Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Phải chăng một phát minh hữu ích trong phòng chống COVID-19 bị thờ ơ?

 

Phải chăng một phát minh hữu ích trong phòng chống COVID-19 bị thờ ơ?

Lưu Trọng Văn 

Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và trong nhà

TS Đỗ Hoàng Tùng khẳng định trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam của Bộ KH&CN như sau: 

"Ứng dụng plasma, đặc biệt là plasma lạnh đang là hướng nghiên cứu được quan tâm trên thế giới. Các nghiên cứu đã công bố cho thấy, plasma lạnh có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như bảo quản thực phẩm, chế tạo linh kiện điện tử, xử lý bề mặt sơn phủ... và đặc biệt là trong y học. Thậm chí nhiều ý kiến còn đánh giá việc ứng dụng plasma là một trong những bước tiến của y học thế kỷ XXI."

Tại Nga có một viện nghiên cứu ứng dụng plasma- dạng vật chất thứ tư này, do Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Sỹ một nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng ở Nga chủ trì. 

Theo thông tin của các tạp chí khoa học Nga và Việt Nam:

"Năm 2020 giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, nhóm nghiên cứu của GSTS Nguyễn Quốc Sỹ đã thành công trong việc phát minh hệ thống khử khuẩn bề mặt trên diện rộng bằng plasma lạnh.

Hệ thống thử nghiệm này có buồng khử khuẩn, trong đó lắp các đầu plasma lạnh có nhiệm vụ cung cấp một lượng ion rất lớn để diệt virus, khử khuẩn bề mặt cho người và đồ vật, hoa quả thực phẩm... Lượng ion này được tạo ra bởi nước và không khí, không hề có chút hoá chất nào. "

Nhiều chuyên gia khoa học đánh giá đây là phát minh mới chưa từng có trên thế giới trong việc khử khuẩn bề mặt trên diện rộng và trên cơ thể người bằng plasma lạnh, trong điều kiện áp suất khí quyển và nhiệt độ thường. 

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC - 135 Lò Đúc, Hà Nội), công nghệ này khử khuẩn đạt cấp độ tiệt trùng, nghĩa là diệt 100% số lượng vi khuẩn là 10^7 vi khuẩn/ml dung dịch cấy khuẩn trong thời gian từ 40’’ đến 3’.

Phát minh này mở ra một hướng đi mới trong phòng chống COVID-19, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khen ngợi và giới thiệu cho Bộ KH & CN, Bộ TN-MT, Bộ Y tế xem xét để đưa vào thực tiễn công cuộc chống dịch từ năm ngoái. Nhưng không rõ lý do gì phát minh quan trọng trong việc diệt khuẩn trên lại chậm đưa vào ứng dụng ở Việt Nam?

Trước tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. HCM... rất nghiêm trọng GSTS Nguyễn Quốc Sỹ cùng nhóm nghiên cứu của mình đã gửi thư khẩn kiến nghị đến tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, mong phát minh này được sớm đưa vào đời sống, trực tiếp tham gia dập dịch và chống lây nhiễm chéo trên diện rộng ở những khu vực đông người như trong bệnh viện, các khu công nghiệp, sân bay, cửa khẩu... 

Các nhà khoa học gốc Việt ở Nga hy vọng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long một lần nữa yêu cầu các cơ quan chức năng của Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, phản biện minh bạch về công nghệ diệt virus covid này để trả lời cho các nhà khoa học. Nếu công nghệ có hiệu quả thì xúc tiến sớm đưa vào đời sống.

Uỷ ban Người VN ở nước ngoài cũng vừa có công văn gửi các bộ liên quan đốc thúc việc này.

Có thể là hình ảnh về văn bản

Chống dịch như chống giặc. Có thể chúng ta có công nghệ của mình chống dịch, vì lẽ này lẽ nọ sao lại thờ ơ?

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.