
Tuy cho rằng đây là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp, nhưng nhìn chung, Bài báo không có gì mới mà nhiều chỗ còn bị nhầm lẫn hoặc ngụy biện. Trừ đoạn 1 và đoạn 2, nội dung chủ yếu của các đoạn còn lại là những điều đã có trong văn kiện Đại hội 13 ĐCSVN. Văn kiện này được xem là công trình của một tập thể.
Nếu như tác giả công bố Bài báo trước khi có văn kiện thì ý nghĩa bản quyền tác giả của nó được công nhận vì có thể cho rằng đó là cơ sở để lập văn kiện. Nhưng khi Bài báo được công bố sau văn kiện thì bản quyền của tác giả đã bị mất gần như hoàn toàn. Ở đây chỉ đề cập bản quyền mà chưa bàn đến nội dung.
Viết bài này tôi không bàn đến các văn kiện ĐH Đảng, mà chỉ bàn đến những khía cạnh khoa học của một bài báo, có chỗ nào đụng chạm đến ông Trọng thì đó là đụng đến ông Giáo sư Tiến sĩ, không liên quan gì đến ông Tổng Bí thư.
III- Bốn câu hỏi
Bài báo nêu ra bốn câu hỏi rồi lần lượt trả lời. Sẽ xin phân tích, bình luận, phản biện từng ý trong nội dung của các trả lời và của vài câu hỏi.
Câu 1- Chủ nghĩa xã hội là gì?
GS Trọng đưa ra mấy ý sau: “Chủ nghĩa xã hội thường được hiểu với ba tư cách: chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ….Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác – Lênin trong thời đại ngày nay”. Thế rồi Bài viết trình bày:
“Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
Phải chăng đoạn vừa nêu là một định nghĩa để trả lời câu hỏi Chủ nghĩa xã hội là gì? Không phải! Định nghĩa phải ngắn gọn, súc tích, không dài lê thê như thế. Bài viết ghi rằng đó là nhận thức tổng quát. Thật ra đoạn trên là mô tả một số tính chất. Cũng có thể dùng mô tả để định nghĩa bằng cách chỉ ra những dấu hiệu bản chất, nhưng mô tả như trên là ngụy biện chứ không phải định nghĩa. Vì sao?
Vì định nghĩa, nhận thức hay mô tả thì cũng phải dựa vào cái có thật. Mà CNXH theo học thuyết Mác Lê là chưa có thật, chưa tồn tại. Liên Xô và Đông Âu đang xây giữa chừng thì sụp đổ. Nó mới chỉ có trong tưởng tượng của một số người. Với những thứ như thế người ta chỉ có thể dự đoán chứ không thể đưa ra một định nghĩa hoặc mô tả có tính khẳng định.
Đây là việc đánh tráo khái niệm ở chỗ đem những phán đoán, những mong ước về một xã hội chưa hiện hữu thành điều khẳng định, có thật, biến một dự báo thành định nghĩa. Đó là cách làm không phải dựa vào khoa học mà dựa vào cảm tính. Trong những nguyên tắc định nghĩa khái niệm không hề có nguyên tắc dựa vào dự đoán.
Giả dụ như mọi người đã công nhận rằng Liên Xô hay một nước nào đó đã xây dựng thành công CNXH (trước khi sụp đổ) rồi mô tả thực trạng của nước đó thì mô tả là được chấp nhận.
Bài báo lưu ý CNXH khoa học theo học thuyết Mác Lê và là một chế độ, phải chăng để phân biệt rạch ròi với một phong trào có tên Quốc tế XHCN. Phong trào này bao gồm trên một trăm đảng chính trị tại nhiều nước, phần lớn là các đảng xã hội theo Quốc tế đệ nhị. Ngoài ra cũng để phân biệt với danh xưng XHCN mà một số người gán cho các nước Bắc Âu, nơi có cuộc sống tự do hạnh phúc cho mọi người. Thật ra Bắc Âu gồm một số nước theo Xã Hội Dân Chủ.
Cũng cần nói rằng, học thuyết của Mác nhằm xây dựng Chủ nghĩa cộng sản với việc công hữu hóa toàn bộ nền sản xuất và mọi người “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Theo Mác Lê thì CNXH là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản.
Câu 2- Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN?
Bài báo ghi rõ: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Từ Việt Nam trong câu hỏi chứa ẩn sự khái quát thiếu rõ ràng. Nếu đó là câu nói của bài báo bình thường thì cũng chấp nhận được, nhưng viết trong bài báo khoa học thì không có được sự chính xác cần thiết.
Việc lựa chọn không thể do một Việt Nam chung chung. Tổ quốc VN, đất nước VN không lựa chọn gì hết. Việc lựa chọn là do con người, bắt đầu bởi một số ít những người lãnh đạo ĐCS, từ Đảng truyền cho Chính quyền do họ lập ra. Từ Đảng và Chính quyền áp đặt cho dân chứ dân làm gì có điều kiện để lựa chọn. Ngay trong Đảng, đa số đảng viên cũng chẳng biết gì mà lựa chọn, họ chủ yếu nói theo, làm theo các cấp lãnh đạo.
Viết Việt Nam lựa chọn là cách đồng nhất một vài người (thậm chí một người) với Đất nước.
Thử xem Dân Việt Nam đã lựa chọn hay bị áp đặt CNXH như thế nào, họ đã khát vọng như thế nào hay điều đó chỉ là sự bịa đặt và gán ghép. Muốn biết ý của dân thì tốt nhất là tổ chức điều tra hoặc trưng cầu dân ý một cách thật sự khoa học. Điều này chưa ai làm.
Nếu ở VN có cuộc điều tra xã hội học hoặc trưng cầu dân ý do Mặt trận Tổ quốc tổ chức, với câu hỏi: “Bạn có đồng ý chọn CNXH hay không” thì sẽ có một số người trả lời có, và khi có gian lận trong điều tra thì có thể đạt đến con số gần 100% người được hỏi trả lời có. Thế rồi nói rằng dân VN có khát vọng CNXH là không đúng. Tại sao vậy? Tại vì “đồng ý chọn” và “khát vọng” là khác nhau khá xa về mức độ, hơn nữa kết quả nhận được là không đáng tin vì người làm điều tra của Mặt trận, do sự chỉ đạo của Đảng sẽ không tránh khỏi thiên vị.
Dân có nhiều tầng lớp với những quyền lợi và nhu cầu khác nhau. Có thể chia thành ba tầng lớp: Tầng lớp được ưu đãi, tầng lớp bình dân và tầng lớp bậc trung.
Tầng lớp được ưu đãi có quyền lợi gắn chặt với chế độ và Đảng, họ theo Đảng một cách không suy xét. Hỏi tại sao chọn CNXH, đa số trả lời rằng họ có chọn đâu mà Đảng chọn, còn họ chỉ biết theo Đảng. Tầng lớp này chỉ chiếm số ít trong toàn dân.
Tầng lớp bình dân gồm số đông, nhu cầu của họ là được yên ổn làm ăn và sinh sống, họ sợ và phục tùng chính quyền, họ chủ yếu nói theo những điều do chính quyền dạy bảo, họ rất coi trọng quyền lợi vật chất nên rất mừng rỡ, sung sướng khi đời sống vật chất được cải thiện, dù chỉ chút ít, họ ít có nhu cầu về tự do dân chủ, họ làm việc và đóng thuế cho bất kỳ chính quyền nào đang quản lý xã hội. Nói rằng họ có khát vọng xây dựng CNXH là suy luận có tính gán ghép. Tuyên truyền cho họ rằng sẽ có một xã hội, gọi là XHCN, rất tốt đẹp về mọi mặt, nào là vật chất không những đầy đủ mà dư thừa, muốn gì có nấy, hưởng theo nhu cầu, mọi người tự do, muốn làm gì thì làm theo năng lực v.v… Tuyên truyền thế rồi hỏi họ thích không. Họ trả lời rất thích, nhưng đó là rất thích sự tốt đẹp chứ không phải thích cái chưa có là XHCN. Sự lập lờ đánh lận là ở chỗ này.
Tầng lớp bậc trung (trung lưu) có nhu cầu cao về tự do, dân chủ, trong đó quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do phản biện. Họ nhạy cảm với những áp đặt tư tưởng. Trong họ, có những người phản biện, bất đồng chính kiến bị quy là “thế lực thù địch”, bị đàn áp. Tầng lớp bậc trung là một trong những động lực phát triển xã hội, trước đây bị quy thành phần tư sản, địa chủ, tiểu tư sản. Địa chủ và tư sản là đối tượng bị cách mạng vô sản đánh đổ, tiểu tư sản cần được cải tạo. Khi hỏi tầng lớp này có thích CNXH không, thì đa số sẽ trả lời không.
Nhân dân VN gồm cả ba tầng lớp trên, có một khát vọng chung là được sống trong hòa bình, có được tự do, hạnh phúc. Khi nhân dân theo Việt Minh làm Cách mạng tháng Tám thì đã có ai nói gì, biết gì về CNXH đâu. Như vậy, nếu dựa vào kết quả cuộc điều tra giả định như mô tả ở trên mà viết rằng CNXH là khát vọng của nhân dân đã là một điều không thực, còn thực tế, không điều tra, không khảo sát gì cả, chỉ nghe theo lời của một số kẻ xu nịnh mà đưa ra kết luận chắc nịch là một sự tưởng tượng mang tính bịa đặt.
Lúc còn sống, Hồ Chí Minh thỉnh thoảng có nói đến CNXH, nhưng cho rằng ông lựa chọn CNXH là một suy đoán. Tìm trong bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập không thấy được ông lập luận về xây dựng XHCN như thế nào. Tuyên ngôn độc lập và Di chúc không đả động đến việc lựa chọn CNXH. Mặc dù trong Di chúc có viết “Đi thǎm và cảm ơn các nước anh em trong phe XHCN”, và “Đảng cần đào tạo họ (thanh niên) thành những người thừa kế xây dựng CNXH…”, nhưng Di chúc kết thúc bởi câu: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh là: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong ham muốn tột bậc của ông không thấy bóng dáng của CNXH.
Có thể nói rằng Hồ Chí Minh buộc phải chấp nhận CNXH chứ không vui sướng lựa chọn nó như người ta cố tình gán ghép. Khi được hỏi về CNXH ông nói: “CNXH là làm sao cho dân giàu, nước mạnh, đồng bào sung sướng, là một xã hội quyền lực thuộc về nhân dân”. CNXH theo cách của Hồ Chí Minh khác xa với CNXH mà toàn bộ quyền lực nằm trong tay Đảng CS.
Bài báo dẫn câu: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.
Phải chăng câu đó là chân lý? Không, không thể. Nếu thế thì giải thích thế nào về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của hàng trăm nước trên thế giới không XHCN, về cuộc sống tự do hạnh phúc của nhiều nước không theo chế độ cộng sản (như các nước Bắc Âu, Singapore, Bhutan v.v…). Với các nước trong Liên Xô cũ và khối Đông Âu, khi còn phe XHCN thì họ ít nhiều phụ thuộc vào Mạc Tư Khoa, nhưng khi phe XHCN tan rã thì tất cả các nước giữ trọn vẹn độc lập của mình.
Không phải cứ được tôn sùng là lãnh tụ thì nói câu gì cũng đúng. Riêng câu trên là phạm lỗi về logic.
Như vậy với câu hỏi: Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường XHCN? Câu trả lời đúng phải là phủ định. Nhân dân VN không có khát vọng, không lựa chọn XHCN, Hồ Chí Minh không chủ động lựa chọn, toàn Đảng không lựa chọn mà chỉ có một vài người lựa chọn rồi tuyên truyền, rồi áp đặt cho toàn Đảng, toàn dân. Sự lựa chọn này là có thể chấp nhận khi Liên Xô tồn tại, vạch đường, ta chủ yếu đi theo. Sau khi Liên Xô sụp đổ, lãnh đạo ĐCSVN vì mắc vào âm mưu của Trung Cộng, cố giương cao ngọn cờ tiên phong của cách mạng vô sản để vạch đường chỉ lối cho các dân tộc khác.
Với những đất nước hùng cường như Mỹ, Nga, Trung Quốc mà lãnh đạo của họ có ý tưởng vạch đường chỉ lối thì còn có thể chấp nhận. Với đất nước VN mà một số người vẫn muốn đi tiên phong giương cao cờ cách mạng, muốn vạch đường chỉ lối cho các nước khác thì đó là việc quá sức.
Xin nhắc lại, không phải ĐCSVN, càng không phải dân tộc VN lựa chọn mà chỉ một vài người lựa chọn CNXH. Lựa chọn như vậy đúng hay sai? Những người lựa chọn và áp đặt cho người khác thì bảo là đúng. Những người bất đồng, phản biện cho là sai, quá sai, họ phê phán những người đem CNXH áp đặt vào VN là đã xem cả dân tộc như chuột bạch để làm thí nghiệm tìm đường đi cho lịch sử. Cuộc đại thí nghiệm này đã đẩy đất nước VN vốn có Thiên thời, Địa lợi, lâm vào cảnh gian nan, phải trả giá rất đắt cho việc giành độc lâp, thống nhất, xây dựng kinh tế. Thật ra CNXH ở VN chủ yếu đem lại niềm tự hào cho lãnh đạo ĐCS, đem lại giàu có lớn cho một số ít người trong các nhóm lợi ích trong khi khá đông những phần tử tinh hoa của dân tộc bị kìm hãm chỉ vì có tư tưởng tự do và tính cách trung thực, dám nói ra vài sự thật mà những người khác muốn giấu giếm.
Trên đây lập luận với giả định rằng CNXH là cái đích cần đến để lựa chọn hay không. Nhưng theo Mác Lê thì CNXH chỉ là giai đoạn đầu của Chủ nghĩa cộng sản (CNCS). Như vậy thì không phải là lựa chọn CNXH mà phải là lựa chọn CNCS. Khi đã lựa chọn CNCS thì bắt buộc phải thực hiện CNXH là giai đoạn đầu của nó. Nhưng tại sao lãnh đạo ĐCS không nói thẳng ra là họ lựa chọn CNCS mà nói tránh thành lựa chọn CNXH. Phải chăng đây là một mưu lược tạm thời, vì đại đa số người dân, trong khi buộc phải chấp nhận sự tồn tại của ĐCS thì không tin vào CNCS.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.